Bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng khi hành nghề luật sư là gì? Nguyên tắc bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng là một trong những nguyên tắc quan trọng được nêu trong bộ quy tắc đạo đức và ứng xử hành nghề luật sư Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng luật sư toàn quốc. Dưới đây công ty luật Nhân Hậu sẽ phân tích quy tắc này một cách chi tiết để các bạn có thể hiểu rõ được thế nào là bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Nguyên tắc bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng khi hành nghề luật sư
Tại quy tắc số 5 ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ quy định: “Luật sư có nghĩa vụ tận tâm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng theo quy định của pháp luật và Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam”.
Như vậy, nguyên tắc bảo vệ quyền lợi tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng là nghĩa vụ khi hành nghề luật sư, nghĩa vụ này có thể được hiểu như sau:
Thứ nhất, không làm cho tình trạng của khách hàng trở nên xấu hơn
Để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng thì trước tiên luật sư không được làm cho tình trạng của khách hàng trở nên xấu đi, nghĩa là khi nhận vụ việc từ khách hàng, luật sư cần tôn trọng sự thật khách quan của vụ việc, tuyệt đối không được tạo ra các tình huống xấu có thể ảnh hưởng đến khách hàng nhằm mục đích yêu cầu thêm chi phí hoặc buộc khách hàng phải cho mình các khoản khoản lợi ích khác.
Tại quy tắc 9.4 trong bộ quy tắc ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ cũng quy định hành vi “Tạo ra hoặc lợi dụng các tình huống xấu, những thông tin sai sự thật, không đầy đủ hoặc bất lợi cho khách hàng để gây áp lực nhằm tăng mức thù lao đã thỏa thuận hoặc có được lợi ích khác từ khách hàng” là một trong những việc luật sư không được làm trong quan quan hệ với khách hàng.
Thứ hai, quyền và lợi ích của khách hàng đó phải là hợp pháp
Khi nhận vụ việc của khách hàng, luật sư cần nhận định, phân tích và đánh giá xem yêu cầu của khách hàng có hợp pháp hay không, có chính đáng hay không, từ đó mới đưa ra quyết định nhận hay từ chối yêu cầu của khách hàng.
Ví dụ: Khi khách hàng sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư để lách luật trốn thuế. Rõ ràng trong trường hợp này, việc trốn thuế (không đóng thuế hoặc đóng thuế ít nhất) là mục đích cao nhất của khách hàng, có thể thấy được đó cũng chính là quyền lợi tốt nhất của khách hàng, nhưng quyền lợi này lại không hợp pháp.
Trên thực tế có rất nhiều trường hợp khách hàng nhờ luật sư thực hiện một dịch vụ pháp lý nhưng khách hàng che dấu một động cơ cho một ục đích không chính đáng, trái quy định pháp luật. Do đó, khi tư vấn khách hàng, luật sư cần hết sức cẩn thận nghiên cứu và xem xét tính chất vụ việc có vi phạm pháp luật hay không.
Trong trường hợp yêu cầu của khách hàng là không chính đáng, vi phạm quy định pháp luật thì luật sư phải từ chối nhận vụ việc từ khách hàng, đồng thời bên cạnh đó luật sư còn có nghĩa vụ phải tố giác tội phạm nếu có căn cứ có dấu hiệu về tội phạm.
Thứ ba, luật sư không phân biệt đối xử với khách hàng
Khi tham gia vụ việc của khách hàng, đặc biệt là khi tham gia bào chữa cho khách hàng là những đối tượng bị xã hội lên án (tội giết người, hiếp dâm,…) thì luật sư cần bỏ qua mọi định kiến xã hội, bỏ qua những bình luận trên mạng xã hội, bỏ qua dư luận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng.
Khi vướng vào vòng lao lý, khách hàng là người đang bị truy tố và có thể nói được là người bị động, tâm lý đang hoang mang, do đó nếu luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho khách hàng thì cần tôn trọng sự thật khách quan, tuyệt đối không theo mang theo những suy nghĩ cá nhân làm ảnh hưởng đến quá trình bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho khách hàng.
Ví dụ: Trước khi xét xử vụ án giết người, hiếp dâm trẻ em dưới 12 tuổi. Dư luận phản ánh gay gắt về hành vi của anh A, trên mạng xã hội đều bình luận và lên án hành vi của A. Trong đó có rất nhiều bình luận về việc luật sư bào chữa cho A, đa số đều chửi mắng luật sư tham tiền, tội phạm hiếp dâm, giết người như vậy mà cũng nhận bào chữa,… Khi đọc được những bình luận và phản án của dư luận như vậy, luật sư bào chữa cho A phải hết sức cẩn thận, bỏ qua mọi dư luận xã hội, bỏ qua định kiến cá nhân thì mới có thể sử dụng biện pháp nghiệp vụ và kinh nghiệm để bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho khách hàng của mình.
Trên thực té, dù cho luật sư có rất ghét tội giết người, hiếp dâm đi chăng nữa thì khi tham gia bào chữa, luật sư phải bỏ qua định kiến cá nhân, gạt bỏ mọi định kiến xã hội thì mới có thể phát huy được tất cả kinh nghiệm, kỹ năng của mình.
Thứ tư, luật sư phải tận tâm với công việc để bảo vệ quyền lợi của khách hàng
Luật sư phải tận tâm với công việc, sử dụng kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp, cùng những biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng.
Khi tham gia vụ việc của khách hàng, luật sư phải tận tâm với công việc, tận tâm ở đây không có nghĩa là “bằng mọi giá” để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, mà phải sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ cho khách hàng.
Tận tâm là việc Luật sư làm việc bằng cả tấm lòng, xem vụ việc đó như vụ việc của chính mình để thực hiện công việc một cách có tâm huyết nhất. Để làm được điều đó, luật sư cần phải bỏ thời gian và công sức để nghiên cứu vụ việc của khách hàng, vận dụng kỹ năng và kiến thức pháp luật để làm sao bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng một cách cao nhất.bNgoài ra, Luật sư cũng cần có kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, chủ động, tích cực nâng cao trình độ chuyên môn.
Luật sư khi hành nghề có rất nhiều nghĩa vụ khác nhau, không chỉ có nghĩa vụ đối với khách hàng, mà còn có nghĩa vụ đối với nhà nước, xã hội, nghề luật sư và cả những luật sư là đồng nghiệp của mình. Trong quá trình hành nghề, luật sư sẽ phải luôn tuân thủ các quy định pháp luật và chuẩn mực mà bộ quy tắc đã ban hành.
Khi tham gia vụ việc bằng hợp đồng dịch vụ pháp lý, luật sư phải luôn luôn nhớ nguyên tắc bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, đây là quy tắc rất quan trọng trong bộ quy tắc ứng xử và đạo đức hành nghề luật sư Việt Nam, giúp khách hàng bảo vệ được quyền lợi của họ, cũng là giúp chính luật sư đạt được sự thành công trong sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân như quy tắc số 1 đã nêu.
3 comments
Đọc thêm: Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam mới nhất
Đọc thêm: Các kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự của luật sư
Đọc thêm: Luật sư có được ký hợp đồng hứa thưởng không? - Công ty luật Nhân Hậu