Home / Hoạt động nghề nghiệp / Nghĩa vụ giữ bí mật của luật sư đối với khách hàng

Nghĩa vụ giữ bí mật của luật sư đối với khách hàng

Theo quy định pháp luật, luật sư có nghĩa vụ phải giữ bí mật thông tin khách hàng, điều này được quy định rõ trong Bộ luật dân sự, Luật luật sư, Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Việt Nam. Dưới đây công ty luật Nhân Hậu sẽ phân tích quy định nghĩa vụ giữ bí mật của luật sư đối với khách hàng theo quy định hiện hành mới nhất hiện nay.

Nghĩa vụ giữ bí mật của luật sư đối với khách hàng

Nghĩa vụ giữ bí mật của luật sư đối với khách hàng

– Tại khoản 4 Điều 38 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác” 1.

Khoản 2 Điều 387 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thông tin trong giao kết hợp đồng như sau: “Trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác” 2.

Bên cạnh đó, tại khoản 5 Điều 517 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Bên cung cấp dịch vụ có nghĩa vụ “Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định” 3.

Ngoài ra, tại khoản 4 Điều 565 Bộ luật dân sự 2015 quy định, bên được ủy quyền có nghĩa vụ phải “Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện việc ủy quyền” 4.

Trên thực tế, dịch vụ pháp lý của luật sư cung cấp cho khách hàng là một giao dịch dân sự. Theo đó, khi cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng bằng hình thức nhận ủy quyền để thực hiện các thủ tục hành chính hoặc tham gia tố tụng, luật sư có nghĩa vụ phải giữ bí mật thông tin của khách hàng mà mình biết được trong khi thực hiện vụ việc và cả sau khi thực hiện vụ việc, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc các trường hợp khác mà pháp luật có quy định.

– Tại điểm c khoản 1 Điều 9 Luật luật sư quy định cấm luật sư có hành vi “Tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác” 5.

+ Trường hợp được khách hàng đồng ý: Trong một số trường hợp khách hàng đồng ý cho luật sư cung cấp thông tin, tiết lộ bí mật nhưng phải lập thành văn bản thì luật sư được phép tiết lộ thông tin cho bên thứ 3 mà không vi phạm pháp luật. Chẳng hạn như đối với vụ việc mà khách hàng thuê luật sư yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vụ việc lừa đảo dùng thủ đoạn tinh vi cho nên khách hàng và luật sư thỏa thuận với nhau sẽ cung cấp thông tin cho báo chí để cảnh giác cho cộng đồng tránh bị lừa đảo tương tự. Đây là một thỏa thuận nhân văn vì lợi ích của cộng đồng cho nên không vi phạm pháp luật.

+ Trường hợp pháp luật có quy định khác: Tại khoản 3 Điều 19 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2021 quy định: “Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa” 6. Theo đó, trường hợp luật sư biết được khách hàng phạm tội quy định tại Chương XIII Bộ luật hình sự thì có trách nhiệm phải cung cấp thông tin về việc phạm tội của khách hàng cho cơ quan chức năng, trường hợp này luật sư không vi phạm nghĩa vụ giữ bí mật thông tin khách hàng.

Xem chi tiết bài phân tích những trường hợp luật sư được tiết lộ thông tin bí mật của khách hàng mà không vi phạm quy định pháp luật để hiểu rõ hơn về các trường hợp ngoại lệ này.

– Tại quy tắc số 7 (về việc giữ bí mật thông tin) trong Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam quy định:

“Quy tắc 7. Giữ bí mật thông tin

7.1. Luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và sau khi đã kết thúc dịch vụ đó, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc theo quy định của pháp luật.

7.2. Luật sư có trách nhiệm yêu cầu các đồng nghiệp có liên quan và nhân viên trong tổ chức hành nghề của mình cam kết không tiết lộ những bí mật thông tin mà họ biết được và luật sư có trách nhiệm giải thích rõ nếu tiết lộ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” 7.

Như vậy, căn cứ theo quy định tại các Điều 38, 387, 517, 565 Bộ luật dân sự 2015, Điều 9 Luật luật sư và Quy tắc số 7 trong Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam thì Luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin khách hàng, nếu vi phạm thì tùy theo tính chất có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư tiết lộ thông tin bí mật của khách hàng bị xử lý như thế nào?

– Bị xử lý kỷ luật

Tại Điều 85 Luật luật sư 2015 quy định, nếu luật sư vi phạm quy định pháp luật về luật sư, Điều lệ liên đoàn luật sư Việt Nam, vi phạm Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam thì tùy vào tính chất mức độ vi phạm mà có thể bị xem xét xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức sau: Khiển trách, cảnh cáo, tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn luật sư từ 6 tháng đến 24 tháng, xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư.

Thông thường, nếu như luật sư tiết lộ bí mật của khách hàng khi chưa được sự đồng ý của khách hàng, không thuộc trường hợp khách hàng phạm tội thuộc Chương XIII Bộ luật hình sự 2015 nếu bị phát hiện hoặc có đơn tố giác, khiếu nại thì chắc chắn sẽ bị xử lý kỷ luật.

Đối với trường hợp bị xử lý kỷ luật đối với luật sư sẽ “thuộc thẩm quyền của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư theo đề nghị của Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật sư” 8.

Trong trường hợp luật sư bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư thì “Đoàn luật sư phải thông báo bằng văn bản với Sở Tư pháp và đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư, đề nghị Liên đoàn luật sư Việt Nam thu hồi Thẻ luật sư” 9.

– Luật sư tiết lộ bí mật của khách hàng mà gây thiệt hại thì phải bồi thường

Trong trường hợp luật sư tiết lộ bí mật của khách hàng, hoặc thông tin từ vụ việc mà mình đảm nhận mà gây ra thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường theo quy định.

Tại Điều 13 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác” 10.

Bên cạnh đó, tại khoản 5 Điều 34 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại” 11.

Như vậy, trường hợp luật sư tiết ộ bí mật khách hàng mà gây ra thiệt hại thì phải bồi thường. Khoản thiệt hại phải được bồi thường nhanh chóng, kịp thời, chính xác với khoản thiệt hại xảy ra trên thực tế.

– Bị xử phạt hành chính, phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng

Tại điểm c khoản 7 Điều 6 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng nếu “Tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác” 12.

– Bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Tại Điều 89 Luật luật sư quy định, nếu luật sư vi phạm quy định của Luật luật sư, ngoài việc bị xử lý kỷ luật ra thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Theo đó, tùy thuộc vào từng trường hợp vi phạm nghĩa vụ giữ bí mật của luật sư đối với khách hàng mà luật sư có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong các tội sau:

– Trường hợp luật sư tiết lộ thông tin bí mật của khách hàng nhằm mục đích lăng mạ, làm nhục khách hàng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015.

– Trường hợp luật sư tiết bộ bí mật của khách hàng nhưng có hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự 2015.

Trên đây là nội dung về nghĩa vụ giữ bí mật của luật sư đối với khách hàng khi cung cấp dịch vụ pháp lý, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật hoặc trách nhiệm phải cung cấp thông tin theo quy định pháp luật.

5/5 - (3 votes)
  1. khoản 4 Điều 38 Bộ luật dân sự 2015.
  2. Khoản 2 Điều 387 Bộ luật dân sự 2015.
  3. khoản 5 Điều 517 Bộ luật dân sự 2015
  4. khoản 4 Điều 565 Bộ luật dân sự 2015.
  5. điểm c khoản 1 Điều 9 Luật luật sư
  6. khoản 3 Điều 19 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2021
  7. quy tắc số 7 trong Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam
  8. khoản 2 Điều 85 Luật luật sư
  9. khoản 3 Điều 85 Luật luật sư
  10. Điều 13 Bộ luật dân sự 2015
  11. khoản 5 Điều 34 Bộ luật dân sự 2015
  12. điểm c khoản 7 Điều 6 Nghị định 82/2020/NĐ-CP

Bài nổi bật

Người tư vấn không phải chịu trách nhiệm về nội dung tư vấn của mình?

Người tư vấn có phải chịu trách nhiệm về nội dung tư vấn của mình không?

Người tư vấn không phải chịu trách nhiệm về nội dung tư vấn của mình …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *