Khi nào thì luật sư không được tham gia với tư cách là người đại diện theo ủy quyền trong vụ an dân sự? Căn cứ Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật luật sư, Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư thì luật sư được nhận đại diện theo ủy quyền để tham gia tố tụng trong vụ án dân sự với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự. Tuy nhiên, quyền này bị hạn chế trong một số trường hợp đặc biệt, cụ thể là các trường hợp dưới đây.
Mục lục
Các trường hợp luật sư không được tham gia với tư cách là người đại diện theo ủy quyền trong vụ an dân sự
Tại Điều 87 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 sửa đổi bổ sung 2020 quy định, luật sư không được tham gia với tư cách là người đại diện theo ủy quyền trong vụ an dân sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Luật sư không được đại diện theo ủy quyền của vợ hoặc chồng để tham gia tố tụng trong vụ việc ly hôn
Tại khoản 4 Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi bổ sung 2020 mới nhất quy định: “Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện”.
Như vậy, đối với vụ việc ly hôn thì đương sự không được ủy quyền cho người khác, kể cả luật sư để tham gia tố tụng. Bởi vì ly hôn là một trong những vấn đề có liên quan đến quyền nhân thân, do đó mà đương sự phải tự mình tham gia tố tụng mà không thể ủy quyền cho người khác.
Trường hợp luật sư là người thân thích có yêu cầu giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình thì trong trường hợp này, luật sư tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện đương nhiên, tuy nhiên đó không phải là người đại diện theo ủy quyền.
Trong vụ việc ly hôn, luật sư có thể tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự, chứ không được tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo ủy quyền.
2. Luật sư cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập nhau.
Cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau là một trong những điều tối kỵ đối với luật sư, việc cung cấp dịch vụ cho các khách hàng có quyền lợi đối lập nhau sẽ dẫn tới những hậu quả và hệ lụy xấu, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Tại điểm a khoản 1 Điều 9 Luật luật sư sửa đổi bổ sung 2015 đã quy định nghiêm cấm luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng vụ án hình sự, vụ án dân sự, vụ án hành chính, việc dân sự, các việc khác theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, quy tắc số 11.4 dẫn chiếu tới quy tắc số 15 trong Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam quy định rõ, luật sư phải từ chối vụ việc khi biết vụ việc của khách hàng có xung đột về lợi ích.
Theo đó, luật sư phải từ chối, hay nói cách khác luật sự không được tham gia với tư cách là người đại diện theo ủy quyền trong vụ an dân sự nếu như các bên trong vụ việc mà luật sư đảm nhận có quyền lợi đối lập nhau, có xung đột về lợi ích.
Ví dụ: Luật sư A và B có thực hiện một giao dịch mua bán tài sản trị giá 500 triệu đồng. Khi xảy ra tranh chấp thì luật sư A khởi kiện ra Tòa án để giải quyết tranh chấp giao dịch mua bán đó. Trong trường hợp này luật sư A và B là 2 đương sự có quyền lợi đối lập nhau trong vụ án tranh chấp đó, cho nên luật sư không được đại diện theo ủy quyền cho B để tham gia giải quyết vụ việc tại Tòa án.
Trên thực tế, không bao giờ có chuyện đương sự nhờ người đang có xung đột về lợi ích với mình làm đại diện theo ủy quyền để tham gia tố tụng, trừ khi có sự nhầm lẫn, hoặc bị đe dọa, ép buộc.
3. Luật sư không được tham gia với tư cách vừa là người đại diện theo pháp luật, vừa là người đại diện theo ủy quyền cho các đương sự có quyền lợi đối lập nhau.
Khi đã tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo pháp luật cho một khách hàng thì luật sư không được cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng khác có xung đột về lợi ích với khách hàng mà mình đã đại diện, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Theo quy định này, cần được hiểu rộng hơn với các trường hợp sau:
– Khách hàng mới có xung đột lợi ích với khách hàng cũ.
Ngay cả khi khách hàng cũ của tổ chức hành nghề luật sư đã thực hiện xong dịch vụ pháp lý thì sau này, bất kỳ một khách hàng nào mà có quyền lợi đối lập với khách hàng cũ của mình thì tổ chức hành nghề luật sư cũng không được tiếp nhận vụ việc đó, đồng thời giải thích cho khách hàng mới biết tại sao mình lại từ chối yêu cầu của khách hàng.
– Khách hàng mới có xung đột lợi ích với khách hàng hiện tại
– Khách hàng mới có xung đột lợi ích với luật sư hoặc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em của luật sư;
– Khách hàng trong vụ việc mà luật sư đã tham gia giải quyết với tư cách người tiến hành tố tụng, cán bộ, công chức khác trong cơ quan nhà nước, trọng tài viên, hòa giải viên;
– Khách hàng của luật sư có quyền lợi đối lập với khách hàng của cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em của luật sư
– Vụ việc khác của khách hàng là người đang có quyền lợi đối lập với khách hàng hiện tại trong vụ việc luật sư đang thực hiện.
Ví dụ: Công ty A khởi kiện công ty B để tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa. Công ty A thuê luật sư khởi kiện đòi nợ và được thỏa thuận bằng một hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa công ty A và văn phòng luật sư XYZ. Sau đó, công ty B cũng muốn thuê luật sư để đại diện theo ủy quyền tham gia vụ kiện tranh chấp hợp đồng đó. Trong trường hợp này, công ty A và công ty B là 2 đương sự có quyền lợi đối lập nhau, cho nên nếu như luật sư đã nhận hợp đồng dịch vụ pháp lý với công ty A thì không được nhận hợp đồng dịch vụ pháp lý với công ty B. Khi tiếp nhận yêu cầu, văn phòng luật sư XYZ phải từ chối và giải thích cho công ty B hiểu rõ quy định pháp luật tại sao họ phải từ chối nhận vụ việc đó.
Luật sư tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo ủy quyền cho các đương sự có quyền lợi đối lập thì bị xử lý như thế nào?
Trường hợp luật sư tham gia tố tụng trong vụ án dân sự với tư cách là người đại diện theo ủy quyền cho các bên có quyền lợi đối lập nhau thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà sẽ bị xử lý theo quy định, cụ thể:
– Bị xử phạt hành chính:
Tại điểm b khoản 5 Điều 7 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định: Tổ chức hành nghề luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng một vụ việc thì bị phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng.
Bên cạnh đó, tổ chức hành nghề luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có xung đột về lợi ích còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là “Đình chỉ hoạt động từ 03 tháng đến 06 tháng” đối với tổ chức hành nghề luật sư đó.
Ngoài ra, tổ chức hành nghề luật sư còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định pháp luật.
– Bị xem xét xử lý kỷ luật
Tùy theo tính chất mức độ vi phạm mà những luật sư có liên quan trong vụ việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức sau: Khiển trách, cảnh cáo, tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn luật sư từ 6 – 24 tháng, xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư.
– Phải bồi thường thiệt hại (nếu có)
Trường hợp tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư của mình tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo ủy quyền cho các đương sự có quyền lợi đối lập nhau mà gây ra thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định pháp luật dân sự.
– Chịu trách nhiệm hình sự
Trường hợp luật sư dùng thỏa đoạn gian dối, xảo quyệt để lừa dối khách hàng, nhằm mục đích ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý, tham gia tố tụng trong vụ án dân sự với tư cách người đại diện theo ủy quyền cho các đương sự đối lập nhau mà gây ra hậu quả hoặc thiệt hại nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trên đây là những trường hợp luật sư không được tham gia với tư cách là người đại diện theo ủy quyền trong vụ an dân sự, nếu vi phạm thì tùy theo tính chất và mức độ mà bị xử lý theo quy định pháp luật.