Home / Hoạt động nghề nghiệp / Luật sư tập sự có được tham gia tố tụng không?

Luật sư tập sự có được tham gia tố tụng không?

Luật sư tập sự có được tham gia tố tụng không? Luật sư tập sự có được đại diện theo ủy quyền để thực hiện dịch vụ pháp lý không? Đây là những câu hỏi và cũng là thắc mắc của rất nhiều bạn đang trong thời gian tập sự hành nghề luật sư. Việc tham gia tố tụng hoặc đại diện theo ủy quyền sẽ giúp người tập sự nhanh chóng nắm bắt được kinh nghiệm nghề nghiệp. Tuy nhiên, để tránh bị hủy kết quả tập sự, các bạn cần phải tuân thủ quy định pháp luật, tránh các trường hợp vi phạm quy định có thể bị hủy kết quả tập sự, dẫn đến tình trạng phải tập sự lại từ đầu làm mất thời gian của mình.

Luật sư tập sự có được đại diện theo ủy quyền không?

Luật sư tập sự là gì?

Luật sư tập sự (hay gọi khác là người tập sự hành nghề luật sư) là người có bằng cử nhân luật, đã trãi qua quá trình đào tạo nghề luật sư và đang trong thời gian tập sự nghề nghiệp, hay nói cách khác luật sư tập sự là người đang trong quá trình học nghề. Trong quá trình học nghề, người học nghề phải tuân thủ các quy định pháp luật về tập sự nghề nghiệp.

Trên thực tế không có khái niệm hay từ ngữ chuyên ngành nào đề cập đến “luật sư tập sự” mà chỉ có “người tập sự hành nghề luật sư”. Theo quan điểm của chúng tôi, cụm từ “người tập sự hành nghề luật sư” có vẻ hợp lý hơn cụm từ “luật sư tập sự”, bởi vì chỉ khi trãi qua quá trình tập sự, kiểm tra và được cấp chứng chỉ hành nghề thì mới được xem là luật sư. Trong khi đó, người tập sự nghề nghiệp chưa được cấp chứng chỉ cho nên chưa được gọi là luật sư.

Luật sư tập sự có được tham gia tố tụng không?

Tại khoản 3 Điều 14 Luật luật sư sửa đổi 2015 quy định: “Người tập sự hành nghề luật sư được giúp luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp nhưng không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa, không được ký văn bản tư vấn pháp luật”.

Như vậy, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật luật sư sửa đổi 2015 thì người tập sự hành nghề luật sư được tham gia tố tụng để học hỏi kinh nghiệm và nắm bắt kỹ năng nghề nghiệp, tuy nhiên không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa, không được ký văn bản tư vấn pháp luật.

Tại sao luật sư không được tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa? Sở dĩ pháp luật không cho phép người tập sự hành nghề luật sư làm những công việc này là để bảo vệ quyền và lợi ích cho khách hàng, bởi vì người tập sự thì chưa có kỹ năng cao, chưa có kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cao, chưa có nhiều kinh nghiệm…. Do đó, nếu để họ bào chữa cho bị cáo, hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng thì có thể không đạt yêu cầu như luật sư chính thức, thậm trí còn có thể làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của khách hàng.

Hãy thử tưởng tượng, nếu bạn là khách hàng đang muốn nhờ luật sư để bào chữa cho người thân của mình trong một vụ án hình sự, hoặc bạn đang muốn thuê luật sư để khởi kiện giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa có giá trị lớn, mà sau đó bạn được tổ chức hành nghề luật sư cử người “đang học nghề” để tham gia phiên tòa trong vụ việc của bạn, liệu rằng bạn có đồng ý hay không, có chấp nhận được hay không?

Tất nhiên, trên thực tế thì cũng có rất nhiều người tập sự có hiểu biết pháp luật cao, có kỹ năng tranh tụng tốt, có kinh nghiệm tham gia các phiên tòa xét xử,… Tuy nhiên đó chỉ là số ít trong tổng số người tập sự nghề nghiệp. Do vậy mà pháp luật quy định không cho người tập sự hành nghề luật sư tham gia tố tụng với những tư cách nêu trên là có lý do và cũng là điều dễ hiểu.

Luật sư tập sự có được đại diện theo ủy quyền không?

Theo quy định pháp luật thì người tập sự hành nghề luật sư được đại diện theo ủy quyền để thực hiện các công việc ngoài tố tụng, nhưng không được đại diện theo ủy quyền trong tố tụng đối với các vụ việc dân sự, vụ án hình sự, vụ án hành chính, nếu vi phạm sẽ bị xem xét xử lý, có thể bị hủy kết quả tập sự và phải tập sự lại từ đầu.

Đối với những công việc ngoài tố tụng thì người tập sự hành nghề luật sư có thể được thực hiện thông qua văn bản ủy quyền, tuy nhiên đối với những việc liên quan trong tố tụng thì người tập sự chỉ được tham gia để học hỏi kinh nghiệm mà không được đại diện theo ủy quyền để tham gia tố tụng.

1. Các trường hợp người thập sự hành nghề luật sư được đại diện theo ủy quyền

a) Người tập sự hành nghề được đại diện theo ủy quyền của tổ chức hành nghề luật sư để tư vấn pháp luật.

Khi tập sự hành nghề tại tổ chức hành nghề luật sư, người tập sự được quyền tư vấn pháp luật, tuy nhiên không được ký vào văn bản tư vấn pháp luật, mà phải trình văn bản tư vấn cho người có thẩm quyền ký tên, đóng dấu và chịu trách nhiệm về nội dung tư vấn đó.

b) Người tập sự hành nghề luật sư được đại diện theo ủy quyền để thực hiện dịch vụ pháp lý khác của luật sư.

Tại khoản 3 Điều 14 Luật luật sư quy định, người tập sự hành nghề luật sư được đại diện ngoài tố tụng và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo sự phân công của luật sư hướng dẫn khi được khách hàng đồng ý.

Theo đó, các dịch vụ pháp lý khác của luật sư được quy định chi tiết tại Điều 30 Luật luật sư như sau:

+ Giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc liên quan đến thủ tục hành chính.

Ví dụ như người tập sự hành nghề luật sư có thể đại diện theo ủy quyền để thay mặt khách hàng đi đóng tạm ứng án phí cho Tòa án, hoặc đại diện theo ủy quyền để thực hiện các thủ tục thành lập công ty theo yêu cầu của khách hàng,…

+ Giúp đỡ về pháp luật trong trường hợp giải quyết khiếu nại.

Trong trường hợp tổ chức hành nghề luật sư nời người tập sự đang học nghề bị khiếu nại thì người tập sự hành nghề luật sư có thể giúp đỡ tổ chức hành nghề luật sư giải quyết các vấn đề liên quan đến việc khiếu nại đó.

+ Dịch thuật, xác nhận giấy tờ và các giao dịch liên quan khác

+ Giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật.

2. Các trường hợp luật sư tập sự không được đại diện theo ủy quyền

a) Không được đại diện theo ủy quyền để tham gia tố tụng

Theo phân tích ở trên, luật sư tập sự không được đại diện theo ủy quyền để tham gia tố tụng trong các vụ việc dân sự, vụ án hình sự, vụ án hành chính.

Bên cạnh đó, người tập sự hành nghề luật sư cũng không được tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa.

b) Không được đại diện theo ủy quyền để ký văn bản tư vấn pháp luật

Theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật luật sư thì người tập sự hành nghề luật sư không được ký vào văn bản tư vấn pháp luật, do đó kể cả khi có văn bản ủy quyền của tổ chức hành nghề luật sư thì người tập sự hành nghề luật sư cũng không được ký vào văn bản tư vấn pháp luật.

Theo quan điểm của chúng tôi, sở dĩ pháp luật quy định như vậy là nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi cho chính người tập sự hành nghề luật sư và khách hàng. Bởi vì khi ký vào văn bản tư vấn pháp luật thì phải chịu trách nhiệm với những nội dung mà mình đã tư vấn, trong trường hợp văn bản tư vấn pháp luật có sai sót mà gây thiệt hại cho khách hàng thì chính người tập sự phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại cho khách hàng.

Tuy nhiên, với tư cách là người đang học nghề nên chưa có kiến thức chuyên môn cao cho nên có thể sẽ có những sai sót trong quá trình tư vấn, do vậy trước khi trả lời cho khách hàng, ngươi có thẩm quyền trong tổ chức hành nghề luật sư phải kiểm tra lại và ký tên, đóng dấu để trả lời khách hàng, đồng thời chịu trách nhiệm với nội dung tư vấn đó.

Ngoài ra, khi tập sự hành nghề luật sư thì họ chưa được ký hợp đồng lao động chính thức, chưa được trả lương, chưa có quyền lợi gì đối với tổ chức hành nghề luật sư thì chẳng có lý do gì bắt họ phải chịu trách nhiệm đối với sai phạm của tổ chức hành nghề luật sư cả.

Người tập sự hành nghề luật sư được làm những gì?

Cũng theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật luật sư sửa đổi 2015, luật sư tập sự có những quyền sau đây:

– Người tập sự hành nghề luật sư được đi cùng với luật sư hướng dẫn gặp gỡ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự (nếu được người đó đồng ý)

– Được đi cùng với luật sư hướng dẫn gặp gỡ nguyên đơn, bị đơn và các đương sự khác trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính (nếu được người đó đồng ý)

– Được giúp luật sư hướng dẫn nghiên cứu hồ sơ vụ, việc, thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ, việc và các hoạt động nghề nghiệp khác;

– Được tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo sự phân công của luật sư hướng dẫn khi được khách hàng đồng ý.

Đối với việc tư vấn pháp luật, người tập sự hành nghề luật sư chỉ được tư vấn pháp luật, nhưng không được ký vào văn bản tư vấn pháp luật. Khi tư vấn pháp luật phải chuyển cho người có thẩm quyền trong tổ chức hành nghề luật sư ký và trả kết quả tư vấn cho khách hàng.

Đại diện ngoài tố tụng là việc người tập sự hành nghề luật sư thực hiện các thủ tục hành chính theo sự phân công của luật sư hướng dẫn.

Trên đây là nội dung tư vấn câu hỏi Luật sư tập sự có được tham gia to tụng không? Trường hợp nào thì luật sư tập sự không được đại diện theo ủy quyền? Hy vọng sẽ giúp các bạn có kỳ tập sự nghề nghiệp thật tốt, chúc các bạn thành công!

5/5 - (1 vote)

Bài nổi bật

Người tư vấn không phải chịu trách nhiệm về nội dung tư vấn của mình?

Người tư vấn có phải chịu trách nhiệm về nội dung tư vấn của mình không?

Người tư vấn không phải chịu trách nhiệm về nội dung tư vấn của mình …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *