Luật sư có được bào chữa cho người thân không? Trường hợp nào thì luật sư được bào chữa cho người thân, trường hợp nào thì luật sư không được bào chữa cho người thân trong vụ án hình sự? Dưới đây công ty luật Nhân Hậu sẽ giải đáp các vấn đề này một cách chi tiết.
Mục lục
Luật sư có được bào chữa cho người thân không?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 72 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2021 mới nhất hiện nay thì luật sư được quyền bào chữa cho người thân nếu không có mối quan hệ với người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó, không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không tham gia vụ án với tư cách là người làm chứng, giám định, phiên dịch, dịch thuật, định giá tài sản.
Cụ thể, tại khoản 4 Điều Điều 72 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2021 quy định như sau:
“Điều 72. Người bào chữa
4. Những người sau đây không được bào chữa:
a) Người đã tiến hành tố tụng vụ án đó; người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó;
b) Người tham gia vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;
c) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kết án mà chưa được xóa án tích, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc”.
Ngoài ra, tại để a khoản 1 Điều 9 Luật luật sư 2015 quy định các hành vi bị cấm đối với luật sư như sau:
Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm:
1. Nghiêm cấm luật sư thực hiện các hành vi sau đây:
a) Cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng vụ án hình sự, vụ án dân sự, vụ án hành chính, việc dân sự, các việc khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là vụ, việc);
Như vậy, căn cứ Điều 9 Luật luật sư và Điều 72 Bộ luật tố tụng hình sự thì luật sư được quyền bào chữa cho người thân của mình, trừ các trường hợp dưới đây.
Các trường hợp luật sư không được bào chữa cho người thân:
1. Người thân từ chối luật sư bào chữa
Tất nhiên nhiên là khi chính người thân từ chối luật sư bào chữa thì luật sư không được bào chữa cho người thân, vì lý do nào đó mà người thân có thể từ chối luật sư bào chữa, đồng thời có quyền yêu cầu thay đổi người khác bào chữa cho mình, quyền từ chối và thay đổi người bào chữa này sẽ được công nhận.
2. Luật sư đồng thời là người bào chữa cho người có quyền lợi đối lập với người thân.
Tại điểm a khoản 1 Điều 9 Luật luật sư quy định cấm luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng vụ án hình sự. Như vậy, đối với vụ án hình sự mà luật sư đã nhận bào chữa cho người khác có quyền lợi đối lập với người thân rồi thì không được bào chữa cho người thân của mình.
Ví dụ: Trong một vụ án hình sự có nhiều bị cáo có tính chất phạm tội có tổ chức, trong đó có 2 người đang được cơ quan chức năng xác định xem ai là người chủ mưu (A người lạ và B người thân của luật sư). Mặc dù A và B đều là người phạm tội nhưng xét trên phương diện chủ mưu thì 2 người này có quyền lợi đối lập nhau. Bởi vì A và B luôn khẳng định mình không phải là chủ mưu trong vụ án, luôn cho rằng người kia mới là chủ mưu của vụ án.
Trong trường hợp này thì A và B được xem là có quyền lợi đối lập nhau, do vậy khi luật sư đã bào chữa cho A thì luật sư không được nhận bào chữa cho B là người thân của mình, cho dù B không phải là người thân của mình thì luật sư cũng không được nhận bào chữa cho B.
Trường hợp luật sư nhận bào chữa cho B mà bị phát hiện sẽ bị đề nghị thay đổi người bào chữa, đồng thời luật sư sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật và các hình thức xử phạt liên quan khác.
3. Luật sư đồng thời là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn dân sự có quyền lợi đối lập với người thân của mình.
Trong trường hợp luật sư đã nhận tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn dân sự trong vụ án đó, mà nguyên đơn dân sự trong vụ án đó đang yêu cầu bị cáo (người thân của luật sư) trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả thì luật sư không được nhận bào chữa cho người thân của mình.
4. Luật sư có mối quan hệ thân thích với người đã từng tiến hành tố tụng vụ án hình sự đó
Trường hợp luật sư có mối quan hệ thân thích với người đã từng tiến hành tố tụng vụ án hình sự đó (ví dụ: Thẩm phán phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án đó là bác ruột của luật sư) thì trong gia đoạn xét xử phúc thẩm luật sư không không được bào chữa cho người thân của mình.
Tại điểm e khoản 1 Điều 4 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2021 quy định, người thân thích của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng bao gồm: vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột.
5. Luật sư có mối quan hệ thân thích với người đang tiến hành tố tụng vụ án hình sự đó.
Trong trường hợp luật sư có mối quan hệ thân thích với người đang tiến hành tố tụng vụ án hình sự đó thì luật sư không được bào chữa cho người thân của mình, không được bào chữa cho bất kỳ một người nào trong vụ án đó.
Ví dụ: Kiểm sát viên trong vụ án hình sự là cháu ruột của luật sư thì luật sư không được bào chữa cho bất kỳ một người nào trong vụ án đó, kể cả người thân của mình.
6. Luật sư đồng thời tham gia vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;
7. Luật sư đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kết án mà chưa được xóa án tích, đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.