Trong quan hệ với khách hàng, luật sư không được làm những gì? Ngày 13/12/2019 Hội đồng luật sư toàn quốc ra Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ về việc ban hành bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Trong đó tại chương II liệt kê những việc luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng, dưới đây là nội dung chi tiết của quy tắc.
Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng
1. Nhận, chiếm giữ, sử dụng tiền, tài sản của khách hàng trái với thỏa thuận giữa luật sư và khách hàng.
Theo quy định, khi cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng thì luật sư phải ký hợp đồng với khách hàng, nội dung hợp đồng phải thể hiện đầy đủ các khoản chi phí và công việc mà luật sư thực hiện. Do đó, luật sư chỉ được nhận và sử dụng tiền của khách hàng theo đúng với thỏa thuận trong hợp đồng. Ngoài ra, nếu có phát sinh hoặc trường hợp đột xuất có phát sinh thêm chi phí thì luật sư và khách hàng tiến hành thỏa thuận về chi phí phát sinh, khoản chi phí này phải hợp lý.
Ví dụ: Khách hàng ủy quyền cho luật sư sang tên một chiếc xe oto trong thời hạn 3 tháng, khi sang tên xong nhưng thấy còn thời hạn 2 nữa mới bàn giao cho khách hàng, luật sư lấy chiếc xe đó cho người khác thuê lại để lấy tiền hoặc lấy xe của khách hàng để phục vụ nhu cầu di chuyển của cá nhân,…thì đó là hành vi bị cấm.
2. Gợi ý, đặt điều kiện để khách hàng tặng cho tài sản hoặc lợi ích khác cho luật sư hoặc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em của luật sư.
Ví dụ: Khi khách hàng thuê luật sư khởi kiện tranh chấp đất đai mà luật sư gợi ý với khách hàng, hoặc có những hành vi ngụ ý rằng nếu thắng kiện thì khách hàng phải thưởng hoặc tặng cho luật sư một chiếc xe máy hoặc thưởng một khoản tiền. Đây là điều cấm mà luật sư không được phép làm khi thực hiện hợp đồng pháp lý.
Luật sư chỉ được thu những khoản chi phí theo quy định và phải ghi rõ những khoản chi phí đó trong hợp đồng pháp lý, ngoài ra luật sư không được phép gợi ý hoặc đặt điều kiện khác với khách hàng ngoài các khoản chi phí, lợi ích khác trong hợp đồng.
Vậy trong trường hợp khách hàng tự ý gợi ý sẽ tặng tài sản cho luật sư nếu như thắng kiện thì luật sư có được phép nhận không? Trong trường hợp khách hàng tự ý tặng tài sản cho luật sư nếu thắng kiện thì khi thắng kiện, luật sư có quyền nhận tài sản đó và khách hàng có nghĩa vụ phải giao tài sản đó cho luật sư theo nguyên tắc và quy định pháp luật dân sự về “hứa thưởng”.
3. Nhận tiền hoặc bất kỳ lợi ích nào khác từ người thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện công việc gây thiệt hại đến lợi ích của khách hàng.
Trong quy tắc số 5 trong Bộ quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng luật sư toàn quốc thì khi hành nghề, luật sư phải bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Luật sư có nghĩa vụ tận tâm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Do đó, khi hành nghề luật sư tuyệt đối không được nhận tiền từ bên thứ 3 để thực hiện hoặc không thực hiện công việc gây thiệt hại cho khách hàng.
Ví dụ: Doanh nghiệp A thuê luật sư C để khởi kiện doanh nghiệp B để giải quyết vấn đề đến vấn đề hợp đồng kinh doanh, thương mại. Tuy nhiên, do là bên yếu thế nên doanh nghiệp B gặp luật sư C và thỏa thuận với luật sư khi tham gia tranh tụng, luật sư chỉ tranh tụng một cách hời hợt để B thắng kiện. Đổi lại doanh nghiệp B sẽ tặng luật sư 1 tỷ đồng. Nếu luật sư mà nhận tiền và thực hiện công việc không hết mình, gây thiệt hại cho khách hàng thì đó là hành vi bị cấm.
4. Tạo ra hoặc lợi dụng các tình huống xấu, những thông tin sai sự thật, không đầy đủ hoặc bất lợi cho khách hàng để gây áp lực nhằm tăng mức thù lao đã thỏa thuận hoặc có được lợi ích khác từ khách hàng.
Khi cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng, luật sư phải tuân thủ nguyên tắc bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách, tôn trọng sự thật khách quan, tuyệt đối không được sách nhiễu, lừa dối khách hàng để gây áp lực nhằm tăng mức thù lao như đã thỏa thuận trước đó.
5. Sử dụng thông tin biết được từ vụ việc mà luật sư đảm nhận để mưu cầu lợi ích không chính đáng.
Khi đảm nhận vụ việc, luật sư có trách nhiệm và nghĩa vụ giữ bí mật mà mình biết được trong vụ việc, nghiêm cấm các hành vi phát tán, cung cấp cho bên thứ 3 hoặc các hành vi khác gây thiệt hại cho khách hàng.
Tại điểm c khoản 1 Điều 9 Luật luật sư cũng nghiêm cấm hành vi luật sư tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.
Ví dụ: Khi đảm nhận vụ việc liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, luật sư có được công thức pha chế hoặc công thức chế tạo,… sau đó đem bán cho doanh nghiệp khác công thức đó để mưu cầu lợi ích…
6. Thông tin trực tiếp cho khách hàng hoặc dùng lời lẽ, hành vi ám chỉ để khách hàng biết về mối quan hệ cá nhân của luật sư với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác nhằm mục đích gây niềm tin với khách hàng về hiệu quả công việc hoặc nhằm mục đích bất hợp pháp khác.
Khi nghĩ tới việc thuê luật sư, rất nhiều người sẽ nghĩ ngay đến vấn đề luật sư là người có mối quan hệ quen biết với các cơ quan nhà nước, do đó công việc của họ sẽ được tiến hành thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, để tăng sự tin tưởng cho khách hàng, luật sư có những lời nói hoặc hành vi ám chỉ mình có quen biết với cơ quan đó, cho nên anh/ chị cứ yên tâm giao việc cho tôi, tôi sẽ lo liệu mọi việc nhanh nhất,… Đây là hành vi bị nghiêm cấm.
Ví dụ: Khi tư vấn cho khách hàng về thủ tục đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp lên đất thổ cư, luật sư nói với khách hàng mình có quen với trưởng phòng tài nguyên môi trường ở huyện XXX, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất chỉ là vấn đề thời gian.
Đối với luật sư, pháp luật nghiêm cấm các hành vi móc nối, quan hệ với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, cán bộ, công chức, viên chức khác để làm trái quy định của pháp luật trong việc giải quyết vụ, việc.
Tại quy tắc số cũng quy định: Trong quan hệ với cơ quan nhà nước khác để thực hiện công việc cho khách hàng, luật sư cần có thái độ lịch sự, tôn trọng, kiên quyết từ chối những hành vi móc nối, trung gian trái pháp luật, trái đạo đức và lương tâm nghề nghiệp.
7. Cố ý đưa ra những thông tin làm cho khách hàng nhầm lẫn về khả năng và trình độ chuyên môn của mình để tạo niềm tin cho khách hàng ký kết hợp đồng.
“Tâng bốc” về mình là một trong những việc luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng mà luật sư cần lưu ý và rất hay mắc phải. Khi tư vấn cho khách hàng, theo tâm lý chung thì ai cũng phải “nổ” một chút về năng lực bản thân để khách hàng tin tưởng. Tuy nhiên, đối với luật sư thì hành vi nói quá tốt về mình để tạo sự tin tưởng cho khách hàng cũng là hành vi bị cấm.
Tại khoản 1 Điều 24 Luật luật sư cũng quy định luật sư chỉ nhận vụ, việc theo khả năng của mình. Như vậy, quy tắc hành nghề luật sư ở đây là chỉ nhận những vụ việc trong khả năng của mình, không nói quá về khả năng và trình độ chuyên môn của mình nhằm mục đích để khách hàng tin tưởng ký hợp đồng.
Xét trên phương diện của luật cạnh tranh, hành vi đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp mình là có dấu hiệu của hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm, như vậy luật sư đưa ra những thông tin làm cho khách hàng nhầm lẫn về trình độ chuyên môn của mình cũng có thể được xem là một hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của Luật cạnh tranh.
8. Hứa hẹn, cam kết bảo đảm kết quả vụ việc về những nội dung nằm ngoài khả năng, điều kiện thực hiện của luật sư.
khi tư vấn cho khách hàng hoặc ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý, luật sư không được hứa hẹn với khách hàng về kết quả công việc cũng như không được cam kết với khách hàng về các nội dung nằm ngoài khả năng và điều kiện của mình. Đặc biệt là trong quá trình tố tụng.
Ví dụ: Khi khách hàng có nhu cầu thuê luật sư trong vụ việc ly hôn đơn phương. Khi tư vấn, để tạo niềm tin cho khách hàng và để khách hàng ký kết hợp đồng với mình, luật sư cam kết với khách hàng sẽ được giao quyền nuôi con. Như vậy, cam kết này của luật sư là trái quy định pháp luật, vi phạm nguyên tắc hành nghề luật sư.
Để quyết định bên nào thắng kiện thì Tòa án căn cứ vào chứng cứ và nhiều yếu tố liên quan khác, luật sư chỉ là người đại diện để thực hiện các công việc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng, luật sư không phải là Tòa án, không thể biết trước được vụ việc cho nên không được cam kết về kết quả công việc.
9. Lợi dụng nghề nghiệp để quan hệ tình cảm nam nữ bất chính với khách hàng.
Quan hệ bất chính được hiểu là một trong 2 người hoặc cả 2 người đang có gia đình mà có quan hệ tình cảm nam nữ với nhau, khi thực hiện công việc luật sư không được lợi dụng nghề nghiệp để quan hệ tình cảm bất chính với khách hàng.
Trong quy tắc này chỉ quy định về vấn đề quan hệ tình cảm nam nữ, vậy liệu rằng trong trường hợp luật sư lợi dụng nghề nghiệp để quan hệ tình cảm đồng giới thì có vi phạm quy tắc nghề nghiệp không? Theo chúng tôi, cần bỏ cụm từ “nam nữ” để bao chùm được cả trường hợp quan hệ đồng giới.
10. Lạm dụng các chức danh khác ngoài danh xung luật sư trong hoạt động hành nghề để mưu cầu lợi ích trái pháp luật.
Trên đây là những việc luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng, trường hợp luật sư vi phạm thì tùy tính chất và mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức sau đây:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn luật sư từ sáu tháng đến hai mươi bốn tháng;
d) Xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư.
Ngoài ra luật sư vi phạm còn có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây ra thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định pháp luật.
4 comments
Đọc thêm: Nguyên tắc bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng
Đọc thêm: Luật sư có được thỏa thuận về mức thưởng nếu giúp khách hàng thắng kiện?
Đọc thêm: Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam mới nhất
Đọc thêm: Luật sư có được ký hợp đồng hứa thưởng không? - Công ty luật Nhân Hậu