Home / Tình huống / Học luật có cần phải học thuộc nhiều không?

Học luật có cần phải học thuộc nhiều không?

Học luật có cần phải học thuộc nhiều không? Đây là câu hỏi và cũng là thắc mắc của rất nhiều bạn đang chuẩn bị nộp hồ sơ ứng tuyển ngành luật và cả những sinh viên đang theo học ngành luật, nhiều bạn sinh viên lo lắng với một “rừng luật” như vậy thì làm sao mà có thể học thuộc lòng hết được tất cả quy định? Dưới đây công ty luật Nhân Hậu sẽ giải đáp vấn đề một cách đơn giản để các bạn sinh viên đang theo học ngành luật có thể yên tâm hơn trong lựa chọn của mình.

Học luật có cần phải học thuộc nhiều không?

Học luật không cân phải học thuộc lòng nhiều, tuy nhiên các bạn sinh viên khi theo học ngành luật thì phải nắm vững kiến thức để có thể tra cứu quy định pháp luật một cách nhanh chóng và chính xác, từ đó giúp cho việc học được thuận lợi và cả ngay khi đi làm mới giúp cho công việc của bạn được thuận lợi.

Hiện nay hệ thống pháp luật tại Việt Nam có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, dưới văn bản quy phạm pháp luật thì có Nghị định, thông tư, quyết định,… Mỗi lĩnh vực thì có văn bản riêng biệt, do đó nếu như các bạn sinh viên đang theo học ngành luật mà học thuộc lòng được tất cả văn bản pháp luật thì đó là điều không thể.

Trên thực tế, ngay cả những luật sư đã đi làm tại các tổ chức hành nghề luật sư cũng không thể nào học thuộc lòng được tất cả quy định pháp luật, họ chỉ nắm sơ sơ một số quy định pháp luật để khi “đụng chuyện” họ mới bắt đầu tra cứu những quy định pháp luật có liên quan.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với các bạn sinh viên đang theo học ngành luật đó chính là sự nhạy bén, nắm bắt quy định pháp luật nhanh chóng. Sự nhạy bén này sẽ được giảng viên hướng dẫn truyền đạt cho bạn, do đó khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, các bạn sinh viên cần cố gắng tham gia các buổi học một cách đầy đủ để tiếp thu kiến thức từ giảng viên.

Bên cạnh đó, các bạn sinh viên cũng phải có tính chuyên cần và ham học hỏi. Bỏi vì pháp luật là lĩnh vực đặc thù, điều chỉnh tất cả mối quan hệ trong xã hội, có phạm vi điều chỉnh rất rộng, do đó sinh viên đang theo học ngành luật cần phải siêng năng tìm hiểu các văn bản pháp luật thì mới có thể nắm bắt nhanh được vấn đề, từ đó đưa ra phương pháp giải quyết hay nhận định đúng sai một cách chính xác trong thời gian nhanh nhất.

Ngoài ra, sinh viên theo học ngành luật còn phải có kỹ năng thuyết trình và thuyết phục tốt. Trong đa số khóa học ngành luật các bạn sinh viên sẽ được giảng viên giao nhiệm vụ thuyết trình theo từng chủ đề, việc bạn sở hữu kỹ năng thuyết trình tốt là một lợi thế khi theo học ngành luật, bởi bạn thuyết trình tốt đồng nghĩa với việc bạn truyền đạt nội dung đến mọi người dễ dàng, từ đó bạn sẽ được điểm cao và dễ dàng qua môn.

Tóm lại, sinh viên theo học ngành luật không cần học thuộc lòng nhiều, mà cần phải có kỹ năng nghiên cứu, phân tích pháp luật, kỹ năng tra cứu quy định pháp luật và kỹ năng thuyết trình tốt, ngoài ra sinh viên học ngành luật cần phải cần cù, ham học hỏi thì mới có thể giúp cho quá trình học tập được hiệu quả.

Kỹ năng học luật không cần học thuộc lòng nhiều

Kỹ năng xác định pháp luật điều chỉnh

Xác định pháp luật điều chỉnh cho mối quan hệ đang được giải quyết là kỹ năng đầu tiên mà sinh viên theo học ngành luật cần rõ vững, từ đó giúp cho việc tra cứu quy định pháp luật đúng với bản chất và nội dung vụ việc đang cần giải quyết.

Hiện nay trong hệ thống pháp luật Việt Nam có rất nhiều văn bản pháp luật, nhưng chủ yếu được phân loại thành các quan hẹ pháp luật bao gồm: Quan hệ pháp luật dân sự, hình sự, hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình.

Khi gặp vấn đề cần giải quyết, sinh viên cần phải xác định vấn đề đó thuộc sự điều chỉnh của mối quan hệ pháp luật nào, từ đó tra cứu và tìm quy định pháp luật có liên quan để giải quyết.

Chẳng hạn trong vụ việc cá nhân A và cá nhân B thực hiện giao dịch mua bán một món hàng hoặc giao dịch liên quan đến một tài sản nào đó, sinh viên cần phải xác định ngay đây là mối quan hệ pháp luật nào, quy định pháp luật nào điều chỉnh mối quan hệ này. Theo như dữ liệu đưa ra thì đây chính là mối quan hệ dân sự giữa cá nhân với cá nhân, do đó văn bản pháp luật điều chỉnh trong vụ việc này chính là Bộ luật dân sự, nghị định, thông tư hướng dẫn có liên quan.

Trong trường hợp giữa công ty A và công ty B có tranh chấp về hợp đồng mua bán thì các bạn sinh viên cần xác định ngay đây chính là mối quan hệ kinh doanh, thương mại, từ đó phải tra cứu thêm quy định trong Luật kinh doanh thương mại và các văn bản pháp luật điều chỉnh có liên quan khác.

Trên thực tế, khi sinh viên học ngành luật ra trường và đi làm thì sẽ gặp rất nhiều yêu cầu giải quyết tranh chấp, khi giải quyết yêu cầu của khách hàng thì bạn phải xác định pháp luật điều chỉnh đầu tiên, sau đó mới thực hiện các kỹ năng giải quyết vấn đề khác.

Kỹ năng tra cứu quy định pháp luật

Sau kỹ năng xác định pháp luật điều chỉnh, sinh viên luật cần phải xác định được chính xác điều, khoản áp dụng để giải quyết vấn đề đó nằm ở đâu. Bởi vì trong một văn bản quy phạm pháp luật có rất nhiều điểm, điều, khoản cho nên sinh viên học ngành luật không thể học thuộc lòng được hết tất cả các điều luật đó, mà phải khoanh vùng phạm vi để tìm chính xác điều khoản áp dụng sao cho nhanh nhất và thuận tiện nhất.

Đối với văn bản quy phạm pháp luật bao giờ cũng được đánh số theo thứ tự Chương, Mục kèm theo tiêu đề của Chương, Mục. Do đó, khi gặp vấn đề cần giải quyết, sinh viên học ngành luật cần xác định hành vi đó thuộc Chương nào, từ đó mới tiếp tục xác định điều, khoản để áp dụng.

Chẳng hạn như đối với yêu cầu giải quyết vụ việc liên quan đến hành vi chiếm đoạt tài sản thì sinh viên cần xác định ngay đó là loại tội phạm nào? Trong trường hợp này hành vi chiếm đoạt tài sản là loại tội phạm xâm phạm đến quyền sở hữu. Lúc này, sinh viên cần tra cứu đến Chương XVI của Bộ luật hình sự, sau đó đối chiếu với từng hành vi xem hành vi đó thuộc tội phạm nào và điều khoản nào được áp dụng.

Kiểm tra văn bản pháp luật còn hiệu lực hay không

Pháp luật luôn thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế của xã hội và chính sách của Nhà nước, do đó khi tra cứu quy định pháp luật sinh viên học luật cần phải xác định xem văn bản pháp luật đó có còn hiệu lực áp dụng hay không, từ đó áp dụng quy định pháp luật cho đúng với vấn đề đang giải quyết.

Về nguyên tắc, trong văn bản QPPL phải quy định thời điểm có hiệu lực của văn bản đó; tuy nhiên, thực tế nhiều văn bản không quy định cụ thể ngày hiệu lực. Trong trường hợp này, căn cứ vào Điều 151 Luật ban hành văn bản QPPL 2015 có thể suy luận như sau:

– Đối với văn bản QPPL của cơ quan nhà nước Trung ương: sau 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành văn bản sẽ có hiệu lực.

– Đối với văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp tỉnh: sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành văn bản sẽ có hiệu lực.

– Đối với văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp huyện và cấp xã: sau 07 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Để tra cứu hiệu lực của văn bản pháp luật, các bạn có thể kiểm tra tại Chương Điều khoản chuyển tiếp của văn bản pháp luật đó, hoặc tra cứu lược đồ của văn bản pháp luật đó để biết hiệu lực thi hành.

Nghiên cứu bản án/ quyết định của Tòa án

Ngoài các kỹ năng trên ra thì bạn cũng nên thường xuyên dành thời gian để nghiên cứu các bản án/ quyết định của Tòa án được công bố công khai để tìm hiểu thêm các kiến thức chuyên ngành có liên quan.

Trong bản án/ quyết định của Tòa án bao giờ cũng có những nội dung chi tiết liên quan đến vụ án, điều khoản áp dụng và những tình tiết có liên quan vụ án, các bạn sinh viên nên dành thời gian nghiên cứu những bản án có liên quan đến môn mà mình đang học, hoặc nếu có nhiều thời gian thì nghiên cứu càng nhiều càng tốt, nó sẽ giúp bạn tích lũy được kiến thức và kinh nghiệm trong thực tiễn áp dụng pháp luật.

Các bạn sinh viên có thể tham khảo, nghiên cứu bản án/q uyết định của Tòa án tại trang website https://congbobanan.toaan.gov.vn/để tìm các bản án/ quyết định phù hợp với nhu cầu và mục đích của mình.

Trên đây là giải đáp câu hỏi học luật có cần phải học thuộc nhiều không và kỹ năng dành cho sinh viên khi theo học ngành luật, ngoài ra các bạn cần phải siêng năng chăm chỉ tìm hiểu quy định pháp luật để tích lũy kiến thức nhiều hơn thì mới có thể giúp cho bạn học tập và làm việc tốt hơn, chúc các bạn thành công!

5/5 - (1 vote)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *