Home / Hoạt động nghề nghiệp / Luật sư có được ký hợp đồng hứa thưởng không?

Luật sư có được ký hợp đồng hứa thưởng không?

Luật sư có được ký hợp đồng hứa thưởng không? Khi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý có điều khoản liên quan đến việc hứa thưởng thì có vi phạm quy định pháp luật không? Khách hàng có nghĩa vụ phải trả thưởng cho luật sư không? Hãy cùng công ty luật Nhân Hậu tìm hiểu quy định pháp luật về việc hứa thưởng cho luật sư trong hợp đồng dịch vụ pháp lý dưới đây.

1. Hợp đồng hứa thưởng là gì?

Tại Điều 570 Bộ luật dân sự 2015 quy định, người nào đã công khai việc hứa thưởng mà sau đó người khác đã thực hiện công việc theo yêu cầu thì người đã công khai hứa thưởng có nghĩa vụ phải trả thưởng theo đúng như những gì mình đã thông báo trước đó.

Tại Điều 385 Bộ luật dân sự 2015 định nghĩa “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.

Như vậy, căn cứ Điều 385 và 570 Bộ luật dân sự 2015 thì không có khái niệm hợp đồng hứa thưởng. Bởi vì hợp đồng phải có sự thỏa thuận giữa các bên và phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa các bên. Trong khi đó hứa thưởng là hành vi pháp lý đơn phương không làm phát sinh nghĩa vụ đối kháng, do đó hợp đồng và hứa thưởng là hoàn toàn khác nhau.

Trên thực tế có một số trường hợp thỏa thuận trong hợp đồng có điều khoản về hứa thưởng, do đó mọi người thường hay nghĩ đó là hợp đồng hứa thưởng, tuy nhiên đó không phải, mà chỉ được gọi chung là hợp đồng.

Ví dụ 1: Công ty Cổ phần ABC thông báo công khai trên website hoặc Fanpage chính thức : Nếu như đội tuyển U18 Việt Nam thắng Thái Lan thì sẽ tặng 1 tỷ đồng. Sau trận đấu, đội tuyển U18 Việt Nam thắng Thái Lan thì Công ty ABC có nghĩa vụ phải trả thưởng theo đúng như những gì mình đã thông báo trước đó.

Trong ví dụ này là một hành vi pháp lý đơn phương, chỉ phát sinh nghĩa vụ đối với ABC mà không phát sinh nghĩa vụ đối kháng với U18.

Ví dụ 2: Chị ABC ủy quyền cho anh XYZ thực hiện các thủ tục ly hôn đơn phương và tham gia phiên tòa xét xử với tư cách là người bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự. Trong hợp đồng ủy quyền có nêu rõ: Nếu như anh XYZ giúp chị ABC giành được quyền nuôi con thì sẽ thưởng 200 triệu đồng, hoặc nếu như giúp chị ABC được hưởng từ 70% giá trị tài sản chung vợ chồng trở lên thì XYZ sẽ được hưởng 10% trong tổng số tài sản mà ABC được chia. Nếu ABC không được quyền nuôi con thì Sau khi xét xử, Tòa án ra bản án tuyên giao ABC nuôi con, chia cho ABC được hưởng chiếc xe oto và tiền mặt 2 tỷ đồng (chiếm 60% giá trị tài sản chung của vợ chồng) thì lúc này, ABC phải trả thưởng cho XYZ theo thỏa thuận. Đây là hợp đồng ủy quyền, làm phát sinh nghĩa vụ đối kháng với XYZ.

2. Luật sư có được ký hợp đồng hứa thưởng không?

Theo quy định tại Luật luật sư 2015 và bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư tại Việt Nam (Ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019) thì luật sư không được ký hợp đồng hứa thưởng, nếu luật sư ký hợp đồng có điều khoản liên quan đến việc hứa thưởng sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật.

Luật sư có được ký hợp đồng hứa thưởng không?

(ảnh minh họa)

Hứa thưởng cho luật sư trong hợp đồng dịch vụ pháp lý (hoặc thậm trí là giữa luật sư và khách hàng thỏa thuận bằng miệng mà không ghi trong hợp đồng) đều là những trường hợp vi phạm pháp luật. Theo đó, luật sư không được ký hợp đồng hứa thưởng vói khách hàng khi cung cấp dịch vụ pháp lý.

– Tại điểm đ khoản 1 Điều 9 Luật luật sư 2015 quy định cấm luật sư “nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ khách hàng ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý”.

Theo đó, luật sư chỉ được thu những khoản tiền đã được ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý, ngoài ra không được thu thêm bất kỳ khoản tiền hoặc chi phí, lợi ích nào khác ngoài hợp đồng.

– Bên cạnh đó, tại quy tắc số 9.2 trong Bộ quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư tại Việt Nam (Ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019) cũng quy định luật sư không được “gợi ý, đặt điều kiện để khách hàng tặng cho tài sản hoặc lợi ích khác cho luật sư hoặc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em của luật sư”. Đây là một trong những việc luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng mà bất kỳ luật sư nào khi hành nghề cũng đều phải ghi nhớ và tuân thủ.

Như vậy, theo quy tắc 9.2 này thì luật sư không được gợi ý hoặc đặt điều kiện. Vấn đề “đặt điều kiện” ở đây là vi phạm pháp luật, tương tự như việc hứa thưởng, nó là điều kiện ràng buộc để hợp đồng dịch vụ pháp lý có hiệu lực, do đó việc luật sư ký hợp đồng hứa thưởng với khách hàng có thể được xem là hành vi đặt điều kiện để khách hàng tặng, cho tài sản hoặc lợi ích khác, hành vi này là vi phạm quy định pháp luật.

Kết luận: Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 9 Luật luật sư 2015 và quy tắc số 9.2 trong Bộ quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư tại Việt Nam (Ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019) thì luật sư không được ký hợp đồng hứa thưởng với khách hàng, nếu vi phạm sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật.

3. Tại sao luật sư không được ký hợp đồng hứa thưởng?

Sở dĩ pháp luật không cho phép luật sư ký hợp đồng hứa thưởng là kết quả công việc không phụ thuộc vào luật sư, mà phụ thuộc vào Tòa án, trong khi đó luật sư không phải là Tòa án nên không thể biết trước được kết quả, do đó nếu như hứa thưởng thì chẳng khác nào luật sư “chạy án”, móc nối với cơ quan tiến hành tố tụng để giải quyết vụ việc.

Ví dụ: Công ty ABC có nhu cầu thuê luật sư khởi kiện đòi nợ của đối tác số tiền là 10 tỷ đồng, trong hợp đồng dịch vụ pháp lý có điều khoản ghi: Nếu như giúp công ty ABC thắng kiện thì luật sư sẽ được thưởng 2 tỷ đồng. Nếu như luật sư (đại diện theo ủy quyền của văn phòng luật sư hoặc công ty luật) ký hợp đồng dịch vụ pháp lý này thì đã vi phạm quy định pháp luật, bởi vì các lý do sau:

– Thứ nhất, nếu như luật sư ký hợp đồng hứa thưởng thì chẳng khác nào luật sư đã biết trước được kết quả? Như vậy, để giúp cho công ty ABC thắng kiện bằng mọi giá thì có thể luật sư sẽ “chạy án”, móc nối với cơ quan tiến hành tố tụng để “sắp xếp kịch bản xét xử”.

– Thứ hai, giúp khách hàng thắng kiện là nghĩa vụ của luật sư, không phải là điều kiện ràng buộc trong hợp đồng pháp lý. Tại khoản 4 Điều 5 Luật luật sư 2015 và quy tắc số 5 trong Bộ quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư tại Việt Nam cũng đã quy định: Luật sư có nghĩa vụ bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng. Như vậy, “tốt nhất” ở đây bao gồm cả việc thắng kiện, và khi giúp khách hàng thắng kiện thì đó là nghĩa vụ và xem như là điều hiển nhiên, không có gì phải lấy đó để đòi hỏi để được trả thưởng.

4. Tại sao người khác thì được ký hợp đồng hứa thưởng, còn luật sư thì không?

Theo quy định pháp luật, tất cả mọi chủ thể khi tham gia giao dịch đều được ký hợp đồng, trong đó có điều khoản hứa thưởng. Tuy nhiên đối với luật sư thì không được phép ký hợp đồng dịch vụ pháp lý mà trong đó có điều khoản về hứa thưởng. Sở dĩ có quy định này bởi vì các lý do sau đây:

– Thứ nhất, luật sư là người có chuyên môn trong lĩnh vực pháp lý, là người hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý thường xuyên. Do đó, luật sư mang trong mình sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ thể, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng… Mà đã gọi là sứ mệnh rồi thì không thể có chuyện thỏa thuận hứa thưởng về lợi ích.

Tại quy tắc số 1 và 2 đã quy định rõ, luật sư có sứ mệnh bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng, góp phần bảo vệ công lý, không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Như vậy, khi luật sư hành nghề mà không vì lợi ích vật chất và tinh thần, không bị áp lực nào khác chi phối thì mới có thể thực hiện sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng, góp phần bảo vệ công lý,…

– Thứ hai, khi giải quyết các vấn đề liên quan đến pháp luật, mọi người sẽ nghĩ ngay đến luật sư. Do đó tâm lý chung mọi người sẽ tìm đến luật sư (thông qua tổ chức hành nghề luật sư: công ty luật, văn phòng luật sư) để giải quyết vụ việc của mình. Nếu như tổ chức hành nghề luật sư nào cũng đặt điều kiện hứa thưởng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý thì sẽ rất bất lợi cho khách hàng, bởi vì họ không có sự lựa chọn

Những người phải nhờ đến luật sư để tham gia tố tụng thường là những người bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản,… do đó có thể nói được rằng họ là người có “hoàn cảnh”, đặc biệt là trong những vụ việc luật sư bào chữa trong vụ án hình sự, khách hàng đang phải “khốn đốn” với những luận cứ mà Viện kiểm sát buộc tội cũng như khánh kiệt mới phải phạm tội, nay còn phải thưởng cho luật sư nữa thì làm mất đi chức năng bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

– Thứ ba, như công ty luật Nhân Hậu đã nêu ở trên, luật sư không phải là cơ quan hành chính hoặc cơ quan tiến hành tố tụng, do vậy không biết trước được kết quả. Nếu như luật sư thỏa thuận điều khoản hứa thưởng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý thì luật sư sẽ tìm mọi cách để đạt được thưởng.

Trong khi đó, luật sư hoạt động trong lĩnh vực pháp lý nhiều năm thì chắc chắn sẽ có không ít các mối quan hệ với cơ quan hành chính, cơ quan tiến hành tố tụng, do đó cũng rất dễ xảy ra trường hợp luật sư để đạt được thưởng sẽ tìm mọi cách để móc nối với các cơ quan Nhà nước để “bằng cách nào đó” giúp cho khách hàng của mình đạt được mục đích.

– Thứ tư, những người khác (không phải là luật sư) khi tham gia ký kết hợp đồng có điều khoản hứa thưởng đó là một giao dịch bình thường, bởi họ không cung cấp dịch vụ pháp lý, không hoạt động trong lĩnh vực pháp luật một cách thường xuyên. Hay nói cách khác, lâu lâu họ mới thực hiện công việc liên quan đến pháp luật, có thể thông qua việc quen biết mà được ủy quyền, hoặc được người khác giới thiệu, hoặc thực hiện theo ủy quyền của cấp trên… Tuy nhiên nhìn chung thì họ không hoạt động trong lĩnh vực pháp luật thường xuyên, nên không thể “móc nối” với các cơ quan tiến hành tố tụng, cũng như tác động đối với họ là không đáng kể.

Kết luận: Luật sư là người mang sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, góp phần bảo vệ công lý… Để làm được điều đó, luật sư phải trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, hoạt động không vì lợi ích thì mới có thể thực hiện được sứ mệnh của mình, do vậy mà không thể có chuyện ký hợp đồng hứa thưởng.

5. Khách hàng tự nguyện hứa thưởng cho luật sư thì luật sư có được nhận?

Trong trường hợp khách hàng tự nguyện thưởng cho luật sư thì luật sư cũng không được phép nhận phần thưởng đó, bởi vì pháp luật đã nghiêm cấm luật sư không được nhận hay đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác trong hợp đồng.

Tại điểm đ khoản 1 Điều 9 Luật luật sư 2015 cấm luật sư không được “Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ khách hàng ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý”. Theo đó, kể cả trường hợp khách hàng tự nguyện thưởng cho luật sư thì luật sư cũng không được phép nhận. Từ “nhận” ở đây cần được hiểu là nhận khi khách hàng tự nguyện thưởng và đòi hỏi sau đó thì nhận.

Ví dụ: Khách hàng đang có nhu cầu thuê luật sư ly hôn đơn phương, do đó khách hàng ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với một công ty luật. Hai bên thỏa thuận chi phí dịch vụ ly hôn trọn gói là 50 triệu đồng. Sau khi xét xử Tòa án tuyên người vợ được quyền nuôi con và được chia 80% tài sản chung của vợ chồng. Khách hàng hài lòng với công việc luật sư thực hiện cũng như kết quả đạt được, để cảm ơn luật sư, khách hàng thưởng thêm cho luật sư số tiền 50 triệu đồng. Trong trường hợp này, luật sư phải từ chối nhận số tiền thưởng đó, mà chỉ được nhận 50 triệu đồng chi phí thù lao đã ghi trong hợp đồng, ngoài ra không được nhận thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ khách hàng ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.

Pháp luật cấm luật sư “nhận thêm bất kỳ khoản tiền, lợi ích nào khác” ngay cả khi khách hàng tự nguyện là cũng có lý do, bởi vì đó là một biện pháp nhằm hạn chế, ngăn chặn việc luật sư thỏa thuận bằng miệng mà không ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý và sau khi thực hiện xong vụ việc thì tìm mọi cách để “đòi thưởng” hoặc thỏa thuận về việc giải quyết trả thưởng.

Hơn nữa, trên hết chính là sứ mệnh của luật sư là bảo vệ quyền con người, quyền công dân, góp phần bảo vệ công lý, hoạt động không vì mục tiêu lợi ích, do đó việc nhận thêm khoản tiền hoặc lợi ích vật chất ngoài những gì đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý làm mất đi tính thiêng liêng, cao cả của nghề luật sư.

Tóm lại, luật sư có được ký hợp đồng hứa thưởng không? Câu trả lời là luật sư không được ký hợp đồng dịch vụ pháp lý mà trong đó có điều khoản hứa thưởng, nếu vi  phạm thì sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức: khiển trách, cảnh cáo, tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn Luật sư từ 6 – 24 tháng, xoá tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn.

5/5 - (1 vote)

Bài nổi bật

Những trường hợp ngoại lệ về nghĩa vụ giữ bí mật của luật sư

Những trường hợp ngoại lệ về nghĩa vụ giữ bí mật của luật sư

Theo quy định trong Luật luật sư, Điều lệ liên đoàn luật sư Việt Nam, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *