Khi tham gia và trở thành hội viên chính thức, thành viên danh sự của Hội Luật gia Việt Nam thì được thực hiện những công việc gì? Dưới đây là các quyền lợi khi tham gia Hội Luật gia Việt Nam cũng như nhiệm vụ của hội viên.
Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, thống nhất, tự nguyện của các luật gia trong cả nước, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khi tham gia và trở thành hội viên chính thức, thành viên danh dự sẽ có những quyền lợi nhất định.
Quyền lợi khi tham gia Hội Luật gia Việt Nam
Tại Điều 8 ĐIỀU LỆ HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM (Ban hành kèm theo Quyết định số 770 /QĐ-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ) quy định, hội viên của Hội Luật gia Việt Nam có những quyền lợi sau đây:
1. Được cấp Thẻ hội viên.
Thẻ hội viên là một trong những giấy tờ chứng minh tư cách hội viên và được sử dụng trong các hoạt động của Hội theo quy định. Thẻ hội viên do Trung ương Hội Luật gia Việt Nam cấp cho hội viên trong phạm vi toàn quốc.
– Thẻ hội viên bị thu hồi trong những trường hợp sau:
+ Hội viên bị thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Hội;
+ Hội viên có quyết định cho ra khỏi Hội;
+ Hội viên không tham gia sinh hoạt, không đóng hội phí liên tục từ hai năm trở lên.
2. Được cung cấp thông tin liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội, được tham gia các hoạt động do Hội tổ chức.
Khi là thành viên chính thức của Hội Luật gia Việt Nam thì bạn sẽ được cung cấp thông tin về các lĩnh vực mà Hội hoạt động, được tham gia các hoạt động do Hội tổ chức theo quy định.
Hiện nay Hội Luật gia Việt Nam hoạt động trong nhiều lĩnh vực, có thể kể đến một số lĩnh vực tiêu biểu như:
– Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý; tham gia phản biện và giám sát xã hội;
– Tham gia giải quyết khiếu nại, giải quyết tranh chấp theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước.
– Tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho hội viên, cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân.
– Tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở, tư vấn giải quyết khiếu nại, giải quyết tranh chấp pháp lý ngoài cơ chế nhà nước theo quy định của pháp luật.
– Xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý phù hợp với chủ trương xã hội hóa của Đảng, Nhà nước và các chương trình, dự án khác theo yêu cầu của các cơ quan Nhà nước.
– Tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng; tuyển chọn một số chức danh tư pháp, hội thẩm nhân dân;
– Tham gia các hoạt động cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tội phạm và các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật.
– Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác giữa Hội Luật gia Việt Nam với các tổ chức và luật gia tiến bộ của các nước trong khu vực và trên thế giới theo quy định của pháp luật;
– Vận động luật gia là người Việt Nam định cư ở nước ngoài đoàn kết, góp phần xây dựng đất nước.
– Tham gia công tác đối ngoại nhân dân theo đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
– Xuất bản và phát hành sách, tạp chí và các ấn phẩm pháp luật khác đáp ứng yêu cầu hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật.
3. Được bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ năng nghề nghiệp.
Khi là hội viên chính thức, bạn sẽ được bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ năng nghề nghiệp theo quy định, cụ thể tại khoản 10 Nghị định 77/2008/NĐ-CP về Tư vấn pháp luật quy định, trung tâm tư vấn pháp luật thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí cho thành viên, hội viên, đoàn viên của tổ chức chủ quản.
Theo đó, nếu bạn là hội viên, hoặc thành viên danh dự thì sẽ được Trung tâm tư vấn pháp luật do Hội Luật gia Việt Nam thành lập tư vấn, hỗ trợ các vấn đề liên quan pháp lý.
4. Tham gia thảo luận, quyết định các chủ trương công tác của Hội theo quy định của Hội.
Liên quan đến các chủ trương công tác của Hội Luật gia Việt Nam, hội viên có quyền thảo luật và quyết định các vấn đề liên quan theo quy định, cụ thể:
– Quyết định phương hướng hoạt động của Hội, Chi hội Luật gia trực thuộc nhiệm kỳ tới;
– Thảo luận, góp ý kiến vào báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành
– Bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra
– Thông qua Nghị quyết Đại hội (biểu quyết)
– Và các định hướng, quyết định có liên quan khác theo quy định
5. Dự Đại hội, ứng cử, đề cử, bầu cử vào các cơ quan lãnh đạo Hội, các chức danh lãnh đạo và Ban Kiểm tra Hội theo quy định của Điều lệ.
Khi tham dự Đại hội, Hội nghị Ban Chấp hành, Hội nghị Ban Thường vụ thì hội viên có quyền tham gia vào hoạt động bầu cử bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Hình thức do Hội quy định cụ thể.
6. Giới thiệu hội viên mới.
Khi giới thiệu hội viên mới, hội viên được giới thiệu phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của hội viên, bao gồm các điều kiện và tiêu chuẩn sau:
– Là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự, có phẩm chất đạo đức tốt
– Có bằng cử nhân luật trở lên hoặc có bằng cử nhân chuyên ngành khác nhưng có thời gian làm công tác pháp luật từ ba năm trở lên, tán thành Điều lệ.
Công dân Việt Nam không có điều kiện hoặc không đủ tiêu chuẩn trở thành hội viên chính thức, tán thành Điều lệ Hội, có công đóng góp cho Hội và tự nguyện xin gia nhập Hội có thể được công nhận là hội viên danh dự của Hội.
Hội viên danh dự được hưởng quyền và nghĩa vụ như hội viên chính thức của Hội, trừ quyền biểu quyết các vấn đề của Hội và quyền bầu cử, ứng cử, đề cử vào các cơ quan lãnh đạo Hội, các chức danh lãnh đạo và Ban Kiểm tra Hội.
7. Được khen thưởng theo quy định của Hội.
Hội viên, cán bộ, tổ chức, đơn vị thuộc Hội có thành tích xuất sắc thì được Hội Luật gia Việt Nam khen thưởng, hoặc được Hội đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khen thưởng theo quy định của pháp luật. Chi phí khen thưởng cho hội viên, thành viên được trích từ nguồn kinh phí của Hội theo các cấp.
7.1. Danh hiệu thi đua:
Tại Điều 9 QUY CHẾ THI ĐUA KHEN THƯỞNG HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM (Ban hành kèm theo Quyết định số:134/QĐ-HLGVN ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam ) quy định các danh hiệu thi đua bao gồm:
– Danh hiệu thi đua đối với cá nhân: Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua Hội Luật gia Việt Nam, Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
– Danh hiệu thi đua đối với tập thể: Tập thể Lao động tiên tiến, Tập thể Lao động xuất sắc, Cờ thi đua của Hội Luật gia Việt Nam, Cờ thi đua của Chính phủ.
7.2. Hình thức khen thưởng:
Tại Điều 22 QUY CHẾ THI ĐUA KHEN THƯỞNG HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM (Ban hành kèm theo Quyết định số:134/QĐ-HLGVN ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam ) quy định các hình thức khen thưởng bao gồm:
– Huân chương: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhất, hạng nhì, hạng ba, Huân chương Lao động hạng nhất, hạng nhì, hạng ba, Huân chương Dũng cảm, Huân chương Hữu Nghị.
– Huy chương: Huy chương Hữu Nghị”
7.3. Danh hiệu vinh dự Nhà nước: Danh hiệu “Anh hùng lao động.
7.4 “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”.
7.5 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
7.6 Bằng khen của Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Bằng khen của Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
8. Khiếu nại quyết định của Hội, tố cáo các hành vi xâm phạm quyền, lợi ích của hội viên và tổ chức Hội theo quy định pháp luật và Điều lệ Hội.
9. Được yêu cầu Hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật và Điều lệ này.
10. Chuyển nơi sinh hoạt Hội, miễn sinh hoạt Hội, xin ra khỏi Hội khi xét thấy không thể tiếp tục là hội viên theo quy định.
– Quyền chuyển nơi sinh hoạt: Hội viên được chuyển sinh hoạt Hội khi chuyển nơi làm việc hoặc nơi cư trú theo nguyên tắc: Hội viên làm việc hoặc cư trú ở nơi nào thì sinh hoạt tại nơi đó. Đối với trường hợp nơi làm việc không có tổ chức Hội thì sinh hoạt tại tổ chức Hội nơi cư trú. Trường hợp nơi làm việc và nơi cư trú không có tổ chức Hội thì sinh hoạt tại tổ chức Hội nơi có điều kiện thuận lợi nhất đối với hội viên.
– Quyền được miễn sinh hoạt Hội: Hội viên có thể được miễn sinh hoạt Hội trong trường hợp có lý do chính đáng không thể tham gia sinh hoạt Hội thường xuyên.
– Quyền xin ra khỏi Hội: Hội viên muốn xin ra khỏi Hội thì gửi đơn tới Ban Chấp hành Chi hội Luật gia nơi hội viên đang sinh hoạt để xem xét, đề nghị cấp có thẩm quyền kết nạp hội viên quyết định.
Trên đây là 10 quyền lợi khi tham gia Hội Luật gia Việt Nam, bên cạnh việc hưởng quyền lợi thì thành viên, hội viên cũng có nghĩa vụ tuân thủ quy định của Hội, có trách nhiệm với Hội, cụ thể như sau:
Nhiệm vụ của hội viên Hội Luật gia Việt Nam
Tại Điều 9 ĐIỀU LỆ HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM (Ban hành kèm theo Quyết định số 770 /QĐ-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ) quy định hội viên Hội Luật gia Việt Nam có những nhiệm vụ sau đây:
– Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
– Chấp hành Điều lệ, quy định của Hội.
– Tham gia các hoạt động và sinh hoạt của Hội;
– Đoàn kết, hợp tác với các hội viên khác để xây dựng Hội phát triển vững mạnh.
– Bảo vệ uy tín của Hội, không được nhân danh Hội trong các quan hệ giao dịch, trừ khi được lãnh đạo Hội phân công bằng văn bản.
– Thực hiện các công việc được tổ chức Hội giao.
– Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của Hội.
– Đóng hội phí đầy đủ và đúng hạn theo quy định của Hội.
* Tìm hiểu thêm: