Có quan điểm cho rằng: “Luật sư là cánh tay nối dài của thẩm phán”. Quan điểm này nhận được nhiều ý kiến trái chiều khác nhau, có người cho rằng luật sư là cánh tay nối dài của Thẩm phán để thực hiện hành vi trái quy định pháp luật, tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng luật sư là cánh tay nối dài và đắc lực để Thẩm phán giải quyết vụ việc được chính xác, khách quan.
Mục lục
1. Quan điểm luật sư là cánh tay nối dài của thẩm phán theo nghĩa tiêu cực.
Luật sư là cánh tay nối dài của thẩm phán, hiểu theo nghĩa tiêu cực thì đó là hành vi luật sư móc nối với Thẩm phán để chạy án. Cần khẳng định ngay đây là hành vi bị nghiêm cấm, nếu bị phát hiện chắc chắn luật sư và thẩm phán đó sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật (bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự).
Trên thực tế hiện nay vẫn có trường hợp luật sư móc nối với thẩm phán để dàn xếp giải quyết vụ việc theo hướng có lợi cho khách hàng của mình nhằm thu lợi bất chính, tuy nhiên trường hợp này không nhiều, một số ít luật sư chạy án có thể do cái lợi trước mắt, chưa nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề mà vi phạm pháp luật.
Số đông luật sư hiện nay vẫn là những người tâm huyết với nghề, tôn trọng pháp luật, hoạt động một cách độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.
Việc một số ít luật sư chạy án, trở thành cánh tay nối dài của thẩm phán không thể đánh đồng, không thể vì “con sâu làm rầu nồi canh” mà đánh đồng cho cả một nghề cao quý, một truyền thống tốt đẹp của nghề luật sư hiện nay.
Như đã nêu ở trên, hành vi luật sư móc nối với thẩm phán để chay án là hành vi vi phạm pháp luật, nếu bị phát hiện thì chắc chắn luật sư và thẩm phán sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Đối với luật sư, tại điểm e khoản 1 điều 9 Luật luật sư hợp nhất 2015 nghiêm cấm luật sư có hành vi “Móc nối, quan hệ với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, cán bộ, công chức, viên chức khác để làm trái quy định của pháp luật trong việc giải quyết vụ, việc”.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà luật sư có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, hoặc bị tủy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:
– Bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội đưa hối lộ theo điều 364 BLHS 2015:
+ Khung hình phạt thấp nhất là bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Khung hình phạt cao nhất là bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm.
+ Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
– Bị xử phạt hành chính, phạt tiền từ 30.000.000 – 40.000.000 đồng.
Trường hợp luật sư móc nối với thẩm phán để làm trái quy định của pháp luật trong việc giải quyết vụ, việc nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính.
Theo quy định tại điểm d khoản 7 Điều 6 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, Luật sư móc nối với thẩm phán để làm trái quy định của pháp luật trong việc giải quyết vụ, việc thì bị xử phạt hành chính, phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng
+ Hình thức xử phạt bổ sung: Luật sư còn bị Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam từ 06 tháng đến 09 (theo quy định tại điểm b khoản 8 Điều 6 Nghị định 82/2020/NĐ-CP)
+ Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (theo quy định tại điểm b khoản 9 Điều 6 Nghị định 82/2020/NĐ-CP)
– Bị xử lý kỷ luật (nặng nhất là bị xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư)
Tại khoản 1 Điều 85 Luật luật sư 2006 sửa đổi bổ sung 2012 quy định: Luật sư vi phạm quy định của Luật này, Điều lệ, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam[66] và quy định khác của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau đây:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn luật sư từ sáu tháng đến hai mươi bốn tháng;
d) Xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư.
2. Luật sư phải là cánh tay nối dài và đắc lực để Thẩm phán giải quyết vụ việc chính xác, khách quan.
Theo ý nghĩa tích cực, luật sư sẽ là cánh tay nối dài và đắc lực để Thẩm phán giải quyết vụ việc một cách chính xác, khách quan. Theo đó, khi có sự tham gia của luật sư trong các phiên tòa (hình sự, dân sự, hành chính) thì luật sư đóng vài trò tích cực trong giải quyết vụ việc, cụ thể:
– Luật sư nghiên cứu, phân tích hồ sơ để làm sáng tỏ các tình tiết khách quan của vụ việc:
Khi nhận vụ việc của khách hàng, luật sư có trách nhiệm nghiên cứu và phân tích hồ sơ vụ việc để làm sáng tỏ những nội dung hoặc các tình tiết trong vụ việc, quá trình nghiên cứu luật sư sẽ phát hiện ra những vấn đề khúc mắc, làm sáng tỏ những nội dung chưa rõ ràng,… Từ đó, Thẩm phán có thể dùng làm căn cứ để giải quyết vụ việc được chính xác, khách quan.
– Luật sư thu thập tài liệu, chứng cứ để Thẩm phán dùng làm căn cứ giải quyết vụ việc:
Chứng cứ là căn cứ để Thẩm phán ra quyết định được chính xác và khách quan, do đó công đoạn tìm hiểu và thu thập tài liệu, chứng cứ là công việc vô cùng quan trọng của quá trình tố tụng, nếu thiếu chứng cứ hoặc chứng cứ giả mạo thì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả giải quyết vụ việc. Do vậy, luật sư thu thập tài liệu và chứng cứ hợp pháp sẽ góp phần giúp cho kết quả giải quyết vụ việc được chính xác và khách quan.
– Một số ít trường hợp, Luật sư phát hiện sai sót của Thẩm phán khi giải quyết vụ việc
Trên thực tế cũng có những trường hợp Thẩm phán áp dụng quy định pháp luật sai, dẫn tới hậu quả ra bản án/quyết định chưa được chính xác và khách quan, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, khiến đương sự bất mãn với Tòa án, gây ra những cử chỉ, thái độ không tốt đối với Tòa án, thậm trí còn làm đương sự mất niềm tin vào công lý, không còn niềm tin đối với pháp luật, ảnh hưởng đến ngành Tư pháp.
Trong trường hợp này, luật sư đóng vai trò quan trọng để phát hiện sai sót đó, khi phát hiện sai sót luật sư có thể trình bày ý kiến với Thẩm phán, hoặc gửi văn bản trình bày để Thẩm phán nhận ra sai sót của mình và điều chỉnh theo đúng quy định pháp luật.
Khi nói đến “cánh tay nối dài của thẩm phán”, đa số mọi người đều áp đặt theo nghĩa tiêu cực, cho rằng luật sư móc nối với người tiến hành tố tụng và cơ quan tiến hành tố tụng để “chạy án”, điều này là hoàn toàn dễ hiểu bởi tâm lý chung của mọi người nghĩ rằng luật sư là người có mối quan hệ gần gũi nhất với Thẩm phán.
Tuy nhiên, bên cạnh suy nghĩ tiêu cực đó còn một ý nghĩa tích cực mà mọi người thường không để ý đến, đó chính là phối hợp, hỗ trợ Thẩm phán để giúp cho việc thực thi pháp luật được hiệu quả. Do đó, luật sư phải là cánh tay nối dài và đắc lực để Thẩm phán giải quyết vụ việc được chính xác và khách quan.