Luật sư được quyền tham gia ngay từ giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng hình sự ở Đức. Cộng hòa Liên bang Đức là quốc gia có mô hình tố tụng hình sự khá tương đồng và phù hợp với mô hình tố tụng hình sự Việt Nam. Việc phân tích, tìm hiểu và đánh giá những quy định pháp luật trong tố tụng hình sự của Đức về quyền bào chữa nhằm chia sẽ kinh nghiệm cũng như góp phần vào việc hoàn thiện các quy định pháp luật trong tố tụng hình sự về quyền bào chữa của Việt Nam.
Tại Điều 137 Bộ luật tố tụng hình sự ở Đức quy định, người bị buộc tội có quyền yêu cầu người bào chữa trong quá trình tố tụng mà không bị hạn chế hay khống chế về giai đoạn tố tụng, bao gồm cả giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng.
Mục lục
Luật sư được quyền tham gia ngay từ giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng hình sự ở Đức
Tại khoản 1 Điều 140 và khoản 3 Điều 141 Bộ luật tố tụng hình sự ở Đức quy định, vào thời điểm lệnh bắt giữ người có hiệu lực thì người bị bắt giữ sẽ được chỉ định người bào chữa ngay lập tức, quy định này đồng nghĩa với việc luật sư được quyền tham gia ngay từ giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng theo ý chí của người phạm tội.
Cần lưu ý thêm rằng, luật sư chỉ được quyền tham gia ngay từ giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng hình sự khi lệnh bắt giữ có hiệu lực và lệnh bắt này đã được thông báo cho người bị bắt, người đại diện của người bị bắt, hoặc lệnh bắt này được đưa ra bởi chính cơ quan Tòa án.
Trước đây, người bào chữa trong quá trình tố tụng hình sự ở Đức chỉ được phép tham gia vụ án sau khi hồ sơ vụ án đã được chuyển cho cơ quan công tố, trong giai đoạn điều tra, lấy lời khai thì luật sư thường bị bị ngăn cản, đồng nghĩa với việc luật sư không được tham gia sớm vào giai đoạn thẩm vấn tại đồn cảnh sát. Ngoại lệ có số ít trường hợp luật sư được tham gia vào giai đoạn điều tra và lấy lời khai khi có sự đồng ý của cảnh sát.
Như vậy, quy định trong tố tụng hình sự ở Đức trước đây là luật sư không được tham gia ngay từ giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng hình sự, do đó luật sư cũng không thể gặp bị can cho đến khi bị can được tiếp xúc với công tố viên hoặc thẩm phán Tòa án.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 140 và khoản 3 Điều 141 Bộ luật TTHS Đức hiện nay đang có hiệu lực thi hành thì tại thời điểm lệnh bắt giữ có hiệu lực đã được thông báo hoặc đưa ra bởi tòa án, người bị bắt giữ sẽ được chỉ định người bào chữa ngay lập tức. Sự chỉ định này sau đó phải được gửi đến tòa án có thẩm quyền.
Khi người bị tình nghi bị giam giữ tại nơi tạm giam hoặc khi bị cảnh sát bắt giữ, thẩm phán có thể chỉ định luật sư bào chữa theo yêu cầu của người bị tình nghi, khi chỉ định luật sư bào chữa thì cơ quan công tố phải ghi nhận ngay đơn yêu cầu vào hồ sơ vụ án nếu là trường hợp chỉ định bào chữa bắt buộc (theo khoản 1 khoản 2 Điều 140 Bộ luật tố tụng hình sự ở Đức).
Sự chỉ định người bào chữa như vậy sẽ không căn cứ vào tình hình tài chính của người bị tình nghi, bởi vì người bào chữa được chỉ định có quyền chi trả các khoản chi phí bào chữa của mình bằng chính nguồn tài chính của quốc gia. Điều này đặc biệt quan trọng giúp luật sư thực hiện được đúng chức năng của mình, đồng thời giúp cho người bị bắt có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trên tinh thần công bằng, bình đẳng.
Theo Bộ luật tố tụng hình sự của Cộng hòa liên Bang Đức hiện hành đang có hiệu lực thi hành thì người bị bắt giữ được thông báo quyền giữ im lặng và quyền được tư vấn bởi người bào chữa (người bào chữa do người bị bắt giữ lựa chọn) ở bất kỳ giai đoạn tố tụng nào, thậm chí có quyền được tư vấn của luật sư trước khi cơ quan chức năng tiến hành thủ tục thẩm vấn.
Chính vì quy định này mà khi bị bắt, người bị bắt giữ thường được khuyên nên im lặng cho đến khi gặp được luật sư bào chữa của mình. Trong trường hợp cảnh sát tiến hành các thủ tục thẩm vấn thì người bị bắt giữ vẫn có quyền giữ im lặng và được quyền yêu cầu gặp luật sư bào chữa của mình. Việc giữ im lặng cho đến khi nói chuyện với luật sư sẽ không bị coi là tình tiết chống lại người bị bắt (khoản 1 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự Cộng hòa liên Bang Đức)” 1.
Bị can, bị cáo, người bị buộc tội ở Đức có quyền yêu cầu luật sư bào chữa trước khi bị thẩm vấn
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự ở Đức, trước khi tiến hành thẩm vấn, bị can, bị cáo có các quyền sau đây:
– Được thông báo về tội trạng mình bị cáo buộc và điều khoản có liên quan đến tội trạng đó trong Bộ luật hình sự.
Chẳng hạn như khi bị bắt giữ về hành vi trộm cắp tài sản, bị can có quyền được thông báo bằng văn bản về hành vi của mình bị cáo buộc về tội gì? Quy định pháp luật nào buộc tội mình?..
– Được thông báo về quyền giữ im lặng.
Theo quy định này, trước khi thẩm vấn thì cơ quan cảnh sát phải thông báo cho anh ta biết quyền được giữ im lặng trước khi được gặp luật sư của mình.
Trong trường hợp cảnh sát lấy lời khai mà không thông báo về quyền giữ im lặng thì các chứng cứ liên quan đến bị can, bị cáo sẽ không được chấp nhận và không có giá trị chứng minh anh ta phạm tội.
– Được quyền chọn Luật sư bào chữa.
Quy định này cũng đồng nghĩa với việc luật sư được quyền tham gia ngay từ giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng hình sự ở Đức mà không bị khống chế bởi lý do gì, luật sư được tham gia từ giai đoạn đầu tiên khi người bị buộc tội có yêu cầu và khi được Tòa án chỉ định.
– Quyền đề nghị và tham gia tích cực vào việc thu thập chứng cứ gỡ tội (Điều 136(2)).
Tương tự như các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, bị can, bị cáo có quyền đề nghị lập công chuộc tội hoặc góp sức vào việc điều tra để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
– Quyền yêu cầu đưa ra bằng chứng hoặc đề nghị Toà án xem xét chứng cứ đưa ra.
Việc bắt, thu giữ, khám người phải được thực hiện theo nguyên tắc tôn trọng phẩm giá con người và nguyên tắc về tính tương xứng. “Bị can, bị cáo không có nghĩa vụ phải hợp tác tích cực mà đơn thuần chỉ phải kiềm chế kháng cự, chống đối. Tuy nhiên lời khai của bị can, bị cáo cũng được coi là nguồn chứng cứ, đặc biệt trong trường hợp tự thú thì lời khai của họ là cơ sở cho việc đánh giá chứng cứ của Toà án.
Trong giai đoạn tiền xét xử, bị can có thể được tư vấn pháp lý vào bất cứ thời điểm nào. Luật sư biện hộ có quyền có mặt khi Thẩm phán, Công tố viên thẩm vấn bị can, bị cáo. Khi cảnh sát thẩm vấn thì luật sư biện hộ không được phép có mặt, trừ trường hợp được cảnh sát cho phép.
Nếu bị cáo không được thông báo về những nội dung trên, chứng cứ buộc tội anh ta có thể bị loại bỏ, trừ phi bị cáo biết rõ quyền của mình hoặc chấp thuận các chứng cứ đó trước Toà. Mọi cuộc thẩm tra, hỏi cung bị cáo hay nhân chứng phải được lập biên bản để làm chứng cứ trước tòa” 2.
Luật sư bào chữa trong quá trình tố tụng hình sự ở Đức được quy định như thế nào?
Theo Bộ luật tố tụng hình sự Đức, luật sư tham gia bào chữa trong quá trình tố tụng hình sựkhi có yêu cầu của bị can, bị cáo, hoặc khi được chỉ định trong trường hợp bào chữa bắt buộc.
Tại Điều 137 Bộ luật tố tụng hình sự Đức quy định bị can, bị cáo có thể yêu cầu luật sư bào chữa tại bất cứ giai đoạn nào của quá trình tố tụng nhưng tối đa không quá ba người. Luật sư có nghĩa vụ hành động trong khuôn khổ pháp luật, tôn trọng sự thật khi đưa ra thông tin trước Toà, không để khách hàng của mình trốn tránh pháp luật và không được tự mình giả mạo chứng cứ hoặc giúp đỡ khách hàng của mình giả mạo chứng cứ.
Tuy nhiên, không giống như Công tố viên, Luật sư không có nghĩa vụ hành động một cách khách quan, do đó họ chỉ cần đưa ra những chứng cứ và những luận điểm có lợi cho khách hàng và trợ giúp khách hàng trong việc đòi hỏi quyền lợi của khách hàng.
Điều 140 Bộ luật tố tụng hình sự quy định các trường hợp người bào chữa phải bắt buộc tham gia, đó là:
1. Trường hợp bị cáo bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm tại Toà án khu vực hoặc Toà án cấp trên;
2. Bị can, bị cáo bị truy tố về một tội phạm nghiêm trọng, việc xét xử có thể dẫn đến lệnh cấm làm một công việc nhất định;
3. Bị can, bị cáo đã bị giam giữ trong thời gian ít nhất là 3 tháng theo quyết định của Toà án và không trả tự do ít nhất là 2 tuần trước khi mở phiên toà xét xử;
4. Bị can, bị cáo đang trong quá trình Toà án xem xét kết luận về tình trạng tâm thần;
5. Bị can, bị cáo đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam hoặc trường hợp có quyết định thay đổi luật sư tham gia tố tụng.
Ngoài ra, trong các trường hợp khác, thẩm phán sẽ chỉ định luật sư bào chữa nếu xét thấy sự tham gia của lụât sư là cần thiết vì tính chất nghiêm trọng của tội phạm, tính phức tạp của tình tiết vụ án, hoặc xét thấy căn cứ bị cáo không thể tự bào chữa cho mình. Đặc biệt trường hợp bị cáo là người bị câm, điếc hoặc đối với vụ án tư tố theo Điều 397a và 406g kh 3, 4, người bị hại đã chỉ định người đại diện hợp pháp cho họ.
Trong những trường hợp nêu trên, nếu bị can, bị cáo không chọn người bào chữa thì Toà án phải chỉ định luật sư bào chữa cho họ. Việc chỉ định luật sư bào chữa trước giai đoạn xét xử do cơ quan công tố chỉ định, còn giai đoạn tiếp theo do Toà án thụ lý vụ án hoặc Thẩm phán xét xử chỉ định ( Điều 141).
Hiện nay, trong những vụ án phức tạp, các Toà án thường chỉ định thêm một Luật sư “nghĩa vụ” ngoài luật sư đã được bị can, bị cáo chọn, nhằm tránh trường hợp Luật sư đã được chọn từ bỏ việc bào chữa trước khi kết thúc vụ án” 3.
- GV. NGUYỄN QUYẾT THẮNG, Lập pháp, tham khảo ngày 19/07/2023, http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=208298
- Nguyễn Thu Quỳ – Viện khoa học kiểm sát – VKSNDTC, tham khảo ngày 19/07/2023, vksndtc.gov.vn/tintuc/Pages/lists.aspx?Cat=16&ItemID=7845
- Nguyễn Thu Quỳ – Viện khoa học kiểm sát – VKSNDTC, tham khảo ngày 19/07/2023, vksndtc.gov.vn/tintuc/Pages/lists.aspx?Cat=16&ItemID=7845