Home / Hình sự / Gửi đơn to cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở đâu?

Gửi đơn to cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở đâu?

Khi bị chiếm đoạt tài sản trên mạng thì người bị hại cần gửi đơn to cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở đâu để được giải quyết? To cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản online như thế nào? Dưới đây công ty luật Nhân Hậu sẽ hướng dẫn các bạn các thủ tục trình báo công an khi bị lừa đảo một cách chi tiết để có thể giúp bạn lấy lại được tiền đã bị chiếm đoạt trước đó.

Gửi đơn to cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở đâu?

Hiện nay, tình trạng lừa đảo trên mạng diễn ra rất phổ biến và tinh vi, nhiều người khi bị mất tài sản thì nghĩa ngay đến việc khởi kiện người lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, đối với hành vi được xác định là tội phạm lừa đảo thì sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật hình sự, cho nên bạn không thể thực hiện bằng một vụ án dân sự, mà phải theo thủ tục tố tụng hình sự. Trước hết, bạn phải làm đơn tố giác và gửi đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để được giải quyết theo thủ tục chung.

1. Gửi đơn to cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở đâu?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2021 (Bộ luật tố tụng hình sự) thì thẩm quyền và trách nhiệm tiếp nhận đơn to giác tội phạm bao gồm: Cơ quan điều tra (Cơ quan Công an), Viện kiểm sát, và Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

Cơ quan, tổ chức khác ở đây là mọi cơ quan trực thuộc Nhà nước, đó có thể là Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, cơ quan nhà nước khác,…

Đó là những cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của bạn, có thể là thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc không thuộc thẩm quyền giải quyết. Nếu có thẩm quyền giải quyết thì họ sẽ giải quyết luôn đơn tố giác của bạn, nếu không đúng thẩm quyền thì họ sẽ chuyển hồ sơ và tài liệu đó sang cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định. Vậy, cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết đơn tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn tố giác lừa đảo chiếm đoạt tài sản là:

1. Cơ quan điều tra (Công an nhân dân):

Cơ quan Công an có các thẩm quyền sau đây:

– Giải quyết đơn tố giác tội phạm của cá nhân. (Trường hợp bạn bị chiếm đoạt tiền, bạn có thể gửi đơn to giác người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đó đến Công an để được giải quyết).

– Giải quyết tin báo về tội phạm lừa đảo của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

– Giải quyết kiến nghị khởi tố của cơ quan, tổ chức Nhà nước có thẩm quyền.

Về thẩm quyền giải quyết đơn tố giác tội phạm theo lãnh thổ của Công an, tại điểm a khoản 3 Điều 145 quy định thẩm quyền giải quyết đơn tố giác lào thẩm quyền điều tra. Theo đó, “Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt” 1

Như vậy, khi gửi đơn to cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến cơ quan Công an, các bạn gửi đơn theo thẩm quyền ưu tiên như sau:

– Trường hợp bạn bị lừa đảo dưới 500 triệu thì tố giác đến Công an Quận/huyện nơi xảy ra vụ việc lừa đảo, nếu bị lừa trên 500 triệu đồng trở lên thì gửi đơn đến Công an tỉnh nơi xảy ra vụ việc.

– Trường hợp bạn bị lừa lừa đảo trên mạng mà không có địa điểm cụ thể trên thực tế thì bạn gửi đến Cơ quan Công an nơi đối tượng đó đang cư trú (tùy theo giá trị tiền bị lừa mà gửi đến công an cấp huyện hay cấp tỉnh).

– Trường hợp bạn bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng mà không biết đối tượng đó đang cư trú ở đâu thì bạn gửi đơn tố giác đến đến bất kỳ cơ quan nhà nước nào đều được, có thể gửi đến: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Công an quận/huyện nơi bạn cư trú đều được.

Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày tiếp nhận tố giác,… “cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận đó cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền” 2.

2. Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra:

Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Tại khoản 1 Điều 35  Bộ luật tố tụng hình sự quy định, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm:

– Các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư.

– Các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

– Các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày tiếp nhận tố giác,… “cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận đó cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền” 3.

3. Viện kiểm sát nhân dân

Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết đơn to cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi “phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục” 4.

Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố kèm theo tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền

Theo đó, khi nhận được đơn to giác lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bạn thì Viện kiểm sát có trách nhiệm “chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố kèm theo tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền” 5, sau đó kiểm sát việc giải quyết đơn tố giác tội phạm của Cơ quan Công an và Cơ quan được giao một số nhiệm vụ tiến hành điều tra, nếu phát hiện 2 cơ quan này có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng, bỏ lọt tội phạm,… Thì lúc đó Viện kiểm sát sẽ giải quyết đơn tố giác tội phạm của bạn.

Tóm lại, Gửi đơn to cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở đâu? Các bạn gửi đơn tố giác tội phạm đến Cơ quan điều tra (nơi xảy ra vụ việc lừa đảo, hoặc nơi đối tượng lừa đảo cư trú) và Viện kiểm sát (nơi xảy ra vụ việc lừa đảo, hoặc nơi đối tượng lừa đảo cư trú) để được hỗ trợ giải quyết theo đúng thẩm quyền.

2. Thủ tục trình báo Công an khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Căn cứ Điều 146 Bộ luật tố tụng hình sự, thủ tục trình báo Công an khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

Bước 1: Gửi đơn tố giác lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến Cơ quan điều tra (Công an), Viện kiểm sát

Đầu tiên, khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng hoặc bị một đối tượng nào đó thực hiện hành vi tương tự, các bạn cần làm đơn tố giác và gửi đến Cơ quan điều tra (Công an), Viện kiểm sát để được tiếp nhận vụ việc.

Thủ tục trình báo Công an khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản

(Thủ tục trình báo công an khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gửi đơn trực tiếp đến cơ quan điều tra – Ảnh minh họa)

Các bạn có thể gửi đơn to cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức nộp trực tiếp tại trụ sở cơ quan, hoặc cũng có thể gửi qua dịch vụ bưu chính, điện thoại,hoặc qua phương tiện khác như email, Fanpage Facebook của cơ quan đó (nếu cơ quan đó có các phương tiện nêu trên).

Khi làm đơn tố giác, các bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

– Tố giác đúng sự thật, tuyệt đối không vu khống cho người khác, không cung cấp sai sự thật khi biết rõ đó là thông tin sai sự thật. “Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật” 6.

– Cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc một cách đầy đủ và chi tiết: Tin nhắn giao dịch, ghi âm cuộc gọi giao dịch, biên lai chuyển khoản, hình thức trốn tránh/ chặn liên lạc, hình thức quảng cáo (thủ đoạn gian dối),…

– Cung cấp thông tin liên lạc của bạn (Họ tên, địa chỉ, số điện thoại, email,…) để cơ quan chức năng có thể liên hệ được cho bạn nhằm mục đích xác minh, thu thập thêm dữ liệu, đồng thời thông báo kết quả giải quyết vụ việc cho bạn.

– Trình bày, miêu tả quá trình diễn ra vụ việc một cách chi tiết, bao gồm: Ngày, giờ, thời gian, hình thức và thủ đoạn chiếm đoạt tài sản, số tiền/ tài sản bị chiếm đoạt, thông tin của đối tượng lừa đảo (nếu có)…

– Ghi rõ yêu cầu của bạn: Khởi tố vụ án, khởi tố bị can, yêu cầu trả lại tiền và bồi thường thiệt hại cho bạn (nếu có)…

– Phần cam kết của bạn: Bạn phải cam kết cung cấp thông tin đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung mà bạn đã gửi đến cơ quan chức năng.

Bước 2: Cơ quan công an, Viện kiểm sát lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận

Sau khi tiếp nhận đơn tố giác của bạn, cơ quan chức năng sẽ lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận. Trong quá trình tiếp nhận họ có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận đơn của bạn.

Trong trường hợp bạn gửi đơn tố giác lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua dịch vụ bưu chính, điện thoại hoặc qua phương tiện thông tin khác thì họ vẫn tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận theo hình thức mà bạn gửi.

Lưu ý quan trọng: Bạn phải có mặt “theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm, trình bày trung thực về những tình tiết mà mình biết về sự việc” 7.

Bước 3: Cơ quan Công an tiến hành giải quyết đơn tố giác tội phạm

Tiếp theo, cơ quan tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của bạn họ sẽ tiến hành giải quyết đơn của bạn, bao gồm các nội dung được quy định tại khoản 3 Điều 147 BLTTHS, cụ thể như sau:

– Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin;

– Khám nghiệm hiện trường; (nếu vụ việc có hiện trường cụ thể)

– Khám nghiệm tử thi (nếu vụ việc xảy ra chết người)

– Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản (nếu cần thiết để phục vụ công tác xác minh)

Sau khi thực hiện các công việc nêu trên thì Cơ quan Công an sẽ ra một trong các quyết định sau đây:

+ Quyết định khởi tố vụ án hình sự (nếu có dấu hiệu của tội phạm)

+ Quyết định không khởi tố vụ án hình sự (nếu không có dấu hiệu của tội phạm)

+ Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố( nếu thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 148 BLTTHS)

Thời gian Cơ quan điều tra tiến hành giải quyết đơn tố giác tội phạm chậm nhất là 20 ngày, trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp thì Cơ quan Công an có thể gia hạn thêm thời gian giải quyết, nhưng không quá 2 tháng, Viện kiểm sát gia hạn thêm 2 tháng. Như vậy, chậm nhất của giai đoạn giải quyết đơn tố giác này là không quá 140 ngày kể từ ngày nhận được đơn tố giác.

Bước 4: Thông báo kết quả giải quyết đơn tố giác lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho bạn

Theo quy định tại khoản 4 Điều 145 BLTTHS quy định: “Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố” 8.

Theo đó, sau khi giải quyết xong đơn tố giác của bạn, Cơ quan có thẩm quyền sẽ thông báo kết quả giải quyết cho bạn biết về kết quả giải quyết đó.

Trên đây là thủ tục trình báo công an khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản với 4 bước, thời gian chậm nhất là 140 ngày. Ngoài ra, sau khi có quyết định khởi tố vụ án thì Cơ quan Công an sẽ tiến hành điều tra –> khi kết thúc điều tra thì chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát cùng cấp để truy tố trước Tòa án bằng một bản cáo trạng –> Tòa án xét xử vụ án sơ thẩm –> cuối cùng là thi hành án.

Trường hợp bạn vẫn chưa hiểu rõ quy định khác có liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các bạn có thể liên hệ đến các tổ chức hành nghề luật sư để được tư vấn cụ thể, hoặc tìm hiểu dịch vụ luật sư tư vấn lừa đảo chiếm đoạt tài sản để biết thêm chi tiết cụ thể.

3. Người gửi đơn tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản có quyền gì?

Theo quy định tại Điều 56 Bộ luật tố tụng hình sự thì người tố giác tội phạm có các quyền sau:

– Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giữ bí mật việc tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

– Được cơ quan chức năng có thẩm quyền bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản

– Được cơ quan chức năng bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ, người thân thích của họ khi bị đe dọa;

– Được thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

– Được khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Khi gửi đơn tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng và tất cả mọi tội phạm nói chung, bạn có nghĩa vụ “phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm, trình bày trung thực về những tình tiết mà mình biết về sự việc” 9.

5/5 - (12 votes)
  1. Khoản 4 Điều 163 Bộ luật tố tụng hình sự.
  2. khoản 5 Điều 146 BLTTHS
  3. khoản 5 Điều 146 BLTTHS
  4. Điểm c khoản 3 Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự.
  5. khoản 2 Điều 146 Bộ luật tố tụng hình sự.
  6. Khoản 5 Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự.
  7. Khoản 2 Điều 56 Bộ luật tố tụng hình sự.
  8. khoản 4 Điều 145 BLTTHS
  9. Khoản 2 Điều 56 BLTTHS.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *