Home / Dân sự / Chuyển nhầm tiền vào tài khoản người khác có lấy lại được không?

Chuyển nhầm tiền vào tài khoản người khác có lấy lại được không?

Chuyển nhầm tiền vào tài khoản người khác có lấy lại được không? Lấy lại tiền khi chuyển nhầm tài khoản người khác bằng cách nào? Dưới đây chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn các thủ tục liên quan đến vấn đề chuyển khoản nhầm tài khoản ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, MB Bank, Sacombank, Agribank, Teckcombank, ACB…

1. Chuyển nhầm tiền vào tài khoản người khác có lấy lại được không?

Khi chuyển tiền nhầm vào tài khoản của người khác thì người chuyển nhầm có thể liên hệ đến ngân hàng để được hỗ trợ yêu cầu chủ tài khoản nhận trả lại số tiền đã chuyển nhầm trước đó, trong trường hợp chủ tài khoản nhận không trả lại tiền thì bạn có thể liên hệ đến Công an để tố giác hành vi chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.

Chuyển nhầm tiền vào tài khoản người khác có lấy lại được không

– Căn cứ pháp luật để lấy lại tiền khi chuyển khoản nhầm cho người khác như sau:

Tại khoản 1 Điều 166 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền đòi lại tài sản như sau: “Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật”.

Theo đó, khi bạn (chủ sở hữu) chuyển tiền nhầm cho người khác (tiền được xem là tài sản) thì bạn có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật.

Trong trường hợp này, nếu như bạn và chủ tài khoản nhận không có bất kỳ thỏa thuận, giao dịch nào liên quan đến số tiền chuyển khoản đó mà chủ tài khoản nhận cũng không chứng minh được số tiền đó thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình, đồng thời không trả lại số tiền đó thì được xem là hành vi chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật. Do đó, bạn hoàn toàn có quyền đòi lại số tiền đã chuyển khoản nhầm trước đó.

– Căn cứ pháp luật về nghĩa vụ trả lại tiền khi người khác chuyển khoản nhầm như sau:

Tại Điều 579 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này”.

Như vậy, khi người khác chuyển tiền nhầm vào tài khoản của mình, chủ tài khoản nhận có trách nhiệm phải hoàn trả (nếu như đã được ngân hàng liên hệ thông báo về việc chuyển khoản nhầm) cho người đã chuyển tiền nhầm.

Trong trường hợp không biết người chuyển khoản nhầm cho mình là ai thì phải giao số tiền đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết theo quy định pháp luật. Có thể liên hệ đến Ủy ban nhân dân, Công an địa phương,…

Thông thường, khi chuyển tiền nhầm thì người chuyển nhầm họ sẽ liên hệ đến ngân hàng để được ngân hàng hỗ trợ. Lúc này, ngân hàng sẽ liên hệ đến tài khoản nhận và thông báo về việc chuyển khoản nhầm. Khi đó, chủ tài khoản nhận đã nhận được thông báo, đã biết thông tin về người chuyển nhầm, đã biết rõ nội dung vụ việc liên quan đến số tiền chuyển đến,… Lúc này, chủ tài khoản nhận có trách nhiệm phải hoàn trả đúng số tiền đó cho người chuyển nhầm.

2. Cách lấy lại tiền khi chuyển nhầm tài khoản Vietcombank, Vietinbank, MB Bank, Sacombank,…

Bước 1: Liên hệ đến trụ sở/ chi nhánh ngân hàng để được hỗ trợ

Đầu tiên, khi chuyển tiền nhầm tài khoản ngân hàng của người khác thì các bạn cần nhanh chóng liên hệ đến văn phòng giao dịch, hoặc chi nhánh, hoặc trụ sở của ngân hàng gần bạn nhất để được hỗ trợ nhanh chóng, tránh tình trạng người nhận rút tiền tiêu sài cá nhân hết trước khi vụ việc được giải quyết.

Cách lấy lại tiền khi chuyển nhầm tài khoản Vietcombank, Vietinbank, MB Bank, Sacombank,...

Các bạn lưu ý: Các bạn cần liên hệ đến ngân hàng của tài khoản nhận để được hỗ trợ nhanh nhất.

Ví dụ: Bạn đang sử dụng tài khoản ở ngân hàng Vietcombank và chuyển tiền nhầm sang tài khoản ở ngân hàng MB Bank, lúc này bạn hãy liên hệ đến trụ sở/ văn phòng giao dịch/ chi nhánh của MB Bank để được hỗ trợ kịp thời.

Trong trường hợp nhân viên của ngân hàng MB Bank yêu cầu bạn phải cung cấp sao kê có chứng thực của ngân hàng Vietcombank thì bạn hãy đến trụ sở/ văn phòng giao dịch/ chi nhánh của Vietcombank để yêu cầu sao kê có chứng thực con dấu, sau đó cung cấp cho MB Bank để giải quyết.

Thông thường, các ngân hàng họ sẽ liên kết với nhau và gửi công văn/ thông báo/ yêu cầu cho nhau để phối hợp giải quyết, không yêu cầu khách hàng phải chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác làm mất thời gian và công sức của khách hàng.

Bước 2: Cung cấp giấy tờ tùy thân, biên lai chuyển khoản cho ngân hàng đối chiếu

Khi liên hệ đến ngân hàng thì nhân viên ngân hàng sẽ yêu cầu bạn cung cấp thông tin để họ đối chiếu, xác thực bạn là chủ tài khoản chuyển tiền nhầm và các thông tin liên quan đến giao dịch chuyển khoản nhầm, khi đó bạn cung cấp cho ngân hàng các thông tin sau:

– Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân (còn giá trị sử dụng) dùng để đăng ký tài khoản ngân hàng của bạn

– Biên lai, hóa đơn chuyển tiền nhầm tài khoản

Ngoài ra, một số ngân hàng còn yêu cầu bạn đọc tất cả thông tin cá nhân của bạn để đối chiếu, bao gồm: Họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh thư/căn cước công dân (ngày cấp, nơi cấp), địa chỉ, số điện thoại đăng ký tài khoản ngân hàng của bạn.

– Bước 3: Ngân hàng tiến hành kiểm tra, đối chiếu giao dịch chuyển tiền nhầm

Sau khi nhận thông tin của bạn, ngân hàng sẽ tiến hành kiểm tra giao dịch chuyển tiền nhầm của bạn, cụ thể như sau:

Nếu bạn và người nhận cùng ngân hàng: Ngân hàng sẽ kiểm tra thông tin của bạn để chắc chắn bạn là chính chủ, đối chiếu qua sao kê để làm rõ số tiền chuyển nhầm.

Nếu bạn và người nhận khác ngân hàng: Ngân hàng có thể liên hệ đến ngân hàng của bạn để yêu cầu cung cấp thông tin của bạn để đối chiếu, chắc chắn bạn là chính chủ (thường thời gian giải quyết sẽ lâu hơn so với cùng hệ thống).

Bước 4: Ngân hàng liên hệ đến người nhận để thông báo, yêu cầu trả lại tiền cho bạn

Sau khi đối chiếu thông tin cá nhân và thông tin chuyển tiền nhầm, ngân hàng sẽ tiến hành liên hệ đến người nhận để thông báo và yêu cầu hoàn trả lại số tiền đã chuyển nhầm trước đó. Khi đó, sẽ có những trường hợp xảy ra như sau:

– Trường hợp 1: Người nhận đồng ý trả lại tiền chuyển nhầm cho bạn, lúc này sẽ có biên bản 3 bên giữa chủ tài khoản chuyển – chủ tài khoản nhận – Ngân hàng, cùng ký kết biên bản hoàn trả tiền. Lúc này, ngân hàng sẽ tiến hành trừ tài khoản của người nhận và cộng vào tài khoản cho bạn, hoặc người nhận có thể chuyển khoản trực tiếp trả lại cho bạn, hoặc đưa tiền mặt cho bạn.

Cách lấy lại tiền khi chuyển nhầm tài khoản Vietcombank, Vietinbank, MB Bank, Sacombank,...

Tùy thuộc vào các bên thỏa thuận hình thức trả lại tài sản, nhưng số tiền vẫn bảo đảm đúng và đủ. Trong trường hợp này, nếu chủ tài khoản nhận yêu cầu bạn “cảm ơn”, hay “bồi dưỡng”, hay chịu bất kỳ khoản tiền nào khác thì bạn có quyền từ chối hoặc đồng ý.

– Trường hợp 2: Chủ tài khoản nhận KHÔNG ĐỒNG Ý TRẢ LẠI TIỀN thì ngân hàng sẽ không được tự ý trừ tiền của người đó để trả lại cho bạn. Trong trường hợp này ngân hàng chỉ có thể thông báo cho bạn về việc chủ tài khoản nhận không đồng ý trả lại.

Trong trường hợp này, nếu xét thấy cần thiết bạn có thể thương lượng với chủ tài khoản nhận bằng nhiều cách khác nhau, trong đó bạn có thể nghĩ đến việc “cảm ơn” họ bằng một khoản tiền nhất định. Chẳng hạn, bạn chuyển khoản nhầm số tiền 500 triệu là do sơ xuất và lỗi của bạn 1 phần, bạn có thể thương lượng yêu cầu họ chuyển trả lại bạn 490 triệu, cảm ơn họ 10 triệu đồng để việc giải quyết được nhanh chóng. Tất nhiên, bạn có quyền từ chối mọi yêu cầu về việc “cảm ơn” của họ.

– Trường hợp 3: Ngân hàng không liên hệ được với chủ tài khoản nhận thì ngân hàng cũng sẽ thông báo cho bạn là không liên hệ được, ngân hàng cũng không có quyền tự ý trừ tiền của người đó để trả lại cho bạn.

Về nguyên nhân không liên hệ được với chủ tài khoản nhận có nhiều nguyên nhân, trong đó phổ biến nhất đó chính là chủ tài khoản đó đã không dùng đến số tài khoản đó nữa, do đó họ cũng bỏ sim.

Bước 5: Nếu chủ tài khoản nhận không trả, bạn có thể kiện dân sự, hoặc tố giác tội phạm đến Công an

Trong trường hợp chủ tài khoản nhận không trả thì bạn bạn có thể khởi kiện bằng một vụ án dân sự hoặc tố giác tội phạm đến cơ quan chức năng để truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà bạn có thể lựa chọn bằng một trong 2 phương án trên.

Trên đây là quy trình và thủ tục cách lấy lại tiền khi chuyển nhầm tài khoản Vietcombank, Vietinbank, MB Bank, Sacombank,…và các ngân hàng người khác. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, tùy thuộc vào từng ngân hàng, chủ tài khoản nhận mà tình huống hoặc giai đoạn sẽ khác nhau.

Dưới đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách khởi kiện ra Tòa án, hoặc tố giác tội phạm đến Công an để đòi lại tiền chuyển khoản nhầm.

3. Cách kiện người nhận chuyển khoản nhầm nhưng không trả (vụ án dân sự)

Bước 1: Thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc chuyển khoản nhầm

Đầu tiên, các bạn cần thu thập tất cả thông tin và tài liệu chứng cứ có liên quan đến việc chuyển khoản nhầm để nộp cho Tòa án dùng làm căn cứ giải quyết vụ việc, các bạn có thể thu thập các thông tin sau đây:

– Biên lai chuyển tiền (bản chính, nếu chuyển tiền tại quầy giao dịch của ngân hàng)

– Biên lai/ Sao kê chuyển khoản nhầm (nếu bạn thực hiện chuyển khoản online internet banking trên điện thoại)

– Xin thông tin của chủ tài khoản nhận từ Ngân hàng (chứng minh thư/căn cước công dân) để cung cấp cho Tòa án, cũng như có căn cứ để nộp đơn kiện cho Tòa án đúng thẩm quyền.

Bước 2: Làm đơn kiện và gửi đến Tòa án nơi chủ tài khoản nhận cư trú

Tiếp theo, các bạn soạn đơn kiện và gửi đến Tòa án đúng thẩm quyền để được thụ lý giải quyết.

Theo quy định pháp luật, nếu các bên không có thỏa thuận về lựa chọn Tòa án thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án đòi lại tài sản là Tòa án nơi bị đơn cư trú. Trong trường hợp này, bạn là nguyên đơn và chủ tài khoản nhận là bị đơn. Do vậy, bạn phải xin xác nhận từ ngân hàng về thông tin của chủ tài khoản để có căn cứ nộp đơn kiện cho đúng thẩm quyền.

Sai khi bạn nộp đơn đến Tòa án, nếu hồ sơ hợp lệ và đúng thẩm quyền giải quyết thì Tòa án sẽ thông báo cho bạn để bạn đi đóng tạm ứng án phí, lúc này bạn hãy đi đến cơ quan thi hành án dân sự đóng tạm ứng án phí theo thông báo, đồng thời mang hóa đơn/biên lai đóng tạm ứng án phí đó về nộp lại cho Tòa án để Tòa án thụ lý vụ án.

Lưu ý quan trọng để có thể lấy lại được tiền chuyển nhầm: Trong trường hợp xét thấy khả năng chủ tài khoản nhận có ý định tẩu tán tiền trong tài khoản thì bạn có thể yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bằng hình thức Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng.

Tham khảo các biện pháp khẩn cấp tạm thời và tìm đến biện pháp phong tỏa tài khoản tại ngân hàng ở mục số 10 để biết thêm chi tiết.

Bước 3: Tham gia phiên họp công khai chứng cứ và hòa giải tại Tòa án

Các bạn nhớ tham gia phiên họp công khai chứng cứ và hòa giải theo thông báo của Tòa án. Tại giai đoạn này, các bạn có thể thương lượng với nhau để hạn chế mất thời gian của nhau cũng như làm phát sinh án phí khi một bên thua kiện phải chịu.

Bước 4: Tham gia phiên tòa xét xử sơ thẩm về việc đòi lại tiền chuyển khoản nhầm

Các bạn sắp xếp thời gian hợp lý để tham gia phiên tòa xét xử sơ thẩm đúng thời gian và địa điểm trong thông báo mà Tòa án gửi cho bạn, khi tham gia phiên tòa các bạn chú ý một số điểm cơ bản sau:

– Đến trước thời gian xét xử khoảng 15 – 30 phút để xuất trình giấy tờ cho Thư ký phiên tòa, hoặc nếu có luật sư của bạn thì cần đến sớm hơn để trao đổi lại kế hoạch và luận cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bạn.

– Lựa chọn trang phục nghiêm chỉnh, lịch sự khi tham gia phiên tòa

– Không mang theo vũ khí, hung khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, đồ vật cấm lưu hành,…vào phòng xử án

– Ngồi đúng vị trí của mình trong phòng xử án theo hướng dẫn của Thư ký phiên tòa

– Không đội mũ, nón, đeo kính màu trong phòng xử án, trừ trường hợp có lý do chính đáng và được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa

– Không ăn uống, hút thuốc lá trong phòng xử án,….

Bước 5: Thi hành bản án/ quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

au khi xét xử sẽ có bản án/quyết định của Tòa án. Bản án/quyết định của Tòa án có thể được tuyên sau khi Hội đồng xét xử nghị án, hoặc sau thời gian nhất định tùy thuộc vào tình tiết của vụ án có tính chất phức tạp hay không.

Khi đã có bản án/quyết định thì sau thời hạn 15 ngày để từ ngày Tòa án ra bản án/quyết định mà không có ai kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị thì bản án/quyết định đó chính thức có hiệu lực thi hành. Khi bản án/quyết định đã có hiệu lực thi hành thì bạn có thể lấy lại tiền chuyển khoản nhầm một cách dễ dàng.

Trong trường hợp người nhận chuyển khoản nhầm vẫn không tự nguyện thi hành án thì bạn có thể yêu cầu cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp cưỡng chế, bằng cách yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản của người nhận, chuyển tiền từ tài khoản người nhận sang tài khoản của bạn theo bản án đã có hiệu lực.

Trường hợp trong tài khoản của người nhận không còn tiền, bạn có thể yêu cầu cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng các hình thức khác liên quan đến tài sản của họ như: Nhà, đất, xe cộ,…

4. Cách trình báo Công an khi người nhận chuyển khoản nhầm không trả (hình sự)

Trong trường hợp ngân hàng đã thông báo nhưng người nhận chuyển tiền nhầm cố tình không trả, hoặc trả không đủ số tiền đã chuyển nhầm (trị giá từ 10 triệu đồng trở lên) thì có dấu hiệu của tội phạm hình sự. Lúc này, bạn có thể trình báo đến cơ quan chức năng để được hỗ trợ giải quyết theo thủ tục tố tụng hình sự.

Để trình báo, tố giác tội phạm khi nhận chuyển khoản nhầm nhưng không trả lại, các bạn thực hiện theo thủ tục chung như sau:

Bước 1: Trình báo đến cơ quan Công an nơi chủ tài khoản nhận cư trú

Bước 2: Cung cấp hồ sơ, tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc chuyển tiền nhầm

Bước 3: Cơ quan chức năng xem xét hồ sơ, tài liệu của bạn xem có dấu hiệu của tội phạm hay không

Bước 4: Cơ quan chức năng sẽ khởi tố vụ án hình sự (nếu có dấu hiệu của tội phạm)

Bước 5: Cơ quan điều tra tiến hành điều tra và ra kết luận điều tra

Bước 6: Viện kiểm sát truy tố bị can bằng một bản cáo trạng

Bước 7: Tòa án tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án chiếm giữ trái phép tài sản

Bước 8: Thi hành bản án để lấy lại tiền chuyển khoản nhầm cho bạn.

Người nhận tiền chuyển khoản nhầm không trả bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào? Tại Điều 176 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội chiếm giữ trái phép tài sản như sau:

“Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản

1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng[101] hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là[102] di vật, cổ vật[103] bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

4.6/5 - (9 votes)

Bài nổi bật

Luật sư lừa đảo chiếm đoạt tài sản chuyên nghiệp

Bạn đang gặp vấn đề liên quan đến vụ việc bị người khác lừa đảo …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *