Home / Hình sự / ⚠️Cảnh giác: Các hình thức lừa đảo mới nhất hiện nay

⚠️Cảnh giác: Các hình thức lừa đảo mới nhất hiện nay

Hiện nay tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và qua số điện thoại diễn ra rất phổ biến và phức tạp, cứ hết hình thức này thì sẽ có hình thức lừa đảo mới tinh vi hơn, nếu người dân không cảnh giác và tỉnh táo thì rất dễ bị các đối tượng này dẫn dắt vào vòng xoáy không lối thoái. Dưới đây là các hình thức lừa đảo mới nhất và phổ biến hiện nay trên mạng xã hội mà các bạn nên cảnh giác.

Các hình thức lừa đảo mới nhất và phổ biến nhất hiện nay trên mạng xã hội

1. Mạo danh trưởng thôn, Công an xã/phường để lừa đảo qua điện thoại

Đây là hình thức lừa đảo mới nhất, bài bản, công phu và tinh vi nhất hiện nay mà tôi đã từng trực tiếp gặp phải. Cụ thể, các đối tượng này  gọi điện thoại cho tôi và tự xưng là Công an huyện (đọc đúng tên Công an viên ở huyện) đang điều tra một vụ án rửa tiền, thông báo số tài khoản của tôi có liên quan đến giao dịch rửa tiền, yêu cầu tôi phải hợp tác để phục vụ điều tra.

Sau khi nghe như vậy, tôi biết đây là hình thức lừa đảo nên trả lời: “Có gì anh cứ làm Giấy mời và gửi về nhà cho tôi, tôi sẽ hợp tác có mặt để làm việc theo Giấy mời tại trụ sở cơ quan Công an”. Khi đó, các đối tượng này cũng nói sẽ gửi Giấy mời về nhà.

Khoảng 10 phút sau thì có một người gọi điện thoại và tự xưng là Công an xã (đọc đúng tên một cán bộ Công an xã khu vực ở quê tôi mới ghê, ở quê ai cũng biết tên Công an xã nên đọc tên là biết ngay) và hỏi về vụ việc của tôi như thế nào? Tôi cũng trả lời là sẽ làm việc theo giấy mời chứ không làm việc qua điện thoại, rồi tôi tắt máy.

Một lát sau, một số điện thoại khác tiếp tục gọi điện cho tôi và tự xưng là trưởng thôn (cũng đọc đúng tên người trưởng thôn ở quê tôi) và hỏi địa chỉ nhà ở đâu để Công an huyện gửi Giấy mời về. Khi này tôi hơi hoang mang, ngay cả trưởng thôn cũng hỏi vậy, không lẽ tài khoản của tôi đang vướng vào vụ án rửa tiền thật? Nhưng cây ngay không sợ chết đứng, tôi nói trưởng thôn mà không biết nhà tôi ở đâu à? Tự tìm nhà đi… rồi tôi tắt máy.

Tôi bắt đầu hoang mang sau 3 cuộc gọi, sau đó tôi gọi điện trực tiếp đến Cơ quan Công an xã để hỏi về sự việc thì Xã nói không có sự việc nào như vậy, tôi xin số của Công an xã mà khi nãy bên kia mạo danh thì vị Công an này cũng khẳng định là không có sự việc đó. Tiếp theo, tôi xin số điện thoại của trưởng thôn (qua người nhà ở dưới quê) và gọi điện hỏi thì trưởng thôn cũng trả lời làm gì có chuyện đó. Thế mà các đối tượng này dày công tìm hiểu tên của từng người ở thôn, xã, huyện để đánh vào tâm lý của bị hại. Phải nói đây là hình thức lừa đảo tinh vi và công phu nhất mà tôi từng gặp, nếu mọi người nhẹ dạ cả tin thì rất dễ bị chiếm đoạt tài sản.

2. Mạo danh Cơ quan chủ quản các nền tảng mạng xã hội gửi cảnh báo bảo mật để lừa đảo

Hiện nay đang uất hiện các hình thức lừa đảo mới bằng hình thức mạo danh các cơ quan chủ quản của các nền tảng mạng xã hội như Zao, Facebook, Messenger, Viber, Telegram,… để gửi thông báo, cảnh báo vấn đề bảo mật có liên quan đến tài khoản của người dùng, yêu cầu người dùng bấm vào đường link để xác thực tài khoản,… Các bạn tuyệt đối không bấm vào các đường link này để tranh bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản của mình.

Các hình thức lừa đảo qua mạng phổ biến mới nhất hiện nay

Các đường link này chứa mã độc kèm theo virus có thể chiếm đoạt quyền điều khiển trên điện thoai nếu như được cài đặt vào thiết bị, hoặc cũng có thể là một hình thức yêu cầu người dùng phải xác minh bằng cách cung cấp thông tin ca nhân như số điện thoại, tên tài khoản, mật khẩu, mã OTP,… để chiếm đoạt tài khoản của người dùng.

Khi gặp những thông báo này, các bạn không làm theo hướng dẫn, đồng thời chụp màn hình để cảnh giác cho người thân bạn bè biết, sau đó báo cáo tài khoản này là lừa đảo hoặc spam để cơ quan chủ quản xử lý các tài khoản này.

3. Mạo danh ban quản lý khu dân cư để lừa đảo thu tiền quản lý, tiền điện, nước, rác sinh hoạt

Đối với những người đang sinh sống trong các khu dân cư do Chủ đầu tư đang quản lý thì việc đóng phí quản lý hàng tháng/quý cho Ban quản lý khu dân cư là hoàn toàn phù hợp để Ban quản lý thực hiện các công việc quản lý, vệ sinh, chăm sóc cảnh quan đô thị,… Việc thu phí này là do cư dân và Ban quản lý thỏa thuận bằng một con số nhất định và có thể đóng theo theo tháng/theo quý.

Bên cạnh đó, một số Ban quản lý khu dân cư còn đại diện thu luôn tiền điện, tiền nước, tiền rác của cư dân,…. Xuất phát từ hình thức này, các đối tượng lừa đảo nhắm vào các khu dân cư có ban quản lý để lừa đảo cư dân. Cụ thể, các đối tượng này sẽ liên hệ đến từng nhà trong khu dân cư qua số điện thoại hoặc gửi Giấy đóng phí quản lý cho từng nhà để yêu cầu đóng phí quản lý. Nếu cư dân không tinh ý, không cảnh giác mà chuyển khoản theo hướng dẫn thì sẽ bị lừa đảo, đồng thời còn có thể gây ra sự tranh chấp giữa cư dân với ban quản lý khu dân cư vì cư dân cho rằng mình đã đóng phí quý này rồi mà tại sao ban quản lý  còn thu tiếp?

Nếu gặp rường hợp này, các bạn nên gọi điện trực tiếp cho Ban quản ý khu dân cư để tìm hiểu. Số tiền đóng theo tháng/quý là cố định, nếu như có thông báo không đúng số tiền mà cư dân đóng hàng tháng/quý thì đó có thể là hình thức lừa đảo, cần liên hệ đến Ban quản lý để làm rõ trước khi chuyển tiền.

Thông thường, trong một khu dân cư sẽ cố định một, một số người đi thu tiền quản lý, hoặc mỗi người thu mỗi loại tiền khác nhau (có người thu tiền quản lý riêng, có người thu tiền điện riêng, có người thu tiền nước riêng, thường là mỗi người thu một loại tiền phí) nên nếu nhận thấy người thu tiền là người khác thì bạn có thể dễ dàng nhận ra đó là hình thức lừa đảo.

Đây là một trong các các hình thức lừa đảo mới nhất và nó cũng chưa phổ biến hiện nay, mặc dù số tiền lừa đảo ít (khoảng từ 1.000.000 đ – 3.000.000 đ tùy khu dân cư) nhưng cư dân đang sinh sống trong các khu dân cư cũng nên cảnh giác.

4. Mạo danh Bộ Công an “tiếp nhận, tố giác, lấy lại tiền bị lừa đảo”

Hiện nay trên mạng xã hội Facbeook có rất nhiều Fanpage mạo danh Bộ Công an để lừa đảo những người đã từng bị lừa đảo. Cụ thể, các đối tượng này lập ra các Fanpage đặt tên là Bộ Công an tiếp nhận trình báo tội phạm online; Bộ Công an giải quyết lừa đảo công nghệ cao; Công an phòng, chống tội phạm sử dụng công nghê cao; Bộ phận tiếp nhận trình báo, tố giác, giải quyết lừa đảo online,… để tạo niềm tin, đánh lừa người dân đây là Fanpage của cơ quan chức năng nhà nước.

Các hình thức lừa đảo mới nhất và phổ biến nhất hiện nay trên mạng xã hội

(Cảnh giác các hình thức lừa đảo – ảnh: Báo Chính phủ)

Khi người dân gửi tin nhắn trình bày về sự việc bị lừa đảo thì sẽ nhận được phản hồi về thông tin như sau:

Qua thông tin cung cấp của chị, chúng tôi đã điều tra và xác minh những nội dung sau:

  • Số tài khoản : 619xxxxxxxx
  • Tên tài khoản: LE xxxxxxx
  • Ngân hàng SACOMBANK.
  • Số dư: 28xxxxxxx VND

Qua tra soát tài khoản ngân hàng chúng tôi phát hiện đây là STK được mua bán qua trung gian, không chính chủ, STK đang nằm trong danh sách đen có liên quan đến tội phạm rửa tiền quốc tế. Địa chi IP hoạt động nằm tại Campuchia. Nội dung tin nhắn và đường link trang web đối tượng hướng dẫn chị vào tham gia, là tự tạo giả mạo không chính thống. Hiện tại qua kết quả điều tra của phòng kỹ thuật công nghệ IT của của cục A05 cho biết, những lần chị chuyền tiền đến số tài khoản đối tượng yêu câu và tất cả số tiền đều đã được chuyền đến 1 nên tảng rửa tiền tại Campuchia. Hiện tại số tài khoản này vẫn còn
đang hoạt đông tại quỹ đen , quỹ rra tiền này. Vì vậy chi vẫn còn cơ hội tiếp nhận lại số tiền. Đây là kết quả kiểm tra thông báo. Chi đọc và đã hiểu vấn đề của chị chưa?

Tiếp theo, họ sẽ tiếp tục nhắn tin yêu cầu người dân phải chuyển khoản để nhận lại số tiền, hoặc có thể sẽ nhắn tin với nội dung là tiền đã được hoàn tra và đã chuyển lại tài khoản của bạn, nhưng do hệ thống bị lỗi, bị treo, đang xác minh… nên tiền chưa vào, để xác minh STK đó có phải của bạn hay không thì phải chuyển một số tiền vào tài khản của họ để kiểm tra xác minh, sau khi xác minh đúng chủ tài khoản thì sẽ được hoàn trả cả tiền bị lừa và tiền chuyển xác minh,… khi đó cứ tiếp diễn hình thức bị treo và kết quả là người dân sẽ bị vướng vào vòng xoáy chuyển tiền liên tục.

Các đối tượng lừa đảo này nhắm vào những người đã từng bị lừa đảo, đánh vào tâm lý muốn lấy lại tiền để tiếp tục dẫn dụ vào vòng xoáy triền miên, có thể nói được rằng đây là một trong các hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay và tinh vi nhất hiện nay trên mạng xã hội.

5. Mạo danh Liên đoàn luật sư, công ty luật thu hồi tiền bị treo khi làm nhiệm vụ

Trên mạng xã hội Zalo, Facebook hiện nay cũng có nhiều tài khoản, Fanpage mạo danh Liên đoàn luật sư Việt Nam, mạo danh các công ty luật và mạo danh các văn phòng luật sư uy tín để lừa đảo. Cụ thể các Fanpage này sẽ quảng cáo dịch vụ lấy lại tiền bị lừa, thu hồi tiền bị treo khi làm nhiệm vụ,… cũng nhắm vào những người đã từng bị lừa đảo.

Các hình thức lừa đảo qua mạng phổ biến mới nhất hiện nay

(Mạo danh Liên đoàn luật sư Việt Nam – ảnh: Liên đoàn luật sư Việt Nam)

Các đối tượng này thường lấy hình ảnh, video clip của các luật sư uy tín khi phát biểu và lồng ghép nội dung (âm thanh) vào video để tạo niềm tin cho mọi người. Trên thực tế luật sư không có quyền hạn nào trong việc giải quyết lừa đảo hay thu hồi tiền bị lừa đảo. Trong sự việc lừa đảo, luật sư chỉ có thể hỗ trợ người bị lừa đảo làm các thủ tục trình báo, tố giác, yêu cầu khởi tố, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ việc đó chứ hoàn toàn không có chứ năng, nhiệm vụ, quyền hạn gì trong việc giải quyết lừa đảo hay lấy lại tiền.

Để không bị lừa đảo lần 2, các bạn nên lưu ý là hiện nay không có bất kỳ một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có dịch vụ lấy lại tiền bị lừa, cũng không có bất kỳ hình thức nào yêu cầu phải chuyển tiền xác minh thì mới nhận lại được tiền, cũng không có bất kỳ một đơn vị nào giải quyết thông báo thu hồi được khoản tiền đó mà chỉ nhắn tin gọi điện online mà không có biên bản trực tiếp tại trụ sở cơ quan,….

Mạo danh luật sư cũng là một trong các hình thức lừa đảo mới nhất trên không gian mạng và rất phổ biến hiện nay, các bạn nên cảnh giác và tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, không chuyển tiền để tránh bị chiếm đoạt.

6. Giả danh thám tử tư để tống tiền.

Thời gian vừa qua có một số trường hợp các đối tượng lừa đảo giả danh thám tử tư để tống tiền, cụ thể các đối tượng này sẽ nhắn tin cho bị hại với nội dung như sau (hoặc các nội dung tương tự khác):

“Xin chào, tôi là thám tử tư, được sự ủy thác của khách hàng và sếp giao nhiệm vụ theo dõi bạn từ lâu. Qua thu thập chứng cứ, tôi đã tìm ra bằng chứng về lối sống và các vấn đề phạm tội của bạn. Đáng lẽ tôi phải chuyển thông tin này cho sếp của tôi, sự việc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến bạn, vì lý do bảo mật nên tôi chụp ảnh màn hình để gửi thông báo cho bạn. Tôi nghĩ bạn sẽ đối xử lịch sự với tôi chứ? Tôi cho rằng bạn cũng không muốn tôi giao thứ này cho sếp của tôi phải không? Hãy chuẩn bị sẵn số tiền 2 tỷ và liên hệ với tôi nhanh nhất có thể. Nếu bạn không muốn Scandal của mình xuất hiện trên nền tảng trực tuyến thì hãy liên hệ với tôi theo cách thức sau,……”, kèm theo nội dung tin nhắn là những hình ảnh, video clip cắt ghép bằng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) để tống tiền.

Các hình thức lừa đảo qua mạng mới nhất hiện nay

Mạo danh thám tử tư để tống tiền – ảnh: Công an Kon Tum

Khuyến cáo mọi người khi nhận được tin nhắn mạo danh thám tử tư tống tiền thì không nên vội vàng chuyển tiền, mà hãy bình tĩnh và liên hệ với cơ quan chức năng để được hướng dẫn kịp thời.

Ngoài ra, một số Fanpage còn mạo danh các công ty thám tử tư uy tín để bán các loại thiết bị theo dõi không có thật. Cụ thể, các đối tượng này sẽ lập Fanpage và lấy tên một công ty thám tử tư uy tín trên thị trường để lấy lòng tin của mọi người, sau đó quảng cáo các loại thiết bị theo dõi điện thoại không có thật như: Chip siêu nhỏ định vị điện thoại, sim ghép nghe lén điện thoại, chip nano đọc trộm tin nhắn, phần mềm theo dõi điện thoại không cần cài đặt,…. kèm theo đó là video “chứng minh” tính năng của các loại thiết bị này.

Các hình thức lừa đảo qua mạng phổ biến mới nhất hiện nay

(Cảnh giác lừa đảo bằng chip theo dõi điện thoại)

Theo đại diện công ty thám tử Hoàn Cầu, hình thức quảng cáo này là gian dối, trên thực tế hoàn toàn không có bất kỳ loại thiết bị nào như vậy, bản thân công ty thám tử Hoàn Cầu cũng bị các đối tượng này mạo danh để bán các loại thiết bị này trên Facebook và có rất nhiều người bị lừa đảo, chúng tôi đã đăng tải các nội dung mạo danh để lừa đảo này tên website, Fanpage Facebook chính thức để cảnh báo mọi người và cho đến nay tình trạng lừa đảo này đã được giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người chưa xem được nội dung cảnh báo nên cũng rất dễ bị lừa gạt, đặc biệt là các bà vợ đang muốn theo dõi chồng ngoại tình và ngược lại, các ông chồng cũng đang muốn theo dõi vợ, hoặc các bạn trẻ đang trong thời gian tìm hiểu chuyện tình cảm cũng muốn giám sát nhau qua điện thoại.

Mạo danh thám tử tư hoặc bán các loại thiết bị theo dõi điện thoại là một trong các hình thức lừa đảo mới nhất và phổ biến hiện nay, các bạn nên cảnh giác chú ý, tuyệt đối không mua các loại chip theo dõi điện thoại hoặc các loại phần mềm theo dõi điện thoại mà không cần cài đặt,….

7. Giả mạo đang bị Công an điều tra tội rửa tiền, yêu cầu bạn chạy án và hứa sẽ trả lại gấp 10 lần

Đây là một hình thức lừa đảo trên mạng mới nhất và tinh vi đánh vào lòng tham của nhiều người. Các đối tượng này thường kết bạn trên Facebook và nhắn tin làm quen, nhắn tin được một thời gian thì trình bày mình đang bị Công an điều tra về tội rửa tiền, sau đó đề nghị bạn chuyển tiền cho anh ta chạy án và hứa sau khi chạy án xong thì sẽ trả lại cho bạn gấp 10 lần.

Hoặc các hình thức như đang có 1 vali tiền ở Cảng chuẩn bị đem sang nước ngoài rửa tiền thì bị Công an điều tra nên không đem số tiền đó đi được, sau đó họ ngỏ ý sẽ tặng cho bạn số tiền đó và nhắn cho bạn số điện thoại của người đang trông giữ vali đó. Tiếp theo, bạn gọi đến số điện thoại đó thì người này họ yêu cầu bạn phải thanh toán chi phí trông giữ, chi phí vận chuyển,… khoảng vài chục triệu đến vài trăm triệu. Nếu bạn mà chuyển tiền theo yêu cầu thì họ sẽ chặn liên lạc của bạn để chiếm đoạt.

Hình thức lừa đảo qua mạng này tuy mới xuất hiện gần đây nhưng nó cũng tương tự và na ná như hình thức Phi công làm quen, người nước ngoài kết bạn làm quen rồi tặng tiền, tặng quà giá trị cao như trước đây, nếu mọi người không cẩn thận thì cũng rất dễ bị lừa bởi lòng tham và sư nhẹ dạ cả tin của mình.

8. Giả mạo làm bạn gái dụ dỗ chat sex để tống tiền, lừa đảo

Hiện nay có một số tài khoản Facebook đi comment dạo (bình luận ở các Fanpage lớn), hoặc tạo các Group chat để dụ dỗ người dùng, hoặc giả mạo là giới tính nữ để kết bạn và nhắn tin làm quen, khi làm quen được một thời gian thì sẽ đề cập đến vấn đề muốn chat sex nhằm mục đích làm cho bạn gửi clip nhạy cảm của mình, sau đó các đối tượng này sẽ dùng clip nhạy cảm đó để tống tiền, bằng cách hù dọa sẽ gửi clip nhạy cảm của bạn cho bạn bè, người thân,…

Để dụ dỗ người dùng gửi clip nhạy cảm, các đối tượng này thường sử dụng công nghệ AI Deepfake, bằng cách tải ảnh của các bạn nữ trên mạng xã hội để cắt ghép video clip có nội dung sex, hoặc dùng trong khi chat video call với hình ảnh người thật, thời gian thực, công nghệ này khiến cho mọi người lầm tưởng đó là người thật đang chat sex thật mà tin tưởng.

Sau khi tạo được lòng tin của bị hại, chúng yêu cầu bị hại cũng gửi clip nhạy cảm của mình, đồng thời sẽ khai thác các thông tin cá nhân và mối quan hệ của nạn nhân bằng nhiều hình thức khác nhau,… Cuối cùng, các đối tượng gây áp lực bằng cách dọa phát tán các hình ảnh hoặc video nhạy cảm để tống tiền.

Đây cũng là một trong các hình thức lừa đảo mới nhất trên không gian mạng phổ biến hiện nay, các bạn khi gặp người lạ nhắn tin, kết bạn trò truyện và có liên quan đến nội dung nhạy cảm, nội dung sex,… thì tuyệt đối không nên gửi hình ảnh, video clip nhạy cảm của mình, cũng không cung cấp thông tin cá nhân để tránh vướng các hệ lụy về sau.

9. Giả mạo các công ty tài chính, ngân hàng cho vay tiền nóng để lừa đảo

Đây là hình thức lừa đảo trên mạng xã hội tuy không còn mớ mẻ gì nhưng vẫn rất phổ biến và hàng ngày vẫn có rất nhiều người bị chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, các đối tượng này lập rất nhiều tài khoản và Fanpage trên Facebook và lấy tên của các tổ chức tài chính, ngân hàng để quảng cáo hình thức cho ay tiền online với hình thức đơn giản, giải ngân nhanh.

Sau khi có người liên hệ, các đối tượng này yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để làm hồ sơ vay tiền như họ tên, ngày tháng nam sinh, số tài khoản ngân hàng, chụp ảnh 2 mặt chứng minh thư/ căn cước công dân, chụp ảnh chân dung,… để xác minh.

Tiếp theo, các đối tượng này thông báo hồ sơ vay của bạn đã được phê duyệt, tiền đã được giải ngân. Tuy nhiên, bạn vẫn chưa nhận được tiền giải ngân và bạn sẽ nhận được câu trả lời với rất nhiều lý do như thông tin sai, số tài khoản không đúng,… sau đó yêu cầu bạn chuyển tiền vào một số tài khoản để xác minh. Sau đó là triền miên quá trình lỗi hệ thống và bạn cũng bị vướng vào vòng xoáy chuyển tiền nhiều lần.

Khi gặp trường họp này, các bạn tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, trong trường hợp các đối tượng yêu cầu bạn cung cấp mã OTP để xác minh thông tin tài khoản thì tuyệt đối không cung cấp mã OTP để tránh bị trừ hết tiền trong tài khoản.

Trên đây là các hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay, ngoài ra trong tương lai sẽ còn có những hình thức mới hơn, tinh vi hơn, công phu hơn và chuyên nghiệp hơn, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật tại bài viết này để cảnh giác mọi người.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật cảnh báo các hình thức lừa đảo mới nhất tại bài viết này, các bạn có thể lưu, hoặc chia sẽ bài viết này để tiện cập nhật thêm các mới thức lừa đảo mới và tinh vi hơn trong tương lai.

5/5 - (2 votes)

Bài nổi bật

Số điện thoại công an phòng, chống tội phạm công nghệ cao (A05)

Khi bị lừa đảo bằng hình thức sử dụng công nghệ cao, người dân hãy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *