Thủ tục trình báo Công an khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng bằng cách nào? Hiện nay tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng diễn ra rất phổ biến và ngày càng tinh vi, nếu mọi người không cẩn thận thì rất dễ bị các đối tượng này dẫn dắt để chiếm đoạt tài sản. Nếu chẳng may đã bị lừa đảo thì cách tốt nhất là các ban hãy trình báo đến Cơ qua chức năng (Công an, Viện kiểm sát) để được hỗ trợ tốt nhất. Dưới đây là quy trình thủ tục và hướng dẫn cách soạn đơn chi tiết.
Mục lục
- I. Số điện thoại Công an báo lừa đảo qua mạng
- II. Cách trình báo Công an khi bị lừa đảo qua mạng
- III. Thủ tục trình báo Công an khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản
- IV. Mẫu đơn trình báo công an về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
- V. Gửi đơn tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở đâu?
- VI. Cảnh giác dịch vụ lấy lại tiền khi bị lừa đảo trên mạng
I. Số điện thoại Công an báo lừa đảo qua mạng
Khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng thì người dân nhanh chóng trình báo đến Công an gần nhất, hoặc gọi đến số điện thoại 0692348560 của Cục Cảnh sát hình sự (C02), hoặc số 069.219.4053 của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) để được hướng dẫn kịp thời.
1. Số điện thoại Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an: 0692348560, 02437224086
– Địa chỉ: 497 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân, Hà Nội
Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Nếu có hiện tượng trên, đề nghị trình báo ngay cho cơ quan Công an để xử lý hoặc thông báo đến số điện thoại trực ban hình sự 0692348560 của Cục Cảnh sát hình sự để được hướng dẫn kịp thời.
Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an là đơn vị có trách nhiệm và quyền hạn trực tiếp điều tra những vụ án về trật tự xã hội theo quy định của pháp luật và của Bộ trưởng Bộ Công an. Do đó, đơn vị này là nơi đầu tiên mà bạn có thể trình báo nếu bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng.
2. Số điện thoại Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05): 069.219.4053
– Địa chỉ: Lô E2 Dương Đình Nghệ, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hanoi, Vietnam
– Facebook: https://www.facebook.com/cschd.gov.vn
– Tiktok: https://tiktok.com/@cschd.gov.vn
– Youtube: https://www.youtube.com/@pctpluadaotructuyen
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) trực thuộc Bộ Công an Việt Nam là cơ quan đầu ngành về công tác bảo đảm an ninh và an toàn mạng, và các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, điều tra xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao. Do đó, khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng thì bạn có thể trình báo đến A05 để được xử lý.
Trên đây là thông tin liên hệ và số điện thoại Công an báo lừa đảo qua mạng mà bạn có thể trình báo 24/24 vào bất kỳ thời gian nào, nếu bạn liên hệ mà số máy đang bận thì có thể do có người khác đang trình báo một vụ việc khác, do đó bạn cần kiên nhẫn để gọi lại sau.
II. Cách trình báo Công an khi bị lừa đảo qua mạng
Nếu bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng thì bạn có thể trình báo Công an bằng những cách sau: Trình báo trực tiếp tại cơ quan Công an gần nhất, trình báo qua số điện thoại 0692348560 (C02), qua ứng dụng VNeID, qua Facebook Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05).
1. Trình báo trực tiếp tại cơ quan Công an gần nhất
Khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng thì bạn có thể trình báo đến Cơ quan Công an gần nhất để kịp thời xử lý, đồng thời nhận các hướng dẫn trực tiếp từ Công an để có biện pháp, cách thức giải quyết vấn đề hiệu quả.
Khi trình báo trực tiếp tại cơ quan Công an, bạn nên cung cấp các loại tài liệu liên quan sự việc như biên lai chuyển tiền, thông tin về số điện thoại, tài khoản Facebook, hình ảnh, và các tài liệu liên quan khác…
2. Trình báo qua ứng dụng VNeID
VNeID (viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Vietnam Electronic Identification) là một ứng dụng định danh điện tử của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Bộ Công an.
Hiện tại ứng dụng này đã có phiên bản mới 2.1.15 được tích hợp tính năng phản ánh, tố giác tội phạm online. Nếu bạn bị lừa đảo thì bạn cũng có thể trình báo đến Bộ Công an thông qua ứng dụng VNeID như sau:
Cập nhật phiên bản VNeID mới nhất -> Đăng nhập bằng tài khoản định danh điện tử cấp độ 2 của bạn -> Vào “Nhóm dịch vụ” -> Chọn “Dịch vụ khác” -> Chọn “Kiến nghị, phản ánh về ANTT -> Bấm vào “Tạo mới yêu cầu” -> Tích vào mục Ẩn danh để ẩn thông tin của bạn hoặc để trống để hiển thị thông tin của bạn với Bộ Công an -> Điền thông tin vụ việc, hành vi (chọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản), thời gian và địa điểm xảy ra sự việc, tải hình ảnh và tài liệu liên quan đến sự việc -> Sau đó bấm vào tiếp tục và làm theo hứng dẫn trên màn hình.
(ảnh chụp màn hình cách trình báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng bằng ứng dụng VNeID)
3. Trình báo qua số điện thoại 0692348560 Cục Cảnh sát hình sự (C02)
Số điện thoại 0692348560 là hotline trực ban hình sự của Cục Cảnh sát hình sự (C02) thuộc Bộ Công an có chức năng và nhiệm vụ tiếp nhận phản ánh, tố giác tội phạm.
Ngoài ra, bạn cũng có thể trình báo lừa đả chiếm đoạt tài sản trực tiếp đến Cục Cảnh sát hình sự (C02) ở địa chỉ số 497 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân, Hà Nội để được hướng dẫn xử lý cụ thể.
4. Trình báo qua Fanpage Facebook Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05).
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) hiện có các kênh thông tin trên Facebook, TikTok, YouTube để thông tin đến người dân, thông qua đó người dân cũng có thể trao đổi, phản ánh, tố giác tội phạm online một cách dễ dàng.
Ảnh chụp màn hình Fanpage Facebook chính thức của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05)
– Số điện thoại: 069.219.4053
– Địa chỉ: Lô E2 Dương Đình Nghệ, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
– Facebook: https://www.facebook.com/cschd.gov.vn
– Tiktok: https://tiktok.com/@cschd.gov.vn
– Youtube: https://www.youtube.com/@pctpluadaotructuyen
III. Thủ tục trình báo Công an khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Bước 1: Thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc bạn bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tài liệu chứng cứ liên quan đến vụ việc bạn bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản là rất cần thiết để cho việc trình báo của bạn được giải quyết một cách nhanh chóng và hiệu quả. Do đó, bạn cần thu thập thông tin và tài liệu càng nhiều, càng chi tiết càng tốt.
thông thường, những loại tài liệu liên quan đến vụ việc lừa đảo mà bạn có thể tự mình thu thập được bao gồm:
– Biên lai chuyển tiền (để chứng minh hành vi đã thực hiện xong)
– Tin nhắn trao đổi về quá trình giao dịch của bạn với đối tượng lừa đảo
– Tang vật, vật chứng (nếu có)
– Nội dung đối tượng quảng cáo về dịch vụ, sản phẩm, hoặc các nội dung quảng cáo khác
– Họ tên, hình ảnh, số điện thoại, địa chỉ cư trú của đối tượng (nếu có)
– Thông tin khác mà bạn có thể thu thập được liên quan đến sự việc…
Bước 2: Soạn đơn tố giác tội phạm và gửi kèm theo tài liệu, chứng cứ đến cơ quan Công an
Sau khi thu thập tất cả thông tin, tài liệu có liên quan thì bạn soạn đơn trình báo Công an về việc bị lừa đảo. Nội dung đơn cần có những nội dung sau:
– Tên cơ quan nhận đơn: Bạn nộp đơn đến cơ quan nào thì ghi rõ tên cơ quan đó. Ví dụ: Công an quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh/ Viện kiểm sát nhân dân quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.
– Thông tin liên hệ của bạn: Họ tên, năm sinh, số giấy tờ tùy thân, số điện thoại, địa chỉ nơi cư trú.
– Thông tin của đối tượng lừa đảo: Họ tên, năm sinh, số giấy tờ tùy thân, số điện thoại, email, địa chỉ nơi cư trú (nếu có)
– Nội dung sự việc: Bạn trình bày nội dung và quá trình bị lừa đảo như thế nào, thời gian, địa điểm, số tiền bị chiếm đoạt, hình thức,…
– Cam kết về nội dung trình bày: Bạn cam kết nội dung trình báo là đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung mà bạn trình bày trong đơn.
– Tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn: Các bạn liệt kê các loại tài liệu chứng cứ mà bạn gửi kèm theo đơn và đánh số thứ tự bắt đầu từ 1.
– Thời gian nộp đơn trình báo: Các bạn ghi rõ ngày, tháng, năm gửi đơn đến cơ quan Công an.
– Ký tên, điểm chỉ, đóng dấu: Phần cuối cùng của đơn là bạn ký tên (nếu là cá nhân), nếu không biết chữ thì điểm chỉ. Trường hợp cơ quan, tổ chức làm đơn thì đóng dấu.
Bước 3: Cơ quan Công an giải quyết đơn tố giác và thông báo kết quả giải quyết cho bạn.
Sau khi nhận được đơn trình báo vụ việc lừa đảo, cơ quan chức năng sẽ tiến hành lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận, sau đó xem xét và giải quyết đơn của bạn trong thời hạn 20 ngày. Trường hợp vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài đến 2 tháng.
Trong quá trình xem xét và giải quyết đơn tố giác tội phạm thì cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để điều tra và xác minh, bao gồm những nghiệp vụ sau:
– Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ những người, cơ quan, tổ chức có liên quan để kiểm tra, xác minh.
– Khám nghiệm hiện trường (nếu có hiện trường)
– Khám nghiệm tử thi (nếu có)
– Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản (nếu tài sản bị chiếm đoạt không phải là tiền).
Sau khi thực hiện các biện pháp nghiệp vụ trong phạm vi thẩm quyền của mình thì cơ quan chức năng sẽ xác định sự việc có hay không có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản để có căn cứ quyết định khởi tố hay là không khởi tố vụ án hình sự.
– “Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày kết thúc việc giải quyết tố giác, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác có trách nhiệm thông báo người đã tố giác biết kết quả giải quyết vụ việc” 1.
Trên đây là quy trình thủ tục trình báo Công an khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng với 3 quy trình cơ bản. Nếu sự việc có dấu hiệu lừa đảo thì cơ quan chức năng cs thẩm quyền họ sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để tiến hành các biện pháp nghiệp vụ điều tra chuyên sâu nhằm điều tra làm sáng tỏ sự việc.
IV. Mẫu đơn trình báo công an về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hiện nay pháp luật không quy định việc trình báo, tố giác tội phạm lừa đảo phải tuân theo mẫu, do đó mọi ngươi khi bị lừa đảo có thể tự soạn đơn và trình bày theo ý riêng của mình, tuy nhiên cần có nội dung về thông tin của người trình báo, nội dung sự việc bị lừa đảo, hình thức, thời gian, số tiền bị chiếm đoạt,… Dưới đây là mẫu đơn trình báo công an về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản để các bạn tham khảo.
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
(1)…………, ngày…… tháng…… năm………
ĐƠN TRÌNH BÁO
(V/v: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản)
Kính gửi (2): … ………………………………………………………………………………………………….
……………………………………………………………………………………………………..
I. THÔNG TIN NGƯỜI TRÌNH BÁO, TỐ GIÁC:
Tôi tên là (3): …………………………………
Số giấy tờ tùy thân (4): ……………………………….
Ngày cấp: ……/……/………… Nơi cấp: ……………………
Địa chỉ liên hệ (5): ……………………………………….
Số điện thoại liên hệ (6): ………………………….
II. THÔNG TIN NGƯỜI BỊ TỐ GIÁC (nếu có):
Họ tên (7): ………………………
Số giấy tờ tùy thân (8):……………………
Ngày cấp: ……/……/………… Nơi cấp: ………………….
Địa chỉ liên hệ (9): ………………………
Số điện thoại liên hệ (10): …………………..
III. THÔNG TIN NGƯỜI LÀM CHỨNG (nếu có):
Họ tên (11): ………………………
Số giấy tờ tùy thân (12):………………
Ngày cấp: ……/……/………… Nơi cấp: ………………….
Địa chỉ liên hệ (13): …………………………………..
Số điện thoại liên hệ (14): ………………………
IV. NỘI DUNG VỤ VIỆC
Tôi làm đơn này để trình báo vụ việc của anh, chị (15)………………… có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cụ thể như sau (16):
…………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………………
Nhận thấy hành vi của anh, chị (17)………… là đang xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, tôi làm đơn trình báo này kính mong quý Cơ quan xem xét giải quyết và xử lý theo quy định pháp luật. Tôi cam đoan toàn bộ nội dung đã trình bày bên trên hoàn toàn đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những điều đã trình bày.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
V. TÀI LIỆU GỬI KÈM THEO (18):
1………….. Người trình báo (19)
2………….. (Ký và ghi rõ họ tên)
3………….
4………….
5………….
👉 Tải về File Word đơn trình báo Công an về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản
HƯỚNG DẪN CÁCH GHI ĐƠN TỐ CÁO LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN:
(1) ghi địa danh, ngày tháng năm làm đơn. Ví dụ: Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 02 năm 2025.
(2) Bạn gửi đơn đến cơ quan nào thì ghi tên cơ quan đó. Ví dụ: Cơ quan Công an quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh/ Viện kiểm sát nhân dân quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
(3) Ghi họ tên của bạn theo Giấy tờ tùy thân trên Căn cước công dân/ chứng minh thư/ hộ chiếu
(4) Ghi số căn cước công dân/ số chứng minh thư/ số Hộ chiếu của bạn
(5) Ghi địa chỉ nơi bạn đang ở để cơ quan chức năng có thể liên hệ với bạn khi cần
(6) Ghi số điện thoại của bạn đang sử dụng để cơ quan chức năng có thể gọi điện cho bạn khi cần.666
(7, 8, 9, 10) Ghi thông tin của người bị tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản (nếu có)
(11, 12, 13, 14) Ghi thông tin của người làm chứng, người biết về nội dung sự việc (nếu có)
(15) Ghi giống như mục số (7)
(16) Ghi chi tiết nội dung bạn bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhu thế nào, thời gian, địa điểm, hình thức, số tiền bị chiếm đoạt
(17) Ghi giống như mục số (7)
(18) Liệt kê các oại tài liệu mà bạn gửi kèm theo đơn tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
(19) Nếu là cá nhân tố giác thì ghi họ tên và ký tên, trường hợp không biết chữ thì điểm chỉ; Nếu là cơ quan, tổ chức thì đóng dấu.
Trên đây là mẫu đơn trình báo Công an về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản để các bạn tham khảo, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể và hình thức lừa đảo mà bạn soạn đơn sao cho phù hợp.
V. Gửi đơn tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở đâu?
Theo Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định thì khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá dưới 500.000.000 đ thì gửi đơn tố giác tội phạm đến Cơ quan Công an cấp quận/ huyện, trường hợp bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đ trở lên thì gửi đơn đến Cơ quan Công an cấp tỉnh để được giải quyết.
Để làm rõ thẩm quyền giải quyết, điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì căn cứ theo quy định Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự, cụ thể như sau:
– Tại Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự quy định “Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình” 2. Theo đó, Cơ quan điều tra Công an nhân dân có thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết đơn tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Về thẩm quyền điều tra, tại Điều 163 BLTTHS quy định “Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình” 3. Theo đó, hành vi lừa đảo xảy ra ở đâu thì gửi đơn tố giác đến Cơ quan Công an khu vực đó.
Trường hợp thực hiện hành vi lừa đảo ở nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm thực hiện hành vi (thường là lừa đảo trên mạng) thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.
Về phân cấp thẩm quyền, BLTTHS quy định như sau: “Cơ quan điều tra cấp huyện điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện” 4. Trong khi đó “Tòa án nhân dân cấp huyện xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng” 5, trừ các loại tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 268 BLTTHS.
Vậy, để xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án cũng như thẩm quyền điều tra của Cơ quan Công an thì cần xác định xem hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đó thuộc loại tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, hay đặc biệt nghiêm trọng?
Căn cứ Điều 9 BLTTHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2015 và Điều 174 BLHS 2015 thì phân loại tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 – dưới 50.000.000 đ, hoặc dưới 2.000.000 đ nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 175 BLHS 2015 thì đó là tội phạm ít nghiêm trọng -> Thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện -> Do đó Cơ quan Công an cấp quận/ huyện có thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết đơn tố giác tội phạm.
– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 – dưới 200.000.000 đồng, hoặc thuộc 1 trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 174 BLHS thì đó là tội phạm nghiêm trọng -> Thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện -> Do đó Cơ quan Công an cấp quận/ huyện có thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết đơn tố giác tội phạm.
– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 – dưới 500.000.000 đồng, hoặc thuộc 1 trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 174 BLHS thì đó là tội phạm rất nghiêm trọng -> Thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện -> Do đó Cơ quan Công an cấp quận/ huyện có thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết đơn tố giác tội phạm.
Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, hoặc thuộc 1 trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 174 BLHS thì đó là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng -> Thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh -> Do đó Cơ quan Công an cấp tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết đơn tố giác tội phạm.
Như vậy, căn cứ các quy định pháp luật về nội dung và hình thức nêu trên thì việc phân cấp thẩm quyền giải quyết đơn tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
Thẩm quyền giải quyết của Công an cấp quận/ huyện |
Thẩm quyền giải quyết của Công an cấp tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương. |
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá dưới 500.000.000 đồng. | – Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên.
– Đối tượng lừa đảo ở nước ngoài. – Bị hại ở nước ngoài. – Tài sản ở nước ngoài. – Lừa đảo dưới 500.000.000 nhưng có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá. – Đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên. – Đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. – Đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo là người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người. |
VI. Cảnh giác dịch vụ lấy lại tiền khi bị lừa đảo trên mạng
Hiện nay trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều Fanpage mạo danh các văn phòng luật sư uy tín để quảng cáo dịch vụ lấy lạ tiền bị treo khi làm nhiệm vụ, dịch vụ lấy lại tiền chuyển khoản ngân hàng,… Hoặc có một số Fanpage mạo danh các công ty thám tử tư uy tín để quảng cáo dịch vụ hack tài khoản ngân hàng lấy lại tiền bị lừa đảo,… Đây là những hình thức lừa đảo kiểu mới, nếu bạn không cẩn thận thì có thể bị lừa đảo lần 2.
Các hình thức này quảng cáo rất nhiều cách thức khác nhau, bằng cách cam kết nhận được tiền rồi mới thanh toán, sau một thời gian thì thông báo đã lấy lại được tiền cho bạn và yêu cầu bạn phải chuyển khoản theo yêu cầu để bảo đảm hoặc chứng minh thì sau đó tiền sẽ được giải ngân về tài khoản ngân hàng của bạn,… Các bạn nên cảnh giác tuyệt đối không cung cấp thông tin, không chuyển tiền theo yêu cầu.
Tóm lại, khi nhận thấy vụ việc của mình có thể rơi vào trường hợp bị lừa đảo thì các bạn nên chuẩn bị các thủ tục trình báo Công an khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản để được xử lý kịp thời.