Chi phí khởi kiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản hết bao nhiêu tiền? Thời gian gần đây tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng diễn ra rất phổ biến và tinh vi, người bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể làm đơn gửi đến cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý để có thể thu hồi lấy lại được tài sản của mình đã bị chiếm đoạt trước đó. Vậy chi phí để giải quyết vấn đề hết bao nhiêu tiền? Hãy cùng công ty luật Nhân Hậu tìm hiểu ngay bài phân tích dưới đây.
Mục lục
1. Bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản có kiện được không?
Theo quy định pháp luật, khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì người bị lừa đảo không thể khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự, mà phải tố giác tội phạm theo thủ tục tố tụng hình sự, do đó khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì không thể khởi kiện bằng vụ án dân sự, mà chỉ có thể tố giác tội phạm đến cơ quan chức năng để xử lý hình sự.
Khởi kiện là một cụm từ mang tính dân sự và hành chính, thuộc phạm vi điều chỉnh của tố tụng dân sự và tố tụng hành chính, theo đó chỉ những vụ việc liên quan đến vấn đề dân sự, kinh doanh, thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động, hành chính thì mới được khởi kiện ra Tòa án. Trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì thuộc phạm vi điều chỉnh của tố tụng hình sự, do đó khi bị lừa đảo chỉ có một biện pháp xử lý duy nhất, đó chính là gửi đơn tố giác tội phạm đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để được giải quyết theo thủ tục tố tụng hình sự.
Tóm lại, lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một tội phạm hình sự, không phải vụ việc dân sự, do đó khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì không thể khởi kiện vụ án dân sự, các bạn khi bị lừa đảo thì hãy làm đơn tố giác tội phạm gửi đến cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết tin tố giác tội phạm, bao gồm Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát.
2. Chi phí khởi kiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản hết bao nhiêu tiền?
Như đã đề cập ở trên, lừa đảo chiếm đoạt tài sản không thể khởi kiện dân sự, mà chỉ có thể tố giác tội phạm và yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, nếu bạn tự mình tố giác thì không tốn chi phí, tuy nhiên nếu bạn thuê luật sư làm đơn tố giác tội phạm thì bạn phải trả thù lao cho luật sư, chi phí dao động từ 5.000.000 – 20.000.000 đ.
Hiện nay tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra rất phổ biến, nếu như bạn bị một đối tượng nào đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì bạn có thể tự mình làm đơn tố giác tội phạm và yêu cầu khởi tố tụng án hình sự để cơ quan chức năng điều tra giải quyết, sau đó giúp bạn lấy lại tài sản bị lừa đảo trước đó cho bạn bằng một bản án/ quyết định của Tòa án.
Trong trường hợp bạn không am hiểu quy định pháp luật, hoặc không có thời gian để tự mình thực hiện các thủ tục theo tố tụng hình sự thì bạn có thể thuê luật sư giúp bạn giải quyết các vấn đề trên, tuy nhiên bạn sẽ phải trả thù lao và chi phí cho luật sư. Thù lao và chi phí thuê luật sư do bạn và tổ chức hành nghề luật sư, Trung tâm tư vấn pháp luật thỏa thuận.
Hiện nay có 2 tổ chức mà bạn có thể liên hệ để nhờ luật sư giải quyết vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đó là tổ chức hành nghề luật sư và Trung tâm tư vấn pháp luật, đây là 2 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tư pháp được phép cung cấp dịch vụ pháp lý, ngoài ra không có bất kỳ một tổ chức nào có quyền cung cấp dịch vụ pháp lý.
Ngoài ra, bạn cũng có thể nhờ một cá nhân nào đó không phải là luật sư, nhưng có am hiểu quy định pháp luật trong lĩnh vực tố tụng dân sự để thay mặt bạn thực hiện các thủ tục tố giác tội phạm và yêu cầu khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chẳng hạn như bạn có thể nhờ các Luật gia trong Hội Luật gia để đại diện, thay mặt bạn thực hiện các thủ tục tố tụng.
Dù là bạn thuê luật gia hay luật sư thì bạn vẫn phải trả chi phí cho họ, chi phí và thù lao do bạn và người đó thỏa thuận. Như vậy, trả lời cho câu hỏi chi phí khởi kiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản hết bao nhiêu tiền thì tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa bạn và người nhận ủy quyền khi thực hiện công việc tố giác tội phạm theo thủ tục tố tụng hình sự.
Trường hợp bạn trực tiếp tố giác tội phạm thì không tốn chi phí. Dưới đây công ty luật Nhân Hậu sẽ hướng dẫn bạn cách tự mình tố giác tội phạm và yêu cầu khởi tố vụ án hình sự tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
3. Cách tố giác tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Bước 1: Thu thập tài liệu chứng cứ liên quan hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Đầu tiên, khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì bạn cần tiến hành thu thập các tài liệu và chứng cứ liên quan vụ việc đó, bao gồm tất cả những tài liệu mà bạn có thể thu thập được.
Theo quy định tại, chứng cứ trong tố tụng hình sự được thu thập từ những nguồn sau đây:
Bước 2: Làm đơn tố giác tội phạm và gửi đến Cơ quan điều tra
Sau khi thu thập được hết tất cả những tài liệu chứng cứ liên quan trong phạm vi và khả năng cho phép của mình, bạn làm đơn tố giác tội phạm và yêu cầu khởi tố gửi đến cơ chức năng, kèm theo đó là tài liệu chứng cứ liên quan đến vụ việc.
Theo quy định tại Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì tất cả mọi cơ quan Nhà nước đều có thẩm quyền tiếp nhận tin tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, thẩm quyền giải quyết đơn tố giác tội phạm thì chỉ có 3 cơ quan, đó là: Cơ quan điều tra,Viện kiểm sát nhân dân và Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Do đó, khả thi nhất trong trường hợp này là bạn gửi đơn đến Cơ quan điều tra, đồng thời gửi kèm theo một bộ hồ sơ đến Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra đó để được giám sát quá trình giải quyết.
Trường hợp bạn biết đối tượng lừa đảo đang cư trú ở đâu, hoặc trụ sở của tổ chức lừa đảo ở đâu thì bạn gửi đơn tố giác đến Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nơi đó để được giải quyết.
Trong trường hợp bạn không biết đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở đâu, không biết trụ sở của tổ chức lừa đảo ở đâu thì bạn gửi đơn đến Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nơi bạn cư trú để được giải quyết.
Lưu ý quan trọng: Bạn phải tố giác lừa đảo chiếm đoạt tài sản đúng sự thật, “Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật” 1.
Bước 3: Cơ quan điều tra tiếp nhận, giải quyết đơn tố giác tội phạm của bạn
Khi nhận được đơn tố giác tội phạm của bạn, cơ quan điều tra sẽ tiến hành tiếp nhận và giải quyết tin tố giác tội phạm của bạn. Khi tiếp nhận đơn tố giác, cơ quan điều tra sẽ lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận, trong quá trình tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của bạn, cơ quan chức năng có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận.
Trong quá trình giải quyết tố giác tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành các hoạt động xác minh sau: Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin; Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản.
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được đơn tố giác của bạn, cơ quan điều tra phải tiến hành xem xét, kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định sau:
– Quyết định khởi tố vụ án hình sự: Nếu có căn cứ cho thấy có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
– Quyết định không khởi tố vụ án hình sự: Nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điề 157 BLTTHS, bao gồm: Không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm, chưa đủ tuổi,…
– Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố: Trường hợp đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả; Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả).
Đối với những vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn giải quyết tin tố giác tội phạm có thể kéo dài thêm tối đa 4 tháng (Cơ quan điều tra gia hạn thêm 2 tháng, Viện kiểm sát 2 tháng).
Như vậy, thời gian nhiều nhất trong giai đoạn giải quyết đơn tố giác tội phạm của bạn là 140 ngày.
Bước 4: Cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can
– Khởi tố vụ án:
Tại Điều 154 BLTTHS quy định, hết thời hạn như bước 3 nếu như có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, trong vòng 24 giờ kể từ khi ra quyết định, Cơ quan điều tra sẽ gửi quyết định đó kèm theo tài liệu liên quan đến Viện kiểm sát có thẩm quyền để kiểm sát việc khởi tố.
– Khởi tố bị can:
Tại Điều 179BLTTHS quy định, nếu có đủ căn cứ để xác định người bị tố giác thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, trong quyết định phải ghi rõ từng tội danh và điều, khoản của Bộ luật hình sự được áp dụng.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải gửi quyết định khởi tố và tài liệu liên quan đến việc khởi tố bị can cho Viện kiểm sát cùng cấp để xét phê chuẩn.
Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can hoặc yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu làm căn cứ để quyết định việc phê chuẩn và gửi ngay cho Cơ quan điều tra.
Trường hợp Viện kiểm sát yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu thì trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được chứng cứ, tài liệu bổ sung, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can.
Sau khi được phê chuẩn, Cơ quan điều tra phải giao ngay quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can cho bị can và giải thích quyền, nghĩa vụ cho họ.
Như vậy, tổng thời gian trong giai đoạn khởi tố vụ án, khởi tố bị can có thể mất 8 ngày.
Bước 5: Cơ quan điều tra tiến hành điều tra và ra kết luật điều tra
– Điều tra:
Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra có thể thực hiện các biện pháp: triệu tập bị can và hỏi cung bị can; triệu tập người làm chứng và lấy lời khai của người làm chứng; triệu tập và lấy lời khai của bị hại – đương sự; đối chất; nhận biết giọng nói; khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật; giám định và định giá tài sản; thực hiện các biện pháp điều tra đặc biệt,…
– Thời gian điều tra:
Về thời hạn điều tra, tại Điều 172 BLTTHS 2015 quy định như sau:
– Đối với tội ít nghiêm trọng: Tối đa 2 tháng, có thể gia hạn thêm 1 lần tối đa 2 tháng => 120 ngày
– Đối với tội nghiêm trọng: Tối đa 3 tháng, có thể gia hạn 2 lần tối đa 5 tháng => 240 ngày
– Đối với tội rất nghiêm trọng: Tối đa 4 tháng, có thể gia hạn 2 lần tối đa 8 tháng => 360 ngày.
– Đối với tội đặc biệt nghiêm trọng: Tối đa 4 tháng, có thể gia hạn 3 lần tối đa 16 tháng => 600 ngày
Trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản tùy thuộc vào từng tính chất và mức độ mà có thể gia hạn, cụ thể:
+ Trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ 2 – dưới 50 triệu, thuộc khoản 1 Điều 174 BLHS thì thuộc tội ít nghiêm trọng
+ Trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ 50 -dưới 200 triệu, thuộc khoản 2 Điều 174 BLHS thì thuộc tội nghiêm trọng
+ Trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ 200 – dưới 500 triệu, thuộc khoản 3 Điều 174 BLHS thì thuộc tội rất nghiêm trọng
+ Trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên 500 triệu, thuộc khoản 4 Điều 174 BLHS thì thuộc tội đặc biệt nghiêm trọng
Như vậy, tùy thuộc vào từng trường hợp bạn bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá bao nhiêu tiền và tính chất của hành vi mà bạn có thể dự đoán thời gian điều tra vụ việc của bạn, nếu bạn bị lừa đảo số tiền trên 500 triệu thì có thể mất 600 ngày để điều tra.
– Kết luận điều tra:
Tại Điều 232 BLTTHS quy định, sau khi kết thúc điều tra tại bước 5 nêu trên thì cơ quan điều tra phải ra bản kết luận điều tra. Kết luận điều tra bao gồm:
+ Kết luận điều tra đề nghị truy tố
+ Kết luận điều tra kèm theo quyết định đình chỉ điều tra
Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra bản kết luận điều tra, Cơ quan điều tra phải giao bản kết luận điều tra cho Viện kiểm sát cùng cấp, bị can hoặc người đại diện của bị can, người bào chữa, thông báo cho bị hại, đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Bước 6: Viện kiểm sát truy tố bị can ra trước Tòa án
Sau khi nhận được kết luận điều tra kèm theo đề nghị truy tố thì Viện kiểm sát quyết định truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng, trong bản cáo trạng có thể hiện đầy đủ nội dung, diễn biến liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, điều khoản án dụng khung hình phạt,…
– “Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày ra bản cáo trạng, Viện kiểm sát phải chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng đến Tòa án. Trường hợp vụ án phức tạp thì thời hạn chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng đến Tòa án có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày.
Trường hợp vụ án có bị can bị tạm giam thì trước khi hết thời hạn tạm giam 07 ngày thì Viện kiểm sát thông báo cho Tòa án biết để xem xét, quyết định việc tạm giam bị can khi nhận hồ sơ vụ án” 2
Bước 7: Tòa án mở phiên tòa xét xử tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Khi xét thấy hồ sơ vụ án còn thiếu chứng cứ, tài liệu liên quan thì Tòa án có quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tại Điều 246 BLTTHS quy định: “Trường hợp Tòa án quyết định trả hồ sơ vụ án yêu cầu điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát phải xem xét căn cứ của việc yêu cầu điều tra bổ sung và giải quyết như sau:
– Nếu quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung có căn cứ mà xét thấy không cần phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra để bổ sung tài liệu, chứng cứ; trường hợp Viện kiểm sát không thể tự điều tra bổ sung được thì Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và chuyển ngay hồ sơ cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.
Trường hợp kết quả điều tra bổ sung làm thay đổi cơ bản nội dung bản cáo trạng trước đó thì Viện kiểm sát phải ra bản cáo trạng mới thay thế và chuyển hồ sơ đến Tòa án. Trường hợp kết quả điều tra bổ sung dẫn đến đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho Tòa án biết;
– Nếu quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung không có căn cứ thì Viện kiểm sát có văn bản nêu rõ lý do, giữ nguyên quyết định truy tố và chuyển lại hồ sơ cho Tòa án” 3.
Điều 255. Quyết định đưa vụ án ra xét xử
1. Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm ghi rõ:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định; tên Tòa án ra quyết định; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm mở phiên tòa;
b) Xét xử công khai hay xét xử kín;
c) Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nghề nghiệp, nơi cư trú của bị cáo;
d) Tội danh và điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự mà Viện kiểm sát truy tố đối với bị cáo;
đ) Họ tên Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án; họ tên Thẩm phán dự khuyết, Hội thẩm dự khuyết, Thư ký Tòa án dự khuyết (nếu có);
e) Họ tên Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa; họ tên Kiểm sát viên dự khuyết (nếu có);
g) Họ tên người bào chữa (nếu có);
h) Họ tên người phiên dịch (nếu có);
i) Họ tên những người khác được triệu tập đến phiên tòa;
k) Vật chứng cần đưa ra xem xét tại phiên tòa.
Bước 8: Nghị án và tuyên án, buộc người lừa đảo trả lại tài sản cho bạn.
Sau khi kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử sẽ tiến hành nghị án, biên bản nghị án có những nội dung sau:
– Giờ, ngày, tháng, năm ra biên bản; tên Tòa án xét xử;
– Họ tên Thẩm phán, Hội thẩm;
– Vụ án được đưa ra xét xử;
– Kết quả biểu quyết của Hội đồng xét xử về từng vấn đề đã thảo luận quy định tại khoản 3 Điều 326 BLTTHS, ý kiến khác (nếu có).
Thời gian nghị án có thể thay đổi tùy theo tính chất phức tạp của vụ việc, sau khi kết thúc thời gian nghị án thì Tòa án sẽ tuyên án. “Chủ tọa phiên tòa hoặc một thành viên khác của Hội đồng xét xử đọc bản án. Trường hợp xét xử kín thì chỉ đọc phần quyết định trong bản án. Sau khi đọc xong có thể giải thích thêm về việc chấp hành bản án và quyền kháng cáo” 4.
Sau khi hết thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra bản án, nếu như không có kháng cáo, kháng nghị thì bản án chính thức có hiệu lực páp luật, lúc này người lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải thực hiện nghĩa vụ trả lại tài sản cho bạn và bồi thường thiệt hại (nếu có).
Như vậy, trên đây là quy trình 8 bước cơ bản để bạn có thể lấy lại được tài sản của mình khi bị người khác lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trên thực tế sẽ có sự thay đổi tùy theo tính chất và nội dung của vụ việc, nếu bạn còn thắc mắc vấn đề chi phí khởi kiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản hết bao nhiêu tiền vui lòng hỏi luật sư riêng của bạn, hoặc liên hệ đến công ty luật Nhân Hậu để được giải đáp.
Trường hợp bạn muốn ủy quyền để thực hiện các thủ tục tố tụng khi bị người khác lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các bạn hãy liên hệ đến công ty luật Nhân Hậu để được trợ giúp, chúng tôi sẽ thay mặt bạn thực hiện các thủ tục tố tụng theo quy định để giúp bạn lấy lại tài sản bị chiếm đoạt trước đó một cách hiệu quả.
4. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị xử phạt như thế nào?
Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
4 comments
Đọc thêm: Cách kiện người lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng từ a-z
Đọc thêm: Gửi đơn to cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở đâu? Thủ tục báo công an
Đọc thêm: Chi phí thuê luật sư khởi kiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Đọc thêm: Thời gian giải quyết đơn to cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản