Thủ tục khởi kiện đòi nợ cá nhân và doanh nghiệp có gì khác nhau không? Trước khi làm đơn khởi kiện đòi nợ thì cần chuẩn bị những công việc gì? Thời gian để khởi kiện đòi nợ mất khoảng bao lâu? Dưới đây công ty luật Nhân Hậu sẽ phân tích và giải đáp các vấn đề này một cách chi tiết, đồng thời hướng dẫn quy trình làm đơn khởi kiện vụ án dân sự để đòi nợ dành cho cá nhân và doanh nghiệp một cách chi tiết.
Khởi kiện để đòi nợ là một trog những hình thức phổ biến và hiệu quả nhất hiện nay, việc khởi kiện vừa giúp cho đương sự có thể thu hồi lại khoản nợ một cách hiệu quả, lại tuân thủ quy định pháp luật, có tính chất bắt buộc các bên phải thi hành, do đó đòi nợ bằng con đường Tòa án là phương pháp hiệu quả và an toàn nhất hiện nay, nếu các bạn đang muốn thu hồi lại khoản nợ thì có thể tham khảo theo hướng dẫn sau đây.
Mục lục
- 1. Quy trình thủ tục khởi kiện đòi nợ cá nhân và doanh nghiệp
- Bước 1: Thu thập chứng cứ liên quan đến khoản nợ cần đòi
- Bước 2: Soạn đơn kiện đòi nợ và gửi kèm theo tài liệu, chứng cứ đến Tòa án
- Bước 3: Đóng tạm ứng án phí để Tòa án thụ lý vụ án
- Bước 4: Tham gia phiên họp công khai chứng cứ và hòa giải
- Bước 5: Tham gia phiên tòa xét xử vụ án khởi kiện đòi nợ
- Bước 6: Nhận bản án/ quyết định của Tòa án
- 2. Dịch vụ khởi kiện đòi nợ cho cá nhân và doanh nghiệp uy tín
1. Quy trình thủ tục khởi kiện đòi nợ cá nhân và doanh nghiệp
Bước 1: Thu thập chứng cứ liên quan đến khoản nợ cần đòi
Đầu tiên, trước khi khởi kiện đòi nợ cá nhân hoặc doanh nghiệp thì đương sự cần tiến hành các biện pháp để xác minh, thu thập và tổng hợp tài liệu chứng cứ có liên quan đến vụ việc đòi nợ, việc thu thập tài liệu chứng cứ cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 94 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 sửa đổi bổ sung 2019 và đang có hiệu lực thi hành thì chứng cứ trong vụ án khởi kiện đòi nợ có thể thu thập được từ những nguồn sau đây:
1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử;
– Tài liệu đọc được nội dung thường là hợp đồng cho vay tiền, giấy biên nhận nhận tiền, hoặc các loại giấy tờ có liên quan trong vụ việc cho vay tiền. Loại tài liệu này phải là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.
– Tài liệu nghe được, nhìn được được thường là video clip hoặc ghi âm quá trình giao dịch cho vay mượn tiền, khi thu thập loại chứng cứ này đương sự phải xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.
– Dữ liệu điện tử thường là tin nhắn văn bản SMS, tin nhắn Zalo, Messenger, Viber, Email, và các tài liệu khác thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử là một trong những chứng cứ phổ biến nhất mà đương sự khi thực hiện thủ tục khởi kiện đòi nợ cá nhân và doanh nghiệp nên tập trung xác minh và tổng hợp để phục vụ cho việc đòi nợ được hiệu quả nhất.
2. Vật chứng.
Trong vụ án khởi kiện đòi nợ cá nhân và doanh nghiệp thường không có vật chứng. Tuy nhiên, nếu như trong vụ việc của bạn có vật chứng thì bạn thu thập hiện vật gốc liên quan đến vụ việc giao dịch cho vay mượn tiền của bạn.
3. Lời khai của đương sự;
Lời khai của đương sự sẽ do Thẩm phán tiến hành, do đó bạn không thể tự mình lấy lời khai của đương sự khác. Tuy nhiên, nếu như Thẩm phán tiến hành lấy lời khai mà không đúng quy định pháp luật thì bạn cũng có thể yêu cầu hủy lời khai, lấy lại lời khai.
Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh theo quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khai bằng lời tại phiên tòa.
4. Lời khai của người làm chứng;
Trong trường hợp giao dịch cho vay mượn tiền của bạn có sự chứng kiến của người thứ 3 thì bạn có thể mời người đó để lấy lời khai, đồng thời chỉ định người làm chứng để tham gia tố tụng được hiệu quả hơn.
Khi lấy lời khai của người làm chứng, người lấy lời khai phải ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh (kèm theo văn bản trình bày xuất xứ tài liệu), hoặc người làm chứng có thể khai bằng lời tại phiên tòa.
5. Kết luận giám định;
Trong quá trình thủ tục khởi kiện đòi nợ cá nhân và doanh nghiệp thường không có kết luận giám định, việc giám định chỉ được tiến hành khi những vẫn đề chưa rõ ràng. (Ví dụ như giám định ADN hoặc giám định tỷ lệ thương tật). Do đó, khi khởi kiện đòi nợ thì đương sự không cần yêu cầu trưng cầu giám định.
6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ;
Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ do Thẩm phán tiến hành tại hiện trường. Do đó, trong vụ án khởi kiện đòi nợ cá nhân và doanh nghiệp cũng thường sẽ không có biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.
7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản;
Định giá tài sản chỉ được tiến hành khi một tài sản chưa xác định được giá trị, do đó trong vụ án khởi kiện đòi nợ cá nhân và doanh nghiệp cũng thường sẽ không có định giá tài sản, trừ trường hợp các đương sự giao dịch với nhau bằng tài sản nhưng khi có tranh chấp xảy ra thì mỗi bên đưa ra một giá trị về tài sản đó.
8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập;
Trường hợp trong quá trình giao dịch cho vay mượn tiền mà bạn có mời Thừa phát lại đến để lập vi bằng thì bạn cũng có thể thu thập Vi bằng đó để phục vụ cho việc khởi kiện đòi nợ được hiệu quả.
9. Văn bản công chứng, chứng thực;
Hiện nay, hợp đồng cho vay mượn tiền không yêu cầu phải công chứng hoặc chứng thực, và trên thực tế thì rất ít trường hợp công chứng/ chứng thực hợp đồng vay tiền. Tuy nhiên, nếu như trường hợp của bạn có công chứng hoặc chứng thực hợp đồng vay tiền thì bạn có thể thu thập để phục vụ quá trình khởi kiện đòi nợ được tốt nhất.
10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.
Trên đây là 10 nguồn chứng cứ mà bạn có thể thu thập, việc thu thập chứng cứ là bước đầu tiên và quan trọng nhất của cả quy trình thủ tục khởi kiện đòi nợ cá nhân và doanh nghiệp, bởi vì thiếu chứng cứ hoặc chứng cứ không rõ ràng, không đầy đủ, hoặc chứng cứ thu thập không theo trình tự thủ tục mà luật định thì đồng nghĩa với việc bạn sẽ bị yếu thế hơn khi xét xử.
Bước 2: Soạn đơn kiện đòi nợ và gửi kèm theo tài liệu, chứng cứ đến Tòa án
1. Soạn đơn kiện đòi nợ:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 sửa đổi bổ sung 2019 thì đơn khởi kiện đòi nợ cá nhân và doanh nghiệp phải có những nội dung chính sau đây:
– Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện đòi nợ;
– Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện đòi nợ;
– Thông tin của người khởi kiện (nguyên đơn): Tên, địa chỉ, số điện thoại, fax và thư điện tử (nếu có). Trường hợp doanh nghiệp làm đơn khởi kiện đòi nợ thì ghi thông tin của trụ sở doanh nghiệp.
Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
– Thông tin của bên có quyền và lợi ích được bảo vệ; số điện thoại, fax và thư điện tử (nếu có);
– Thông tin của người bị kiện (bị đơn): Tên, địa chỉ của bị đơn; số điện thoại, fax và thư điện tử (nếu có).
Lưu ý: Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;
– Thông tin của bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Lưu ý: Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
– Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
– Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
– Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
2. Gửi đơn kiện, tài liệu chứng cứ đến Tòa án đúng thẩm quyền:
Tại khoản 5 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 sửa đổi bổ sung 2019 quy định, khi nộp đơn kiện thì phải gửi kèm theo tài liệu chứng cứ có liên quan đến việc quyền lợi của mình bị xâm phạm. Trong trường hợp vì lý do khách quan nào đó mà đương sự không thể nộp đầy đủ tài liệu chứng cứ thì phải nộp những gì đang có cho Tòa án, sau đó có thể bổ sung tài liệu chứng cứ sau.
Lưu ý khi nộp đơn kiện đến Tòa án: Bạn phải nộp đến Tòa án nơi bị đơn cư trú, tức là nơi mà người nợ tiền bạn đang cư trú, sinh sống, làm việc.
Ví dụ: Bạn đang cư trú tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng người nợ tiền của bạn đang cư trú tại Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội thì bạn phải nộp đơn kiện đòi nợ đến Tòa án nhân dân Quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội để đúng thẩm quyền giải quyết.
Bước 3: Đóng tạm ứng án phí để Tòa án thụ lý vụ án
Sau khi gửi đơn khởi kiện đòi nợ và tài liệu chứng cứ kèm theo, Tòa án sẽ xem xét đơn kiện của bạn, nếu như đơn kiện đã đúng, đủ và đúng thẩm quyền giải quyết thì Tòa án sẽ thông báo cho bạn biết để bạn đi đóng tạm ứng án phí cho Tòa án.
Thẩm phán sẽ dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho bạn để bạn đi đóng tạm ứng án phí.
Lưu ý quan trọng: Theo quy định tại khoản 3 Điều 195 BLTTDS thì bạn phải đóng tạm ứng án phí trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được thông báo tạm ứng án phí, hết thời hạn này mà bạn chưa đóng tạm ứng án phí mà không có lý do chính đáng thì sẽ bị trả lại đơn kiện.
Bạn đi đến Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Tòa án để đóng tạm ứng án phí, sau đó nộp lại biên lai đóng tiền đó cho Tòa án. Lúc này Tòa án mới chính thức thụ lý vụ án khởi kiện đòi nợ của bạn.
Án phí dân sự trong vụ án khởi kiện đòi nợ là bao nhiêu? Căn cứ DANH MỤC ÁN PHÍ, LỆ PHÍ TÒA ÁN Ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định cụ thể như sau:
1. Số tiền cá nhân cần khởi kiện đòi nợ |
Án phí dân sự áp dụng cho cá nhân | 2. Số tiền doanh nghiệp cần khởi kiện đòi nợ |
Án phí dân sự áp dụng cho doanh nghiệp |
Từ dưới 6 triệu | 300 nghìn | Từ 60 triệu đồng trở xuống | 3 triệu |
Từ trên 6 – 400 triệu | 5% giá trị tài sản có tranh chấp | Từ trên 60 – 400 triệu | 5% của giá trị tranh chấp |
Từ trên 400 – 800 triệu | 20 triệu + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400 triệu | Từ trên 400 – 800 triệu | 20 triệu + 4% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 400 triệu |
Từ trên 800 triệu – 2 tỷ | 36 triệu + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800 triệu | Từ trên 800 triệu – 2 tỷ. | 36 triệu + 3% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 800 triệu |
Từ trên 2 – 4 tỷ | 72 triệu + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2 tỷ | Từ trên 2 – 4 tỷ | 72 triệu + 2% của phần giá trị tranh chấp vượt 2 tỷ |
Từ trên 4 tỷ | 112 triệu + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4 tỷ | Từ trên 4 tỷ | 112 triệu + 0,1% của phần giá trị tranh chấp vượt 4 tỷ |
Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 thì bạn sẽ đóng tạm ứng án phí cho Tòa án số tiền bằng 50% tổng án phí dân sự nêu trên.
Sau khi bạn nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án thì trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày bạn nộp biên lai, Tòa án thông báo cho bạn bằng văn bản về việc Tòa án đã thụ lý vụ án.
Lưu ý quan trọng: Sau khi khởi kiện đòi nợ mà bạn được thắng kiện thì bên thua kiện phải chịu án phí dân sự, do đó bạn không phải lo lăng bị mất tiền đóng tạm ứng án phí trước đó.
Bước 4: Tham gia phiên họp công khai chứng cứ và hòa giải
Phiên họp công khai chứng cứ và hòa giải là một trong những quy trình thủ tục khởi kiện đòi nợ cá nhân và doanh nghiệp mất khá nhiều thời gian, cụ thể tại Điều 203 BLTTDs quy định, đối với đơn khởi kiện đòi nợ cá nhân thì thời gian chuẩn bị xét xử cao nhất là 4 tháng, đối với đơn khởi kiện đòi nợ của doanh nghiệp (có yếu tố kinh doanh, thương mại) thì thời hạn chuẩn bị xét xử cao nhất là 2 tháng.
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án khởi kiện đòi nợ, Thẩm phán sẽ thực hiện nhiệm vụ “tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải” 1.
Trước khi tiến hành phiên họp, Thẩm phán “phải thông báo cho đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về thời gian, địa điểm tiến hành phiên họp và nội dung của phiên họp” 2.
Trong phiên họp này Thẩm phán sẽ tiến hành công khai chứng cứ và hòa giải theo trình tự thủ tục quy định tại khoản 4 Điều 210 BLTTDS, cụ thể như sau:
Thẩm phán phổ biến quy định pháp luật có liên quan đến việc khởi kiện đòi nợ, phân tích hậu quả pháp lý của việc hòa giải thành để các bạn tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.
Nguyên đơn trình bày nội dung tranh chấp trong đơn khởi kiện đòi nợ của mình, bổ sung thêm yêu cầu khởi kiện, đồng thời đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, hướng giải quyết vụ án
Bị đơn trình bày ý kiến của mình liên quan đến nội dung trong đơn khởi kiện đòi nợ của nguyên đơn, yêu cầu phản tố (nếu như bị đơn cho rằng mình mới là người hoặc cũng là người bị xâm phạm trong vụ việc nêu trên), đề xuất những vấn đề cần hòa giải, hướng giải quyết vụ án.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trình bày ý kiến của mình đối với yêu cầu của các đương sự, trình bày yêu cầu độc lập của mình (nếu có phải có căn cứ), trình bày căn cứ để phản tố yêu cầu của đương sự, đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, hướng giải quyết vụ án (nếu có).
Sau khi các chủ thể nêu trên trình bày hết ý kiến của mình thì Thẩm phán sẽ xác định những vấn đề mà các đương sự đã thống nhất và chưa thống nhất, đồng thời có thể yêu cầu các đương sự trình bày bổ sung về những nội dung chưa rõ ràng, sau đó kết luận về những vấn đề các đương sự đã thống nhất, chưa thống nhất.
Trong giai đoạn này, tùy từng trường hợp cụ thể mà Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:
“a) Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự;
b) Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
c) Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
d) Đưa vụ án ra xét xử” 3.
Bước 5: Tham gia phiên tòa xét xử vụ án khởi kiện đòi nợ
Trường hợp hòa giải không thành công thì Tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử, nội dung của quyết định sẽ có thông tin về “Ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm mở phiên tòa” 4 cho nên các bạn chú ý thời gian và địa điểm để tham gia dự phiên tòa đúng giờ.
“Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng” 5.
Khi đến thời gian như quyết định thì các bạn đến địa điểm xét xử theo quy định. Trong quá trình xét xử, các bên sẽ tiến hành tranh tụng, quá trình tranh tụng tại phiên tòa xét xử vụ án khởi kiện đòi nợ phải tuân thủ theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa theo quy định tại Mục 3 Chương XIV BLTTDS 2015.
Sau khi kết thúc quá trình tranh tụng thì Hội đồng xét xử sẽ vào phòng nghị án để nghị án.Nếu như vụ kiện đòi nợ của bạn có tính chất đơn giản thì quá trình nghị án sẽ rất nhanh, tuy nhiên nếu như vụ án khởi kiện đòi nợ có tính chất phức tạp thì thời gian nghị án có thể kéo dài cao nhất là “5 ngày làm việc kể từ khi kết thúc tranh luận tại phiên tòa”6.
Bước 6: Nhận bản án/ quyết định của Tòa án
Sau khi kết hết thời hạn nghị án thì Hội đồng xét xử sẽ đọc bản án về việc giải quyết đơn kiện đòi nợ của bạn. Lưu ý khi Hội đồng xét xử tuyên án thì tất cả mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy để nghe tuyên án.
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên tòa, các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện được Tòa án cấp trích lục bản án.
– Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên án, Tòa án phải giao hoặc gửi bản án cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp” 7.
Như vậy, sau khi kết thúc phiên tòa thì trong thời hạn 13 ngày bạn sẽ nhận được bản án về việc giải quyết đơn kiện đòi nợ của bạn.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa án ra bản án mà đương sự không kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị thì bản án/ quyết định của Tòa án chính thức có hiệu lực pháp luật và có thể thi hành ngay. Lúc này, bạn có thể dựa theo bản án/quyết định của Tòa án để đòi nợ theo quy định pháp luật.
Trên đây là quy trình thủ tục khởi kiện đòi nợ cá nhân và doanh nghiệp mới nhất, trường hợp sau khi có bản án/quyết định mà họ không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì bạn có thể yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thực hiện các biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ cho mình, chúc bạn thành công!
2. Dịch vụ khởi kiện đòi nợ cho cá nhân và doanh nghiệp uy tín
Trường hợp các bạn không có nhiều thời gian hoặc không am hiểu quy định pháp luật liên quan đến quy trình thủ tục khởi kiện đòi nợ cá nhân và doanh nghiệp thì các bạn hãy liên hệ đến công ty luật Nhân Hậu để được hỗ trợ, chúng tôi sẽ thực hiện các nội dung công việc theo quy định pháp luật để giúp bạn thu hồi khoản nợ một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Công ty luật Nhân Hậu là đơn vị cung cấp dịch vụ khởi kiện đòi nợ cá nhân và doanh nghiệp uy tín lâu năm, đội ngũ luật sư giỏi và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực khởi kiện thu hồi nợ cá nhân và doanh nghiệp, chắc chắn công ty luật Nhân Hậu chúng tôi sẽ giúp bạn thu hồi nợ một cách hiệu quả.
Với thâm niên kinh nghiệm lâu năm trong việc tranh tụng dân sự tại Tòa án, cùng với đội ngũ luật sư đông đảo, có chuyên môn nghiệp vụ và có uy tín trong giới luật sư, công ty luật Nhân Hậu tự tin là đơn vị cung cấp các dịch vụ khởi kiện đòi nợ dành cho cá nhân và doanh nghiệp uy tín, hiệu quả chuyên nghiệp, bảo đảm bạn sẽ hài lòng khi hợp tác với công ty luật Nhân Hậu.
Chi phí thuê luật sư khởi kiện thu hồi nợ của công ty luật Nhân Hậu cụ thể như sau:
Luật sư khởi kiện đòi nợ | Bảng giá chi phí dịch vụ |
1. Luật sư khởi kiện đòi nợ giữa cá nhân – cá nhân | Từ 8.000.000 đ/ vụ việc |
2. Luật sư khởi kiện đòi nợ giữa cá nhân – doanh nghiệp | Từ 12.000.000 đ/vụ việc |
3. Luật sư khởi kiện đòi nợ giữa doanh nghiệp – doanh nghiệp | Từ 15.000.000 đ/ vụ việc |
Lưu ý: Thù lao nêu trên chưa bao gồm án phí phải nộp cho Tòa án.
- Điểm g khoản 2 Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 sửa đổi bổ sung 2019.
- Khoản 1 Điều 208 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 sửa đổi bổ sung 2019.
- Khoản 3 Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 sửa đổi bổ sung 2019.
- điểm g khoản 1 Điều 220 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 sửa đổi bổ sung 2019.
- Khoản 4 Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 sửa đổi bổ sung 2019.
- Khoản 4 Điều 264 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 sửa đổi bổ sung 2019.
- Khoản 1 và khoản 2 Điều 269 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 sửa đổi bổ sung 2019.
One comment
Đọc thêm: Mượn tiền qua tin nhắn có kiện được không? kiện như thế nào?