Bên thua kiện có phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không? Không nộp an phí dân sự có sao không? Án phí dân sự sơ thẩm là một trong những vấn đề được các đương sự quan tâm, đối với những vụ án tranh chấp tài sản có giá trị nhỏ thì án phí cũng rất thấp, có thể nói là không đáng kể. Tuy nhiên đối với những vụ án tranh chấp tài sản có giá trị lớn thì án phí cũng rất cao, do đó xác định bên nào phải chịu án phí dân sự sau khi giải quyết vụ án là vấn đề quan trọng, cần được minh bạch, làm rõ để các đương sự biết cụ thể quyền và nghĩa vụ của mình trong vụ án.
Theo quy định pháp luật, khi làm đơn kiện tranh chấp tài sản hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề thì nguyên đơn phải nộp tạm ứng án phí cho Tòa án, sau đó mang hóa đơn đóng án phí đó về nộp cho Tòa án thì lúc này Tòa án mới thụ lý vụ việc của nguyên đơn. Vậy sau khi giải quyết vụ việc, ai phải chịu án phí dân sự sơ thẩm cho Tòa án?
Mục lục
1. Bên thua kiện có phải chịu án phí dân sự sơ thẩm?
Tại Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, như vậy người thua kiện sẽ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của họ mà không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn, giảm.
Theo nguyên lý chung, việc kiện tụng chỉ xảy ra khi một bên bị thiệt hại, hoặc do bên khác vi phạm nghĩa vụ, nếu một bên không vi phạm nghĩa vụ thì bên còn lại sẽ không kiện tụng, mà nếu không kiện thì họ sẽ không mất khoản tiền án phí đó. Do vậy mà bên vi phạm nghĩa vụ phải chịu án phí là hợp tình, hợp lý.
Xét về nguyên tắc bồi thường thiệt hại, án phí có thể được xem là một khoản thiệt hại do bên vi phạm nghĩa vụ gây ra, bởi lẽ nếu một bên không vi phạm nghĩa vụ hoặc không gây ra thiệt hại cho người khác thì họ chẳng kiện, mà nếu không kiện thì họ sẽ không mất khoản tiền án phí đó. Do vậy, người vi phạm nghĩa vụ có nghĩa vụ phải “bồi thường thiệt hại là khoản tiền án phí” đó cho người bị thiệt hại.
Mặc định theo quy định pháp luật thì bên thua kiện phải chịu án phí dân sự sơ thẩm, tuy nhiên giữa các đương sự có thể thỏa thuận để một bên đóng án phí dân sự sơ thẩm, thỏa thuận này nếu hợp pháp, không nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ đóng án phí thì sẽ được Tòa án chấp nhận.
Ví dụ: Khi doanh nghiệp nợ lương của người lao động, người lao động làm đơn kiện doanh nghiệp yêu cầu trả lương. Khi nhận được thông báo khởi kiện, doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động là án phí do người lao động chịu, do người lao động dù thắng hay thua kiện thì cũng sẽ không phải chịu án phí. Như vậy, trong trường hợp này thỏa thuận đó sẽ bị vô hiệu và sẽ không được Tòa án chấp nhận.
2. Nghĩa vụ chịu án phí trong vụ án dân sự sơ thẩm
Về quy định nghĩa vụ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm được quy định cụ thể tại Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, cụ thể như sau:
1. Đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm.
Trong vụ án dân sự không phải lúc nào cũng chỉ có bên thua kiện và bên thắng kiện, cũng không phải lúc nào thua kiện 100% và thắng kiện 100%. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà Tòa án ra quyết định công nhận toàn bộ hoặc công nhận một phần yêu cầu của đương sự.
Trường hợp nguyên đơn không được Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện thì nguyên đơn phải chịu án phí tương ứng với phần yêu cầu nhưng không được Tòa án chấp nhận.
2. Bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận.
Ví dụ: A khởi kiện đòi nợ số tiền 500 triệu đồng đã cho B vay trước đó, việc vay mượn tiền không có giấy tờ, cũng không có người làm chứng. Tuy nhiên B cho rằng mình không vay tiền của A. Tuy nhiên, do cẩn thận nên A đã quay video clip quá trình giao tiên cho B. Sau khi xem xét, giải quyết vụ việc thì Tòa án nhận định yêu cầu đòi nợ của A là có căn cứ pháp luật, sau đó Tòa án ra bản án, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của A, buộc B phải trả cho A số tiền 500 triệu đồng. Như vậy, trong trường hợp này cả A là bên thắng kiện, còn B là bên thua kiện. Do đó B phải chịu toàn bộ án phí.
Trong vụ án này, tổng án phí là 24 triệu đồng. (20 triệu đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400 triệu đồng = 20 triệu + 4% của 100 triệu đồng = 20 + 4 = 24 triệu đồng).
Do A là nguyên đơn đã được Tòa án chấp nhận toàn bộ yêu cầu cho nên B (bị đơn) phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm với số tiền là 24 triệu đồng.
3. Nguyên đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn không được Tòa án chấp nhận.
Trong trường hợp nguyên đơn khởi kiện mà được Tòa án chấp nhận toàn bộ yêu cầu trong đơn kiện của họ thì lúc này bị đơn phải chịu tòa bộ án phí dân sự cho Tòa án.
Cũng theo ví dụ A khởi kiện đòi nợ B nêu trên, trong trường hợp A không chứng minh được B mượn tiền của mình và Tòa án ra quyết định yêu cầu khởi kiện của A là không có căn cứ pháp luật, Tòa án ra bản án không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của A. Trong trường hợp này xem như A (nguyên đơn) là bên thua kiện cho nên phải chịu toàn bộ án phí với số tiền là 24 triệu đồng.
4. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận. Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Tòa án chấp nhận.
Ví dụ: A cho B mượn tiền nhưng không có giấy tờ, cũng không có người làm chứng. Một lần cho vay bằng tiền mặt số tiền 300 triệu, 1 lần cho vay qua hình thức chuyển khoản số tiền 200 triệu đồng. Khi đến thời hạn trả nợ nhưng B không trả, A kiện B ra Tòa án yêu cầu B trả cho mình số tiền 500 triệu đồng trước đó, B cho rằng mình không mượn tiền của A. Sau khi xem xét, giải quyết thì Tòa án ra bản án, công nhận một phần yêu cầu khởi kiện của A, buộc B phải trả cho A số tiền 200 triệu đồng vì có căn cứ giao dịch chuyển tiền. Trong trường hợp này thì cả A và B đều phải chịu án phí, cụ thể như sau:
– Tổng án phí trong vụ án này là 24 triệu đồng (20 triệu đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400 triệu đồng = 20 triệu + 4% của 100 triệu đồng = 20 + 4 = 24 triệu đồng).
– Đương sự A phải chịu án phí số tiền là 14,4 triệu đồng. (A chỉ được Tòa án chấp nhận 40%, còn 60% yêu cầu là không được Tòa án chấp nhận, do vậy A phải chịu 60% án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần không được Tòa án chấp nhận, 24 x 0,6 = 14,4 triệu đồng).
– Đương sự B phải chịu án phí số tiền là 9,6 triệu đồng. (B chỉ được Tòa án chấp nhận 60% yêu cầu, 40% còn lại không được Tòa án chấp nhận, do vậy B phải chịu án phí tương ứng với phần không được Tòa án chấp nhận, 0,4 x 24 = 9,6 triệu đồng).
5. Bị đơn có yêu cầu phản tố phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần yêu cầu phản tố không được Tòa án chấp nhận. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu phản tố của bị đơn được Tòa án chấp nhận.
6. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận. Người có nghĩa vụ đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu độc lập được Tòa án chấp nhận.
7. Các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch.
8. Trường hợp các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa sơ thẩm thì các đương sự vẫn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp xét xử vụ án đó. Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 3 Điều 320 của Bộ luật tố tụng dân sự thì các đương sự phải chịu 50% án phí giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn.
9. Trong vụ án có người không phải chịu án phí hoặc được miễn nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm thì những người khác vẫn phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm theo quy định.
10. Trường hợp vụ án bị tạm đình chỉ giải quyết thì nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm được quyết định khi vụ án được tiếp tục giải quyết theo quy định.
11. Nguyên đơn trong vụ án dân sự do cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích của người khác không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
Trả lời cho câu hỏi thua kiện có phải chịu án phí dân sự sơ thẩm? Căn cứ các khoản 1, 2, 3, 4, 5 của Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 thì người thua kiện phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn, giảm án phí theo quy định pháp luật.
One comment
Đọc thêm: Không nộp án phí dân sự có sao không? Hậu quả như thế nào?