Home / Tình huống / Mượn tiền qua tin nhắn có kiện được không? kiện như thế nào?

Mượn tiền qua tin nhắn có kiện được không? kiện như thế nào?

Cho mượn tiền bằng tin nhắn thì phải làm sao? Cho người khác vay mượn tiền qua tin nhắn có kiện được không? Bạn Minh Thắng, Long An có hỏi: Cách đây 4 tháng, bạn em có nhắn tin hỏi mượn tiền em số tiền 42 triệu để mua xe, hứa đầu tháng sau sẽ trả. Tuy nhiên, khi đến đầu tháng em có gọi điện hỏi tiền thì bạn em không bắt máy, nhắn tin thì chỉ thấy bạn ấy thả tim mà không nói có trả hay không, em không biết liệu rằng với trường hợp của em thì có kiện ra Tòa án để đòi lại số tiền mà em cho mượn trước đó? Em cho mượn không lấy tiền lời.

Cho mượn tiền qua tin nhắn có kiện được không?

ảnh minh họa

Theo như bạn miêu tả, chúng tôi có thể tóm tắt một số nội dung chính trong vụ việc của bạn như sau:

– Tin nhắn thỏa thuận mượn tiền của bạn được thực hiện trên ứng dụng Zalo?

– Số tiền cho vay: 42 triệu đồng, thời hạn trả nợ là 1 tháng kể từ ngày mượn.

– Tới thời điểm hiện tại, người vay đã chậm trả 3 tháng so với thời hạn theo thỏa thuận

1. Cho mượn tiền bằng tin nhắn thì phải làm sao?

Tin nhắn cho mượn tiền giữa các bên là một dạng dữ liệu điện tử và được xem là nguồn chứng cứ trong tố tụng dân sự, tuy nhiên để đoạn tin nhắn cho mượn tiền đó được dùng làm căn cứ giải quyết vụ việc thì người thu thập phải đảm bảo tính khách quan, tính liên quan và hợp pháp. Do đó, tốt nhất là lập vi bằng về nội dung tin nhắn mượn tiền.

Theo như miêu tả của bạn, chúng tôi có thể hiểu rằng việc cho mượn tiền giữa bạn và người đó được thực hiện trên ứng dụng Zalo? Vì đặc trưng của Zalo là có thể thu hồi tin nhắn, cài đặt tự động xóa tin nhắn cả 2 bên, cho nên để tránh trường hợp bị mất chứng cứ thì cách tốt nhất là khi phát hiện quyền lợi của mình bị xâm phạm, bạn nên ngay lập tức tiến hành thu thập chứng cứ bằng cách chụp màn hình hoặc quay video clip đoạn tin nhắn quá trình trao đổi, trong trường hợp cần thiết bạn có thể nhờ Thừa pháp lại lập Vi bằng tin nhắn để có giá trị cao hơn khi cung cấp cho Tòa án.

Chứng cứ vấn đề cần thiết để Tòa án xem xét giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, không phải khi nào chứng cứ cũng được Tòa án sử dụng, để một tài liệu được xem là chứng cứ trong tố tụng dân sự thì nó phải đáp ứng được 3 yếu tố sau đây:

– Thứ nhất, tính khách quan: Khách quan nghĩa là đoạn tin nhắn trao đổi về việc cho mượn tiền giữa các bên là có thật trên thực tế, không bị chỉnh sửa bởi bất kỳ một công cụ nào, đoạn tin nhắn phải được thu thập một cách chính xác, nguyên văn – nguyên bản, không bị tẩy xóa hoặc thay thế.

Hiện nay, với trình độ công nghệ thông tin và sự hỗ trợ của các công cụ chỉnh sửa hình ảnh, video clip tinh vi như hiện nay (phần mềm photoshop) thì việc chỉnh sửa hoặc tạo ra một đoạn tin nhắn liên quan đến việc mượn tiền giống với tin nhắn thật là hoàn toàn có thể, do đó mà đặc tính khách quan là vô cùng quan trọng để một tài liệu được xem là nguồn chứng cứ để giải quyết vụ việc.

– Thứ hai, tính liên quan: Tính liên quan nghĩa là nội dung đoạn tin nhắn đó phải liên quan trực tiếp đến việc cho mượn tiền. Chẳng hạn tin nhắn với nội dung “Bạn cho mình mượn 42 triệu để mua xe, đầu tháng sau mình trả”, sau đó bạn chuyển khoản và chụp màn hình gửi cho người mượn tiền, tiếp theo người mượn tiền có xác nhận “ok, mình đã nhận được rồi, cám ơn nhé, đầu tháng sau mình trả”. Như vậy, đây là nội dung có liên quan trực tiếp đến thỏa thuận giao dịch mượn tiền.

– Thứ ba, tính hợp pháp: Tính hợp pháp là việc người thu thập tài liệu chứng cứ đó phải tuân thủ theo quy trình, thủ tục mà pháp luật quy định. Đối với việc thu thập tin nhắn mượn tiền trên điện thoại của bạn bằng cách chụp màn hình hoặc quay video clip thì đó là một quy trình hợp pháp. Tuy nhiên, bạn cần phải đính kèm văn bản trình bày về xuất xứ của nó.

2. Cho mượn tiền qua tin nhắn có kiện được không?

Theo quy định pháp luật thì tin nhắn là một dạng dữ liệu điện tử được xem là nguồn chứng cứ có giá trị chứng minh nếu thu thập theo đúng quy tình thủ tục mà luật định, do đó khi cho người khác mượn tiền qua tin nhắn mà đến hạn không trả thì bạn có quyền khởi kiện yêu cầu trả nợ, Tòa án có trách nhiệm thụ lý vụ việc của bạn.

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 119 Bộ luật dân sự 2105 quy định:

“Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản” 1.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 14 Bộ luật dân sự 2105 có quy định về việc bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền như sau: “Trường hợp quyền dân sự bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài” 2.

Theo đó, giao dịch cho mượn tiền qua tin nhắn là một giao dịch dân sự thông thường, các bên tham gia giao dịch phát sinh quyền và nghĩa vụ theo thỏa thuận. Khi xảy ra tranh chấp hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của một bên bị xâm phạm thì có quyền khởi kiện ra Tòa án để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự chung.

Như vậy, trả lời cho câu hỏi mượn tiền qua tin nhắn có kiện được không? Căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 14 và khoản 1 Điều 119 Bộ luật dân sự 2105 khẳng định bạn có thể khởi kiện ra Tòa án dân sự để yêu cầu người mượn tiền thực hiện nghĩa vụ trả nợ cả gốc và tiền lãi (nếu có) và Tòa án có trách nhiệm phải thụ lý đơn kiện của bạn.

Lưu ý: Mặc dù bạn cho người khác vay tiền không thu lãi, nhưng khi đến hạn mà người vay không trả thì bạn có quyền khởi kiện đòi tiền gốc, đồng thời có quyền yêu cầu trả tiền lãi với lãi suất 10%/năm của số tiền trả chậm tương ứng với thời gian trả chậm (Khoản 4 Điều 466 BLDS 2015).

Cụ thể, trong trường hợp của bạn Minh Thắng tại Long an thì bạn có thể khởi kiện yêu cầu trả nợ gốc số tiền 42 triệu đồng, đồng thời yêu cầu trả thêm tiền lãi là 10%/năm của 42 triệu đồng trong 3 tháng. Như vậy: 10%/năm của 42.000.000 đồng = 4.200.000đ/năm, tương đương số tiền 350.000đ/tháng. Thời gian trả chậm 3 tháng tương đương số tiền 350.000 x 3 = 1.050.000đ. Như vậy, bạn có thể khởi kiện đòi nợ gốc và lãi tổng cộng 42.000.000 +  1.050.000 = 43.050.000 đ.

3. Cách khởi kiện đòi nợ khi cho mượn tiền qua tin nhắn

Bước 1: Thu thập chứng cứ qua tin nhắn mượn tiền

Đầu tiên, các bạn cần phải thu thập đầy đủ tài liệu và chứng cứ có liên quan đến quá trình cho mượn tiền, cụ thể các bạn có thể thu thập chứng cứ bao gồm:

– Nội dung đoạn tin nhắn thỏa thuận về việc cho mượn tiền.

– Biên lai chuyển khoản ngân hàng, giấy nộp tiền (nếu có)

– Trích xuất nội dung ghi âm cuộc gọi liên quan đến giao dịch mượn tiền (nếu có)

– Lấy xác nhận của người làm chứng (nếu có)

– Và các loại tài liệu chứng cứ có liên quan khác mà bạn có thể thu thập thêm (nếu có)

Bước 2: Soạn đơn kiện và gửi đến Tòa án nơi người mượn tiền cư trú

Sau khi thu thập đầy đủ thông tin và chứng cứ liên quan đến việc cho mượn tiền, các bạn làm đơn khởi kiện và gửi đến Tòa án đúng thẩm quyền.

Tòa án giải quyết vụ việc khởi kiện đòi nợ là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú (Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người mượn tiền của bạn)

Bước 3: Đóng tạm ứng án phí cho Tòa án

Sau khi gửi đơn kiện và hồ sơ tài liệu, Tòa án sẽ kiểm tra và nếu như hợp lệ, Tòa án sẽ thông báo để bạn đi đóng tạm ứng án phí. Lúc này, các bạn đến Cơ quan thi hành án cùng cấp Tòa án để đóng tạm ứng án phí.

Sau khi đóng tạm ứng án phí, các bạn đem biên lai, hóa đơn nộp tiền này nộp lại cho Tòa án, lúc này Tòa án chính thức thụ lý vụ án của bạn.

Lưu ý: Sau khi thắng kiện, bạn có quyền yêu cầu người vay tiền chịu án phí, do vậy bạn sẽ được Tòa án hoàn trả khoản tiền mà bạn đã đóng tạm ứng trước đó.

Bước 4: Tham gia phiên họp công khai chứng cứ và hòa giải

Trước khi mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, Tòa án sẽ mở một phiên họp công khai chứng cứ và hòa giải. Các bạn nên sắp xếp thời gian tham gia phiên họp công khai chứng cứ và hòa giải để tiếp cận được tài liệu, chứng cứ mà các bên cung cấp, đồng thời hòa giải nếu thành công thì các bạn không phải tốn thời gian và công sức.

Bước 5: Tham gia phiên tòa xét xử sơ thẩm

Sau khi hòa giải khôn thành công, Tòa án sẽ ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, lúc này các bạn sắp xếp thời gian để tham dự phiên tòa đúng thời gian và địa điểm theo thông báo.

Bước 6: Nhận bản án/ quyết định của Tòa án.

Sau khi xét xử sơ thẩm nếu vụ việc có tính chất đơn giản thì sẽ có bản án/quyết định của Tòa án về việc giải quyết đơn kiện đòi nợ khi cho mượn tiền qua tin nhắn của bạn. Trường hợp vụ việc có tính chất phức tạp thì thời gian nghị án có thể kéo dài hơn nhưng sẽ không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc phiên tòa xét xử sơ thẩm.

Như vậy, trên đây là quy trình thủ tục khởi kiện đòi nợ khi cho người khác mượn tiền qua tin nhắn với 6 bước cơ bản. Ngoài ra, sau khi bản án/quyết định của Tòa án chính thức có hiệu lực pháp luật mà người vay tiền không tự nguyện thi hành án thì bạn phải tiến hành thủ tục yêu cầu thi hành án để cưỡng chế thu hồi số tiền mà bạn đã cho mượn trước đó.

Xem chi tiết quy trình thủ tục khởi kiện đòi nợ dành cho cá nhân và doanh nghiệp để biết thêm chi tiết, hoặc tìm hiểu chi phí thuê luật sư khởi kiện đòi nợ có thể bạn cần đến.

4. Mượn tiền qua tin nhắn không trả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Hiện nay, tình trạng mượn tiền qua tin nhắn không trả tuy không phổ biến nhưng trong thực tế vẫn có, thậm chí là nhiều. Xuất phát từ mối quan hệ quen biết, bạn bè mà khi cho mượn tiền, các bên không thu tiền lãi, thậm trí là không làm giấy tờ, chỉ nhắn tin hoặc gọi điện mượn tiền là xong.

Đối với những trường hợp mượn tiền qua tin nhắn tuy có tiền nhưng đến hạn không trả thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào tính chất và hành vi mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

– Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Dùng thủ đoạn gian dối để người khác cho mượn tiền (nói dối là có việc cần dùng đến tiền, nhưng thực chất không phải như vậy, sau đó chiếm đoạt số tiền trên 2 triệu đồng.

Nếu chiếm đoạt số tiền dưới 2 triệu đồng nếu thuộc vào một trong các trường hợp tại khoản 1 Điều 174 BLHS thì cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

– Trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Mượn tiền để sử dụng nhưng khi đến hạn mà không trả, mặc dù có điều kiện trả nhưng vẫn cố tình không trả để chiếm đoạt số tiền trên 4 triệu đồng. Hoặc đã sử dụng số tiền đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả nợ số tiền trên 4 triệu đồng.

Nếu chiếm đoạt số tiền dưới 4 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại thì cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Tìm hiểu thêm:

Cho người khác mượn tiền nhưng không có giấy tờ thì có khởi kiện đòi nợ được không?

Cho người khác vay tiền bằng hình thức chuyển khoản ngân hàng có đòi được không?

5/5 - (2 votes)
  1. khoản 1 Điều 119 Bộ luật dân sự 2105.
  2. khoản 1 Điều 14 Bộ luật dân sự 2105 .

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *