Home / Dân sự / Không nộp án phí dân sự có sao không?

Không nộp án phí dân sự có sao không?

Đương sự không nộp án phí dân sự có sao không? Không nộp tiền tạm ứng an phí đúng hạn thì có được thụ lý vụ án không? Có bị mất quyền khởi kiện không? Thời hạn nộp án phí dân sự giai đoạn sơ thẩm là bao lâu? Dưới đây công ty luật Nhân Hậu sẽ giải đáp các đương sự một cách chi tiết vấn đề nộp án phí dân sự sơ thẩm, từ đó giúp cho việc khởi kiện giải quyết vấn đề của mình được diễn ra nhanh chóng và hiệu quả.

1. Đương sự không nộp án phí dân sự có sao không?

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 192 và khoản 2 Điều 195 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì trường đương sự không nộp tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được thông báo tạm ứng án phí thì Tòa án trả lại đơn kiện, trừ trường hợp được miễn tạm ứng án phí, trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng.

Không nộp án phí dân sự có sao không?

– Tại khoản 2 Điều 195 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, sau đó ghi vào giấy báo và giao cho nguyên đơn để họ đi đóng tạm ứng án phí. Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được giấy báo, nguyên đơn phải đến cơ quan thi hành án cùng cấp Tòa án thông báo để nộp tạm ứng án phí, sau đó mang hóa đơn đóng tạm ứng án phí đó nộp lại cho Tòa án để được thụ lý vụ án.

– Tại điểm d khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: Hết thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được thông báo đóng tạm ứng án phí mà nguyên đơn không nộp biên lai đóng tiền cho Tòa án thì Tòa án trả lại đơn kiện, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có trở ngại khách quan, sự kiện bất khả kháng.

Tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật dân sự 2015 định nghĩa trở ngại khách quan và sự kiện bất khả kháng như sau:

+ Trở ngại khách quan “Là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình”.

+ Sự kiện bất khả kháng: “Là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Như vậy, khi nhận được thông báo đóng tạm ứng án phí thì nguyên đơn cần nhanh chóng đi đóng tạm ứng án phí, sau đó mang hóa đơn về nộp lại cho Tòa án để được thụ lý vụ án. Trong trường hợp do trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng thì nguyên đơn phải có văn bản trình bày cụ thể trường hợp của mình tại sao không thể nộp tạm ứng án phí trong thời hạn nêu trên.

Tóm tắt quy trình nộp tạm ứng án phí như sau: Nguyên đơn nộp đơn kiện cho Tòa án –> Tòa án xem xét nội dung, thẩm quyền giải quyết –> Thông báo cho nguyên đơn đóng tạm ứng án phí –> Nguyên đơn đến cơ quan thi hành án cùng cấp nơi Tòa án thụ lý vụ án đóng tiền –> Đem hóa đơn đóng tiền đó nộp lại cho Tòa án –> Tòa án thụ lý vụ án của nguyên đơn.

2. Hậu quả khi không nộp tiền tạm ứng án phí dân sự đúng hạn

Tại khoản d khoản 1 Điều 192 và các khoản 2,3 Điều 195 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, khoản 3 Điều 7 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP quy định trường hợp người khởi kiện không nộp tiền tạm ứng án phí thì Tòa án trả lại đơn kiện, hậu quả có thể khiến khiến người đó mất quyền khởi kiện, trừ những trường hợp được quyền khởi kiện lại.

Hậu quả khi không nộp tiền tạm ứng án phí dân sự đúng hạn

Khoản 3 Điều Điều 195 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định, đương sự được quyền nộp đơn khởi kiện lại trong các trường hợp sau đây:

– Người khởi kiện đã có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;

– Yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại mà trước đó Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu mà theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại;

– Yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ mà trước đó Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu mà theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại;

– Khởi kiện đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà trước đó Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu mà theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại;

– Đã có đủ điều kiện khởi kiện; (Xem chi tiết điều kiện khởi kiện là gì? Các trường hợp chưa đủ điều kiện để khởi kiện ra Tòa án)

– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Tại khoản 3 Điều 7 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành “các trường hợp khác theo quy định pháp luật” bao gồm:

– Đối với những vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản mà trước ngày 01-01-2017, Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện vì lý do “thời hiệu khởi kiện đã hết”,…

– Đối với những vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản mà trước ngày 01-01-2017 đã được Tòa án giải quyết bằng bản án, quyết định,…

– Đối với những vụ án dân sự chia tài sản chung là di sản thừa kế đã hết thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế mà trước ngày 01-01-2017 Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện vì chưa đủ điều kiện khởi kiện,…

– Đối với những vụ án dân sự chia tài sản chung là di sản thừa kế đã hết thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế mà trước ngày 01-01-2017 đã được Tòa án giải quyết bằng bản án, quyết định,…

– Người khởi kiện cung cấp được đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Như vậy, trong trường hợp người khởi kiện không nộp tiền tạm ứng án phí dân sự cho Tòa án trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được thông báo sẽ bị trả lại đơn kiện, hậu quả nếu vụ kiện đó không nằm trong các vụ việc quy định tại Khoản 3 Điều Điều 195 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì người đó sẽ bị mất quyền khởi kiện, không thể nộp đơn khởi kiện lại được.

Lưu ý: Sau khi giải quyết vụ án, nếu nguyên đơn thắng kiện thì có thể yêu cầu bên thua kiện (bị đơn) chịu án phí dân sự. Lúc này Tòa án sẽ trả lại số tiền mà nguyên đơn đã đóng tạm ứng trước đó, đồng thời buộc bị đơn phải thanh toán toàn bộ án phí cho Tòa án. Do vậy bạn không phải lo lắng việc mình bị mất khoản tiền nộp tạm ứng án phí trước đó.

3. Các trường hợp được miễn nộp tiền án phí dân sự

Tại khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định các trường hợp được miễn nộp tạm ứng án phí, miễn án phí dân sự bao gồm:

– Người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

– Người lao động khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề liên quan đến việc bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật;

– Người yêu cầu cấp dưỡng, xin xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự;

– Người khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng hoặc thi hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

– Người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;

– Trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng;

– Đương sự là người đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;

– Người khởi kiện là thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ.

Như vậy, trên đây công ty luật Nhân Hậu đã giải đáp đương sự các vấn đề nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng an phí thì có hậu quả như thế nào, đương sự không nộp án phí dân sự có sao không? Có được thụ lý vụ án không? Hy vọng sẽ giúp bạn hiểu chính xác vấn đề án phí để bảo đảm nộp đúng thời hạn, tránh trường hợp bị trả lại đơn kiện làm mất thời gian của bạn, cũng như hạn chế trường hợp có thể khiến bạn bị mất quyền khởi kiện. Chúc các bạn thành công!

5/5 - (7 votes)

Bài nổi bật

Tiêu chuẩn và điều kiện trở thành hội thẩm nhân dân

Tiêu chuẩn và điều kiện trở thành hội thẩm nhân dân

Hội thẩm nhân dân là gì? Hội thẩm nhân dân có vai trò gì? Tiêu …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *