Thế nào là chưa đủ điều kiện khởi kiện vụ án dân sự? Dưới đây công ty luật Nhân Hậu sẽ phân tích điều kiện khởi kiện của cá nhân và doanh nghiệp đối với vụ án dân sự, từ đó giúp đương sự có thể nộp đơn khởi kiện và được thụ lý giải quyết vụ án một cách hiệu quả, tránh trường hợp bị trả lại đơn kiện làm mất thời gian và công sức của mình.
Tại khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự quy định Thẩm phán trả lại đơn kiện cho đương sự trong trường hợp chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định pháp luật. Vậy để được thụ lý vụ án thì cần những điều kiện gì?
Mục lục
Chưa đủ điều kiện khởi kiện vụ án dân sự là gì?
Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật là trường hợp pháp luật tố tụng dân sự, pháp luật khác có quy định về các điều kiện để nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước nhưng nguyên đơn còn thiếu một trong các điều kiện đó.
Ví dụ: Quy định pháp luật yêu cầu thủ tục giải quyết một vụ việc bắt buộc phải có giai đoạn hòa giải trước, trong trường hợp hòa giải không thành công, hoặc hòa giải thành công nhưng các bên không thực hiện theo biên bản hòa giải đó thì lúc này mới đủ điều kiện khởi kiện vụ án đó ra Tòa án.
Chưa đủ điều kiện khởi kiện vụ án dân sự có thể thấy rõ nhất là trong các vụ việc tranh chấp đất đai, mà vấn đề tranh chấp trong vụ việc là xác định xem ai là người có quyền sử dụng đất. Đối với tranh chấp này thì trước khi khởi kiện ra Tòa án phải được tiến hành các thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân nơi có đất tranh chấp. Sau khi hòa giải mà không thành công hoặc thành công nhưng các bên không tuân thủ thực hiện theo biên bản hòa giải thì lúc này mới đủ điều kiện để đưa vụ việc ra Tòa án giải quyết.
Sỡ dĩ pháp luật quy định thủ tục hòa giải bắt buộc khi tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân là bởi vì những vụ việc tranh chấp đó thường không có giấy tờ hoặc giấy tờ không hợp lệ,… Bên cạnh đó Ủy ban nhân dân là cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan quản lý tại địa phương cho nên biết rõ nguồn gốc của bất động sản đó, nắm rõ các vấn đề liên quan đến việc người dân sử dụng, canh tác, chuyển nhượng,… Nên việc hòa giải, giải quyết sẽ thuận tiện hơn và chính xác hơn so với Tòa án.
Ngược lại, khi tranh chấp bất động sản mà đã có giấy chứng nhận theo quy định pháp luật thì lúc này thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó thuộc về Tòa án. Bởi vì giấy chứng nhận đó đương nhiên được xem là chứng cứ mà không cần phải chứng minh tại sao lại có giấy chứng nhận đó, Tòa án căn cứ vào chứng cứ để giải quyết vụ án tranh chấp theo quy định pháp luật.
Do đó, trong một số trường hợp tranh chấp liên quan đến đất đai hoặc tranh chấp liên quan đến lao động thì cần phải có sự giải quyết của chủ thể có chuyên môn, trách nhiệm quản lý liên quan trước khi được giải quyết tại Tòa án.
Phân tích các trường hợp chưa đủ điều kiện khởi kiện vụ án dân sự
Loại tranh chấp | Điều kiện khởi kiện vụ án dân sự ra Tòa án |
1. Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động | Phải được thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động |
2. Tranh chấp lao động tập thể về quyền giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động | Phải được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết. |
3. Tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất | Phải được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn |
Căn cứ Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP thì có những trường hợp chưa đủ điều kiện khởi kiện vụ án dân sự ra Tòa án như sau:
1. Tranh chấp lao động cá nhân chưa được hòa giải bởi hòa giải viên lao động
– Tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động.
– Tại khoản 1 Điều 185 Bộ luật lao động 2019 quy định, đối với những tranh chấp lao động cá nhân thì phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động. Trong trường hợp hòa giải không thành hoặc hòa giải thành công mà các bên không thực hiện thì mới được kiện ra Tòa án.
Ví dụ: Công ty TNHH ABC ký hợp đồng lao động với chị Nguyễn Thị XYZ. Trong hợp đồng nêu rõ chị XYZ sẽ được công ty hỗ trợ chi phí để học lấy bằng kế toán, sau khi nhận bằng chị XYZ phải làm việc cho công ty ABC ít nhất 5 năm liên tục. Tuy nhiên, sau khi lấy bằng kế toán chị XYZ chỉ làm cho công ty ABC 2 năm, sau đó nghỉ việc đi làm cho công ty khác với mức lương cao hơn. Sau đó, công ty ABC kiện chị XYZ ra Tòa án yêu cầu thanh toán chi phí đào tạo học nghề. Khi nhận được đơn kiện của công ty ABC thì Tòa án sẽ trả lại đơn kiện vì chưa đủ điều kiện khởi kiện.
Trường hợp này công ty ABC phải tiến hành thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước, trong trường hợp hòa giải không thành công, hoặc hòa giải thành công nhưng chị XYZ không hoàn trả chi phí đào tạo nghề cho công ty ABC thì lúc này công ty ABC mới được nộp đơn khởi kiện ra Tòa án, nộp kèm theo biên bản hòa giải của hòa giải viên lao động.
Như vậy, khi có tranh chấp lao động giữa cá nhân thì trước tiên các cá nhân phải tiến hành thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động, trong trường hợp hòa giải không thành công hoặc hòa giải thành công nhưng các bên không thực hiện theo biên bản hòa giải đó thì có thể khởi kiện ra Tòa án. Khi nộp đơn kiện, đương sự nộp kèm theo biên bản hòa giải không thành của hòa giải viên lao động.
Kết luận: Điều kiện để khởi kiện vụ án tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động là bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động. Trường hợp hòa giải không thành hoặc hòa giải thành công nhưng các bên không thực hiện theo biên bản thì có quyền khởi kiện ra Tòa án giải quyết.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và khoản 1 Điều 185 Bộ luật lao động 2019 quy định các trường hợp tranh chấp lao động không cần hòa giải vẫn đủ điều kiện khỏi kiện ra Tòa án bao gồm:
– Tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
– Tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
– Tranh chấp giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
– Tranh chấp về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp.
– Tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
– Tranh chấp giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
2. Tranh chấp lao động tập thể chưa được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện giải quyết.
Tại khoản 2 Điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định, đối với những tranh chấp lao động tập thể về quyền giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động thì phải được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.
Trong trường hợp Chủ tịch UBND huyện giải quyết nhưng các bên không đồng ý với cách giải quyết đó, hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch UBND huyện không giải quyết thì các bên đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện ra Tòa án, nộp kèm theo quyết định của Chủ tịch UBND huyện về việc giải quyết tranh chấp đó.
Tại khoản 2 Điều 179 Bộ luật lao động 2019 định nghĩa, tranh chấp tập thể về quyền là tranh chấp giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động phát sinh trong trường hợp sau đây:
a) Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thỏa thuận hợp pháp khác;
b) Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của pháp luật về lao động;
c) Khi người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động vì lý do thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động; can thiệp, thao túng tổ chức đại diện người lao động; vi phạm nghĩa vụ về thương lượng thiện chí.
Ví dụ: Ông DEF tham gia thành lập và hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tuy nhiên lãnh đạo công ty MNO tìm nhiều cách để ngược đãi, phân biệt đối xử, trả lương thấp đối với ông DEF nhằm mục đích ông DEF phải nghe theo lời lãnh đạo công ty. Lúc này, nhận thấy mình bị phân biệt đối xử, ông DEF làm đơn kiện công ty MNO ra Tòa án. Khi nhận được đơn kiện thì Tòa án sẽ trả lại đơn kiện với lý do chưa đủ điều kiện khởi kiện.
Trong trường hợp này, ông DEF phải làm đơn yêu cầu chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện giải quyết trước. Trong trường hợp Chủ tịch UBND huyện không giải quyết hoặc giải quyết nhưng ông DEF không đồng ý với cách giải quyết của Chủ tịch UBND huyện đó thì có thể khởi kiện ra Tòa án, nộp kèm theo quyết định giải quyết vụ việc của Chủ tịch UBND huyện.
Kết luận: Điều kiện để khởi kiện vụ án tranh chấp lao động tập thể về quyền giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động thì phải được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết trước, trong trường hợp các bên không đồng ý với kết quả giải quyết hoặc Chủ tịch UBND không giải quyết thì có quyền kiện ra Tòa án.
3. Tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP quy định: Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp thì được xác định là chưa đủ điều kiện để khởi kiện ra Tòa án.
Như vậy, đối với những vụ việc tranh chấp đất đai mà nội dung của việc tranh chấp đó là xác định xem ai là người có quyền sử dụng đất thì trước khi kiện ra Tòa án, các bên đương sự phải tiến hành thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nơi có thửa đất đang tranh chấp.
Ví dụ: Anh PQR đang sinh sống và canh tác trên một thửa đất, nằm trong thửa đất số 123 tại xã An Nhơn. Tuy nhiên chị TMD cho rằng thửa đất đó thuộc quyền sở hữu của mình nên đuổi gia đình anh PQR ra khỏi thửa đất, anh PQR thì cho rằng mình có quyền sử dụng đất trên thửa đất đó. Lúc này, chị TMD làm đơn kiện ra Tòa án, khi nhận được đơn kiện thì Tòa án sẽ trả lại đơn kiện với lý do chưa đủ điều kiện khởi kiện.
Trong trường hợp này, chị TMD phải tiến hành các thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã An Nhơn. Trong trường hợp hòa giải không thành hoặc hòa giải thành công nhưng một trong các bên không thực hiện theo biên bản hòa giải thì lúc này mới đủ điều kiện khởi kiện vụ án ra Tòa án giải quyết.
Kết luận: Điều kiện để khởi kiện vụ án tranh chấp tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất là bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp. Trường hợp hòa giải không thành hoặc hòa giải thành công nhưng các bên không thực hiện theo biên bản thì có quyền khởi kiện ra Tòa án giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định pháp luật.
Tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP quy định các tranh chấp về quyền sử dụng đất không cần hòa giải tại Ủy ban nhân dân vẫn có đủ điều kiện để khởi kiện ra Tòa án bao gồm:
– Tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất
– Tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất
– Chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,…
Như vậy, trên đây công ty Luật Nhân Hậu đã phân tích 3 trường hợp chưa đủ điều kiện khởi kiện ra Tòa án, hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn nếu thuộc 1 trong 3 trường hợp nêu trên tiến hành các thủ tục theo quy định pháp luật, tránh bị Tòa án trả đơn kiện làm mất thời gian và công sức của mình, chúc các bạn thành công!
One comment
Đọc thêm: Không nộp án phí dân sự có sao không? Hậu quả như thế nào?