Home / Hôn nhân gia đình / Điều kiện giành quyền nuôi cả 2 con khi ly hôn mới nhất

Điều kiện giành quyền nuôi cả 2 con khi ly hôn mới nhất

Muốn giành quyền nuôi cả 2 con khi ly hôn thì cần chứng minh những vấn đề gì? Nếu như bạn muốn nuôi cả 2 con khi ly hôn thì bạn phải chứng minh cho Tòa án thấy yêu cầu của bạn là có căn cứ và hợp pháp. Dưới đây chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách thu thập tài liệu chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu nuôi cả 2 con khi ly hôn của bạn là có căn cứ và hợp pháp.

Điều kiện giành quyền nuôi cả 2 con khi ly hôn mới nhất

Điều kiện giành quyền nuôi cả 2 con khi ly hôn

Nếu muốn giành quyền nuôi cả 2 con khi ly hôn thì bạn phải đáp ứng được những điều kiện sau: Bạn có thu nhập ổn định và cao hơn người kia, bạn có nơi ở cố định, có đủ sức khỏe và không mắc bệnh hiểm nghèo, bạn có thời gian để chăm sóc con, ngoài ra bạn cũng phải có kiến thức và đạo đức tốt hơn người kia.

Đây là một số điều kiện chung và cơ bản để bạn có thể giành quyền được nuôi cả hai con, ngoài ra còn nhiều vấn đề phải chứng minh khác, dưới đây chúng tôi sẽ phân tích chi tiết từng trường hợp cụ thể để bạn căn cứ xác định.

1. Điều kiện giành quyền nuôi cả 2 con dưới 36 tháng tuổi

Nếu vợ chồng bạn có 2 người con dưới 36 tháng tuổi thì khi ly hôn, người mẹ chỉ cần chứng minh có đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con là đủ.

Theo quy định Luật hôn nhân và gia đình 2014, khi ly hôn mà “con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con” 1. Theo đó, về cơ bản con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho người mẹ nuôi, bất kể có bao nhiêu người con dưới 36 tháng tuổi đều sẽ được giao hết cho người mẹ nuôi, trừ trường hợp người mẹ không có đủ điều kiện để nuôi con thì Tòa án sẽ xem xét giao con cho người chồng nếu người chồng có điều kiện tốt hơn.

Trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để nuôi con dưới 36 tháng tuổi bao gồm:

– Người mẹ bị mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị bệnh nặng khác mà không thể tự chăm sóc bản thân hoặc không thể trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

Ví dụ: Trường hợp người mẹ bị đột quỵ và liệt nửa người, không còn khả năng đi lại thì Tòa án không giao con dưới 36 tháng tuổi cho người mẹ trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

– Người mẹ có thu nhập mỗi tháng thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người mẹ đang cư trú và không có tài sản nào khác để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

– Người mẹ không có điều kiện về thời gian tối thiểu để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Như vậy, nếu như bạn là người chồng mà muốn giành quyền nuôi cả 2 con dưới 36 tháng tuổi thì bạn phải chứng minh cho Tòa án thấy người mẹ thuộc một trong các trường hợp liệt kê ở trên, đồng thời bạn cũng phải chứng minh bạn có điều kiện tốt hơn người mẹ thì bạn mới có thể được Tòa án giao quyền nuôi cả 2 con dưới 36 tháng tuổi.

2. Điều kiện giành quyền nuôi cả 2 con từ đủ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi

Theo quy định pháp luật, khi con đã trên 36 tháng tuổi thì quyền giành nuôi con khi ly hôn của vợ chồng là ngang nhau, do vậy mà bên nào muốn giành quyền nuôi con thì phải chứng minh mình có điều kiện tốt hơn bên kia, bao gồm: Điều kiện về kinh tế, sức khỏe, nơi ở ổn định, thời gian, kiến thức và đạo đức. Dưới đây là một số vấn đề cơ bản mà bạn cần phải chứng minh.

– Điều kiện về kinh tế (thu nhập ổn định và cao hơn người kia)

Thu nhập, hay nói cách khác là điều kiện kinh tế là vấn đề cần phải chứng minh đầu tiên, thông thường người nào có điều kiện kinh tế tốt hơn thì sẽ có ưu thế hơn khi ly hôn giành quyền nuôi con. Để chứng minh về điều kiện kinh tế, bạn có thể chứng minh theo một trong những cách sau:

+ Chứng minh thu nhập ổn định thông qua bảng lương, bảo hiểm, nguồn thu nhập khác. Trường hợp bạn làm công việc tự do và thu nhập không cố định thì bạn có thể sao kê ngân hàng về thu nhập của mình.

+ Chứng minh bạn có tài sản để nuôi con: ví dụ bạn đang có tài sản riêng là nhà, đất đang cho thuê và có nguồn thu hàng tháng, bạn có công ty riêng,…

– Điều kiện về nơi ở cố định

Nơi ở cố định cũng là vấn đề cần phải chứng minh để Tòa án xem xét giao cả 2 con cho bạn nuôi sau khi ly hôn, nếu bạn có nơi ở cố định thì con bạn mới bảo đảm sự ổn định, hạn chế sự xáo trộn môi trường sống, giáo dục của con.

Nếu bạn có tài sản là nhà riêng thì quá dễ dàng để chứng minh, tuy nhiên nếu như bạn không có tài sản riêng là nhà thì bạn nên ký hợp đồng thuê nhà, căn hộ, chung cư, phòng trọ dài hạn.

– Điều kiện về sức khỏe, không mắc bệnh hiểm nghèo

Thông thường, nếu người nào có sức khỏe tốt hơn thì sẽ có ưu thế hơn khi giành quyền nuôi con cả 2 con khi ly hôn, đặc biệt trường hợp người bố hoặc mẹ bị bệnh hiểm nghèo, hoặc bị bệnh nặng khác mà không thể tự chăm sóc bản thân hoặc không thể trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì sẽ không được Tòa án giao quyền nuôi con.

Theo đó, nếu vợ hoặc chồng bạn bị bệnh hiểm nghèo hoặc bị bệnh nặng khác mà không thể tự chăm sóc bản thân hoặc không thể trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì bạn cũng có thể trình bày với Tòa án để giành quyền nuôi con tốt hơn.

– Điều kiện về thời gian để chăm sóc con, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Khi bạn có thời gian thì bạn mới có thể chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con được tốt nhất, bởi vì trẻ em là đối tượng cần được chăm sóc và giáo dục kỹ càng thì mới giúp cho các cháu phát triển một cách toàn diện.

Để chứng minh điều kiện về thời gian, bạn cũng có thể chứng minh thông qua hợp đồng lao động ký với công ty để chứng minh thời gian làm việc và thời gian

– Điều kiện về kiến thức, đạo đức và ý thức tuân thủ pháp luật.

Ngoài những vấn đề nêu trên ra thì kiến thức và đạo đức cũng là vấn đề cần được thể hiện trong hồ sơ, người nào có kiến thức và đạo đức tốt hơn thì cũng sẽ có ưu thế hơn khi giành quyền nuôi cả 2 con khi ly hôn.

Về khía cạnh đạo đức và ý thức tuân thủ pháp luật, theo Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP thì có một số trường hợp cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con bằng biện pháp không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con như sau:

– Bố hoặc mẹ bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý: Được hiểu là bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật về một trong các tội quy định tại Chương XIV Bộ luật Hình sự đối với con chưa thành niên với lỗi cố ý.

Ví dụ: Cha, mẹ bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại Điều 134 của Bộ luật Hình sự đối với con chưa thành niên.

– Bố hoặc mẹ có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con: Được hiểu là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của con hoặc làm tổn hại đến sư phát triển toàn diện của con.

Ví dụ: Cha, mẹ bỏ mặc con chưa thành niên tự sinh sống, không có điều kiện để tự nuôi mình dẫn đến con có hành vi trộm cắp tài sản.

– Bố hoặc mẹ có lối sống đồi trụy: Được hiểu là lối sống ăn chơi, tiêu khiển thấp hèn, xấu xa, hư hỏng, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Ví dụ: Cha, mẹ thực hiện hoạt động mại dâm.

– Bố hoặc mẹ xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội: Bố hoặc mẹ kích động, dụ dỗ, thúc đẩy, ép buộc bằng lời nói, cử chỉ hoặc bằng bất cứ hình thức nào dẫn đến con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Ví dụ: xúi giục, ép buộc dẫn đến con bỏ học, trộm cắp, lừa đảo, vận chuyển trái phép chất ma túy.

3. Điều kiện giành quyền nuôi cả 2 con từ đủ 7 tuổi trở lên

Trường hợp con đã đủ 7 tuổi trở lên thì ngoài điều kiện như đã nêu ở mục (1), (2) trên ra bạn phải đáp ứng thêm điều kiện về tình cảm mà bạn dành cho con nhiều hơn. Cụ thể, trước khi giao quyền nuôi con cho ai nuôi thì Tòa án sẽ hỏi ý kiến của người con xem nguyện vọng muốn được ở với ai?

Để xem xét nguyện vọng của con trên 7 tuổi muốn ở với ai, Tòa án thường căn cứ vào một số nội dung sau:

– Đơn đề nghị của con: Nếu con có nguyện vọng ở với ai và có đơn đề nghị muốn ở với người đó thì đây là chứng cứ thể hiện mong muốn của con rõ ràng nhất. Do đó, nếu như bạn cảm thấy con muốn ở với bạn khi ly hôn thì bạn có thể nói với con làm đơn đề nghị gửi đến Tòa án.

Ví dụ: Kính gửi Tòa án nhân dân huyện ABC, cháu là Phan Thị X (sinh năm 2015), là con của bố DEF và mẹ là MNO, hiện đang học lớp 3B trường tiểu học XYZ, nay cháu làm đơn này vì cháu biết bố mẹ cháu sắp phải chia tay không ở chung với nhau nữa, nếu bố mẹ cháu không ở chung với nhau nữa thì cháu muốn được ở với mẹ.

– Nguyện vọng của con muốn ở với anh, chị, em: Tương tự, nếu như người con thứ nhất mà có mong muốn được ở với bạn, người con thứ 2 có mong muốn được ở chung với anh, chị em thì bạn cũng có thể nói với con làm đơn đề nghị và gửi đến Tòa án.

Ví dụ: Kính gửi Tòa án nhân dân huyện ABC, cháu là Nguyễn Thế Anh, là con của bố DEF và mẹ là MNO. Nay cháu làm đơn xin trình bày như sau: Nếu bố mẹ không ở chung với nhau nữa thì cháu muốn ở mẹ để được ở với chung với chị Phan Thị X.

Khi hỏi ý kiến của con muốn ở với ai, hoặc nói với con làm đơn đề nghị thì bạn phải hết sức chú ý đến vấn đề tâm sinh lý của các cháu, phải bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của con, đồng thời không nói chuyện trước mặt người còn lại để tránh các cháu bị áp lực, ảnh hưởng tâm lý.

Trên đây là một số vấn đề cần chứng minh khi giành quyền nuôi cả 2 con khi ly hôn mà bạn có thể tham khảo. Ngoài ra, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà bạn có thể thu thập các tài liệu và chứng cứ hù hợp để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Chúc bạn thành công!

Mời bạn tham khảo thêm:

Thu nhập bao nhiêu thì được quyền nuôi con khi ly hôn?

Trường hợp nào mẹ không được nuôi con dưới 36 tháng tuổi?

Thuê luật sư ly hôn trọn gói hết bao nhiêu tiền?

Bảng giá chi phí thuê luật sư ly hôn giành quyền nuôi con

5/5 - (2 votes)
  1. khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014.

Bài nổi bật

Văn phòng thám tử tư tại Đồng Tháp, Cao Lãnh, Sa Đéc, Hồng Ngự

Văn phòng thám tử tư tại Đồng Tháp uy tín

Văn phòng công ty dịch vụ thám tử tại Đồng Tháp nào uy tín nhất? …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *