Trường hợp nào mẹ không được nuôi con dưới 36 tháng tuổi? khi ly hôn người cha muốn giành quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì cần chứng minh những vấn đề gì? Dưới đây chúng tôi sẽ phân tích chi tiết 2 vấn đề này để các bạn hiểu rõ, từ đó có biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình một cách hiệu quả.
Mục lục
- I. Khi ly hôn, con dưới 36 tháng tuổi có thể được giao cho ai nuôi?
- II. Trường hợp nào mẹ không được nuôi con dưới 36 tháng tuổi?
- 1. Người mẹ mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị bệnh nặng khác mà không thể tự chăm sóc bản thân hoặc không thể trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
- 2. Người mẹ có thu nhập mỗi tháng thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người mẹ đang cư trú và không có tài sản nào khác để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
- 3. Người mẹ không có điều kiện về thời gian tối thiểu để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
- 4. Người mẹ không trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con từ khi con còn nhỏ
- 5. Người mẹ bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý.
- 6. Người mẹ có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con
- 7. Người mẹ có lối sống đồi trụy
- 8. Người mẹ xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
I. Khi ly hôn, con dưới 36 tháng tuổi có thể được giao cho ai nuôi?
Theo quy định tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì khi ly hôn, cha mẹ có quyền thỏa thuận người trực tiếp nuôi con dưới 36 tháng tuổi và thỏa thuận đó phải phù hợp với lợi ích của con, do vậy khi ly hôn con dưới 36 tháng tuổi có thể được giao cho người cha hoặc mẹ nuôi tùy thuộc vào thỏa thuận của vợ chồng.
Về nguyên tắc, nếu tại thời điểm Tòa án giải quyết ly hôn mà vợ chồng không có thỏa thuận, hoặc không thỏa thuận được ai là người nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì Tòa án sẽ giao cho người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng.
Trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận cụ thể về việc giao con dưới 36 tháng tuổi cho người cha nuôi thì thỏa thuận đó phải phù hợp với lợi ích của con, khi đó Tòa án sẽ căn cứ theo thỏa thuận và điều kiện của người cha để giao con dưới 3 tháng tuổi cho người cha nuôi dưỡng.
Trường hợp cả 2 vợ chồng có con dưới 36 tháng tuổi nhưng không có khả năng và điều kiện để nuôi con sau khi ly hôn thì vợ chồng có thể thỏa thuận để ông bà bên nội/ ngoại trực tiếp nuôi con nếu ông bà đồng ý và có điều kiện và khả năng nuôi dưỡng người con đó.
Tóm lại, không phải lúc nào ly hôn con dưới 36 tháng tuổi cũng do người mẹ nuôi, mà tùy thuộc vào thỏa thuận của vợ chồng. Ngoài ra, trong một số trường hợp cụ thể người mẹ sẽ không được quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Dưới đây là những trường hợp cụ thể.
II. Trường hợp nào mẹ không được nuôi con dưới 36 tháng tuổi?
Tại Điều 6 Nghị quyết số 01/2024/NQ-HDTP quy định có 3 trường hợp người mẹ không được nuôi con dưới 36 tháng tuổi bao gồm: Người mẹ mắc bệnh hiểm nghèo, người mẹ có thu nhập mỗi tháng thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng, người mẹ không có thời gian tối thiểu để nuôi dưỡng, giáo dục con.
Bên cạnh đó, nếu người mẹ thuộc trường hợp quy định tại điểm a, c, d khoản 1 Điều 85 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì khi ly hôn người mẹ cũng không được quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Ngoài ra, theo án lệ số 54/2022/AL thì trường hợp người mẹ không chăm sóc con từ khi con còn nhỏ thì khi ly hôn người mẹ cũng không được nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Tóm lại, hiện nay có 8 trường hợp khi ly hôn người mẹ không được nuôi con dưới 36 tháng tuổi, bao gồm:
1. Người mẹ mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị bệnh nặng khác mà không thể tự chăm sóc bản thân hoặc không thể trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
Để xác định người mẹ mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh nặng khác thì phải có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền. Tuy nhiên, hiện nay chưa có bất kỳ một quy định pháp luật nào thống nhất về bệnh hiểm nghèo, do đó chúng ta chỉ có thể viện dẫn người mẹ mắc bệnh hiểm nghèo theo một số quy định sau đây:
– Theo Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27/6/2003 quy định: “Người mắc bệnh hiểm nghèo là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong hủi, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế coi là bệnh hiểm nghèo”.
– Theo Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016: Không định nghĩa thế nào là bệnh hiểm nghèo nhưng đã liệt kê 42 loại bệnh được coi là bệnh hiểm nghèo, bao gồm: Ung thư, Teo cơ tiến triển; Bệnh Lupus ban đỏ; Nhồi máu cơ tim lần đầu; Viêm đa khớp dạng thấp nặng; Ghép cơ quan (ghép tim, ghép gan, ghép thận); Phẫu thuật động mạch vành; Hoại thư do nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết; Bệnh lao phổi tiến triển; Phẫu thuật thay van tim; Thiếu máu bất sản; Bỏng nặng; Phẫu thuật động mạch chủ; Liệt hai chi; Bệnh cơ tim; Đột quỵ; Mù hai mắt; Bệnh Alzheimer hay sa sút trí tuệ; Hôn mê; Mất hai chi; Tăng áp lực động mạch phổi; Bệnh xơ cứng rải rác; Mất thính lực; Bệnh rối loạn dẫn truyền thần kinh vận động; Bệnh xơ cứng cột bên teo cơ; Mất khả năng phát âm; Chấn thương sọ não nặng; Bệnh Parkinson; Thương tật toàn bộ và vĩnh viễn; Bệnh chân voi; Viêm màng não do vi khuẩn; Suy thận; Nhiễm HIV do nghề nghiệp; Viêm não nặng; Bệnh nang tủy thận; Ghép tủy; U não lành tính; Viêm tụy mãn tính tái phát; Bại liệt; Loạn dưỡng cơ; Suy gan; Bại hành tủy tiến triển.
– Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP quy định mắc bệnh hiểm nghèo là trường hợp mà bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện quân đội cấp quân khu trở lên có kết luận là đang bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ trướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3, suy thận độ 4 trở lên; HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao.
– Thông tư số 26/2014/TT-BQP ngày 20/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định có 09 loại bệnh nguy hiểm, gồm: Các bệnh ung thư, các bệnh hệ thần kinh; các bệnh về gan; các bệnh hệ tiết niệu; các bệnh chuyển hóa; các bệnh hệ hô hấp; các bệnh hệ tuần hoàn; các bệnh hệ cơ, xương, khớp; hội chứng suy giảm miễn dịch.
Ví dụ: Trường hợp người mẹ bị đột quỵ và liệt nửa người, không còn khả năng đi lại thì Tòa án không giao con dưới 36 tháng tuổi cho người mẹ trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Trong trường hợp người mẹ vẫn còn khả năng đi lại nhưng không thể trực tiếp thực hiện các công việc hàng ngày để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì Tòa án cũng sẽ không giao con cho người mẹ nuôi dưỡng, ngay cả khi con dưới 36 tháng tuổi.
2. Người mẹ có thu nhập mỗi tháng thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người mẹ đang cư trú và không có tài sản nào khác để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
Tại Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu của từng vùng như sau:
Vùng | Mức lương tối thiểu tháng
(Đơn vị: đồng/tháng) |
Vùng I | 4.680.000 |
Vùng II | 4.160.000 |
Vùng III | 3.640.000 |
Vùng IV | 3.250.000 |
Để biết người mẹ thuộc vùng nào các bạn vui lòng tham khảo PHỤ LỤC DANH MỤC ĐỊA BÀN ÁP DỤNG MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU TỪ NGÀY 01 THÁNG 7 NĂM 2022 (Kèm theo Nghị định số: 38/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ).
Trên thực tế hiện nay rất ít có trường hợp người nào có thu nhập mỗi tháng thấp hơn một nửa mức lương tối thiểu vùng như trên, và nếu người mẹ có mức thu nhập như vậy, đồng thời không có tài sản nào khác thì chắc chắn cũng khó có thể nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con được tốt.
Tìm hiểu thêm: Thu nhập bao nhiêu thì được quyền nuôi con khi ly hôn?
3. Người mẹ không có điều kiện về thời gian tối thiểu để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Trường hợp người mẹ không có thời gian tối thiểu để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì khi ly hôn người mẹ cũng không được quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trừ trường hợp người chồng có điều thấp hơn người vợ.
4. Người mẹ không trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con từ khi con còn nhỏ
Theo án lệ số 54/2022/AL được (Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua ngày 07/9/2022 và được công bố theo Quyết định số 323/QĐ-CA ngày 14/10/2022 của Chảnh án TANDTC) thì trường hợp người mẹ không trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con từ khi con còn nhỏ thì đến khi ly hôn, mặc dù con dưới 36 tháng tuổi thì người mẹ vẫn không được quyền nuôi con.
An lệ số 54/2022/AL quy định: “Trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người mẹ tự ý bỏ đi từ khi con còn rất nhỏ, không quan tâm đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; người con được người cha nuôi dưỡng, chăm sóc trong điều kiện tốt và đã quen với điều kiện, môi trường sống đó. Trường hợp này, Tòa án phải tiếp tục giao con dưới 36 tháng tuổi cho người cha trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc”.
5. Người mẹ bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý.
Trường hợp người mẹ hoặc mẹ bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật về một trong các tội quy định tại Chương XIV Bộ luật Hình sự đối với con chưa thành niên với lỗi cố ý thì khi ly hôn người vi phạm cũng không được quyền nuôi người con đó.
Ví dụ: Cha, mẹ bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại Điều 134 của Bộ luật Hình sự đối với con chưa thành niên.
Trong trường hợp này, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức ra quyết định về việc hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con bằng hình thức: Không cho mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con.
6. Người mẹ có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con
Trường hợp người bố hoặc người mẹ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của con hoặc làm tổn hại đến sư phát triển toàn diện của con thì khi ly hôn, người vi phạm sẽ không được quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Ví dụ: Cha, mẹ bỏ mặc con chưa thành niên tự sinh sống, không có điều kiện để tự nuôi mình dẫn đến con có hành vi trộm cắp tài sản.
7. Người mẹ có lối sống đồi trụy
Lối sống đồi trụy là lối sống ăn chơi, tiêu khiển thấp hèn, xấu xa, hư hỏng, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Ví dụ: Cha, mẹ thực hiện hoạt động mại dâm.
Trường hợp này cũng sẽ được áp dụng đối với người bố và mẹ khi ly hôn giành quyền nuôi con chưa thành niên. Theo đó, nếu như vợ, hoặc chồng bạn có lối sống đồi trụy thì các bạn có thể thu thập các chứng cứ để chứng minh nhằm giành quyền nuôi con một cách hiệu quả.
Việc thu thập chứng cứ vợ, chồng lối sống đồi trụy có nhiều cách, các bạn có thể tự mình thu thập thông qua hoạt động thường ngày cả vợ, chồng bạn, hoặc bạn cũng có thể thuê thám tử tư theo dõi hoặc bạn có thể sử dụng các biện pháp khác để thu thập chứng cứ.
8. Người mẹ xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Trên thực tế, nếu như con dưới 36 tháng tuổi thì chắc chắn cha mẹ không thể xúi giục con làm những việc trái pháp luật và đạo đức xã hội, quy định này áp dụng cho cả bố và mẹ khi giành quyền nuôi con chưa thành niên nói chung.
Nếu người bố hoặc mẹ có là hành vi kích động, dụ dỗ, thúc đẩy, ép buộc bằng lời nói, cử chỉ hoặc bằng bất cứ hình thức nào dẫn đến con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội thì người đó sẽ không được quyền nuôi con.
Ví dụ: xúi giục, ép buộc dẫn đến con bỏ học, trộm cắp, lừa đảo, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Để chứng minh cho người cha hoặc mẹ có hành vi xúi giục con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội thì các bạn hãy ghi âm, ghi hình khi vợ/ chồng bạn xíu giục, hoặc hỏi người con
Trên đây là 8 trường hợp người mẹ không được nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi ly hôn, tùy từng trường hợp cụ thể của bạn mà bạn có thể áp dụng sao cho phù hợp nhất. Đối với trường hợp người chồng không có điều kiện tốt hơn người vợ như ở trên thì Tòa án sẽ giao con cho người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng.
Tham khảo các dịch vụ:
– Chi phí thuê luật sư ly hôn giành quyền nuôi con mới nhất.
– Bảng giá dịch vụ ly hôn trọn gói tại Thành phố Hồ Chí Minh
One comment
Đọc thêm: Điều kiện giành quyền nuôi cả 2 con khi ly hôn mới nhất