Home / Hôn nhân gia đình / Chưa ly hôn mà có con với người khác có bị phạt không?

Chưa ly hôn mà có con với người khác có bị phạt không?

Chưa ly hôn mà có con với người khác có bị phạt không? Theo quy định pháp luật hiện nay, khi vợ chồng chưa ly hôn mà một bên vợ hoặc chồng ngoại tình dẫn đến việc có con với người khác thì trước hết đó là hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, cụ thể là vi phạm nghĩa vụ chung thủy vợ chồng, tùy theo tính chất và mức độ vi hạm mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chưa ly hôn mà có con với người khác có bị phạt không?

I. Chưa ly hôn mà có con với người khác có bị phạt không?

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP và Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 thì trường hợp chưa ly hôn mà có con với người khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng, hoặc bị truy cứu trác nhiệm hình sự với khung hình phạt cao nhất lên đến 05 năm tù.

Tại khoản 1 Điều 19 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định như sau: “Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình” 1.

Theo đó, vợ chồng có nghĩa vụ phải chung thủy với nhau. Trong khi đó, hành vi chưa ly hôn mà có con với người khác thì có thể được xác định là hành vi không chung thủy, ngoại tình với người khác dẫn đến việc có con riêng bên ngoài. Đây cũng là một trong hững dấu hiệu để chứng minh hành vi vi phạm hành chính cũng như dấu hiệu của tội phạm hình sự.

Để xác định hành vi của một người chưa ly hôn nhưng ngoại tình dẫn đến việc có con với người khác có bị cơ quan chức năng phạt không hay không? Bị xử phạt vi phạm hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì cần phải xác định nhiều vấn đề liên quan, trong đó quan trọng nhất là phải xác định được hành vi và hậu quả.

II. Khi nào vợ hoặc chồng chưa ly hôn mà có con với người khác sẽ bị xử phạt?

1. Khi có hành vi chung sống như vợ chồng

Để xác định được trường hợp chưa ly hôn mà có con với người khác có bị xử phạt hay không thì phải xác định được có hay không có việc chung sống như vợ chồng. Nghĩa là, 2 người phải tổ chức chung sống với nhau như vợ chồng dẫn đến việc có con.

Để xác định được có phải là hành vi chung sống với nhau như vợ chồng hay không, tại Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC có hướng dẫn như sau: “Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…”2.

Như vậy, nếu như một bên vợ hoặc chồng khi chưa ly hôn mà có con với người khác và được chứng minh là có hành vi chung sống như vợ chồng thì đó là dấu hiệu của hành vi vi phạm hành chính và dấu hiệu của tội phạm hình sự.

Cần lưu ý, viêc chứng minh hành vi chung sống như vợ chồng là trách nhiệm của cơ quan chức năng có thẩm quyền, người bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị can, bị cáo, người bị buộc tội không có nghĩa vụ phải nhận mình là người có tội.

2. Khi hành vi đó gây ra hậu quả nghiêm trọng

Hậu quả của hành vi chưa ly hôn nhưng một bên vợ hoặc chồng ngoại tình có con với người khác có nhiều hậu quả khác nhau, như: làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát,… Tùy theo mức độ gây ra hậu quả mà sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

III. Chưa ly hôn mà có con với người khác bị xử lý như thế nào?

2. Trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng.

Tại điểm b khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định như sau:

“Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác” 3.

Như vậy, trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng khi chưa ly hôn mà có con với người khác và được xác định là có hành vi chung sống như vợ chồng như đã phân tích ở trên, nếu bị phát hiện, bị người khác tố cáo,… thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng.

Đối với hành vi vi phạm hành chính trong vấn đề này thì không cần gây ra hậu quả, chỉ cần có hành vi chung sống như vợ chồng là đủ yếu tố xác định được hành vi vi phạm hành chính.

3. Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự, khung hình phạt cao nhất lên đến 05 năm tù.

Chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chưa ly hôn mà có con với người khác nếu như có đồng thời cả hành vi và hậu quả xảy ra. Trong trường hợp trước đó người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà không cần phải gây ra thêm hậu quả khác.

Tại Điều 182 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội này như sau:

“Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó” 4.

Theo đó, khi một người chưa ly hôn mà có con với người khác mà được kết luận của cơ quan chức năng là có hành vi chung sống như vợ chồng thì tùy theo tính chất và mức độ gây ra hậu quả mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khung hình phạt nêu trên.

IV. Rất khó để xử phạt đối với hành vi ngoại tình có con riêng

Hiện nay, cả pháp luật hành chính và hình sự đều có quy định các chế tài áp dụng đối với hành vi này. Cụ thể tại Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP và Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 đều quy định về việc “chung sống với nhau như vợ chồng”. Trong trường hợp một người chưa ly hôn mà có con với người khác nhưng không có hành vi chung sống như vợ chồng thì sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính, cũng như không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều trường hợp ngoại tình nhưng lại không “chung sống như vợ chồng” nên rất khó để yêu cầu cơ quan chức năng xử lý. Theo đại diện một công ty thám tử tư ở TPHCM cho biết, trong quá hoạt động cung cấp dịch vụ thám tử điều tra ngoại tình thì hầu hết các đối tượng ngoại tình một cách “tàu nhanh”, “chớp nhoáng” tại nhà nghỉ, họ có thể tranh thủ lúc nghỉ ngơi để hẹn hò tại cơ quan, công sở, thậm chí còn đưa cả nhân tình về nhà riêng để ân ái…

Trong những trường hợp ngoại tình như thế này, do họ không tổ chức chung sống như vợ chồng nên ngay cả khi có xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì cũng không thể xử lý. Trong khi đó các trường hợp “tàu nhanh”, “chớp nhoáng” như trên cũng để lại những hậu quả không thua kém gì với hành vi ngoại tình mà có việc “chung sống như vợ chồng”.

Theo Báo Công An Nhân Dân, trước đây có trường hợp “ông Phó giám đốc một Bệnh viện đa khoa cấp huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa có quan hệ bất chính với chị Nguyễn Thị L., là điều dưỡng tại bệnh viện. Hai người đã nhiều lần “quan hệ” với nhau tại phòng làm việc cơ quan và các địa điểm khác.

Ông Phó Giám đốc còn quay lại clip để “làm kỷ niệm” nhưng cũng rất khó để xử lý hình sự hoặc xử phạt hành chính. Song do ông Phó giám đốc là cán bộ, viên chức trong cơ quan hành chính nhà nước nên sẽ bị xử lý về mặt Đảng và mặt chính quyền. Còn với những người không phải là cán bộ, viên chức thì không có chế tài để xử lý.

Bởi vậy, thiết nghĩ, những người làm luật cần nới rộng phạm vi để xử lý đối với các trường hợp vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, không nên chỉ bó hẹp trong phạm vi “chung sống như vợ chồng” mới xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự” 5.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có lời khuyên cho những người liên quan, nếu phát hiện người thân trong gia đình mình ngoại tình thì cần phải hết sức giữ bình tĩnh, tuyệt đối không có những hành vi đánh ghen hay can thiệp trái pháp luật, cần phải giải quyết vấn đề theo quy định pháp luật để tránh vướng vào vòng lao lý như những vụ đánh ghen gần đây.

Tìm hiểu thêm:

5/5 - (1 vote)
  1. Khoản 1 Điều 19 Luật hôn nhân và gia đình 2014
  2. Mục 3.1 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC
  3. điểm b khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP
  4. Điều 182 Bộ luật hình sự 2015
  5. Báo Công An Nhân Dân, https://cand.com.vn/hon-nhan-gia-dinh/Kho-xu-ly-hanh-vi-ngoai-tinh-vi-quy-dinh-chung-song-nhu-vo-chong-i438382/ ngày 25/05/2025

Bài nổi bật

Nếu chồng bạn đang có tình ý với ai đó bạn sẽ làm gì để cảm hóa chồng?

Nếu chồng bạn đang có tình ý với ai đó bạn sẽ làm gì để cảm hóa chồng?

Nếu chồng bạn đang có tình ý với ai đó bạn sẽ làm gì để …