Chồng ngoại tình khi ly hôn vợ có quyền gì? Đây là câu hỏi và cũng là thắc mắc của rất chị em phụ nữ có chồng ngoại tình và đang chuẩn bị các thủ tục cần thiết để ly hôn, dưới đây chúng tôi sẽ phân tích cụ thể vấn đề này, tùy từng trường hợp cụ thể của bạn mà bạn có thể áp dụng sao cho phù hợp và hiệu quả nhất.
Mục lục
Chồng ngoại tình khi ly hôn vợ có quyền gì?
Khi ly hôn, người có hành vi ngoại tình (vi phạm nghĩa vụ chung thủy) sẽ gặp bất lợi hơn trong việc chia tài sản và giành quyền nuôi con, do đó khi ly hôn người vợ có quyền yêu cầu được chia tài sản chung nhiều hơn, yêu cầu được nuôi con và người chồng phải chu cấp cho vợ nuôi con đến khi con đủ 18 tuổi. Dưới đây là một số quyền lợi của người vợ khi chồng ngoại tình dẫn đến hậu quả ly hôn.
1. Vợ có quyền yêu cầu được chia tài sản chung nhiều hơn
Chúng tôi nhấn mạnh rằng, khi ly hôn thì theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn được chia cho người đó, mặc dù người chồng có ngoại tình đi chăng nữa thì khi ly hôn, nếu anh ta có tài sản riêng thì khối tài sản riêng này vẫn sẽ được chia cho anh ta. Các bạn khi giải quyết ly hôn nếu gặp trường hợp này thì không nên yêu cầu Tòa án chia tài sản riêng của chồng cho mình, bởi vì điều này sẽ không được Tòa án chấp nhận, khi đó các bạn sẽ phải chịu một khoản tiền án phí do không được Tòa án chấp nhận.
Đối với tài sản chung của vợ chồng thì khi ly hôn sẽ được chia theo nguyên tắc 50 – 50 (vợ được 50%, chồng được 50%). Tuy nhiên, nếu người chồng ngoại tình thì khi đó người vợ có quyền yêu cầu được chia tài sản chung nhiều hơn.
Tại Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về yếu tố lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng và được hướng dẫn bởi Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BT như sau:
“Trường hợp người chồng chung thủy thì khi giải quyết ly hôn Tòa án phải xem xét yếu tố lỗi của người chồng khi chia tài sản chung của vợ chồng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên”.
Như vậy, yếu tố “lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng” có thể được hiểu là hành vi ngoại tình của người chồng, và khi ly hôn thì có thể người chồng sẽ được chia tài sản chung ít hơn so với khi anh ta không ngoại tình. Do vậy, nếu người chồng ngoại tình khi ly hôn vợ có quyền yêu cầu chia tài sản chung nhiều hơn.
Tuy nhiên, để chứng minh chồng ngoại tình thì bạn phải thu thập bằng chứng rõ ràng, hiện nay các bà vợ thường hay tìm đến các văn phòng thám tử tư uy tín để được hỗ trợ, nếu bạn quan tâm có thể tham khảo bảng giá chi phí thuê thám tử tư điều tra bằng chứng ngoại tình để biết thêm chi tiết về hình thức này.
2. Chồng ngoại tình khi ly hôn vợ có quyền yêu cầu được trực tiếp nuôi con
Về nguyên tắc nếu con dưới 36 tháng tuổi thì khi ly hôn, con sẽ do người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải hỏi ý kiến của con. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể người chồng ngoại tình mà con đã trên 3 tháng tuổi và các điều kiện về vật chất, tinh thần, nguyện vọng của con,… là ngang nhau thì người vợ có thể có ưu thế hơn về giành quyền nuôi con.
Cần lưu ý là, trong trường hợp này người vợ chỉ có thể có ưu thế hơn về giành quyền nuôi con, bởi vì hành vi ngoại tình không phải là yếu tố lỗi của người cha đối với con. Mặc dù ngoại tình là đang vi phạm nghĩa vụ vợ chồng, tuy nhiên hành vi này chỉ là vi phạm nghĩa vụ chung thủy giữa vợ và chồng, chứ không thể xem nó là hành vi vi phạm nghĩa vụ của người cha đối với con, do đó ngoại tình hiện nay thường không được đánh giá là yếu tố quan trọng để giải quyết vấn đề nuôi con.
Trong trường hợp người chồng ngoại tình nhưng mang tính chất đồi trụy, thực hiện hoạt động mại dâm thì khi ly hôn chắc chắn người chồng sẽ không được quyền nuôi con, thậm trí còn có thể bị hạn chế một số quyền khác đối với con chưa thành niên.
3. Vợ có quyền yêu cầu chồng phải chu cấp nuôi con đến khi con đủ 18 tuổi.
Trong trường hợp chồng ngoại tình mà vợ được quyền nuôi con thì người vợ có quyền yêu cầu người chồng phải chu cấp để nuôi con đến khi con đủ 18 tuổi, việc cấp dưỡng có thể được thực hiện hàng tháng hoặc cấp dưỡng theo từng lần tùy theo thỏa thuận và khả năng của người chồng.
Khi yêu cầu chồng cấp dưỡng nuôi con, người vợ cần chú ý và căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người chồng và nhu cầu thiết yếu của con để yêu cầu cấp dưỡng, tránh tình trạng yêu cầu mức cấp dưỡng quá cao cũng sẽ không được Tòa án đồng ý.
Hiện nay, chưa có bất kỳ một quy định pháp luật nào nói về tỷ lệ cấp dưỡng là bao nhiêu, tuy nhiên theo nghiên cứu của chúng tôi thì hiện nay mức yêu cầu cấp dưỡng nuôi con lý tưởng và có thể được Tòa án chấp nhận là từ 30 – 40% tổng thu nhập của người phải cấp dưỡng.
Ví dụ: Chồng bạn có tổng thu nhập là 12 triệu/ tháng thì bạn có thể yêu cầu chồng cấp dưỡng nuôi con là 4,5 triệu đồng/tháng. Đây cũng được xem là tỷ lệ hợp lý để người vợ có thể nuôi dưỡng, học tập của con, và người chồng vẫn còn tiền để trang trãi cuộc sống của mình.
Vợ, chồng ngoại tình dẫn đến hậu quả ly hôn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp vợ hoặc chồng mà ngoại tình bằng hình thức “chung sống như vợ chồng” với người khác dẫn đến hậu quả vợ chồng ly hôn thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng, khung hình phạt thấp nhất là phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Cần lưu ý là, để hành vi ngoại tình cấu thành tội phạm thì phải chứng minh được hành vi ngoại tình đó là việc “chung sống như vợ chồng”. Và để chứng minh được 2 người có chung sống như vợ chồng hay không thì thường được chứng minh bằng việc:
– Có con chung;
– Được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng;
– Có tài sản chung;
– Đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó;
Như vậy, khi chứng minh được hành vi chung sống như vợ chồng nêu trên mà dẫn đến hậu quả vợ chồng ly hôn thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong trường hợp chung sống như vợ chồng nhưng chưa gây ra hậu quả ly hôn thì sẽ bị xử phạt hành chính, bị phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng theo Nghị định 82/2020/NĐ-CP.
Theo khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn.
Tại Điều 182 Bộ luật hình sự 2015 quy định như sau:
Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.