Chưa ly hôn nhưng có con với người khác có làm giấy khai sinh cho con được không? Nhiều người thắc mắc vấn đề khi chưa ly hôn mà có con với người khác làm giấy khai sinh cho con như thế nào? Để tên bố, mẹ như thế nào trong giấy tờ? Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà người đi đăng ký khai sinh cho con có thể để tên bố, mẹ, hoặc cũng có để trống. Khi đó, công chức tư pháp – hộ tịch sẽ tiến hành thủ tục theo tờ khai hoặc theo quy định.
Mục lục
- 1. Chưa ly hôn nhưng có con với người khác có làm giấy khai sinh cho con được không?
- 2. Chưa ly hôn mà có con với người khác làm giấy khai sinh cho con như thế nào?
- 3. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nhưng không phải con chung giải quyết như thế nào?
- 4. Bản án xác định cha cho con khi chưa ly hôn nhưng có con với người khác
1. Chưa ly hôn nhưng có con với người khác có làm giấy khai sinh cho con được không?
Theo các quy định trong Luật hộ tịch 2014, Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì trường hợp một bên vợ hoặc chồng chưa ly hôn nhưng có con với người khác thì vẫn có thể làm giấy khai sinh cho con một cách bình thường, khi đó cha hoặc mẹ đến UBND xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ để đăng ký khai sinh cho con.
Đăng ký khai sinh cho con là một sự kiện hộ tịch, đây là quyền nhân thân của mỗi công dân, được Nhà nước bảo đảm thực hiện khi có yêu cầu, việc đăng ký khai sinh liên quan đến sự kiện hộ tịch phải tuân thủ nguyên tắc “được đăng ký đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan và chính xác”1.
Việc đăng ký hộ tịch vừa là quyền vừa là nghĩa vụ nên mọi “công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam có quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch” 2.
Để bảo đảm cho công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch thì “Nhà nước có chính sách, biện pháp đồng bộ, tạo điều kiện để cá nhân thực hiện quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch” 3.
Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân dù người cho người con đó có không phải là con chung của vợ chồng, là con riêng của một bên vợ hoặc chồng thì vẫn phải được đăng ký khai sinh theo quy định. Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà khi đăng ký khai sinh, người yêu cầu phải thực hiện các thủ tục hoặc nộp các loại giấy tờ liên quan theo quy định.
2. Chưa ly hôn mà có con với người khác làm giấy khai sinh cho con như thế nào?
Trường hợp chưa ly hôn mà có con với người khác thì khi đi làm giấy khai sinh cho con, cha hoặc mẹ cần liên hệ trực tiếp đến Ủy bân nhân dân xã/phường/thị trấn nơi cư trú của cha hoặc mẹ để đăng ký khai sinh cho con, tùy theo từng trường hợp cụ thể mà phần thông tin của cha mà có thể ghi tên cha hoặc để trống.
Trường hợp 1: Có thông tin của người cha
Trong trường hợp người vợ chưa ly hôn nhưng có con riêng với người đàn ông khác mà biết thông tin của người đàn ông đó, đồng thời người đàn ông đó chịu trách nhiệm, thừa nhận đó là con của mình thì người đàn ông đó có thể tiến hành thủ tục nhận con. Sau khi đã nhận con thì làm thủ tục khai sinh cho con như bình thường.
– Về thủ tục nhận con: Nếu như không có ai tranh chấp gì về người con thì người đàn ông đó “nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con” 4.
– Về chứng cứ để chứng minh quan hệ cha – con, người đàn ông phải xuất trình “Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con” 5.
Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha – con thì người đàn ông và người vợ phải lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha – con là đúng sự thật, đồng thời phải có ít nhất 02 người làm chứng về mối quan hệ cha – con.
Hiện nay, chứng cứ để chứng minh mối quan hệ cha con dễ dàng thực hiện và được UBND chấp nhận khi đăng ký nhận con là Kết luận giám định ADN huyết thống của các bệnh viện, hoặc cơ quan giám định đang hoạt động hợp pháp.
Trường hợp 2: Không có thông tin của người cha
Trong trường hợp người vợ chưa ly hôn với người chồng mà có con riêng với người đàn ông khác, nhưng vì một lý do nào đó mà không có thôn tin của người đàn ông đó thì khi đăng ký khai sinh sẽ có những trường hợp như sau:
2.1. Người chồng hiện tại chấp nhận người con riêng của vợ: Khi đó, vợ hoặc chồng đi đăng ký khai sinh cho người con riêng của vợ một cách bình thường theo thủ tục thông thường, bởi vì theo quy định trong Luật hôn nhân và gia đình thì “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng” 6. Do đó, trong trường hợp người chồng biết vợ có con riêng với người đan ông khác mà vẫn chấp nhận người con đó thì tiến hành thủ tục đăng ký khai sinh cho con như bình thường, khi đó tại phần thông tin của người cha sẽ để thông tin của người chồng hiện tại.
2.2. Người chồng hiện tại biết vợ có con riêng với người đàn ông khác và không chấp nhận đó là con của mình: Khi đó Công chức Tư pháp – Hộ tịch sẽ tiến hành thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ theo hướng dẫn tại Nghị định 123/2015/NĐ-CP như sau: “Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống” 7.
Trường hợp 3: Có thông tin của người cha, nhưng người cha không thừa nhận đó là con của mình:
Trường hợp chưa ly hôn nhưng người vợ có con với người đàn ông khác mà người đàn ông này phủi bỏ trách nhiệm, không thừa nhận đó là con của mình, đồng thời người chồng cũng không thừa nhận đó là con của mình thì người vợ có thể yêu cầu Tòa án xác định người đàn ông đó là cha của đứa trẻ.
Sau khi có “Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch” 8. Khi đó, việc đăng ký khai sinh cho con sẽ có thông tin của người cha là thông tin của người đàn ông đó.
Trong trường hợp Tòa án không thể xác định được người đàn ôn đó có phải là cha của đứa trẻ hay không thì người mẹ cũng có thể yêu cầu công chức tư pháp – hộ tịch thực hiện thủ tục khai sinh cho con theo trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ theo hướng dẫn tại Nghị định 123/2015/NĐ-CP như ở trường hợp 2.2 nêu trên.
Tóm lại, dù trong bất kỳ trường hợp nào mà khi chưa ly hôn có con với người khác thì người con vẫn phải được đăng ký khai sinh theo quy định, chỉ là vấn đề xác định cha, mẹ, hoặc cách thức tiến hành sao cho thuận tiện, có lợi theo mục đích, mong muốn của người đăng ký mà thôi.
Tìm hiểu thêm về vấn đề Chưa ly hôn mà có con với người khác có bị phạt không?
3. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nhưng không phải con chung giải quyết như thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình 2014, trường hợp con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân mà không phải con chung về mặt sinh học, nhưng về mặt pháp lý thì người con đó vẫn được xác định là con chung của vợ chồng, trừ trường hợp hợp cha, mẹ không thừa nhận con và phải được Tòa án xác định.
Tại Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
Điều 88. Xác định cha, mẹ
1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định” 9.
Như vậy, theo quy định tại Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng, bất kể người cn đó có phỉ con ruột của người chồng hay không, trù khi người chồng không thừa nhận và phải được Tòa án xác định.
Trình tự, thủ tục yêu cầu Tòa án xác nhận đó không phải là con của mình
– Về nguyên tắc yêu cầu Tòa án xác nhận đó không phải là con của mình như sau:
Theo quy định, “khi có người yêu cầu Toà án xác định một người nào đó là con của họ hay không phải là con của họ thì phải có chứng cứ; do đó về nguyên tắc người có yêu cầu phải cung cấp chứng cứ. Trong trường hợp cần thiết thì phải giám định gien. Người có yêu cầu giám định gien phải nộp lệ phí giám định gien” 10.
– Về hồ sơ, bao gồm: Đơn yêu cầu/đơn khởi kiện; bản sao thẻ Căn cước công dân; bản sao Giấy khai sinh của người con (nếu đã được đăng ký khai sinh); bản sao giấy tờ tùy thân của những người liên quan khác (người mẹ, người làm chứng,…); Kết quả xét nghiệm ADN không phải là con của mình; và một số loại giấy tờ liên quan khác tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Sau khi chuẩn bi đầy đủ hồ sơ thì người yêu cầu gửi đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết.
4. Bản án xác định cha cho con khi chưa ly hôn nhưng có con với người khác
1. Bản án cấp sơ thẩm xét xử về việc xác định cha cho con số 189/2021/HNGĐ-ST của Tòa án nhân dân Huyện Thuỷ Nguyên, tỉnh Hải Phòng
– Tóm tắt vụ án: Chị T kết hôn với anh Vũ Văn N vào năm 2005 và có đăng ký kết hôn, năm 2011 anh N bỏ đi và không trở lại nhà. Trong thời gian ly thân, chị T phát sinh tình cảm với anh Bùi Văn H và sinh con là M vào ngày 05/01/2019. Nhưng do chưa ly hôn với anh N nên trong giấy khai sinh phần thông tin cha vẫn ghi thông tin của anh N. Ngày 14/8/2020, chị và anh Vũ Văn N mới ly hôn, nay để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ cho các đương sự và cho con chung, chị T đề nghị Tòa án xác định anh Bùi Văn H cha đẻ của cháu Vũ Thị Thanh M do chị T sinh ra ngày 05 tháng 01 năm 2019.
– Kết quả xét xử: Tòa án nhân dân huyeejjn Thủy Nguyên xác định anh Bùi Văn H, sinh năm 1989; nơi cư trú: Thôn 6, xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng là cha đẻ của cháu Vũ Thị Thanh M do chị Nguyễn Thị T sinh ra ngày 05 tháng 01 năm 2019.
2. Bản án sơ thẩm số 11/2021/HNGĐ-ST ngày 05/02/2021 về xác định cha cho con của Tòa án nhân dân Huyện Quỳnh Phụ – Thái Bình
– Tóm tắt vụ án: Năm 2012 chị Th kết hôn với anh Nguyễn Văn H, đến đầu năm 2017 chị và anh H sống ly thân. Trong thời gian chị và anh H sống ly thân, chị và anh Nguyễn Văn L có quen biết và nảy sinh tình cảm dẫn đến mang thai. Ngày 17/01/2018 chị đã sinh con chung với anh L đặt tên là Nguyễn Quỳnh A. Đến ngày 20/9/2018 Tòa án huyện T đã xử cho chị được ly hôn anh H nên cháu A được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân giữa chị Th và anh H. Khi giải quyết ly hôn chị không khai báo với Tòa án về việc sinh cháu Nguyễn Quỳnh A, anh H vắng mặt.
– Kết quả giải quyết: Tòa án xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Đặng Thị Th: Xác định anh Nguyễn Văn L, sinh năm 1987. Địa chỉ: Thôn V, xã Đ, huyện Q, tỉnh Thái Bình là cha đẻ của cháu Nguyễn Quỳnh A, sinh ngày 17/01/2018(Theo giấy chứng sinh số 57, quyển số 01 do trung tâm y tế huyện C, tỉnh Y cấp ngày 19/01/2018)
- khoản 2 Điều 5 Luật hộ tịch 2014
- khoản 1 Điều 6 Luật hộ tịch 2014
- khoản 1 Điều 8 Luật hộ tịch 2014
- khoản 1 Điều 25 Luật hộ tịch 2014
- khoản 1 Điều 14 Thông tư 04/2020/TT-BTP
- khoản 1 Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình 2014
- khoản 2 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP
- khoản 2 Điều 101 Luật hôn nhân và gia đình 2014
- Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình 2014
- khoản b Điều 5 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP