Home / Hôn nhân gia đình / Chồng ngoại tình đòi ly hôn vợ không đồng ý có được không?

Chồng ngoại tình đòi ly hôn vợ không đồng ý có được không?

Chồng ngoại tình đòi ly hôn vợ không đồng ý có được không? Đây có lẽ là câu hỏi “rất đau” của nhiều người vợ khi có chồng ngoại tình và muốn làm thủ tục để chấm dứt mối quan hệ hôn nhân với vợ chính thức nhằm mục đích đến với người tình. Vậy trong trường hợp này người vợ không đồng ý ký vào đơn thì có được Tòa án giải quyết không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay sau đây.

Chồng ngoại tình đòi ly hôn vợ không đồng ý có được không?

Chồng ngoại tình đòi ly hôn vợ không đồng ý có được không?

Theo quy định tại Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì nếu chồng ngoại tình và muốn ly hôn thì vẫn được Tòa án thụ lý (trừ trường hợp người vợ đang có thai, sinh con, nuôi con dưới 12 tháng tuổi), tuy nhiên nếu người chồng không chứng minh được hôn nhân lâm vào trầm trọng thì Tòa án sẽ không giải quyết cho ly hôn.

Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn là một quyền gắn liền với quyền nhân thân, do đó  Luật hôn nhân và gia đình đã quy định rõ quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:

“Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.

Ngoài ra, tại Nghị quyết 02/2000/NĐ-HĐTP cũng quy định “đối với người có đơn yêu cầu xin ly hôn mà bị Toà án bác đơn xin ly hôn thì sau một năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án bác đơn xin ly hôn có hiệu lực pháp luật, người đó mới lại được yêu cầu Toà án giải quyết việc xin ly hôn”.

Như vậy, theo quy định tại Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014 và Mục 10 Nghị quyết 02/2000/NĐ-HĐTP thì một người chỉ bị hạn chế quyền yêu cầu giải quyết ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, thời gian chưa đủ 1 năm kể từ lần yêu cầu ly hôn trước mà bị Tòa án bác yêu cầu. Nếu không thuộc những trường hợp này thì mọi người hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, kể cả họ ngoại tình mà không cần sự đồng ý của người còn lại.

Cần phải lưu ý, việc người chồng ngoại tình và muốn ly hôn nhưng người vợ không đồng ý mặc dù vẫn sẽ được Tòa án thụ lý, tuy nhiên nếu như người chồng không chứng minh được một trong những vấn đề sau đây thì cũng sẽ không được Tòa án giải quyết cho y hôn:

– Người chồng không chứng minh được người vợ có hành vi bạo lực gia đình.

– Người chồng không chứng minh được người vợ vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Nếu thực sự người chồng ngoại tình và muốn ly hôn nhưng người vợ vẫn nhất định không muốn ly hôn với người chồng, không muốn cho chồng và nhân tình dễ dàng đến được với nhau thì khi giải quyết tại Tòa án, người vợ cần phải “thảo mai” một chút để chứng minh rằng cuộc sống hôn nhân vợ, chồng hiện tại vẫn ổn, chưa đến mức độ lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Tóm lại, nếu người chồng ngoại tình đòi ly hôn mà người vợ không đồng ý, muốn níu kéo để cho con cái có một gia đình trọn vẹn thì người vợ cần phải chứng minh việc mặc dù chồng có hành vi ngoại tình nhưng đời sống hôn nhân của vợ chồng vẫn hạnh phúc, vẫn quan tâm, yêu thương, chăm sóc lẫn nhau. Hoặc cách tốt nhất là giả vờ không biết việc chồng ngoại tình.

Chồng ngoại tình muốn ly hôn nhưng vợ không đồng ý phải làm sao?

Nếu bạn là người chồng, bạn đã/ đang ngoại tình và bạn thật sự đã hết tình cảm với người vợ, bạn thực sự có tình cảm với người thứ 3 và bạn muốn ly hôn để đến với người thứ 3 thì bạn có thể đơn phương ly hôn theo trình tự sau:

Bước 1: Thu thập chứng cứ

Thu thập chứng cứ là khâu cực kỳ quan trọng để Tòa án có chấp nhận yêu cầu ly hôn của bạn hay không, do đó bước đầu tiên mà chúng tôi muốn nói với bạn là phải thu thập chứng cứ.

Để được Tòa án giải quyết cho ly hôn thì bạn phải thu thập chứng cứ để chứng minh cho những vấn đề sau:

– Thu thập chứng cứ chứng minh có hành vi bạo lực gia đình. Để chứng minh được hành vi bạo lực gia đình thì các bạn tham khảo Điều 3 Luật phòng, chống bạo lực gia đình.

– Thu thập chứng cứ chứng minh có hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Để làm rõ vấn đề này, tại Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP đã hướng dẫn như sau

+ “Vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng” là vi phạm quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng dẫn đến xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người kia.

Ví dụ: Vợ, chồng phá tán tài sản gia đình.

+ “Hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được” là thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không có tình nghĩa vợ chồng, ví dụ: vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau; vợ, chồng sống ly thân, bỏ mặc vợ hoặc chồng;

b) Vợ, chồng có quan hệ ngoại tình;

c) Vợ, chồng xúc phạm nhau, làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, tổn thất về tinh thần hoặc gây thương tích, tổn hại đến sức khỏe của nhau;

d) Không bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển.

Như vậy, nếu người chồng ngoại tình đòi ly hôn vợ không đồng ý mà muốn được Tòa án giải quyết thì cần phải thu thập chứng cứ để chứng minh một trong các vấn đề nêu trên. Các xem bài thế nào là bằng chứng ngoại tình và cách thu thập chứng cứ để tham khảo thêm về phân tích và hướng dẫn của chúng tôi về việc thu thập chứng cứ khi ly hôn.

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ

Sau khi đã có đầy đủ chứng cứ thì các bạn mới bắt đầu tiến hành việc chuẩn bị hồ sơ. Hồ sơ khi chồng ngoại tình đòi ly hôn mà vợ không đồng ý bao gồm:

– Đơn xin ly hôn đơn phương theo mẫu số 23-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP. Truy cập bài viết hướng dẫn cách viết đơn ly hôn khi chồng ngoại tình để tham khảo thêm.

– Giấy đăng ký kết hôn (bản chính)

– Căn cước công dân của vợ, chồng (bản sao).

– Giấy khai sinh của con (nếu có)

– Giấy tờ chứng minh về tài sản (nếu có)

– Giấy tờ chứng minh về quyền, nghĩa vụ tài sản khác của vợ chồng (nếu có)

Bước 3: Nộp tài liệu, chứng cứ và hồ sơ đến Tòa án có thẩm quyền

Theo quy định pháp luật, Tòa án có thẩm quyền giải quyết ly hôn là Tòa án nơi bị đơn cư trú, do vậy bạn nộp đơn và hồ sơ đến Tòa án nhân dân quận/huyện nơi người vợ đang cư trú.

Bước 4: Đóng tạm ứng án phí và nộp biên lai tạm ứng án phí về cho Tòa án

Sau khi nhận hồ sơ nếu hồ sơ đã đầy đủ và hợp lệ thì Tòa án sẽ thông báo bạn đi đóng tạm ứng án phí. Bạn đến cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Tòa án để đóng tạm ứng án phí, sau đó lấy biên lai về nộp cho Tòa án. Khi này, Tòa án mới chính thức thụ lỳ vụ án của bạn.

Bước 5: Tham gia phiên hòa giải

Theo quy định pháp luật, đối với vụ án ly hôn đơn phương thì Tòa án sẽ tiến hành hòa giải. Nếu hòa giải không thành thì Thẩm phán sẽ lập biên bản, sau đó ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Bước 6: Tham gia phiên tòa xét xử

Sau khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, vợ chồng bạn sẽ được Tòa án gửi giấy triệu tập và được thông báo về thời gian, địa điểm mở phiên Tòa sơ thẩm, khi đó bạn dựa theo Giấy triệu tập để tham dự phiên tòa giải quyết ly hôn được đúng giờ, đúng địa điểm.

Bước 7: Nhận bản án/ quyết định của Tòa án

Sau khi xét xử sẽ có bản án/quyết định của Tòa án, các bạn sẽ được Tòa án giao cho bản án và nếu trong thời ạn 15 ngày mà bạn không kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị thì bản án/quyết định đó sẽ có hiệu lực pháp luật.

Trên đây là quy trình thủ tục ly hôn đơn phương khi vợ, chồng ngoại tình mà bên còn lại không đồng ý ly hôn, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, vụ việc có tính chất đơn giản hay phức tạp mà thời gian giải quyết sẽ nhanh hay chậm theo thực tế.

5/5 - (1 vote)

Bài nổi bật

Thế nào la bằng chứng ngoại tình?

Thế nào la bằng chứng ngoại tình khi ly hôn?

Thế nào la bằng chứng ngoại tình? Chứng cứ ngoại tình gồm những gì? Khi …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *