Home / Hôn nhân gia đình / Ngoại tình bị xử lý như thế nào? Khi nào ngoại tình bị đi tù?

Ngoại tình bị xử lý như thế nào? Khi nào ngoại tình bị đi tù?

Chồng ngoại tình bị xử lý như thế nào? Chồng em ngoại tình với một bạn nhân viên làm chung trong công ty của chồng em trước đây (bây giờ chồng em đã làm công ty khác), em biết được sự việc khi vô tình thấy tin nhắn của bạn nhân viên đó nhắn cho chồng em với nội dung: “Bé Bưởi nay ăn giỏi quá nè, nhưng hết sữa với tả rồi ba ơi!” Kèm theo tin nhắn là video một bé gái khoảng 1 tuổi đang ăn. Em nghi ngờ bé gái đó chính là con riêng của chồng em với cô gái đó. Vậy cho em hỏi nếu em kiện thì chồng và cô gái đó bị xử lý như thế nào? Có bị đi tù không và nếu bị thì sẽ bị phạt bao nhiêu năm tù? em cám ơn!

Ngoại tình bị xử lý như thế nào?

Như thế nào được xem là ngoại tình?

Hiện nay, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Na không có bất kỳ một quy định nào định nghĩa về hành vi ngoại tình, tuy nhiên theo quy định Bộ luật hình sự thì chúng ta có thể hiểu một người ngoại tình nếu họ thuộc 1 trong 4 trường hợp dưới đây:

– Người đang có vợ/ có chồng mà kết hôn với người khác

– Người đang có vợ/ có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác

– Người chưa có vợ/ chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có vợ/ có chồng

– Người chưa có vợ/ chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng/ có vợ.

Đối với hành vi kết hôn thì dễ chứng minh (thường không có hoặc ít xảy ra trên thực tế). Tuy nhiên, đối với việc “chung sống như vợ chồng” là hành vi xảy ra nhiều trên thực tế nhưng lại rất khó để chứng minh.

Để giải thích cụ thể cho hành vi “chung sống như vợ chồng”, Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC quy định và hướng dẫn chi tiết như sau:

“Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình”.

– Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…

Như vậy, để xem xét xem chồng bạn có phạm tội ngoại tình hay không cần phải xem xét đến các vấn đề sau đây:

– Chồng bạn và cô gái đó có con chung hay không? Theo như bạn bắt gặp tin nhắn với nội dung và video như vậy thì theo suy đoán chủ quan thì có thể chồng bạn và cô gái đó đã có con chung. Tuy nhiên, để chính xác nhất thì phải có kết luận giám định ADN của cơ quan có thẩm quyền mới có thể kết luận được.

– Hàng xóm xung quanh có coi chồng bạn và cô gái đó là vợ chồng hay không? Để chứng minh vấn đề này, cơ quan điều tra họ sẽ phải lấy ý kiến, lời khai, khảo sát mọi người hàng xóm xung quanh nơi cô gái đó sinh sống.

– Chồng bạn và cô gái đó có tài sản chung hay không? Tài sản chung có thể là động sản hoặc bất động sản, việc chứng minh 2 người có tài sản chung hay không sẽ do cơ quan điều tra làm rõ (nếu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can).

– Sự việc đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục trước đó hay chưa? Nếu đã được giáo dục trước đó nhưng chồng bạn và cô gái đó vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ thì đó là dấu hiệu của tội phạm.

Khi nào ngoại tình thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Theo Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC thì chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng.

Hậu quả nghiêm trọng có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát, v.v…

Ví dụ như trường hợp của bạn, nếu như sự việc ngoại tình của chồng bạn là nguyên nhân dẫn đến hậu quả là vợ chồng lục đục, không thể hòa giải và hàn gắn, cuối cùng dẫn đến việc vợ chồng bạn ly hôn thì khi đó, chồng bạn và cô gái kia sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tham khảo cách viết đơn ly hôn khi chồng ngoại tình theo biểu mẫu mới nhất đang còn hiệu lực áp dụng.

2. Người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Ví dụ như trường hợp của bạn, nếu như trước đây chồng bạn đã ngoại tình (với cô gái đó hoặc cô gái khác) mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng mà bây giờ vẫn còn vi phạm thì đó là một căn cứ và dấu hiệu của tội phạm hình sự.

3. Đã có quyết định của Tòa án huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Đối với căn cứ này sẽ có 2 trường hợp cụ thể như sau:

– Đã có quyết định của Tòa án về việc huỷ việc kết hôn trái pháp luật mà vẫn duy trì quan hệ đó.

– Đã có quyết định của Tòa án buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Như vậy, chỉ khi chồng bạn thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì chồng bạn mới bị xử lý hình sự. Nếu không thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì chồng bạn chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Ngoại tình bị xử lý như thế nào?

Theo quy định pháp luật hiện nay, hành vi ngoại tình có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền từ 3.000.000 – 5.000.000 đ, hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng với khung hình phạt cao nhất là bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Ngoại tình bị xử phạt vi phạm hành chính

Theo Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định về Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:

Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng

1. Phạt tiền từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

– Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác

– Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

– Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

– Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi,

– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha chồng với con dâu,

– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa mẹ vợ với con rể,

– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha dượng với con riêng của vợ,

– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa mẹ kế với con riêng của chồng;

– Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 – 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ

– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;

– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi;

– Cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn; cưỡng ép ly hôn hoặc lừa dối ly hôn;

– Lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài;

– Lợi dụng việc kết hôn để hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước

– Lợi dụng việc kết hôn để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình;

– Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản

– Lợi dụng việc ly hôn để vi phạm chính sách, pháp luật về dân số

– Lợi dụng việc ly hôn để để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.

Ngoại tình bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Về trách nhiệm hình sự, người ngoại tình nếu có đủ các dấu hiệu nêu trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng, tội này được quy định cụ thể tại điều 182 Bộ luật hình sự như sau:

Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng

1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; (Lưu ý việc ly hôn phải được xác định nguyên nhân xuất phát từ chính hành vi ngoại tình thì mới đủ căn cứ cấu thành tội phạm).

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. (Lưu ý, chỉ cần trước đó đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà bây giờ còn vi phạm thì đã đủ cấu thành tội phạm, không phân biệt hay bắt buộc phải ngoại tình với cùng một người).

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; (việc tự sát đó phải được xác định nguyên nhân từ xuất phát từ chính hành vi ngoại tình của vợ/ chồng/ bố , có thể do ấm ức, căm phẫn, xấu hổ,… từ hành vi ngoại tình của vợ/chồng/bố mà dẫn đến hậu quả người đó tự sát).

b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Thực tế chưa có ai ngoại tình mà bị đi tù

Mặc dù pháp luật có quy định người nào vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên trên thực tế tính đến thời điểm hiện nay (2024) thì chưa có ai bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.

Trên thực tế có rất nhiều trường hợp vợ/chồng ngoại tình dẫn đến hậu quả ly hôn, tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại thì vẫn chưa có một ai bị kết án về tội này. Nguyên nhân có thể xuất phát từ một số vấn đề sau:

Cơ quan chức năng không biết nên không khởi tố

Cơ quan chức năng không biết sự việc nên không khởi tố là nguyên nhân đầu tiên của vấn đề chưa có ai bị phạt tù về tội ngoại tình. Trên thực tế, khi vợ hoặc chồng ngoại tình thì một bên sẽ yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn, nuôi con và chia tài sản (nếu có) mà không làm đơn tố giác tội phạm.

Bên cạnh đó, các bên chỉ khẳng định vợ, chồng mình ngoại tình nhưng lại không có bằng chứng xác thực về hành vi ngoại tình nên Tòa án cũng không có đủ cơ sở hay căn cứ để đề nghị cơ quan điều tra, viện kiểm sát khởi tố.

Ngoài ra, nếu có hành vi ngoại tình thật và có chứng cứ đi chăng nữa thì cũng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên Tòa án cũng không đề nghị hay chuyển hồ sơ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Khó chứng minh việc “chung sống như vợ chồng” hoặc chưa gây hậu quả nghiêm trọng

Hiện nay, tình trạng ngoại tình bằng hình thức “chung sống như vợ chồng” diễn ra khá phổ biến, tuy nhiên để chứng minh được việc 2 người có thực sự “chung sống như vợ chồng” hay không thì không phải là điều dễ dàng.

Như đã đề cập ở trên, để chứng minh 2 người chung sống như vợ chồng thì phải chứng minh các vấn đề sau đây: Hai người ngoại tình có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…

Trên thực tế, nhiều người ngoại tình bằng hình thức chung sống như vợ chồng nhưng rất khó để chứng minh hành vi này, do đó cho đến thời điểm hiện tại chưa có bất kỳ một vụ án nào liên quan đến tội này được đưa ra xét xử. Tuy nhiên, trong tương lai nếu người nào ngoại tình mà gây ra hậu quả nghiêm trọng thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

5/5 - (1 vote)

Bài nổi bật

Có nên thuê thám tử theo dõi chồng ngoại tình không?

Có nên thuê thám tử theo dõi chồng ngoại tình không?

Có nên thuê thám tử theo dõi chồng ngoại tình không? Đây là câu hỏi …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *