Home / Hôn nhân gia đình / Khi ly hôn, con dưới 36 tháng tuổi có thể được giao cho ai nuôi?

Khi ly hôn, con dưới 36 tháng tuổi có thể được giao cho ai nuôi?

Khi ly hôn, con dưới 36 tháng tuổi có thể được giao cho ai nuôi? Theo quy định pháp luật hiện nay, khi vợ chồng ly hôn con dưới 36 tháng tuổi được giao cho người vợ trực tiếp nuôi dưỡng trừ trường hợp người mẹ không có đủ điều kiện để nuôi con. Ngoài ra, trong một số trường hợp thì con có thể được gao cho người khác nuôi dưỡng mà không phải là cha, mẹ.

Khi ly hôn, con dưới 36 tháng tuổi có thể được giao cho ai nuôi?

1. Khi vợ chồng ly hôn con dưới 36 tháng tuổi được giao cho người vợ trực tiếp nuôi dưỡng?

Theo quy định tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì khi vợ chồng ly hôn con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cáo hướng dẫn chi tiết trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để nuôi con là khi người mẹ thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Người mẹ bị mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị bệnh nặng khác mà không thể tự chăm sóc bản thân hoặc không thể trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

Ví dụ: Trường hợp người mẹ bị đột quỵ và liệt nửa người, không còn khả năng đi lại thì Tòa án không giao con dưới 36 tháng tuổi cho người mẹ trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

b) Có thu nhập mỗi tháng thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người mẹ đang cư trú và không có tài sản nào khác để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

c) Người mẹ không có điều kiện về thời gian tối thiểu để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Như vậy, trong trường hợp vợ chồng ly hôn mà con dưới 36 tháng tuổi nhưng người mẹ thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì người mẹ sẽ không được quyền nuôi con. Tuy nhiên, nếu như người bố mà có điều kiện thấp hơn so với người mẹ thì quyền nuôi con vẫn thuộc về người mẹ.

2. Khi ly hôn, con dưới 36 tháng tuổi có thể được giao cho ai nuôi?

Khi ly hôn, con dưới 36 tháng tuổi có thể được giao cho:

  1. Người mẹ (nếu người mẹ đủ điều kiện nuôi con)
  2. Người cha (nếu người mẹ không đủ điều kiện nuôi con)
  3. Người giám hộ (nếu cha, mẹ bị hạn chế quyền nuôi con)
  4. Người khác do cha mẹ thỏa thuận phù hợp với lợi ích của con (nếu họ đồng ý)

1. Người mẹ (nếu người mẹ đủ điều kiện nuôi con)

Theo mặc định và ưu tiên nhất, khi ly hôn thì con dưới 36 tháng tuổi sẽ do người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng nếu như người mẹ có đủ điều kiện về sức khỏe, thời gian, tài chính và không bị Tòa án ra quyết định hạn chế quyền nuôi con.

2. Người cha (nếu người mẹ không đủ điều kiện nuôi con)

Khi ly hôn, con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho người bố nuôi trong các trường hợp sau:

– Vợ, chồng thỏa thuận để người cha trực tiếp nuôi con.

– Người mẹ bị mắc bệnh hiểm nghèo, hoặc người mẹ có thu nhập mỗi tháng thấp hơn 1/2 tháng lương tối thiểu vùng, hoặc người mẹ không có điều kiện về thời gian tối thiểu, …. mà người chồng có điều kiện tốt hơn.

– Người mẹ bị Tòa án ra quyết định hạn chế quyền nuôi con bằng biện pháp không cho người mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con

3. Người giám hộ (nếu cha, mẹ bị hạn chế quyền nuôi con)

Trong trường hợp tại thời điểm ly hôn mà cả vợ, chồng đều bị Tòa án ra quyết định hạn chế quyền đối với con bằng biện pháp không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con thì người con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho người giám hộ trực tiếp nuôi dưỡng.

Tại Điều 85 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với bằng quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con trong các trường hợp sau:

– Cha, mẹ bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý  (Các tội quy định tại Chương XIV Bộ luật Hình sự)

– Cha, mẹ có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

– Cha, mẹ có lối sống đồi trụy;

– Cha, mẹ xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Khi cả cha và mẹ thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho người giám hộ trực tiếp nuôi dưỡng.

4. Người khác do cha mẹ thỏa thuận phù hợp với lợi ích của con (nếu họ đồng ý)

Tại khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 cho phép “cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”. Thỏa thuận khác ở đây có thể là thỏa thuận giao con dưới 36 tháng tuổi cho người chồng trực tiếp nuôi dưỡng, hoặc cũng có thể giao con cho một người khác phù hợp với lợi ích của người con và được người đó đồng ý.

Chẳng hạn, tại thời điểm ly hôn mà cả 2 vợ chồng đang phải đi làm thuê xa nhà, có điều kiện kinh tế thấp và có rất ít thời gian rãnh. Trong khi đó, nhưng ông bà nội/ông bà ngoại thì có thời gian, điều kiện kinh tế tốt hơn, đồng thời cũng là người đang chăm sóc con từ khi sinh ra tới thời điểm vợ chồng ly hôn. Khi đó vợ chồng có thể thỏa thuận để cho ông bà nội/ngoại trực tiếp nuôi con, nếu được ông bà đồng ý.

Cần lưu ý là, việc “cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con” phải được đánh giá một cách khách quan theo thực tế để xem thỏa thuận đó có thực sự phù hợp với lợi ích của con hay không, và việc đánh giá đó là do Tòa án.

Khi cả 2 vợ, chồng ly hôn mà có thỏa thuận để người khác nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì 2 vợ chồng vẫn có nghĩa vụ phải cấp dưỡng.

3. Khi nào vợ chồng ly hôn con dưới 36 tháng tuổi được giao cho người giám hộ nuôi dưỡng?

3.1. Các trường hợp người giám hộ nuôi con

Theo quy định tại khoản 2 Điều 87 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì khi vợ chồng ly hôn hoặc chưa ly hôn nhưng con chưa thành niên thì có thể được giao cho người giám hộ nuôi dưỡng trong các trường hợp sau:

a) Khi cả cha và mẹ đều bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên;

Khi cả 2 vợ chồng đều bị Tòa án ra quyết định hạn chế quyền đối với con thì người con đó sẽ được Tòa án giao cho người giám hộ. Người giám hộ có quyền và nghĩa sau đây:

– Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con

– Quản lý tài sản riêng của con và đại diện theo pháp luật cho con.

b) Một bên cha, mẹ không bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên nhưng không đủ điều kiện để thực hiện quyền, nghĩa vụ đối với con;

Không đủ điều kiện để thực hiện quyền, nghĩa vụ đối với con là các điều kiện về sức khỏe, kinh tế, thời gian.

– Sức khỏe (bị mắc bệnh hiểm nghèo,…),

– Tài chính (thu hập mỗi tháng dưới 1/2 tháng lương tối thiểu vùng),

– Thời gian (không có điều kiện về thời gian tối thiểu để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con).

Ví dụ: Tại thời điểm y hôn mà người chồng bị Tòa án ra quyết định hạn chế quyền đối với con, nhưng người vợ lại đang mắc một căn bệnh hiểm nghèo thì khi đó Toa án cũng sẽ giao người con dưới 36 tháng tuổi đó cho người giám hộ nuôi dưỡng.

c) Một bên cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên và chưa xác định được bên cha, mẹ còn lại của con chưa thành niên.

Ví dụ: Người mẹ đơn thân nuôi con (người mẹ 1 mình nuôi con mà chưa biết bố của đứa trẻ là ai) mà bị Tòa án a quyết định hạn chế quyền đối với con thì người con dưới 36 táng tuổi này cũng sẽ được giao cho người giám hộ nuôi dưỡng.

3.2. Người giám hộ cho con dưới 36 tháng tuổi là ai?

Theo quy định tại Điều 47 và Điều 52 BLDS thì người giám hộ đương nhiên của người con dưới 36 tháng tuổi nói riêng và con chưa thành niên nói chung trong các trường hợp nêu trên được xác định theo thứ tự sau đây:

1. Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.

2. Trường hợp không có anh, chị ruột thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.

3. Trường hợp không có anh, chị ruột, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.

5/5 - (2 votes)

Bài nổi bật

Chồng ngoại tình có con riêng có kiện được không?

Chồng ngoại tình có con riêng có kiện được không?

Chồng ngoại tình có con riêng có kiện được không? Đây là câu hỏi của …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *