Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu trong các trường hợp nào? Hiện nay, việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được các cặp vợ chồng thực hiện khá phổ biến, thông qua đó xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng một cách rõ ràng, việc này là hoàn toàn hợp pháp và được pháp luật thừa nhận. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp thì việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân sẽ bị vô hiệu, cùng chúng tôi tìm hiểu một số trường hợp vô hiệu dưới đây.
Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu trong các trường hợp nào?
Theo quy định tại Điều 42 Luật hôn nhân và gia đình 2014, việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân sẽ bị vô hiệu nếu thuộc 1 trong 8 trường hợp sau đây:
1. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình.
Theo quy định này, chỉ khi việc vợ, chồng thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân mà việc đó có ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình thì mới bị vô hiệu. Thế nào là ảnh hưởng nghiêm trọng thì hiện nay chưa có quy định cụ thể và rõ ràng, tuy nhiên chúng ta có thể hình dung nếu việc chia tài sản đó mà làm cho gia đình rơi vào tình trạng khó khăn thì đó có thể được hiểu là ảnh hưởng nghiêm trọng.
2. Ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình là những đối tượng được xem là yếu thế, do vậy mà pháp luật luôn có biện pháp để bảo vệ nhóm người yếu thế này. Do đó, mọi thỏa thuận của vợ chồng mà ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của con thuộc những đối tượng nêu trên thì đều bị tuyên vô hiệu.
3. Việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân nhằm trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng.
Theo quy định pháp luật, các thành viên trong gia đình có nghĩa vụ phải cấp dưỡng trong một số trường hợp cụ thể, bao gồm:
– Cha, mẹ trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho con:
Theo quy định pháp luật thì “cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con” 1.
– Anh, chị, em có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau:
Trong trường hợp “không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để cấp dưỡng cho con thì anh, chị đã thành niên không sống chung với em có nghĩa vụ cấp dưỡng cho em chưa thành niên không có tài sản để tự nuôi mình hoặc em đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; em đã thành niên không sống chung với anh, chị có nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh, chị không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình” 2.
Theo quy định này, nếu như bố mẹ của vợ hoặc chồng đã mất mà vợ hoặc chồng đang có anh, chị em chưa thành niên không có tài sản để tự nuôi mình, hoặc em đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, anh, chị không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà vợ chồng lại thỏa thuận chia tài sản để hết tài sản cho một bên để bên kia không còn tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng thì sẽ bị vô hiệu.
Ví dụ: Anh A và chị B là vợ chồng hợp pháp. Bố mẹ của anh A đã chết và anh A có 1 người em C, người C này bị bệnh tâm thần dẫn đến việc không có khả năng lao động, C cũng không có tài sản để tự nuôi mình thì người anh A phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho người em C. Tuy nhiên, A và B thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân với nội dung là chia hết tài sản cho người vợ B, lúc này A không còn tài sản để cấp dưỡng cho C nữa. Theo đó, đây được xem là hành vi trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho nên thỏa thuận chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân giữa A và B sẽ bị vô hiệu.
– Ông bà có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu:
Theo quy định thì “Ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người cấp dưỡng” 3.
Tương tự như trường hợp trên, nếu như vợ chồng A,B có cháu mà không sống chung thuộc trường hợp nêu trên mà vợ chồng A, B lại thỏa thuận chia tài sản để cho 1 người đứng tên hết dẫn đến việc người còn lại không có tài sản để cấp dưỡng cho cháu thì thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân này sẽ bị vô hiệu.
– Cháu có nghĩa vụ cấp dưỡng cho ông bà:
Luật hôn nhân và gia đình có quy định “Cháu đã thành niên không sống chung với ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ cấp dưỡng cho ông bà nội, ông bà ngoại trong trường hợp ông bà không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người khác cấp dưỡng” 4.
Tương tự, nếu vợ chồng A,B có ông bà nội/ngoại mà không sống chung, sau đó vợ chồng A,B thỏa thuận chia tài sản để hết tài sản cho một người dẫn đến việc người còn lại không còn khả năng để cấp dưỡng cho ông bà thì thỏa thuận đó cũng bị vô hiệu.
– Cô, dì, chú, cậu, bác ruột cấp dương cho cháu ruột
‘Cô, dì, chú, cậu, bác ruột không sống chung với cháu ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng” 5.
Nếu như vợ chồng A,B thuộc trường hợp này mà thỏa thuận chia tài sản để một người đứng tên tất cả tài sản dẫn đến việc người còn lại không còn tài sản để cấp dưỡng cho cháu ruột thì thỏa thuận đó sẽ bị vô hiệu.
– Cháu ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cô, dì, chú, cậu, bác ruột
“Cháu đã thành niên không sống chung với cô, dì, chú, cậu, bác ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cô, dì, chú, cậu, bác ruột trong trường hợp người cần được cấp dưỡng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng” 6.
Nếu như vợ chồng A,B thuộc trường hợp này mà thỏa thuận chia tài sản để một người đứng tên tất cả tài sản dẫn đến việc người còn lại không còn tài sản để cấp dưỡng cho cho cô, dì, chú, cậu, bác ruột thì thỏa thuận đó cũng sẽ bị vô hiệu.
4. Việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân nhằm trốn tránh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại
Nếu như ột bên vợ hoặc chồng đang có nghĩa vụ hoặc sắp có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại cho người khác thuộc trường hợp vợ, chồng không bị liên đới chịu trách nhiệm mà thỏa thuận chia tài sản để hết cho một bên dẫn đến bên còn lại không còn tài sản để bồi thường thiệt hại cho người khác thì thỏa thuận đó sẽ bị vô hiệu.
Ví dụ: Người chồng đi nhậu về bằng phương tiện xe oto, do người chồng phóng nhanh không làm chủ được tốc độ nên đã gây tai nạn giao thông cho người khác đi xe máy dẫn đến hậu quả người đi xe máy bị thương tích nặng. Sau đó, người chồng về nhà và vợ chồng cùng lập thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, trong đó tất cả tài sản đều được chia cho người vợ, người chồng không có bất kỳ một tài sản nào. Thỏa thuận này có thể được xem là việc người chồng trốn tránh nghĩa vụ bồi thường cho người đi xe máy nên thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu.
5. Nhằm trốn tránh nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản.
Ví dụ: Người chồng kinh doanh bằng tài sản riêng của mình, tuy nhiên việc kinh doanh không được thuận lợi dẫn đến việc bị pháp sản, người chồng có nghĩa vụ phải thanh toán các khoản liên quan đến hợp đồng, công nợ, tiền lương,… cho người khác. Để trốn tránh việc thanh toán các khoản này, vợ chồng thỏa thuận để người vợ đứng tên hết tất cả tài sản của người chồng. Khi đó, thỏa thuận này có thể được xem là nhằm trốn tránh nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản và bị vô hiệu.
6. Nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức.
Việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ cũng tương tự như đối với trường hợp nhằm trốn tránh nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản nêu trên.
7. Nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước.
Trường hợp vợ chồng thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân mà có căn cứ cho rằng thỏa thuận đó là nhằm mục đích trốn trách nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với nhà nước thì cũng sẽ bị vô hiệu.
8. Nhằm trốn tránh nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, còn một số trường hợp thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu theo quy định của pháp luật có liên quan, chẳng hạn như người chồng ép buộc hoặc đe dọa dùng vũ lực để ép buộc người vợ phải làm thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân để chuyển giao hết tài sản sang cho mình, hoặc người vợ bị lừa dối trong việc thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, và các trường hợp vô hiệu khác theo quy định pháp luật.
Ai có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân vô hiệu?
Theo quy định pháp luật, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì người đó có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận đó là vô hiệu.
Ví dụ trong trường hợp thứ 5 ở trên: “Vợ chồng thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân nhằm trốn tránh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại” thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận đó vô hiệu.
Về thời hiệu để yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là 02 năm kể từ khi người có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận đó vô hiệu biết hoặc phải biết vợ chồng xác lập.
Ví dụ trong trường hợp thứ 5 ở trên, nếu vợ chồng bên gây thiệt hại thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân nhằm trốn tránh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại vào ngày 11/01/2020 thì người bị thiệt hại phải yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận đó vô hiệu từ 01/01/2020 đến 01/01/2022, quá thời hạn này người bị thiệt hại không có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố vô hiệu nữa.
Trên đây là một số vấn đề liên quan đến thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu, ngoài ra còn một số trường hợp vô hiệu theo quy định từ Điều 123 đến Điều 129 Bộ luật dân sự các bạn tham khảo thêm.
Tìm hiểu nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân