Trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc dân sự như thế nào? Trình tự giải quyết vụ án dân sự khác trình tự giải quyết việc dân sự như thế nào? Dưới đây Công ty Luật Nhân Hậu sẽ phân tích trình tự thủ tục Tòa án xét xử vụ án dân sự một cách chi tiết,thông qua đó bạn có thể hình dung diễn biến của một phiên Tòa xét xử sơ thẩm một cách dễ dàng.
Mục lục
1. Thủ tục tố tụng dân sự là gì?
Thủ tục tố tụng dân sự là các thủ tục mà cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật dân sự.
– Cơ quan tiến hành tố tụng dân sự bao gồm:
+ Tòa án nhân dân (nhiệm vụ chính là xét xử vụ án dân sự, giải quyết việc dân sự)
+ Viện kiểm sát nhân dân (nhiệm vụ chính là giám sát hoạt động tố tụng của Tòa án)
– Người tiến hành tố tụng dân sự là những người trong cơ quan tiến hành tố tụng dân sự, bao gồm: Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.
Theo quy định pháp luật, việc xét xử một vụ án dân sự hoặc giải quyết một việc dân sự thì cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng phải tuân thủ theo các quy định, nguyên tắc mà luật định. Theo đó, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chỉ được thực hiện những công việc trong phạm vi nhiệm vụ và thẩm quyền của mình.
– Người tham gia tố tụng (Những người tham gia tố tụng dân sự gồm có: Đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch) không phải là người tiến hành thủ tục tố tụng, các thủ tục do người tham gia tố tụng tiến hành chỉ là thủ tục hành chính để khởi kiện.
2. Trình tự, thủ tục xét xử giải quyết vụ việc dân sự
Bước 1: Đương sự nộp đơn khởi kiện
Đầu tiên, nguyên đơn làm đơn kiện và gửi đến Tòa án, khi nộp đơn kiện nguyên đơn gửi kèm theo tài liệu và chứng cứ liên quan đến vụ án để Tòa án xem xét.
Khi nộp đơn kiện, Tòa án sẽ có thông báo xác nhận đã nhận đơn kiện, việc thông báo có thể bằng văn bản trực tiếp (nếu nguyên đơn nộp trực tiếp), hoặc bằng giấy xác nhận (nếu nộp bằng đường bưu chính), hoặc thông báo việc nhận đơn trên ổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu nộp đơn kiện trực tuyến – nếu có)
Lưu ý khi nộp đơn, nguyên đơn cần xem xét vụ việc của mình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nào để tránh bị trả đơn kiện do không đúng thẩm quyền, làm mất thời gian của bạn.
Bước 2: Tòa án xem xét, xử lý đơn kiện
Sau khi nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn, Tòa án sẽ xem xét đơn kiện xem có đúng thẩm quyền giải quyết của mình không, từ đó có căn cứ thụ lý vụ án hay là không. Quá trình xem xét đơn kiện sẽ có những trường hợp sau:
– Trường hợp 1: Vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án: Khi vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết thì Tòa án sẽ trả lại đơn kiện cho nguyên đơn.
– Trường hợp 2: Vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhưng nội dung đơn kiện bị sai hoặc còn thiếu: Khi nội dung trong đơn khởi kiện bị sai thì Tòa án sẽ yêu cầu đương sự chỉnh sửa, trong trường hợp nội dung đơn kiện còn thiếu thì Tòa án sẽ yêu cầu nguyên đơn bổ sung những nội dung còn thiếu đó.
– Trường hợp 3: Vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhưng chưa đủ điều kiện để khởi kiện vụ án đó ra Tòa án: Trong một số trường hợp, trước khi được xét xử tại Tòa án thì phải được tiến hành hòa giải hoặc giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền thì chưa đủ điều kiện để khởi kiện vụ án dân sự.
Ví dụ: Khi A và B tranh chấp quyền sử dụng đất, A và B đều cho rằng mình là người có quyền sở hữu thửa đất đó. Trước khi nộp đơn kiện ra Tòa án thì một trong 2 bên phải làm đơn hòa giải Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có bất động sản đó để được giải quyết, trường hợp hòa giải không thành thì mới được khởi kiện ra Tòa án (gửi kèm theo biên bản hòa giải không thành)
– Trường hợp 4: Vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, nội dung đơn kiện đầy đủ, điều kiện khởi kiện đã đầy đủ thì Tòa án sẽ thụ lý vụ án.
Bước 3: Nguyên đơn đóng tạm ứng án phí–> Tòa án thụ lý vụ án
Trước khi thụ lý vụ án, Tòa án sẽ thông báo cho nguyên đơn đóng tạm ứng án phí. Khi nhận được thông báo, nguyên đơn phải đóng tạm ứng án phí và nộp lại biên lai đó cho Tòa án thì Thẩm phán mới thụ lý vụ án.
– Số tiền nộp tạm ứng án phí: Thẩm phán sẽ dự tính số tiền tạm ứng án phí, sau đó ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí.
– Nơi nộp tạm ứng án phí: Nguyên đơn nộp tạm ứng án phí tại Cục thi hành án dân sự cùng cấp với Tòa án xét xử, sau đó mang hóa đơn này về nộp lại cho Tòa án.
Lưu ý quan trọng: Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày Tòa án thông báo tạm ứng án phí, nguyên đơn phải nộp tạm ứng án phí và giao hóa đơn/ biên lai đóng tiền đó cho Tòa án. Quá thời hạn này thì Tòa án sẽ trả lại đơn kiện.
Bước 4: Thông báo về việc thụ lý vụ án
Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án thì Thẩm phán sẽ thông báo cho những người liên quan về việc Tòa án đã thụ lý giải quyết vụ án dân sự. Bao gồm: Nguyên đơn, bị đơn, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo thụ lý đơn kiện, bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có các quyền sau:
– Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có quyền yêu cầu Tòa án cho xem, ghi chép, sao chụp đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện, trừ tài liệu, chứng cứ liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh,…
– Trường hợp người có quyền, nghĩa vụ liên quan không muốn tham gia quá trình tố tụng với nguyên đơn hoặc bị đơn thì có quyền yêu cầu độc lập.
– Bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
– Bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn
– Bị đơn có quyền nộp lại cho Tòa án văn bản ý kiến của mình đối với yêu cầu trong đơn kiện của nguyên đơn, kèm theo các tài liệu,chứng cứ có liên quan
– Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án đó có quyền gia hạn giải quyết vụ án (phải nêu rõ lý do, thời gian gia hạn không quá 15 ngày).
Bước 5: Phân công thẩm phán giải quyết vụ việc
Sau khi kiểm tra, đánh giá đơn kiện, nội dung liên quan thì Thẩm phán thụ lý vụ án sẽ lập một báo cáo. Trên cơ sở này, Chánh án Tòa án sẽ phân công một Thẩm phán để giải quyết vụ việc theo nguyên tắc vô tư, khách quan, ngẫu nhiên.
Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án. Tức là cùng ngày thông báo về việc thụ lý đơn kiện, Chánh án cũng sẽ phân công Thẩm phán giải quyết vụ việc.
Bước 6: Chuẩn bị xét xử vụ án dân sự
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án thực hiện các công việc sau:
– Lập hồ sơ vụ án theo quy định tại Điều 198 Bộ luật tố tụng dân sự
– Xác định tư cách tham gia phiên tòa của đương sự và người tham gia tố tụng khác
– Xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự và quy định pháp luật có liên quan cần áp dụng
– Làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án
– Tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định pháp luật
– Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (nếu có yêu cầu hoặc nếu cần thiết)
– Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, đồng thời hòa giải giữa các đương sự.
Bước 7: Quyết định đưa vụ án ra xét xử
Trường hợp hòa giải không thành thì Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Sau khi ra quyết định, Tòa án phải gửi quyết định này cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định.
Nội dung quyết định bao gồm:
– Ngày, tháng, năm ra quyết định
– Tên Tòa án ra quyết định
– Vụ án được đưa ra xét xử
– Thông tin của nguyên đơn, bị đơn và những chủ thể có liên quan khác
– Thông tin về các thành phần của phiên tòa
– Thông tin của kiểm sát viên trong phiên tòa (nếu có)
– Ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm mở phiên tòa
– Xét xử công khai hoặc xét xử kín
– Thông tin người được triệu tập tham gia phiên tòa.
Bước 8: Đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm
Khi đến đúng thời gian đã nêu trong thông báo thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Các bạn chú ý tham gia đúng giờ để khai mạc phiên tòa, khi đi nhớ lựa chọn trang phục nghiêm chỉnh.
Một số lưu ý trong giai đoạn xét xử sơ thẩm:
– Trước khi vào phòng xử án, tất cả mọi người đều phải chấp hành việc kiểm tra an ninh của lực lượng bảo vệ phiên tòa. Do đó, các bạn khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án dân sự tuyệt đối không mang vào phòng xử án vũ khí, hung khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, đồ vật cấm lưu hành,…
– Khi Hội đồng xét xử bước vào phòng xử án, tất cả mọi người phải đứng dậy (trừ trường hợp đặc biệt khác có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa)
– Khi vào phòng xử án, mọi người cần trật tự, ổn định chỗ ngồi, ngồi đúng vị trí của mình được sắp xếp theo quy định.
– Trong phòng xử án, mọi người không được đội mũ, nón, đeo kính màu (trừ trường hợp có lý do chính đáng và được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa)
– Tuyệt đối không sử dụng điện thoại di động, không hút thuốc, không ăn uống trong phòng xử án hoặc có hành vi khác ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa.
– Trong quá trình xét xử, mọi người không được tự ý phát biểu, hoặc đặt câu hỏi hoặc trả lời,… Chỉ khi được Hội đồng xét xử đồng ý thì mới được phát biểu, hỏi hoặc trả lời.
– Khi tuyên án, tất cả mọi người trong phiên tòa phải đứng dậy để nghe tuyên án/ quyết định của Tòa án
Như vậy, trên đây là trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc dân sự với 8 bước cơ bản, ngoài ra còn các bước khai mạc, chuẩn bị và phổ biến khác, khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án dân sự, mọi người phải tuân thủ nội quy phiên tòa.
3. Trình tự giải quyết vụ án dân sự khác trình tự giải quyết việc dân sự như thế nào?
Trình tự giải quyết vụ án dân sự khác trình tự giải quyết việc dân sự ở chỗ khi giải quyết vụ án dân sự thì phải trãi qua nhiều bước (kiểm tra đánh giá, thụ lý vụ án, họp công khai chứng cứ và hòa giải, quyết định đưa vụ án ra xét xử,…), còn việc dân sự Tòa án chỉ cần xác minh nội dung và ra quyết định theo yêu cầu của người làm đơn.
Phân biệt vụ án dân sự và việc dân sự:
– Vụ án dân sự: Vụ án dân sự là những vụ việc có tranh chấp trong dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình.
– Việc dân sự: Việc dân sự là những yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề liên quan đến ân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình nhưng không có yếu tố tranh chấp ở trong đó.
Khi nói tới vụ việc dân sự là cụm từ dùng chung cho cả vụ án dân sự và việc dân sự.
Tiêu chí so sánh |
Vụ án dân sự |
Việc dân sự |
Đơn yêu cầu | Đơn kiện | Đơn yêu cầu |
Bản chất vụ việc | Có tranh chấp xảy ra | Không có tranh chấp |
Đương sự | Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. | Người yêu cầu và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. |
Thủ tục | Mở phiên tòa xét xử | Mở phiên họp công khai để xét đơn yêu cầu. |
Quy trình | Sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm | Xem xét nội dung đơn yêu cầu, sau đó ra quyết định/ tuyên bố |
Thành phần giải quyết | Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên | Thẩm phán, Kiểm sát viên, Trọng tài thương mại (nếu có) |
Án phí, lệ phí | – Án phí cố định: Tài sản tranh chấp không có giá ngạch
– Án phí tính theo %: Tài sản tranh chấp có giá ngạch. |
Lệ phí cố định |
Tìm hiểu về chi phí thuê luật sư khởi kiện vụ án dân sự chi tiết