Home / Tình huống / Tai nạn tại các công trình đang thi công, trách nhiệm thuộc về ai?

Tai nạn tại các công trình đang thi công, trách nhiệm thuộc về ai?

Tai nạn tại các công trình đang thi công, trách nhiệm thuộc về ai? Xin chào luật sư, vừa qua tôi có ký hợp đồng xây dựng nhà ở với công ty xây dựng, nội dung hợp đồng là tôi giao khoán cho chủ thầu thực hiện từ A – Z, hay còn gọi là xây nhà trọn gói. Trong thời gian thi công thì có xảy ra vụ việc thợ sơn nước đu dây từ trên tầng 4 bị đứt dây đu, dẫn tới người thợ sơn nước này bị tử vong. Sau đó thì Công an khu vực có mời tôi lên làm việc, tôi rất lo lắng và không biết liệu rằng chủ nhà đã thuê khoán xây nhà trọn gói như vậy khi xảy ra tai nạn thì chủ nhà có bị đi tù hay không?

Tai nạn tại các công trình đang thi công, trách nhiệm thuộc về ai?

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi về Công ty Luật Nhân Hậu, dưới đây chúng tôi sẽ giải đáp câu hỏi của bạn một cách chi tiết theo quy định pháp luật hiện hành.

I. Tai nạn tại các công trình đang thi công, trách nhiệm thuộc về ai?

Theo như bạn trình bày thì bạn đã thuê khoán bằng hình thức xây nhà trọn gói, hợp đồng trọn gói được hiểu là tất cả giai đoạn chuẩn bị, khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình đều do chủ thầu thực hiện. do đó, nếu công nhân xảy ra tai nạn trong quá trình thi công công trình thì chủ thầu là người chịu trách nhiệm, chủ nhà không phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà chủ nhà hoặc chủ thầu xây dựng phải chịu trách nhiệm đối với tai nạn của người lao động, cụ thể có những trường hợp xảy ra như sau:

– Trường hợp bạn thuê chủ thầu xây nhà trọn gói, người lao động bị tai nạn do đang làm việc ở giai đoạn chủ thầu thực hiện (giai đoạn sơn nước do chủ thầu thực hiện) thì chủ thầu là người chịu trách nhiệm, bạn không phải chịu trách nhiệm. Bởi vì khi thực hiện, chủ thầu có trách nhiệm kiểm tra công cụ lao động cho công nhân có an toàn hay không (cụ thể là kiểm tra sợi dây đu của thợ sơn nước xem có đảm bảo an toàn không, đồng thời giám sát, nhắc nhở công nhân làm việc.

– Trường hợp bạn thuê xây nhà trọn gói, nhưng khâu sơn nước do bạn thực hiện, nếu xảy ra tai nạn lao động trong giai đoạn này thì bạn là người chịu trách nhiệm, chủ thầu cũng có thể phải chịu trách nhiệm liên đới.

Như vậy, theo như bạn trình bày thì bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm về tai nạn của công nhân sơn nước đó, mà chủ thầu xây dựng sẽ phải chịu trách nhiệm về tai nạn đó, cụ thể là có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường thiệt hại cho người lao động bị tai nạn.

Trên đây công ty Luật Nhân Hậu giải đáp câu hỏi “Tai nạn tại các công trình đang thi công, trách nhiệm thuộc về ai?” chỉ mang tính chất tham khảo, để giải quyết vấn đề cụ thể hơn thì chúng tôi cần xem xét nội dung hợp đồng giữa bạn và chủ thầu xây dựng thì công ty Luật Nhân Hậu mới có thể đưa ra tư vấn chính xác.

II. Trách nhiệm khi xảy ra tai nạn tại các công trình đang thi công

1. Trách nhiệm hình sự khi xảy ra tai nạn tại các công trình đang thi công

Trong trường hợp tai nạn xảy ra mà lỗi do chủ thầu (có thể là do lỗi không giám sát, kiểm tra công nhân khi thi công công trình) dẫn đến hậu quả tai nạn xảy ra khiến cho công nhân tử vong thì chủ thầu xây dựng có thể bị bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân dẫn đến hậu quả làm chết người, đồng thời xác minh xem trong quá trình thi công, người công nhân đó có sử dụng chất ma túy hay chất gây nghiện nào không, hay nói cách khác là xác định xem nguyên nhân tai nạn lao động là do ai? Từ đó có căn cứ kết luận điều tra.

Tại Điều 298 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về “Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” như sau:

– Các trường hợp bị phạt tiền từ 50 – 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 1 – 5 năm: Làm chế 1 người; thương tích tỷ lệ 61% trở lên; thương tích 2 người tổng tỷ lệ từ 61- 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100 – dưới 500 triệu đồng.

– Các trường hợp bị phạt tù từ 3 – 10 năm: Làm chết người; Gây thương tích cho 2 người mà tổng tỷ lệ thương tật từ 122 – dưới 200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu – dưới 1,5 tỷ đồng.

– Các trường hợp bị phạt tù từ 7 – 15 năm: Làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích cho 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương từ 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 – 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm.

2. Trách nhiệm bồi thường cho người đang làm việc công trình bị tai nạn

Ngoài trách nhiệm hình sự ra thì chủ thầu xây dựng có thể phải bồi thường thiệt hại cho người lao động, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà chủ thầu xây dựng sẽ phải bồi thường theo quy định pháp luật.

– Chủ thầu xây dựng bồi thường ít nhất 30 tháng tiền lương:

Tại điểm a khoản 3 Điều 3 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH quy định, trường hợp tai nạn lao động khiến công nhân sơn nước chết mà không phải hoàn toàn do lỗi của thợ sơn nước thì chủ thầu xây dựng vẫn có trách nhiệm bồi thường cho người thân của thợ sơn nước khoản tiền ít nhất bằng 30 tháng tiền lương.

– “Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp” trợ cấp 1 lần 36 tháng mức lương cơ sở:

Ngoài ra, người thân của thợ sơn nước còn được hưởng trợ cấp tai nạn lao động của “Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”. Cụ thể tại khoản 1 Điều 53 Luật an toàn vệ sinh lao động quy định: Người thân của thợ sơn nước sẽ được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở.

– Quỹ bảo hiểm xã hội trợ cấp mai tháng bằng 10 lần mức lương cơ sở

Tại khoản 2 Điều 66 Luật bảo hiểm xã hội quy định, trường hợp người lao động chết do tai nạn lao động thì người thân được hưởng trợ cấp 1 lần bằng 10 lần mức lương cơ sở.

– Quỹ bảo hiểm xã hội trợ cấp tuất hàng tháng từ 50 – 70 % mức lương cơ sở

Tại các Điều 67, 68 Luật bảo hiểm xã hội quy định, người thân của người bị tai nạn khi đang thi công công trình được hưởng mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân (tối đa 4 người được hưởng trợ cấp) như sau:

+ Trường hợp nhân thân có người nuôi dưỡng thì trợ cấp tuất hàng tháng bằng 50% mức lương cơ sở

+ Tường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.

Trên đây là các mức hưởng bồi thường và trợ cấp đối với người lao động khi thực hiện công trình mà bị tai nạn dẫn đến tử vong, nội dung tư vấn chỉ mang tính chất tham khảo. Để biết chính xác vụ việc của bạn được hưởng bồi thường và trợ cấp như thế nào, công ty Luật Nhân Hậu cần phải xem xét chính xác vụ việc và nội dung hợp đồng lao động, nội dung hợp đồng thi công,… thì mới đưa ra được tư vấn cụ thể hơn.

Mọi thông tin chi tiết về tư vấn quy định pháp luật khi xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng bồi thường và trợ cấp, các bạn hãy liên hệ đến Công ty Luật Nhân Hậu, trình bày cụ thể vấn đề của bạn để được hỗ trợ giải đáp chi tiết.

Đánh giá nội dung

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *