Home / Hoạt động nghề nghiệp / Sử dụng thông tin biết được từ vụ việc mà luật sư đảm nhận để mưu cầu lợi ích không chính đáng

Sử dụng thông tin biết được từ vụ việc mà luật sư đảm nhận để mưu cầu lợi ích không chính đáng

Sử dụng thông tin biết được từ vụ việc mà luật sư đảm nhận để mưu cầu lợi ích không chính đáng là gì? Hành vi mưu cầu lợi ích không chính đáng từ việc sử dụng thông tin mà mình biết được trong quá trình nhận vụ việc của khách hàng bị xử lý như thế nào? Cùng công ty Luật Nhân Hậu tìm hiểu quy tắc 9.5 trong bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam sau đây.

Sử dụng thông tin biết được từ vụ việc mà luật sư đảm nhận để mưu cầu lợi ích không chính đáng là gì?

Sử dụng thông tin biết được từ vụ việc mà luật sư đảm nhận để mưu cầu lợi ích không chính đáng là hành vi bị cấm tại quy tắc 9.5 trong bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định 201/QĐ-HĐLSTQ), nếu luật sư cố tình vi phạm sẽ bị kỷ luật, trường hợp gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.

Để làm rõ nội dung quy tắc này, công ty luật Nhân Hậu xin phân tích các yếu tố cụ thể như sau:

– Thứ nhất, thông tin đó phải là thông tin từ vụ việc, hồ sơ mà luật sư đảm nhận

Ở đây luật chỉ quy định “sử dụng thông tin” mà không nêu rõ thông tin gì, của ai,… cho nên phạm vi điều chỉnh rất rộng, bao gồm tất cả thông tin cá nhân, nhân thân, nghề nghiệp, tình hình hiện tại,… của tất cả mọi chủ thể trong vụ việc mà luật sư đảm nhận, bao gồm cả những người có quyền lợi đối lập với khách hàng của luật sư.

Ví dụ: Trong vụ kiện tranh chấp hợp đồng xảy ra giữa khách hàng A với công ty B thì tất cả những thông tin của A, B, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nội dung vụ việc,… đều thuộc phạm vi điều chỉnh của luật.

Từ khi ký hợp đồng dịch vụ cho đến khi kết thúc vụ việc và cả sau này khi đã kết thúc vụ việc thì luật sư có nghĩa vụ phải giữ bí mật, tôn trọng khách hàng, tuyệt đối không được sử dụng những thông tin mà mình biết được khi đảm nhận vụ việc vào các việc khác, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc pháp luật có quy định khác.

Cần lưu ý thêm, thông tin sử dụng là thông tin từ vụ việc mà luật sư đảm nhận, nghĩa là giữa luật sư và vụ việc có mối liên hệ với nhau bằng một hợp đồng dịch vụ pháp lý hoặc theo hình thức chỉ định. Trong trường hợp luật sư sử dụng thông tin biết được từ vụ việc mà luật sư không đảm nhận để mưu cầu lợi ích không chính đáng thì sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy tắc 9.5 này, mà nó sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định pháp luật khác.

– Thứ hai, luật sư sử dụng thông tin đó để mưu cầu lợi ích không chính đáng

Cụm từ “sử dụng thông tin” ở đây phải được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm: Tự mình sử dụng thông tin hoặc thông qua bên thứ 3 để sử dụng thông tin đó khi chưa được sự đồng ý của khách hàng, trừ trường hợp sử dụng thông tin để phục vụ cho việc thực hiện dịch vụ pháp lý.

Thế nào là mưu cầu lợi ích không chính đáng? Mưu cầu lợi ích không chính đáng có thể được hiểu là việc luật sư sử dụng thông tin mình biết được từ vụ việc do mình đảm nhận để thực hiện các hành vi cố ý nhằm mục đích được hưởng các lợi ích khác trái quy định pháp luật, hành vi này có thể gây ra thiệt hại hoặc không có thiệt hại.

Ví dụ: Công ty A đang muốn kiện công ty B để giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa trị giá 10 tỷ đồng. Công ty A nhờ văn phòng luật sư C tư vấn về thủ tục khởi kiện. Tuy nhiên sau đó công ty A ký hợp đồng pháp lý với công ty luật D để tham gia tố tụng. Khi biết vụ việc, văn phòng luật sư C chủ động liên hệ đến công ty B (là bị đơn) và đặt vấn đề mình đã có thông tin nội dung vụ việc của công ty A, thỏa thuận sẽ cung cấp toàn bộ thông tin cho công ty B và đổi lại được hưởng khoản lợi ích là 200 triệu đồng. Trong trường hợp này nếu như luật sư sử dụng hoặc cung cấp thông tin cho công ty B thì đó là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức khi hành nghề luật sư.

Sử dụng thông tin biết được từ vụ việc mà luật sư đảm nhận để mưu cầu lợi ích không chính đáng bị xử phạt như thế nào?

Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể của hành vi mà bị xử phạt hành chính. Tại điểm c khoản 7 Điều 6 quy định phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.

Bên cạnh đó, luật sư tiết lộ hoặc sử dụng thông tin biết được từ vụ việc mà mình đảm nhận để mưu cầu lợi ích không chính còn bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam từ 6 – 9 tháng. Ngoài ra, nếu việc sử dụng hoặc cung cấp thông tin đó mà gây ra thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định pháp luật.

Đánh giá nội dung

Bài nổi bật

Những trường hợp ngoại lệ về nghĩa vụ giữ bí mật của luật sư

Những trường hợp ngoại lệ về nghĩa vụ giữ bí mật của luật sư

Theo quy định trong Luật luật sư, Điều lệ liên đoàn luật sư Việt Nam, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *