Quyền kháng cáo trong tố tụng dân sự được quy định như thế nào? Ai có quyền kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm? Kháng cáo bản án sơ thẩm trong vụ án dân sự là một trong những quyền cơ bản và quan trọng nhất trong tố tụng, bảo đảm nguyên tắc 2 cấp xét xử giúp đương sự có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình một cách hiệu quả.
Mục lục
I. Những ai có quyền kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm?
Tại Điều 271 BLTTDS 2015 quy định, người có quyền kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm gồm: Đương sự; người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện. Người kháng cáo là cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự có thể tự mình làm đơn kháng cáo hoặc ủy quyền cho người đại diện làm đơn kháng cáo.
1. Đương sự:
Đương sự trong vụ án dân sự bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. (Đương sự có thể là cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức tham gia vụ án dân sự). Đương sự là người có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự có thể tự mình là đơn kháng cáo, hoặc ủy quyền cho người đại diện để kháng cáo bản án sơ thẩm.
– Trường hợp đương sự là cơ quan, tổ chức thì người có quyền kháng cáo là người đại theo pháp luật của pháp nhân đó, trừ trường hợp pháp nhân đó ủy quyền cho người khác kháng cáo.
– Đương sự là người từ đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự có quyền tự mình kháng cáo bản án sơ thẩm, trừ người mất năng lực hành vi dân sự hoặc pháp luật có quy định khác.
– Trường hợp đương sự là người chưa đủ 16 tuổi hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì không có năng lực hành vi tố tụng, do đó trong trường hợp muốn kháng cáo thì phải thông qua người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.
– Trường hợp đương sự là người chưa đủ 6 tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự thì không có năng lực hành vi tố tụng dân, do vậy việc kháng cáo cũng phải do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.
– Trường hợp đương sự là người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi thì việc kháng cáo cũng phải do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.
– Trường hợp đương sự là người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình thì có quyền tham gia tố tụng dân sự liên quan đến quan hệ lao động hoặc quan hệ dân sự đó, tuy nhiên về quyền kháng cáo trong tố tụng dân sự thì phải do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.
2. Người đại diện hợp pháp của đương sự
Người đại diện hợp pháp của đương sự bao gồm: Người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện của đương sự có thể là cá nhân hoặc pháp nhân.
– Người đại diện theo pháp luật của cá nhân có quyền kháng cáo: Cha, mẹ đối với con chưa thành niên; Người giám hộ đối với người được giám hộ; Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định (Điều 136 BLDS 2015).
– Người đại diện theo ủy quyền của cá nhân có quyền kháng cáo: Cá nhân có thể ủy quyền cho người khác để đại diện trong tố tụng dân sự, thay mặt mình thực hiện quyền và nghĩa vụ, bao gồm cả kháng cáo bản án sơ thẩm (tùy thuộc vào phạm vi ủy quyền trong hợp đồng ủy quyền). Người đại diện theo ủy quyền phải là người có năng lực hành vi tố tụng đầy đủ.
Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng dân sự, tuy nhiên việc kháng cáo phải do người có năng lực hành vi tố tụng dân sự đầy đủ thự hiện.
– Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có quyền kháng cáo bao gồm: Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ; Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật; Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.
– Người đại diện theo ủy quyền của pháp nhân có quyền kháng cáo bao gồm: Pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân hoặc pháp nhân khác đại diện tham gia tố tụng dân sự, bao gồm cả kháng cáo (nếu phạm vi ủy quyền có nêu).
Kết luận: Người có quyền kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm là đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự, người kháng cáo phải là người có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự.
Kết luận: Theo quy định tại Điều 271 BLTTDS 2015 quy định thì người có quyền kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm gồm: Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người đại diện theo pháp luật của đương sự, người đại diện theo ủy quyền của đương sự. Người kháng cáo phải là người có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự.
II. Quyền kháng cáo trong tố tụng dân sự bao gồm những gì?
Tại Điều 271 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định, đối tượng có thể bị kháng cáo trong tố tụng dân sự bao gồm: Bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm.
1. Kháng cáo bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật
Trong trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bản án/ quyết định mà đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự không đồng ý với bản án/ quyết định đó thì có quyền làm đơn kháng cáo bản án/ quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bản án/ quyết định thì đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự phải làm đơn kháng cáo, hết thời hạn này mà không có ai làm đơn kháng cáo thì bản án/ quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có hiệu lực thi hành, lúc này đương sự và người đại diện hợp pháp của đương sự mất quyền kháng cáo.
2. Kháng cáo quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
Trường hợp Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự mà xét thấy quyết định đó trái quy định pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, hoặc gây ra thiệt hại cho mình,… Thì đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền kháng cáo quyết định đó.
Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự thì đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền kháng cáo quyết định đó, hết thời hạn này thì mất quyền kháng cáo.
3. Kháng cáo quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự mà xét thấy quyết định đó trái quy định pháp luật, ahr hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền kháng cáo quyết định đó. Lúc này, đương sự phải chờ cho đến khi đủ điều kiện để Tòa án ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự.
Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự thì đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền kháng cáo quyết định đó, hết thời hạn này thì mất quyền kháng cáo. Lúc này, chấm dứt quá trình tố tụng tại Tòa án.
Như vậy, đương sự có quyền kháng cáo trong tố tụng dân sự với 3 bản án/quyết định của Tòa án nêu trên. Trong thời hạn, đương sự cần thực hiện thủ tục kháng cáo để yêu cầu giải quyết quyền lợi của mình, hết thời hạn mà không kháng cáo thì không được hoặc gặp khó khăn trong việc kháng cáo, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
III. Thời hạn kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm là bao lâu?
Tại khoản 1 Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định, thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án/quyết định. Hết thời hạn này mà đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự không làm đơn kháng cáo thì mất quyền kháng cáo, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
– Trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết. (Khoản 1 Điều 237 BLTTDS 2015)
– Trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
– Trường hợp sau thời hạn 15 ngày mới làm đơn kháng cáo: Sau thời hạn 15 ngày mà đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự mới làm đơn kháng cáo thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo trình bày rõ lý do và xuất trình tài liệu, chứng cứ (nếu có) để chứng minh lý do nộp đơn kháng cáo quá hạn là chính đáng (Khoản 2 Điều 274 BLTTDS 2015).
Căn cứ Điều 275 BLTTDS, khi nhận được đơn kháng cáo quá hạn thì Tòa án cấp phúc thẩm sẽ gửi đơn kháng cáo, bản tường trình về lý do kháng cáo quá hạn đó cho Tòa án cấp phúc thẩm xem xét. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Tòa án cấp phúc thẩm sẽ thành lập hội đồng gồm ba Thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn.
Hội đồng xem xét phải có Viện kiểm sát cùng cấp, người kháng cáo quá hạn. Sau khi xem xét, nghe ý kiến của người kháng cáo quá hạn, nghe ý kiến của kiểm sát viên, Hội đồng xét kháng cáo quá hạn quyết định theo đa số về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn.
IV. Quy trình thủ tục kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm
Bước 1: Làm đơn kháng cáo và gửi đến Tòa án cấp sơ thẩm
Tại Điều 272 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định, khi không đồng ý với bản án cấp sơ thẩm thì những người có quyền kháng cáo trong tố tụng dân sự nêu trên tiến hành các thủ tục để kháng cáo yêu cầu xét xử phúc thẩm. Khi kháng cáo thì đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự phải làm đơn kháng cáo, đơn kháng cáo phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
– Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;
– Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo;
– Kháng cáo toàn bộ hoặc phần của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật;
– Lý do của việc kháng cáo và yêu cầu của người kháng cáo;
– Chữ ký của người kháng cáo, trường hợp không biết chữ thì điểm chỉ vào đơn.
Tại khoản 7 Điều 272 BLTTDS quy định, sau khi soạn đơn kháng cáo xong thì người làm đơn kháng cáo gửi đến Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo. Kèm theo đơn kháng cáo, người làm đơn phải kèm theo tài liệu, chứng cứ có liên quan (nếu có) để chứng minh đơn kháng cáo của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Lưu ý quan trọng: Thời hạn có quyền kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án/quyết định. Do vậy, người kháng cáo cần nhanh chóng thu thập thêm tài liệu chứng cứ, làm đơn kháng cáo và gửi cho Tòa án trong thời hạn nêu trên.
Sau thời hạn này thì bản án/quyết định đã có hiệu lực pháp luật, lúc này không có quyền kháng cáo trong tố tụng dân sự đối với bản án/quyết định đó nữa.
Bước 2: Tòa án cấp sơ thẩm kiểm tra đơn kháng cáo
Căn cứ Điều 274 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, sau khi nhận được đơn kháng cáo thì Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo theo quy nêu trên, trường hợp đơn kháng cáo sai quy định thì Tòa án sẽ thông báo, yêu cầu người kháng cáo làm lại hoặc sửa đổi, bổ sung đơn kháng cáo theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp Tòa án đã thông báo và yêu cầu sửa đổi, bổ sung mà người làm đơn kháng cáo không sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu thì Tòa án sẽ trả lại đơn kháng cáo.
Trong trường hợp chưa hết thời hạn kháng cáo thì người kháng cáo vẫn có thể thay đổi nội dung kháng cáo mà không bị khống chế bởi phạm vi kháng cáo ban đầu.
Bước 3: Người kháng cáo nộp tạm ứng án phí phúc thẩm
Căn cứ Điều 276 BLTTDS 2015, sau khi chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ, Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo cho người kháng cáo biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.
Người kháng cáo phải nộp tạm ứng án phí phúc thẩm trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo đóng tạm ứng án phí. Sau khi đóng tạm ứng án phí thì mang hóa đơn về nộp lại cho Tòa án cấp sơ thẩm.
Sau thời hạn 10 ngày mà không đóng tạm ứng án phí phúc thẩm thì xem như đã bỏ quyền kháng cáo, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
Bước 4: Toàn án sơ thẩm thông báo về việc kháng cáo
Sau khi chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ, Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo ngay bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự có liên quan đến kháng cáo biết về việc kháng cáo, đồng thời gửi kèm theo bản sao đơn kháng cáo, tài liệu, chứng cứ bổ sung mà người kháng cáo gửi kèm đơn kháng cáo.
Khi nhận được thông báo, đương sự có liên quan trong vụ việc kháng cáo có quyền gửi văn bản nêu ý kiến của mình về nội dung kháng cáo cho Tòa án cấp phúc thẩm. Văn bản nêu ý kiến này sẽ được đưa vào hồ sơ vụ án.
Bước 5: Tòa án cấp sơ thẩm gửi hồ sơ sang Tòa án cấp phúc thẩm
Điều 283 BLTTDS 2015 quy định, trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo (nghĩa là 20 ngày kể từ ngày Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án/quyết định) thì Tòa án cấp sơ thẩm sẽ gửi đơn, hồ sơ, tài liệu chứng cứ kèm theo cho Tòa án cấp phúc thẩm.
Bước 6: Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý vụ án
Tại Điều 285 BLTTDS quy định, ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án, đơn kháng cáo và tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có), Tòa án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lý.
Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày thụ lý, Tòa án cấp phúc thẩm sẽ thông báo bằng văn bản cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp và những người liên quan về việc đã thụ lý vụ án, đồng thời đăng tải thông báo này lên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng xét xử phúc thẩm và phân công một Thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa.
Bước 7: Quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục phúc thẩm
Khi Tòa án cấp phúc thẩm xem xét và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm phải được gửi cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.
Tiếp theo, Tòa án sẽ gửi hồ sơ vụ án sang cho Viện kiểm sát cùng cấp để nghiên cứu. Viện kiểm sát sẽ nghiên cứu hồ sơ trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, hết thời hạn 15 ngày thì Viện kiểm sát gửi trả lại hồ sơ cho Tòa án (Điều 292 BLTTDS 2015).
Bước 8: Tham gia phiên tòa xét xử phúc thẩm
Đương sự chú ý thời gian, điểm điểm, giờ xét xử phúc thẩm trong quyết định đưa vụ án ra xét xử để tham dự phiên tòa đúng giờ. Khi tham dự phiên tòa, đương sự chú ý tuân thủ nội quy phiên tòa và tuân theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa.
Bước 9: Nghị án và tuyên án, nhận bản án/quyết định
Sau khi kết thúc quá trình tranh luận thì Hội đồng xét xử sẽ tiến hành nghị án, sau đó tuyên án. Trường hợp vụ án có tính chất phức tạp thì hội đồng xét xử có thể quyết định thêm thời gian nghị án nhưng không quá 5 ngày làm việc.
– Trường hợp Hội đồng xét xử tuyên án sau khi nghị án thì sau thời hạn 10 ngày đương sự sẽ được cấp bản án.
– Trường hợp Hội đồng quyết định thêm thời gian nghị án thì sẽ thông báo cho đương sự biết thời gian, địa điểm tuyên án. Sau thời hạn 3 ngày kể từ ngày kết thúc phiên tòa, đương sự sẽ được cấp trích lục bản án.
Khi đến thời gian tuyên án như đã thông báo trước đó, Hội đồng xét xử tuyên án. Sau thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án, đương sự sẽ được cấp bản án về việc xét xử phúc thẩm bản án dân sự sơ thẩm.