Home / Hôn nhân gia đình / Những trường hợp không được đơn phương ly hôn & NGOẠI LỆ

Những trường hợp không được đơn phương ly hôn & NGOẠI LỆ

Ly hôn đơn phương là gì? Khi nào Tòa án sẽ không giải quyết cho đơn ly hôn đơn phương của người chồng? Dưới đây là tổng hợp những trường hợp không được đơn phương ly hôn theo quy định mới nhất, đồng thời phân tích các trường hợp ngoại lệ có thể được Tòa án chấp nhận cho ly hôn đơn phương nếu chứng minh được yêu cầu của ngoại lệ đó là có căn cứ và hợp pháp.

I. Những trường hợp không được đơn phương ly hôn

Theo quy định tại khoản 3 Điều 51 và khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì có các trường hợp không được đơn phương ly hôn như sau:

1. Trường hợp người vợ đang mang thai, hoặc mới sinh con, hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người chồng không được đơn phương ly hôn.

Tại khoản 3 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”. Theo đó, khi người vợ đang mang thai, hoặc mới sinh con, hoặc người vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người chồng không được đơn phương ly hôn, nếu nộp đơn thì Tòa án sẽ bác yêu cầu của người chồng.

Những trường hợp chồng không được đơn phương ly hôn

Vợ đang mang thai, sinh con, nuôi con dưới 12 tháng tuổi là một trong những trường hợp không được đơn phương ly hôn. Tuy nhiên, vẫn có ngoại lệ về việc đơn phương ly hôn trong trường hợp này như sau:

a) Trường hợp ngoại lệ, người chồng vẫn có thể được đơn phương ly hôn:

Khi người vợ đang mang thai được xác định đó là con chung của vợ chồng thì người chồng không có quyền yêu cầu đơn phương ly hôn. Tuy nhiên, nếu như có căn cứ hoặc kết luận cho thấy thai nhi không phải là con của người chồng thì người chồng vẫn có quyền đơn phương ly hôn, tuy nhiên trong trường hợp này người chồng phải chứng minh thai nhi đó không phải là con của mình.

Tại khoản 1 Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng”. Như vậy, khi vợ chồng đã đăng ký kết hôn và chưa ly hôn mà người vợ mang thai thì mặc định thai nhi đó là con chung của vợ chồng.

Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình 2014 cũng có quy định “Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định”.

Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 89 Luật HN&GĐ 2014 cũng quy định “Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình”.

Theo đó, khi có căn cứ xác định thai nhi đó không phải là con của mình thì người chồng có quyền yêu cầu Tòa án xác định thai nhi đó không phải là con chung của vợ chồng.

Trong trường hợp này, người chồng muốn đơn phương ly hôn khi vợ đang mang thai thì trước tiên phải làm đơn  yêu cầu giải quyết việc dân sự và gửi đến Tòa án để xác định thai nhi đó không phải là con chung của vợ chồng. Sau khi có xác định của Tòa án, người chồng có thể làm đơn ly hôn đơn phương và Tòa án sẽ xem xét giải quyết yêu cầu của người chồng.

b) Trường hợp ngoại lệ, người vợ vẫn có thể được đơn phương ly hôn:

Tuy nhiên, pháp luật chỉ quy định người chồng không được đơn phương ly hôn, nếu như người vợ đang mang thai, hoặc mới sinh con, hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi mà người chồng tệ bạc, suối ngày ăn chơi, không quan tâm đến vợ chồng, ngoại tình, bạo lực gia đình,… thì người vợ vẫn có quyền đơn phương ly hôn.

Khi xem xét đủ yếu tố và có căn cứ cho thấy trong quá trình người vợ mang thai, sinh con, nuôi con dưới 12 tháng tuổi mà người chồng vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ, hoặc bạo lực gia đình thì Tòa án sẽ chấp nhận cho người vợ đơn phương ly hôn mà không phụ thuộc vào ý chí của người chồng muốn hay không muốn.

2. Trường hợp không có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình thì cả vợ và chồng đều không được đơn phương ly hôn

Thực ra, đây không phải là một trong những trường hợp không được đơn phương ly hôn, mà đây là trường hợp Tòa án không chấp nhận giải quyết đơn yêu cầu ly hôn của một bên.

Theo đó, nếu không thuộc trường hợp 1 ở trên thì cả vợ và chồng đều có quyền nộp đơn ly hôn đơn phương, tuy nhiên nếu như vợ hoặc chồng nộp đơn ly hôn đơn phương với lý do người còn lại có hành vi bạo lực gia đình mà khi Tòa án xem xét nhưng lại không có căn cứ cho thấy đó là hành vi bạo lực gia đình thì Tòa án sẽ không giải quyết cho đơn phương ly hôn.

Những trường hợp không được đơn phương ly hôn

(Không có căn cứ về hành vi bạo lực gia đình thì không được Tòa án chấp nhận đơn phương ly hôn – ảnh minh họa)

Thế nào là bạo lực gia đình? Tại khoản 1 Điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2022 định nghĩa hành vi bạo lực gia đình “là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 3 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2022 sử dụng phương pháp liệt kê các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;

b) Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

c) Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý;

d) Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em;

đ) Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình;

e) Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý;

g) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

h) Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

i) Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng;

k) Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực;

l) Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp;

m) Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi;

n) Chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình;

o) Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác;

p) Cô lập, giam cầm thành viên gia đình;

q) Cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.

Như vậy, khi không có một trong các căn cứ nêu trên thì cả vợ và chồng đều không được đơn phương ly hôn, Tòa án sẽ không chấp nhận yêu cầu của đương sự.

3. Khi không có căn cứ về việc vợ, chồng vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì cả vợ và chồng đều không được đơn phương ly hôn.

Tương tự như trường hợp số 2 nêu trên, đây cũng không phải là một trong những trường hợp không được đơn phương ly hôn mà đó là trường hợp nộp đơn và Tòa án không chấp nhận yêu cầu của đương sự.

Những trường hợp không được đơn phương ly hôn

(Không có căn cứ làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng thì không được Tòa án chấp nhận yêu cầu ly hôn – Ảnh minh họa)

Để được Tòa án giải quyết cho đơn phương ly hôn trong trường hợp này, đương sự (nguyên đơn) phải chứng minh được bị đơn (người vi phạm nghĩa vụ vợ, chồng) đã vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Vậy thì, làm sao để chứng minh được vợ, chồng vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng,….làm cho mục đích của hôn nhân không đạt được? Tại mục số 8 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP (đã hết hiệu lực, chỉ tham khảo) hướng dẫn về quy định này như sau:

a) Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi:

– Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

– Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

– Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình;

b) Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được, thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng như hướng dẫn tại điểm a.1 mục 8 này.

Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.

c) Mục đích của hôn nhân không đạt được là khi:

– Không có tình nghĩa vợ chồng;

– Không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng;

– Không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng;

– Không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng;

– Không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.

Như vậy, trên đây là những trường hợp không được đơn phương ly hôn theo quy định mới nhất, đồng thời các trường hợp ngoại lệ vẫn có thể ly hôn đơn phương được Tòa án chấp nhận, hy vọng sẽ giúp các đương sự có cái nhìn chính xác về trường hợp cụ thể của mình, từ đó có căn cứ yêu cầu cho phù hợp, tránh làm mất thời gian và công sức của mình, chúc bạn thành công!

Trường hợp cần thuê luật sư ly hôn đơn phương thì các bạn hãy liên hệ đến các công ty luật, hoặc trung tâm trợ giúp pháp lý, hoặc liên hệ đến các văn phòng luật sư uy tín để được hỗ trợ tư vấn cụ thể về thủ tục, thu thập tài liệu chứng cứ và các vấn đề có liên quan khác.

II. Cha, mẹ có được tự ý đơn phương ly hôn cho con không?

theo quy định pháp luật, cha mẹ hoặc người thân thích của vợ, chồng có thể nộp đơn ly hôn đơn phương thay cho con mình mà không phụ thuộc vào ý chí của người con nếu có căn cứ con mình bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Tại khoản 2 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ”. Theo đó, cha, mẹ, người thân thích vẫn có quyền yêu cầu ly hôn đơn phương cho con mình.

Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014 cũng có quy định: “Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia”.

Vậy thì, người thân thích có quyền ly hôn đơn phương bao gồm những ai? Tại khoản 19 Điều 3 LHN&GĐ 2014 quy định người thân thích “là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời” 1.

Như vậy, mặc dù vấn đề ly hôn đơn phương hay thuận tình là vấn đề liên quan đến nhân thân nên không thể ủy quyền cho người khác thực hiện thay, mà phải tự mình thực hiện. Tuy nhiên ngoại lệ vẫn có trường hợp người thân thích được quyền ly hôn thay cho người thân của mình nếu như chứng minh được người thân của mình đang bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ thì vẫn được Tòa án chấp nhận.

5/5 - (7 votes)
  1. Khoản 19 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014

Bài nổi bật

Điều kiện giành quyền nuôi cả 2 con khi ly hôn mới nhất

Điều kiện giành quyền nuôi cả 2 con khi ly hôn mới nhất

Muốn giành quyền nuôi cả 2 con khi ly hôn thì cần chứng minh những …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *