Người tư vấn không phải chịu trách nhiệm về nội dung tư vấn của mình là dúng hay sai? Nguyên tắc tư vấn pháp luật là người tư vấn có trách nhiệm giữ bí mật đối với nội dung nào? Trách nhiệm của người ủy quyền và người được ủy quyền khi tư vấn pháp luật sư như thế nào? Dưới đây công ty luật Nhân Hậu sẽ giải đáp chi tiết các vấn đề nêu trên, từ đó giúp bạn có cái nhìn chính xác khi được tư vấn cũng như khi tham gia tư vấn pháp luật cho khách hàng.
Mục lục
Những ai được tư vấn pháp luật?
Tại Điều 18 Nghị định 77/2008/NĐ-CP và Điều 22 Luật luật sư 2015 quy định người tư vấn pháp luật bao gồm: Tư vấn viên pháp luật, luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho Trung tâm tư vấn pháp luật, luật sư hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư, và cộng tác viên tư vấn pháp luật.
1. Tư vấn viên pháp luật
Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam nếu có đầy đủ các tiêu chuẩn dưới đây thì có thể trở thành tư vấn viên pháp luật:
– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt.
– Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích.
– Có Bằng cử nhân luật.
– Có thời gian công tác pháp luật từ ba năm trở lên.
– Không phải là người đang làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân
Như vậy, nếu đáp ứng được các điều kiện và tiêu chuẩn nêu trên thì bạn có thể trở thành tư vấn viên pháp luật và có thể làm việc cho Trung tâm tư vấn pháp luật, tổ chức hành nghề luật sư để thực hiện công việc tư vấn pháp luật và hưởng lương, lợi ích khác theo thỏa thuận.
2. Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho Trung tâm tư vấn pháp luật
Tại Điều 10 và 11 Luật luật sư 2015 quy định tiêu chuẩn để trở thành luật sư và hành nghề luật sư như sau:
– Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt
– Có sức khỏe bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư.
– Có bằng cử nhân luật
– Đã được đào tạo nghề luật sư
– Đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư
– Đã có chứng chỉ hành nghề luật sư
– Đã gia nhập một đoàn luật sư
Lưu ý: Khi tư vấn pháp luật cho khách hàng, luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho Trung tâm tư vấn pháp luật phải thông qua trung tâm tư vấn pháp luật, không được lấy tư cách cá nhân để tư vấn pháp luật cho khách hàng, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.
3. Luật sư hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư
Tại khoản 3 Điều 22 Luật luật sư 2015 quy định, luật sư được thực hiện tư vấn pháp luật. Như vậy, luật sư (bao gồm làm việc cho trung tâm tư vấn pháp luật và làm việc cho tổ chức hành nghề luật sư) đều được tư vấn pháp luật.
– Tổ chức hành nghề luật sư bao gồm: Văn phòng luật sư và công ty luật (công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty luật hợp danh).
– Luật sư hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư bao gồm:
+ Luật tư thành lập văn phòng luật sư
+ Luật sư thành lập công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên
+ Luật sư tham gia thành lập công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở nên
+ Luật sư tham gia thành lập công ty luật hợp danh
+ Luật sư làm việc trong tổ chức hành nghề luật sư theo hợp đồng lao động.
Lưu ý: Khi tư vấn pháp luật cho khách hàng, luật sư làm việc trong tổ chức hành nghề luật sư phải nhân danh tổ chức hành nghề luật sư để thực hiện.
4. Cộng tác viên tư vấn pháp luật.
Tại Điều 19 và 22 Nghị định 77/2008/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn để trở thành cộng tác viên tư vấn pháp luật như sau:
– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt
– Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích;
– Có Bằng cử nhân luật
+ Trường hợp có bằng đại học khác thì phải làm việc trong các ngành, nghề có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân)
+ Trường hợp có bằng trung cấp luật thì người đó phải thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hoặc có thời gian làm công tác pháp luật từ 3 năm trở lên hoặc có kiến thức pháp luật và có uy tín trong cộng đồng.
Người tư vấn có phải chịu trách nhiệm về nội dung tư vấn của mình không?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Nghị định 77/2008/NĐ-CP thì người tư vấn phải chịu trách nhiệm về nội dung mà mình tư vấn cho khách hàng, trường hợp người tư vấn theo đúng nội dung ủy quyền của cấp trên có thẩm quyền thì trung tâm tư vấn đó phải chịu trách nhiệm với nội dung mà cấp dưới của mình đã tư vấn cho khách hàng.
Theo quy định pháp luật, người tư vấn pháp luật phải chịu trách nhiệm về nội dung mà mình tư vấn, cụ thể qua các trường hợp sau đây:
– Trường hợp 1: Người tư vấn pháp luật trong phạm vi và đúng với nội dung ủy quyền của cấp trên thì người tư vấn không phải chịu trách nhiệm với nội dung tư vấn.
Theo quy định pháp luật, người của cơ quan, tổ chức vi phạm thì cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm. Sau đó, cơ quan, tổ chức đó có quyền yêu cầu người làm việc cho mình chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, trong trường hợp người của cơ quan, tổ chức mà thực hiện công việc theo đúng phạm vi và nội dung ủy quyền thì cơ quan, tổ chức đó phải chịu trách nhiệm.
Ví dụ: Khi khách hàng yêu cầu trung tâm tư vấn pháp luật XYZ tư vấn thủ tục khởi kiện vụ án tranh chấp đất đai để xác định xem ai là người có quyền đối với quyền sở dụng đất. Sau đó, trung tâm tư vấn pháp luật XYZ ủy quyền cho người tư vấn (là người của trung tâm tư vấn pháp luật) để thực hiện nội dung tư vấn. Tuy nhiên, do sơ suất mà người tư vấn bỏ qua bước hòa giải. Trong khi đó người chịu trách nhiệm kiểm tra lại quá tin tưởng nhân sự của mình mà không kiểm tra lại văn bản tư vấn, sau đó đóng dấu và ký tên gửi trả lời cho khách hàng, hậu quả là làm mất thời gian của khách hàng khi bị trả lại đơn kiện vì chưa đủ điều kiện để khởi kiện ra Tòa án. Trong trường hợp này trung tâm tư vấn pháp luật phải chịu trách nhiệm, phải kiểm tra văn bản tư vấn trước khi ký tên, đóng dấu vào văn bản và gửi trả lời cho khách hàng.
– Trường hợp 2: Người tư vấn pháp luật thực hiện tư vấn pháp luật ngoài phạm vi ủy quyền (không đúng nội dung ủy quyền, vượt quá phạm vi ủy quyền) thì phải tự mình chịu trách nhiệm về nội dung mà mình tư vấn, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Đối với trường hợp người tư vấn thực hiện nội ngoài phạm vi ủy quyền thì sẽ phải chịu trách nhiệm đối với phần ngoài phạm vi ủy quyền đó.
Ví dụ: Khi khách hàng liên hệ đến một văn phòng luật sư để nhờ luật sư tư vấn thủ tục ly hôn đơn phương . Sau đó trưởng văn phòng cử một luật sư khác để tư vấn cho khách hàng, phạm vi ủy quyền là tư vấn quy trình, thủ tục, hồ sơ ly hôn đơn phương. Tuy nhiên, trong quá trình tư vấn, do “vui quá” mà luật sư tiện thể tư vấn thêm với khách hàng về điều kiện giành quyền nuôi con chỉ cần thu nhập trên 20 triệu/tháng là được. Sau đó, tin tưởng với sự tư vấn của luật sư, khách hàng đã chứng minh được thu nhập của mình là hơn 20 triệu/tháng nhưng vẫn không được quyền nuôi con, bởi vì còn thiếu các điều kiện khác. Như vậy, trong trường hợp này người tư vấn pháp luật phải chịu trách nhiệm về nội dung mình tư vấn sai mà ngoài phạm vi ủy quyền.
Người tư vấn pháp luật phải chịu những loại trách nhiệm nào?
Theo quy định pháp luật hiện nay, người tư vấn phải chịu các loại trách nhiệm bao gồm: Trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự, trách nhiệm kỷ luật.
1. Người tư vấn phải chịu trách nhiệm hình sự
Trách nhiệm hình sự là hình thức xử lý cao nhất trong tất cả các loại trách nhiệm mà người tư vấn pháp luật có thể phải đối diện, nếu như trong quá trình tư vấn mà gây ra thiệt hại lớn đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng.
Trong quá trình tư vấn pháp luật hình sự, người tư vấn rất dễ trở thành đồng phạm nếu như tư vấn cho người phạm tội cách thức để trốn tránh sự điều tra, phát hiện của cơ quan chức năng. Trong trường hợp tư vấn, chỉ cách, giúp sức cho người phạm tội tiêu hủy chứng cứ, trốn tránh thì có thể trở thành đồng phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự.
2. Người tư vấn phải chịu trách nhiệm dân sự
Trách nhiệm dân sự là một loại trách nhiệm phổ biến trong cuộc sống thường ngày, đối với người tư vấn pháp luật mà gây ra thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định.
3. Người tư vấn phải chịu trách nhiệm hành chính
Trách nhiệm hành chính chủ yếu là hình thức phạt tiền. Ngoài ra còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Tại Điều 6 82/2020/NĐ-CP quy định, người tư vấn pháp luật là luật sư có thể bị xử phạt hành chính trong các trường hợp sau:
Điều 6. Hành vi vi phạm quy định đối với hoạt động hành nghề luật sư
3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
e) Không thông báo cho khách hàng về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm nghề nghiệp của mình trong việc thực hiện dịch vụ pháp lý;
g) Ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng không thông qua tổ chức hành nghề luật sư hoặc không có văn bản ủy quyền của tổ chức hành nghề luật sư;
6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
d) Sách nhiễu khách hàng; nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích khác ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý; lừa dối khách hàng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
e) Ứng xử, phát ngôn hoặc có hành vi làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của nghề luật sư hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
7. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp hoặc hướng dẫn khách hàng cung cấp tài liệu, vật chứng giả, sai sự thật;
b) Xúi giục khách hàng khai sai sự thật hoặc xúi giục khách hàng khiếu nại, tố cáo trái pháp luật;
4. Người tư vấn phải chịu trách nhiệm kỷ luật
trường hợp luật sư tư vấn pháp luật mà vi phạm quy định tại Luật luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Nội quy Đoàn Luật sư, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư thì tùy tính chất và mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức sau: Khiển trách, cảnh cáo, tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn Luật sư từ 6 tháng đến 24 tháng, xoá tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn Luật sư.
Để hiểu rõ hơn về các hình thức kỷ luật đối với luật sư, mời các bạn tham khảo nội dung bài phân tích các biện pháp xử lý kỷ luật đối với luật sư để hiểu rõ hơn.