Người say rượu có phải là người bị mất năng lực hành vi dân sự không? Người say rượu là người có năng lực hành vi hạn chế đúng hay sai? Năng lực hành vi của người say rượu được quy định cụ thể như thế nào? Dưới đây Công ty Luật Nhân Hậu sẽ giải đáp mọi câu hỏi liên quan một cách chi tiết, từ đó các bạn có thể xác định được năng lực hành vi dân sự của người khi say rượu trong quan hệ dân sự và hình sự.
Mục lục
1. Người say rượu có phải là người bị mất năng lực hành vi dân sự không?
Tại Điều 22 Bộ luật dân sự 2015 quy định người mất năng lực hành vi dân sự là người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì , nếu người say rượu không bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác không thể nhận thức, làm chủ hành vi thì không bị mất năng lực hành vi dân sự.
Tại Khoản 1 Điều 22 Bộ luật dân sự 2015 quy định về mất năng lực hành vi dân sự như sau
Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự
1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Như vậy, chỉ khi một người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ hành vì của mình được thì mới là căn cứ xác định mất năng lực hành vi dân sự, còn đối với người say rượu nếu như không bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mất nhận thức thì không bị mất năng lực hành vi dân sự.
Để một người được xác định là mất năng lực hành vi dân sự cần phải đáp ứng được 2 yêu cầu sau đây:
– Thứ nhất, phải có kết luận giám định pháp y tâm thần kết luận người này bị bệnh tâm thần, không thể nhận thức và làm chủ hành vi của mình
– Thứ hai, phải có quyết định của Tòa án về việc một người bị mất năng lực hành vi dân sự, quyết định này dựa vào căn cứ trên kết luận giám định pháp y tâm thần.
Cần lưu ý thêm, không phải cứ mắc bệnh tâm thần thì người đó sẽ mất năng lực hành vi dân sự, mà căn bệnh tâm thần đó phải làm cho người đó không thể nhận thức và làm chủ hành vi của mình thì mới có căn cứ để xác định người đó bị mất năng lực hành vi dân sự.
Say rượu là một trong những tình huống có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, do đó trong trường hợp có căn cứ xác định một người say rượu mà bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cần làm đơn yêu cầu Tòa án quyết định công nhận để hạn chế hậu quả có thể xảy ra thiệt hại đến kinh tế gia đình và các vấn đề liên quan khác.
2. Người say rượu là người có năng lực hành vi hạn chế đúng hay sai?
Khẳng định “Người say rượu là người có năng lực hành vi hạn chế” là sai, bởi vì căn cứ để xác định người hạn chế năng lực hành vi dân sự là “Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình”, tuy uống rượu cũng là sử dụng chất kích thích nhưng chưa đến mức phá tán tài sản của gia đình.
Tại Điều 24 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự như sau:
“Điều 24. Hạn chế năng lực hành vi dân sự
1. Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự“.
Theo đó, để một người uống rượu sau được coi là hạn chế năng lực hành vi dân sự cần đáp ứng được những yếu tố sau:
– Thứ nhất, người này phải nghiện ma túy hoặc chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình.
Ở đây, khái niệm nghiện các chất kích thích khác có thể được hiểu là một người thường xuyên và liên tục sử dụng chất kích thích đó, bất chấp hậu quả tốt hay xấu, nếu không sử dụng thì gây ra cảm giác khó chịu hoặc không thể chịu được, việc nghiện chất kích thích tuân theo cơ thế hệ thống thưởng phạt của não bộ.
Trong trường hợp người say rượu nhất thời thì không thể được coi là người đó nghiện rượu được, do đó yêu cầu là người này phải có thâm niên uống rượu lâu năm một cách thường xuyên và liên tục (theo cữ uống rượu), nếu đến cử uống rượu mà không được uống thì dẫn đến tình trạng tay chân bủn rủn không thể làm được gì… Lúc này mới có thể xác định được là người đó nghiện rượu.
– Thứ hai, người uống rượu say đó (tạm cho là đã bị nghiện rượu) có thể phá tán tài sản gia đình.
Phá tán tài sản gia đình trong trường hợp này có thể được hiểu là một người nghiện rượu nặng, bằng mọi cách để có tiền mua rượu uống, có thể bán tài sản trong gia đình hoặc đem tài sản trong gia đình đi cầm cố để có tiền mua rượu uống.
Trong trường hợp người nghiện rượu nhưng không có hành vi phá tán tài sản gia đình, không bất chấp hậu quả có thể ảnh hưởng đến kinh tế gia đình để có tiền uống rượu,.. Thì không đáp ứng được yêu cầu.
– Thứ ba, phải có quyết định của Tòa án về việc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Khi có quyết định của Tòa án về việc một người hạn chế năng lực hành vi dân sự thì lúc này, người đó mới chính thức là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
3. Người uống rượu say gây ra hành vi vi phạm có phải chịu trách nhiệm?
Người uống rượu say gây ra hành vi vi phạm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, hoặc gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại, cho dù cố ý hay không cố ý uống rượu sau mà vi phạm pháp luật gây ra hậu quả thì vẫn phải bồi thường cho bên bị thiệt hại.
Tại Điều 596 Bộ luật dân sự quy định về bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra như sau
Điều 596. Bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra
1. Người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường.
2. Khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Theo đó, khi một người uống rượu say gây ra hành vi vi phạm pháp luật thì vẫn phải chịu trách nhiệm, người say rượu có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại, hoặc bị xử lý vi phạm hành chính do hành vi say rượu gây ra, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi phạm tội trong tình trạng say rượu. Cụ thể:
– Người uống rượu say gây ra hành vi vi phạm pháp luật phải bồi thường thiệt hại
Trường hợp người uống rượu say, sau đó sang nhà hàng xóm phá hoại tài sản, bằng cách đập đồ của nhà hàng xóm thì người say rượu phải bồi thường thiệt hại cho hàng xóm.
Trong trường hợp người khác cố tình ép người khác uống rượu để khiến cho người đó lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi thì người cố tình nài ép hoặc dùng thủ đoạn để ép cho người kia say rượu, nếu người sau rượu gây ra thiệt hại thì người cố tình dùng thủ đoạn đó phải bồi thường thiệt hại.
– Người uống rượu say gây ra hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý vi phạm hành chính
Ví dụ, khi một người uống rượu say và sau đó điều khiển xe máy lạng lách đánh võng mà nếu bị phát hiện thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
– Người uống rượu say gây ra hành vi vi phạm pháp luật bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Ví dụ, do A có mâu thuẫn với B từ trước, sau khi uống rượu say A nghĩ tới những lời thách thức của B lúc trước liền tức giận, sang nhà B và đánh B dẫn tới hậu quả B bị thương tật cơ thể 15%, lúc này A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” nếu như B có đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Xem thêm về mẫu đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự khi bị người khác đánh.
Như vậy, người say rượu không là căn cứ để xác định một người có bị mất năng lực hành vi dân sự hay bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mà còn phải căn cứ vào nhiều yếu tố khác nữa mới có thể kết luận được.
Trên đây công ty Luật Nhân Hậu đã trả lời câu hỏi Người say rượu có phải là người bị mất năng lực hành vi dân sự không? Người say rượu là người có năng lực hành vi hạn chế đúng hay sai? Hy vọng các bạn sẽ có thể xử lý trường hợp của mình một cách hiệu quả, tránh tình trạng tài sản gia đình bị phá tán, cũng như giúp cho quyền và lợi ích hợp pháp của bạn được bảo đảm khi yêu cầu Tòa án tuyên bố một người bị mất năng lực hành vi. Chúc các bạn thành công!