Người đang chấp hành hình phạt tù có được kết hôn không? Nam, nữ có thể ủy quyền cho cha, mẹ minh đăng ký kết hôn không? Dưới đây, công ty Luật Nhân Hậu sẽ giải đáp thắc mắc của độc giả một cách chi tiết.
Vấn đề, tình huống: Kính chào các luật sư công ty Luật Nhân Hậu, tôi có một số câu hỏi liên quan đến vấn đề người đang bị truy cứu Trách nhiệm hình sự có quyền kết hôn không, tôi xin phép được trình bày nội dung sự việc của tôi như sau: Con trai tôi hiện đang chấp hành hình phạt tù và đang bị giam ở trại giam Chí Hòa, TPHCM. Nguyên nhân của việc con trai tôi bị kết tù là vì để bảo vệ bạn gái, nó thấy bạn gái bị một nhóm người chọc ghẹo, sau đó nó dùng gậy đuổi đánh nhóm người đó, hậu quả là một người bị nó đánh tổn thương cơ thể 23%. Bây giờ, người yêu nó hứa sẽ đợi nó về và cưới, sau đó người yêu nó có vào thăm và 2 đứa muốn chính thức là vợ chồng. Vậy các luật sư cho tôi hỏi một số vấn đề sau:
1. Người đang chấp hành hình phạt tù có được kết hôn không? Nếu được thì việc đăng ký kết hôn được đăng ký ở đâu?
2. Nam, nữ có thể ủy quyền cho cha, mẹ minh đăng ký kết hôn không? Nếu được thì tôi có thể thay mặt con trai để đăng ký kết hôn và cần chuẩn bị những loại giấy tờ gì?
Xin cảm ơn bạn Thu Vân đã tin tưởng gửi câu hỏi về Công ty Luật Nhân Hậu chúng tôi, dưới đây Công ty Luật xin tư vấn như sau:
Mục lục
1. Người đang chấp hành hình phạt tù có được kết hôn không?
Quy định về quyền công dân có thể bị tước khi đang chấp hành hình phạt tù:
Tại khoản 1 Điều 44 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về hạn chế quyền đối với người bị kết án tù như sau:
“Điều 44. Tước một số quyền công dân
1. Công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường hợp do Bộ luật này quy định, thì bị tước một hoặc một số quyền công dân sau đây:
a) Quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước;
b) Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân”.
Trường hợp con trai bạn đang chấp hành hình phạt tù về “tội cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác” thì không bị tước quyền công dân, do đó vẫn được đăng ký kết hôn bình thường.
Về điều kiện kết hôn như sau:
Tại Khoản 2 Điều 5 và Điều 8 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về điều kiện kết hôn như sau:
– Nam nữ từ đủ 20 tuổi, nữ từ đủ 18 tuổi; hai người đang độc thân; hoàn toàn tự nguyện.
– Một trong hai bên không bị mất năng lực hành vi dân sự
– Việc kết hôn giữa hai người đó không phải là giả tạo
– Một trong hai bên không được lừa dối bên còn lại để kết hôn
– Nam, nữ không có quan hệ huyết thống trực hệ, không có quan hệ trong phạm vi 3 đời
– Không được kết hôn với cha hoặc mẹ nuôi, không được kết hôn với người đã từng là cha, mẹ nuôi
– Không được kết hôn giữa cha chồng – con dâu; mẹ vợ – con rể; cha dượng/ mẹ kế – con riêng của một trong hai bên
Trường hợp con trai bạn còn độc thân đủ 20 tuổi trở lên và bạn gái còn độc thân đủ 18 tuổi trở lên, không thuộc các trường hợp liệt kê ở trên thì không bị cấm kết hôn, do đó 2 người có thể kết hôn với nhau.
Về thủ tục đăng ký kết hôn như sau:
Tại khoản 1 Điều 18 Luật hộ tịch 2014 quy định: Hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn.
Trường hợp con trai bạn đang chấp hành hình phạt tù thì không thể có mặt cùng với bạn gái để đến Ủy ban nhân dân xã đăng ký kết hôn, do đó con trai bạn không thể đăng ký kết hôn.
Như vậy, người đang chấp hành hình phạt tù mặc dù không bị tước quyền công dân, đủ điều kiện đăng ký kết hôn, không vi phạm điều cấm khi đăng ký kết hôn, nhưng lại không thể có mặt tại Ủy ban nhân dân xã để đăng ký kết hôn cho nên người đang chấp hành hình phạt tù không thể đăng ký kết hôn.
2. Nam, nữ có thể ủy quyền cho cha, mẹ mình đăng ký kết hôn không?
– Tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định: Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, yêu cầu đăng ký hộ tịch được uỷ quyền cho người khác thực hiện thay; trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn,…
– Tại khoản 5 Điều 3 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định: “Khi trả kết quả đăng ký kết hôn, đăng ký lại kết hôn, cả hai bên nam, nữ phải có mặt”
– Tại khoản 1 Điều 18 Luật hộ tịch 2014 quy định: Hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn.
– Tại khoản 2 Điều 18 Luật hộ tịch 2014 quy định: Khi 2 bên nam nữ đủ điều kiện đăng ký kết hôn thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn; công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
Như vậy, theo quy định tại Điều 18 Luật hộ tịch 2014 và Thông tư 04/2020/TT-BTP thì khi đăng ký kết hôn, cả hai người nam nữ phải có mặt để thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn (ký tên vào Sổ hộ tịch, ký vào giấy chứng nhận đăng ký kết hôn), do đó nam, nữ không thể ủy quyền cho cha, mẹ mình đăng ký kết hôn.
Tóm lại, người đang chấp hành hình phạt tù thì không thể đăng ký kết hôn, cũng không thể ủy quyền cho người khác đăng ký kết hôn thay được, việc đăng ký kết hôn phải có mặt cả 2 người tại Ủy ban nhân dân để cùng ký tên vào sổ hộ tịch và giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.