Ngoại tình là điều kiện để cho ly hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành đúng hay sai? Hiện nay, tình trạng ngoại tình dẫn đến hậu quả vợ chồng không thể chung sống với nhau và hậu quả tất yếu là ly hôn diễn ra ngày càng phổ biến, vậy hành vi ngoại tình có phải là điều kiện để Tòa án giải quyết cho ly hôn không? Hãy cùng tham khảo phân tích quy định pháp luật sau đây để hiểu rõ vấn đề.
Mục lục
1. Ngoại tình là điều kiện để cho ly hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, đúng hay sai?
Theo quy định định pháp luật của Việt Nam hiện hành thì ngoại tình không phải là điều kiện để cho ly hôn, ngoại tình chỉ là một trong những căn cứ để Tòa án xem xét giải quyết ly hôn, nếu việc ngoại tình đó vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì lúc ấy Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn.
Khi phát hiện vợ hoặc chồng ngoại tình, người còn lại bất mãn, mâu thuẫn kéo dài và dẫn đến tình trạng ly hôn thì sẽ có 2 trường hợp xảy ra, đó có thể là cả 2 vợ chồng đều thuận tình ly hôn, hoặc một bên muốn ly hôn nhưng bên còn lại không muốn ly hôn. Tuy nhiên dù là trường hợp nào đi chăng nữa thì hành vi ngoại tình vẫn không phải là điều kiện để Tòa án giải quyết cho ly hôn, mà đó mới chỉ là căn cứ để xem xét giải quyết vụ việc.
Theo đó, điều kiện và căn cứ là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau, để làm rõ 2 khái niệm này, dưới đây chúng tôi sẽ phân tích theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành mới nhất.
Tiêu chí so sánh |
Điều kiện để ly hôn |
Căn cứ để Tòa án giải quyết cho ly hôn |
Một bên ngoại tình nhưng vợ chồng đều thuận tình ly hôn khi | Vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn và đã hòa giải tại Tòa án nhưng không thành. | – Hai bên thật sự tự nguyện muốn ly hôn
– Đã thỏa thuận về việc chia tài sản – Đã thỏa thuận việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con |
Một bên ngoại tình và chỉ có một bên muốn ly hôn | Đã hòa giải tại Tòa án nhưng không thành | – Một bên vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình
– Hoặc một bên vợ, chồng vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. |
2. Ngoại tình là căn cứ để Tòa án giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành
Căn cứ quy định pháp luật Việt Nam hiện hành trong vụ việc hôn nhân gia đình cụ thể như sau:
Tại khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau: “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”.
Theo đó, để giải quyết cho yêu cầu ly hôn đơn phương trong trường hợp ngoại tình, Tòa án sẽ căn cứ vào 2 vấn đề như sau: Một bên vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng và vi phạm này dẫn tới hậu quả là làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”.
– Vi phạm nghĩa vụ vợ chồng là hành vi không thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình; không sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp,…
– Giải thích về hậu quả “làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP, tại Điều 8 hướng dẫn cụ thể như sau:
Căn cứ để xác định tình trạng của vợ chồng trầm trọng:
– Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.
– Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.
– Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình;
Căn cứ để xác định đời sống hôn nhân không thể kéo dài:
Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được, thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng hay chưa như ở trên. Nếu trên thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.
Căn cứ để xác định mục đích của hôn nhân không đạt được:
Mục đích của hôn nhân không đạt được là khi:
– Không có tình nghĩa vợ chồng;
– Không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng;
– Không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng;
– Không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng;
– Không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.
Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì ngoại tình không phải là điều kiện, mà chỉ là căn cứ để Tòa án giải quyết vụ việc ly hôn theo yêu cầu của một bên, đồng thời phải chứng minh được hành vi ngoại tình gây ra hậu quả làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
3. Khi ly hôn, làm sao để chứng minh được vợ hoặc chồng có ngoại tình hay không?
Hiện nay, khái niệm ngoại tình trong tố tụng hình sự và trong tố tụng dân sự (cụ thể là trong vụ án ly hôn) là hoàn toàn khác nhau. Theo đó, khi buộc tội một người ngoại tình theo thủ tục tố tụng hình sự thì Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát phải chứng minh được người đó vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng bằng việc giữa họ có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó,… gây ra hậu quả dẫn đến làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; hoặc trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Tuy nhiên, hành vi ngoại tình trong tố tụng dân sự (cụ thể là trong vụ án yêu cầu ly hôn đơn phương) thì việc chứng minh là hoàn toàn khác, cụ thể: Khi yêu cầu ly hôn và để chứng minh một người ngoại tình thì đương sự chỉ cần cung cấp các chứng cứ có liên quan hành vi tình cảm với người thứ 3 (chẳng hạn như tin nhắn tình cảm, hoặc hành vi nắm tay, ôm, hôn) mà không cần phải chứng minh họ có con chung, được hàng xóm coi như vợ chồng,… như trong tố tụng hình sự.
Như vậy, việc chứng minh một người ngoại tình trong vụ án ly hôn đơn phương là đơn giản và dễ dàng hơn so với trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên, để chứng minh được thì đương sự phải có bằng chứng liên quan, nếu không có bằng chứng thì khó để có thể Tòa án chấp nhận yêu cầu ly hôn đơn phương của bạn. Khi đó, nếu muốn tiếp tục ly hôn đơn phương, bạn sẽ phải chuyển hướng sang chứng minh vợ hoặc chồng bạn có hành vi bạo lực gia đình (nếu có thật trên thực tế).
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 quy định, các hành vi được xem là bạo lực gia đình bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;
b) Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
d) Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em;
đ) Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình;
e) Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
g) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
h) Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
i) Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng;
k) Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực;
l) Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp;
m) Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi;
n) Chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình;
o) Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác;
p) Cô lập, giam cầm thành viên gia đình;
q) Cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.
Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì nếu bạn không chứng minh được vợ hoặc chồng bạn ngoại tình dẫn tới hậu quả đời sống hôn nhân trầm trọng thì không đủ căn cứ để Tòa án giải quyết cho ly hôn, do đó nếu vợ hoặc chồng bạn có một trong các hành vi bạo lực gia đình nêu trên thì bạn có thể thu thập chứng cứ để yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn đơn phương.
Tìm hiểu thêm nội dung liên quan khác:
– Khi ly hôn, thu nhập bao nhiêu thì được quyền nuôi con và chứng minh thu nhập bằng cách nào?
– Khi ly hôn, trường hợp nào người bố không được nuôi con và khi nào mẹ không được quyền nuôi con?
– Thành phần hồ sơ, giấy tờ và hướng dẫn quy trình thủ tục ly hôn đơn phương chi tiết nhất
– Ly hôn đơn phương có cần phải thuê luật sư không? Thuê luật sư ly hôn đơn phương hết bao nhiêu tiền?