Home / Hoạt động nghề nghiệp / Luật sư nhận thù lao từ khách hàng nên chỉ có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi của khách hàng?

Luật sư nhận thù lao từ khách hàng nên chỉ có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi của khách hàng?

Có quan điểm cho rằng, luật sư nhận thù lao từ khách hàng nên chỉ có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Theo quan điểm của chúng tôi, nhận định này tuy đúng nhưng chưa hoàn toàn chính xác, đúng ở chổ luật sư đã nhận thù lao của khách hàng thì có nghĩa vụ phải bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, đây là điều được pháp luật quy định rõ, được ghi rõ trong hợp đồng dịch vụ pháp lý, cũng là mong muốn của khách hàng.

Tuy nhiên, bên cạnh nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi cho khách hàng thì luật sư khi tham gia vụ việc còn có nhiều nghĩa vụ khác nữa, không chỉ riêng nghĩa vụ đối với khách hàng.

Luật sư nhận thù lao từ khách hàng nên chỉ có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi của khách hàng là sai.

Thứ nhất, luật sư chỉ có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi hợp đồng dịch vụ pháp lý có hiệu lực.

Tại khoản 1 Điều 26 Luật luật sư quy định: “Luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý, trừ trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức”.

Như vậy, khi hành nghề và cung cấp dịch vụ cho khách hàng, bắt buộc luật sư phải ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng, việc nhận thù lao chỉ là sự thỏa thuận giữa luật sư và khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý, không phải là căn cứ duy nhất để làm phát sinh nghĩa vụ đối với luật sư.

Theo đó, chỉ khi hợp đồng dịch vụ pháp lý được ký giữa luật sư và khách hàng có hiệu lực thì luật sư mới có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi của khách hàng.

Thứ hai, luật sư chỉ có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi quyền lợi đó là hợp pháp

Tại Quy tắc số 5 trong bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng luật sư toàn quốc quy định: “Luật sư có nghĩa vụ tận tâm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng theo quy định của pháp luật và Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam”.

Như vậy, luật sư chỉ bảo vệ quyền lợi của khách hàng nếu quyền lợi đó là hợp pháp, luật sư không thể vì thù lao mà bất chấp nhận những vụ việc mà quyền lợi của khách hàng trái với quy định pháp luật.

Theo nhận định trên mới chỉ đề cập đến vấn đề bảo vệ quyền lợi của khách hàng nhưng chưa nêu rõ quyền lợi đó có chính đáng không, có hợp pháp không, quyền lợi đó có gắn liền với khách hàng hay không.

Tại quy tắc số 11 cũng đề cập đến vấn đề luật sư phải từ chối vụ việc khi biết khách hàng yêu cầu dịch vụ pháp lý của luật sư để phục vụ cho mục đích vi phạm điều cấm của pháp luật, hoặc có căn cứ rõ ràng xác định khách hàng đã cung cấp chúng cứ giả hoặc yêu cầu của khách hàng trái đạo đức, vi phạm điều cấm của pháp luật.

Thứ ba, luật sư không chỉ có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi của khách hàng, mà còn phải bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng.

Cũng theo quy tắc số5 ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ quy định luật sư có nghĩa bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Luật sư phải tận tâm với công việc, phát huy năng lực , sử dụng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và các biện pháp hợp pháp thì mới có thể bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Quan hệ giữa Luật sư với khách hàng không chỉ là quan hệ mua bán giữa một bên trả tiền và một bên cung cấp dịch vụ. Khi ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý và tham gia các vụ việc, đặc biệt là khi luật sư tham gia bào chữa trong vụ án hình sự mà khách hàng là đối tượng bị xã hội lên án (ví dụ như khách hàng phạm tội giết người bị xã hội lên án kịch liệt), Luật sư cần bỏ qua những đánh giá, nhận xét của xã hội để thực hiện công việc dựa trên những quy định của pháp luật cũng như những chuẩn mực của Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Thứ tư, luật sư không chỉ có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi của khách hàng, mà còn có nghĩa vụ tuân thủ quy định pháp luật

Tại khoản 2 Điều 21 Luật luật sư quy định luật sư có nghĩa vụ tuân thủ các nguyên tắc hành nghề luật sư theo quy định pháp luật, bao gồm:

– Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

– Tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam

– Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan.

– Sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.

– Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp luật sư.

– Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và các quy định có liên quan trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng; có thái độ hợp tác, tôn trọng người tiến hành tố tụng mà luật sư tiếp xúc khi hành nghề;

– Tham gia tố tụng đầy đủ, kịp thời trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu;

– Thực hiện trợ giúp pháp lý;

– Tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ;

– Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này.

Từ những lập luận và căn cứ nên trên, kết luận nhận định Luật sư nhận thù lao từ khách hàng nên chỉ có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi của khách hàng là chưa chính xác.

5/5 - (2 votes)

Bài nổi bật

Những trường hợp ngoại lệ về nghĩa vụ giữ bí mật của luật sư

Những trường hợp ngoại lệ về nghĩa vụ giữ bí mật của luật sư

Theo quy định trong Luật luật sư, Điều lệ liên đoàn luật sư Việt Nam, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *