Luật sư có được thỏa thuận về mức thưởng nếu giúp khách hàng thắng kiện không? Hứa thưởng cho luật sư là trường hợp khá phổ biến hiện nay, do nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư nhằm đạt được mục đích của mình, khi ký hợp đồng dịch vụ pháp lý, khách hàng thường hứa sẽ thưởng cho luật sư một khoản tiền hoặc lợi ích vật chất khác nếu như luật sư giúp họ đạt được mục đích, đặc biệt là trong các vụ kiện tranh chấp tài sản có giá trị lớn. Tuy nhiên, điều khoản hứa thưởng khi thắng kiện trong hợp đồng dịch vụ pháp lý đó liệu có vi phạm quy định pháp luật?
Mục lục
1. Luật sư có được thỏa thuận về mức thưởng nếu giúp khách hàng thắng kiện không?
Theo quy tắc 9.8 trong bộ quy tắc đạo đức và ứng xử khi hành nghề luật sư Việt Nam (Ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng luật sư toàn quốc) quy định thì luật sư không được thỏa thuận về mức thưởng nếu giúp khách hàng thắng kiện, bởi vì hứa thưởng là một hành vi bị cấm khi hành nghề đối với luật sư.
Quy tắc 9.8 trong quy tắc số 9 về Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng quy định: “Hứa hẹn, cam kết bảo đảm kết quả vụ việc về những nội dung nằm ngoài khả năng, điều kiện thực hiện của luật sư”. Như vậy, hứa hẹn, cam kết bảo đảm kết quả hay thỏa thuận về mức thưởng nếu giúp khách hàng thắng kiện là hành vi bị cấm đối với luật sư.
Bên cạnh đó, tại điểm đ khoản 1 Điều 9 Luật luật sư cũng nghiêm cấm hành vi “Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ khách hàng ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý”.
Như vậy, khi hành nghề luật sư và cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng, luật sư phải lập thành hợp đồng dịch vụ pháp lý, trong hợp đồng pháp lý phải có nội dung về quyền, nghĩa vụ của các bên; Phương thức tính và mức thù lao cụ thể; các khoản chi phí (nếu có). Ngoài những khoản chi phí đã nêu trong hợp đồng ra thì luật sư không được phép yêu cầu, đòi hỏi các khoản chi phí hay thù lao khác.
Đối với những hợp đồng dân sự mà các bên chủ thể tham gia không phải là luật sư hoặc luật gia thì điều khoản hứa thưởng của hợp đồng đó hoàn toàn là hợp pháp, bởi lẽ hợp đồng là sự thỏa thuận và dựa trên ý trí và nguyện vọng của các bên, do đó thỏa thuận hứa thưởng trong hợp đồng là hoàn toàn hợp lý và có hiệu lực pháp luật buộc bên hứa thưởng có nghĩa vụ phải trả thưởng theo quy định.
Tuy nhiên, đối với luật sư lại khác, việc hứa thưởng nếu thắng kiện chẳng khác gì “chạy án”. Luật sư không phải là Tòa án cho nên không thể biết trước được kết quả vụ việc giải quyết như thế nào, kết quả giải quyết vụ án phải do hội đồng xét xử nghiên cứu, xem xét, đánh giá và ra quyết định chứ không phải luật sư quyết định. Do đó, luật sư không thể biết trước được kết quả vụ việc cho nên không được phép hứa thưởng hoặc thỏa thuận về mức thưởng nếu giúp khách hàng thắng kiện.
Tóm lại, luật sư không được thỏa thuận về mức thưởng nếu giúp khách hàng thắng kiện trong vụ việc dân sự, hình sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình. Trường hợp vi phạm thì tùy theo tính chất mức độ mà luật sư có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.
2. Sau khi thắng kiện, khách hàng tự nguyện thưởng cho luật sư thì luật sư có được nhận không?
Sau khi luật sư giúp khách hàng thắng kiện, để cảm ơn luật sư thì khách hàng có thể thưởng, tặng, cho, biếu luật sư một khoản tiền hoặc một khoản lợi ích vật chất khác, trong trường hợp này luật sư có quyền nhận mà không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc thưởng, tặng, cho đó phải là do khách hàng hoàn toàn tự nguyện, không bị đe dọa, ép buộc hay lừa dối.
Việc khách hàng tự nguyện thưởng cho luật sư một khoản tiền để cảm ơn vì đã giúp họ thắng kiện, giúp họ đạt được mục đích chính đáng của mình thì luật sư hoàn toàn có quyền nhận mà không vi phạm pháp luật, bởi vì việc thưởng, tặng, cho luật sư đó là do sự tự nguyện của khách hàng, không phải là điều kiện ràng buộc hay thỏa thuận khi sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư.
Để phân biệt 2 trường hợp luật sư nhận tiền của khách hàng khi thắng kiện vi phạm pháp luật và không vi phạm pháp luật, công ty luật Nhân Hậu xin nêu ra 2 ví dụ cụ thể như sau:
– Ví dụ 1: Khi khách hàng sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư để khởi kiện đòi lại khoản nợ 300 triệu, các bên thỏa thuận chi phí thuê luật sư khởi kiện đòi nợ là 20 triệu đồng và đã được ghi rõ trong hợp đồng dịch vụ pháp lý. Tuy nhiên sau đó luật sư lại gọi điện với khách hàng và nói vụ việc của khách hàng có tính chất phức tạp, do đó luật sư phải chi phí nhiều hơn, đồng thời thỏa thuận với khách hàng nếu như thắng kiện thì khách hàng phải trả thêm cho luật sư số tiền 50 triệu đồng, ngược lại không thắng kiện thì không nhận thêm chi phí. Như vậy, trong trường hợp này luật sư đã vi phạm quy định pháp luật khi thỏa thuận về mức thưởng nếu thắng kiện.
– Ví dụ 2: Cũng theo trường hợp khách hàng nhờ luật sư khởi kiện đòi nợ, các bên thỏa thuận chi phí thuê luật sư khởi kiện vụ án dân sự để đòi lại khoản nợ đó là 20 triệu đồng. Sau khi thắng kiện, giúp khách hàng thu hồi được khoản nợ 300 triệu đó, khách hàng cảm thấy hài lòng, muốn cảm ơn luật sư và gửi tặng luật sư 50 triệu đồng để cảm ơn. Lúc này, luật sư nhận số tiền tặng đó mà không vi phạm pháp luật.
Như vậy, trong trường hợp khách hàng tự nguyện thưởng, tặng, cho luật sư tiền hoặc lợi ích vật chất khác mà đó không phải là điều kiện hoặc thỏa thuận khi sử dụng dịch vụ pháp lý thì luật sư có quyền nhận mà không vi phạm quy định pháp luật.
3. Luật sư thỏa thuận về mức thưởng nếu giúp khách hàng thắng kiện thì sẽ như thế nào?
– Thứ nhất, thỏa thuận mức thưởng là vô hiệu, do đó khách hàng không có nghĩa vụ phải trả thưởng cho luật sư ngay cả khi đã thắng kiện.
Theo quy định pháp luật, luật sư không được thỏa thuận về mức thưởng nếu thắng kiện, việc luật sư tham gia tranh tụng tài Tòa án hoặc thực hiện các thủ tục pháp lý giúp cho khách hàng thắng kiện đó là nghĩa vụ của luật sư khi cung cấp dịch vụ pháp lý. Nghĩa vụ này có thể thấy rõ nhất trong quy tắc số 5 trong bộ quy tắc đạo đức và ứng xử khi hành nghề luật sư Việt Nam, đó là nguyên tắc Bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Theo đó, việc luật sư giúp khách hàng thắng kiện đó chỉ là nghĩa vụ của luật sư khi cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng.
Như vậy, trong trường hợp luật sư đã giúp khách hàng thắng kiện nhưng nếu khách hàng không trả thưởng theo thỏa thuận giữa 2 người thì luật sư cũng không có quyền đòi hay kiện đòi thưởng, bởi lẽ thỏa thuận hứa thưởng khi thắng kiện đó đã bị vô hiệu.
– Thứ hai, luật sư có thể bị xử phạt hành chính, phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng.
Tại điểm d khoản khoản 6 Điều 6 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định: Luật sư có hành vi sách nhiễu khách hàng; nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích khác ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý; lừa dối khách hàng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt hành chính, phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng.
Bên cạnh đó, luật sư còn bị áp dụng biện pháp phạt bổ sung, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam từ 6 – 9 tháng
Ngoài ra, luật sư còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, Buộc nộp lại số tiền mà luật sư đã nhận thưởng của khách hàng trước đó.
– Thứ ba, luật sư sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định pháp luật
Tại khoản 1 Điều 85 Luật luật sư quy định: Luật sư vi phạm quy định của Luật này, Điều lệ, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam và quy định khác của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau đây:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn luật sư từ 6 – 24 tháng;
d) Xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư. (Trường hợp này Đoàn luật sư phải thông báo bằng văn bản với Sở Tư pháp và đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư, đề nghị Liên đoàn luật sư Việt Nam thu hồi Thẻ luật sư).
Như vậy, tùy thuộc vào từng tính chất của vụ việc, mức độ vi phạm mà luật sư có thể bị áp dụng một trong các hình thức kỷ luật nêu trên, bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định pháp luật.
One comment
Đọc thêm: Cách tình thù lao luật sư trong vụ án dân sự, hình sự mới nhất