Cho vay tiền qua chuyển khoản có đòi được không? Cho vay bằng chuyển khoản ngân hàng là một trong những hình thức thường được sủ dụng khi bạn bè, người thân mượn tiền của nhau, do tin tưởng nhau nên không cần làm hợp đồng vay tiền, một bên nhắn tin mượn tiền và bên còn lại chuyển tiền vay vào tài khoản ngân hàng của người vay.
Hình thức này mang đến sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian, giúp cho bên vay có được số tiền một cách nhanh chóng mà không phải gặp mặt nhau. Vậy thì cho vay bằng hình thức chuyển khoản ngân hàng có đòi lại được không và đòi lại bằng cách nào? Dưới đây công ty Luật Nhân Hậu sẽ giải đáp một cách chi tiết,từ đó có thể giúp bạn đòi lại khoản tiền đã cho vay trước đó một cách dễ dàng.
Mục lục
1. Cho vay tiền qua chuyển khoản có đòi được không?
Giao dịch dân sự cho vay tiền là một giao dịch dân sự thông thường, không cần phải lập thành văn bản, cũng không cần phải công chứng hay chứng thực, do đó khi cho vay tiền bằng hình thức chuyển khoản ngân hàng thì giao dịch đó vẫn có hiệu lực pháp luật, do vậy mà người cho vay vẫn đòi lại tiền từ người vay theo quy định pháp luật.
Tại Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 định nghĩa “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định” 1.
Khoản 1 Điều 466 Bộ luật dân sự quy định nghĩa vụ trả tiền của người vay như sau: “Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác” 2.
Theo đó, khi đến hạn trả tiền thì bên vay có nghĩa vụ trả tiền gốc và lãi cho bên cho vay (nếu có thỏa thuận về lãi suất vay) đúng số tiền mà trong hợp đồng đã nêu. Trường hợp không có hợp đồng thì bên cho vay phải chứng minh số tiền mình cho vay bằng các biên lai, hóa đơn chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của người vay.
Kết luận: Cho vay tiền qua chuyển khoản có đòi được không? Câu trả lời là bạn vẫn đòi lại được số tiền đã cho vay trước đó và tiền lãi (nếu có), bằng cách thu thập tài liệu chứng cứ liên quan đến việc chuyển khoản tiền vay qua ngân hàng và khởi kiện ra Tòa án dân sự, lúc này căn cứ vào tài liệu chứng cứ, Tòa án sẽ giải quyết đơn kiện đòi tiền cho bạn.
2. Cách thu thập chứng cứ cho vay tiền qua chuyển khoản ngân hàng
Thu thập hóa đơn, biên lai chuyển khoản vay tiền
Biên lai chuyển khoản vay cho người khác có được xem là chứng cứ mượn tiền không?
Tại khoản 1 Điều 94 Bộ luật tố tụng dân sự quy định các nguồn chứng cứ trong giao dịch dân sự là “Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử”. Như vậy, biên lai chuyển khoản vay là một nguồn chứng cứ có giá trị chứng minh giao dịch vay tiền, người đòi tiền có thể thu thập chứng cứ cho vay bằng biên lai hoặc hóa đơn chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của người vay để phục vụ quá trình đòi nợ.
Khi thu thập chứng cứ cho vay tiền bằng hình thức chuyển tài khoản ngân hàng sẽ có những trường hợp sau đây:
– Trường hợp 1: Có nội dung chuyển khoản tiền vay rõ ràng.
Khi chuyển khoản mà có nội dung chuyển tiền vay thì đó là một chứng cứ chứng minh giao dịch cho vay mượn tiền giữa hai người, do đó trong trường hợp này bạn cần thu thập biên lai hoặc hóa đơn chuyển tiền vay đó để phục vụ quá trình đòi nợ.
Ví dụ: Khi chuyển khoản vay cho người khác, các bạn có ghi nội dung liên quan đến việc vay tiền như: Nguyen Van A chuyen tien vay cho Nguyen Dinh B, Nguyen Van A cho Nguyen Dinh B vay tien lai suat 15% mot nam, Chuyen tien cho Nguyen Van A muon de mua xe may,… Những nội dung chuyển khoản liên quan đến việc cho vay mượn tiền này có giá trị chứng minh rất cao.
Trường hợp bạn chuyển tiền cho người vay tại ngân hàng thì bạn chỉ cần thu thập hóa đơn của nhân viên ngân hàng cung cấp cho bạn khi gửi tiền, hóa đơn chuyển tiền đó có giá trị chứng minh là tài liệu có thật trên thực tế.
Trường hợp bạn chuyển khoản qua ứng dụng Internet Banking trên điện thoại thì bạn phải đến ngân hàng, xin xác nhận giao dịch đó và có đóng dấu của ngân hàng để chứng minh tài liệu đó có thật trên thực tế.
– Trường hợp 2: Khi chuyển tiền, người cho vay không ghi rõ nội dung cho vay tiền.
Trong trường hợp khi chuyển tiền cho người khác mà bạn không ghi nội dung chuyển tiền vay mà chỉ ghi họ tên của bạn thì các bạn cần phải thu thập thêm chứng cứ kèm theo, bao gồm tin nhắn thể hiện nội dung vay tiền giữa bạn và người đó.
Ví dụ: Khi A nhắn tin cho B mượn 50 triệu đồng, đồng thời kèm theo số tài khoản ngân hàng để B chuyển tiền vào, sau đó B chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của B số tiền 50 triệu đồng với nội dung Nguyen Van B chuyển tiền. Lúc này, để khởi kiện đòi nợ thì B cần thu thập chứng cứ bao gồm biên lai chuyển tiền và tin nhắn mượn tiền của A.
Thu thập tin nhắn, ghi âm cuộc gọi cho vay mượn tiền
Thông thường, khi mượn tiền thì một bên sẽ gọi điện hoặc nhắn tin để trao đổi, trong trường hợp bạn có lưu bản ghi âm và tin nhắn liên quan đến quá trình trao đổi mượn tiền thì bạn thu thập lại để làm chứng cứ phục vụ quá trình khởi kiện đòi nợ.
– Để thu thập chứng cứ từ tin nhắn, các bạn có thể in nội dung tin nhắn ra giấy. Tuy nhiên pháp luật yêu cầu tài liệu là văn bản phải là bản chính hoặc được công chứng/ chứng thực hợp pháp. Do đó, bạn in đoạn tin nhắn đó ra giấy và mang theo cả điện thoại của bạn đến Ủy ban nhân dân để được chứng thực đoạn tin nhắn đó là đúng sự thật.
– Đối với đoạn ghi âm, bạn có thể cung cấp cho Tòa án kèm theo văn bản trình bày về quá trình bạn ghi âm cuộc gọi đó. Ví dụ: Anh Nguyễn Văn A gọi điện cho tôi mượn số tiền 50 triệu đồng, tôi có bật chế độ ghi âm cuộc gọi trên điện thoại của tôi và nội dung cuộc gọi âm này được ghi âm bởi ứng dụng ghi âm có tên là ABC, tôi cam đoan nội dung ghi âm cuộc gọi này là đúng sự thật, nếu sai sự thật tôi xin chịu mọi mọi hình phạt trước pháp luật,…
Lấy xác nhận của người làm chứng, người biết về việc vay tiền
Trong trường hợp không có ghi âm cuộc gọi, không có tin nhắn mượn tiền, mà 2 người gặp mặt nhau, sau đó một người đề nghị mượn tiền và bạn chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho người đó thì bạn cần phải thu thập thêm chứng cứ từ người thứ 3, người thứ 3 đó có thể là người làm chứng, người biết về việc bạn cho người khác vay tiền.
Ví dụ: Bạn và A, B cùng ngồi uống cafe với nhau, A nói mượn tiền bạn 100 triệu và bạn chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của A, vì là bạn bè nên không cần làm giấy tờ gì và nội dung chuyển tiền cũng không đề cập đến việc số tiền đó là cho vay mà chỉ ghi tên bạn. Khi xảy ra tranh chấp thì bạn có thể lấy xác nhận của B là người làm chứng.
Sau khi lấy xác nhận của B thì bạn cùng với B đến Ủy ban nhân dân để chứng thực chữ ký cũng như xác nhận lời trình bày của B là đúng sự thật.
Sau khi thập thập đầy đủ tài liệu và chứng cứ liên quan đến việc chuyển khoản vay cho người khác thì các bạn có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu người mượn tiền phải trả cho bạn.
3. Cách khởi kiện đòi nợ cho vay tiền qua chuyển khoản ngân hàng
Bước 1: Thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc chuyển khoản vay tiền
Như chúng tôi đã đề cập ở trên, các bạn cần phải thu thập tài liệu và chứng cứ liên quan đến việc chuyển khoản tiền vay qua tài khoản ngân hàng, đồng thời thu thập thêm các tài liệu, chứng cứ khác trong khả năng của bạn.
Tại Điều 94 Bộ luật tố tụng dân sụ 2015 quy định chứng cứ trong tố tụng dân sự bao gồm các loại sau đây:
1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử: Tin nhắn, ghi âm cuộc gọi, hợp đồng vay tiền (nếu có), biên lai hoặc hóa đơn chuyển khoản, sao kê tài khoản người vay (có đóng dấu ngân hàng), video clip khi giao tiền,…
2. Vật chứng: Trong giao dịch cho vay tiền bằng hình thức chuyển khoản ngân hàng thường không có vật chứng.
3. Lời khai của đương sự: Do Thẩm phán tiến hành lấy lời khai
4. Lời khai của người làm chứng: Do Thẩm phán tiến hành lấy lời khai
5. Kết luận giám định: Trong giao dịch vay tiền thường không có kết luận giám định, trừ khi có thiệt hại xảy ra thì có thể giám định thiệt hại
6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ: Trong giao dịch cho vay tiền bằng hình thức chuyển khoản ngân hàng thường không có biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.
7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản: Trong giao dịch cho vay tiền bằng hình thức chuyển khoản ngân hàng thường không có kết quả định giá tài sản, trừ khi bạn cho người khác vay tài sản bằng vật có giá trị mà không phải là tiền.
8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập: Trường hợp quá trình cho vay chuyển khoản ngân hàng bạn có mời Thừa phát lại lập vi bằng thì thu thập vi bằng để cung cấp cho Tòa án.
9. Văn bản công chứng, chứng thực: Trường hợp bạn lấy xác nhận của người làm chứng, sau đó chứng thực chữ ký và nội dung thì bạn cung cấp văn bản đó cho Tòa án.
10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.
Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể của bạn mà bạn có thể thu thập thêm các loại tài liệu chứng cứ có liên quan đến việc vay tiền chuyển khoản qua ngân hàng để phục vụ quá trình khởi kiện đòi nợ được hiệu quả.
Tìm hiểu chi tiết các biện pháp thu thập chứng cứ trong tố tụng dân sự để được Tòa án sử dụng làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.
Bước 2: Làm đơn khởi kiện đòi nợ và gửi đến Tòa án (kèm theo tài liệu, chứng cứ vay tiền)
Sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ thì bạn bắt đầu làm đơn kiện và gửi đến Tòa án đúng thẩm quyền, kèm theo tài liệu chứng cứ liên quan đến việc chuyển khoản cho vay tiền.
Về thẩm quyền của Tòa án giải quyết vụ án kiện đòi nợ, các bạn gửi đến Tòa án nhân dân quận/huyện nơi người mượn tiền đang cư trú để được thụ lý.
Sau khi bạn nộp đơn, Tòa án sẽ xem xét đơn kiện của bạn và sẽ có thông báo để bạn đóng tạm ứng án phí. Mức đóng tạm ứng án phí sẽ do Tòa án ấn định, thông thường là bạn sẽ đóng tạm ứng án phí bằng 50% trên tổng án phí của vụ việc.
Khi nhận được thông báo đóng án phí, các bạn đi đến cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện nơi Tòa án thụ lý vụ việc để đóng án phí, sau đó mang hóa đơn đóng tạm ứng đó về nộp lại cho Tòa án.
Quy định về án phí trong vụ án dân sự như sau:
– Khoản nợ dưới 6 triệu đồng: Án phí 300.000 đồng
– Khoản nợ từ trên 6 triệu đến 400 triệu đồng: 5% của khoản nợ
– Khoản nợ từ trên 400 – 800 triệu đồng: 20 triệu + 4% của khoản nợ vượt quá 400 triệu đồng
– Khoản nợ từ trên 800 – 2 tỷ đồng: 36 triệu + 3% của khoản nợ vượt 800 triệu
– Khoản nợ từ trên 2 – 4 tỷ đồng: 72 triệu + 2% của khoản nợ vượt 2 tỷ đồng
– Khoản nợ từ trên 4 tỷ đồng: 112 triệu + 0,1% của khoản nợ vượt 4 tỷ đồng.
Lưu ý: Sau khi thắng kiện, bạn có thể yêu cầu người vay tiền trả án phí cho Tòa án, lúc này Tòa án sẽ hoàn trả lại khoản tiền mà bạn đã tạm ứng trước đó, đồng thời buộc người vay tiền phải đóng án phí cho Tòa án.
Bước 3: Tham gia tranh tụng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm
Sau khi bạn đóng tạm ứng án phí và nộp lại hóa đơn cho Tòa án thì Tòa án sẽ thụ lý vụ án của bạn, sau đó Tòa án sẽ thông báo phiên họp công khai chứng cứ và hòa giải, lúc này bạn tham gia cùng với người vay tiền và cùng ký tên vào biên bản.
Tiếp theo, Tòa án sẽ quyết định mở phiên Tòa xét xử sơ thẩm, các bạn xem thời gian, ngày giờ tổ chức phiên tòa xét xử trên “Quyết định đưa vụ án ra xét xử” để tham dự đúng giờ.
Khi tham gia phiên tòa xét xử, các bạn nhớ lựa chọn trang phục lịch sự, không mang theo các loại vũ khí, hung khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, không hút thuốc, không ăn uống trong phòng xử án, thực hiện đúng nội quy phiên tòa.
Bước 4: Nhận bản án/ quyết định của Tòa án về việc giải quyết đơn kiện đòi tiền
Sau khi xét xử, Hội đồng xét xử sẽ nghị án, sau đó tuyên án và ra quyết định/ bản án về việc giải quyết đơn kiện đòi tiền chuyển khoản ngân hàng của bạn.
Trong trường hợp Tòa án ra bản án/ quyết định đó không đúng quy định pháp luật, hoặc không bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bạn,.. thì bạn có thể làm đơn kháng cáo để yêu cầu xét xử phúc thẩm.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa án ra bản án/ quyết định đó, bạn phải làm đơn kháng cáo, hết thời hạn này mà bạn không làm đơn kháng cáo thì bản án/ quyết định đó chính thức có hiệu lực pháp luật và có hiệu lực thi hành, bạn không có quyền kháng cáo nữa.
Đối với bị đơn (người vay tiền) nếu cảm thấy Tòa án ra bản án/ quyết định không chính xác, quyền và lợi ích hợp pháp của mình không được bảo đảm, bị tuyên án sai so với số tiền mượn, hoặc không mượn tiền mà bị buộc thực hiện nghĩa vụ trả nợ,.. thì cũng có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa án ra bản án/ quyết định.
Bước 5: Thi hành án, buộc người vay tiền phải trả nợ tiền gốc và tiền lãi (nếu có)
Hết thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa án ra bản án/ quyết định mà đương sự không kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị thì bản án/ quyết định đó chính thức có hiệu lực pháp luật và có hiệu lực thi hành ngay. Theo đó, người vay tiền có nghĩa vụ phải trả nợ tiền gốc và tiền lãi cho người cho vay.
Trường hợp người vay tiền có tiền, có tài sản nhưng không thực hiện nghĩa vụ theo bản án/ quyết định của Tòa án thì bạn có thê làm đơn yêu cầu thi hành án dân sự, liên hệ đến cơ quan thi hành án dân sự để được hỗ trợ hướng dẫn.
Như vậy, trên đây là cách khởi kiện đòi nợ khi chuyển tiền vay qua tài khoản ngân hàng với 5 bước cơ bản, ngoài ra trong quá trình khởi kiện sẽ phát sinh một số thủ tục liên quan khác nữa, các bạn làm theo hướng dẫn hoặc nhờ luật sư để giúp quá trình khởi kiện đòi nợ được tốt hơn.
Dịch vụ khởi kiện đòi nợ khi cho vay chuyển khoản ngân hàng
Trong trường hợp bạn không có thời gian để thực hiện các thủ tục khởi kiện, hoặc không am hiểu quy định pháp luật trong lĩnh vực khỏi kiện vụ án dân sự hoặc vụ việc cho vay tiền của bạn có tính chất phức tạp, số tiền lớn,… thì các bạn hãy liên hệ đến Công ty Luật Nhân Hậu để được hỗ trợ.
Công ty Luật Nhân Hậu là đơn vị cung cấp dịch vụ khởi kiện vụ án dân sự uy tín lâu năm, với đội ngũ luật sư giỏi và giàu kinh nghiệm trong tố tụng dân sự, công ty Luật Nhân Hậu sẽ nhanh chóng tiến hành các thủ tục cần thiết để khởi kiện đòi nợ cho khách hàng một cách hiệu quả.
Đối với hình thức khởi kiện đòi nợ, hiện tại công ty luật Nhân Hậu đang cung cấp dịch vụ luật sư khởi kiện đòi nợ cho cá nhân và doanh nghiệp trên toàn quốc, nếu các bạn đang có nhu cầu khởi kiện đòi nợ khi chuyển khoản vay cho người khác qua ngân hàng hoặc các hình thức khởi kiện đòi nợ khác, các bạn hãy gọi ngay đến công ty Luật Nhân Hậu để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.
Công ty luật Nhân Hậu là đơn vị có nhiều luật sư giỏi và có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khởi kiện đòi nợ, mọi nhu cầu củ khách hàng đều được chúng tôi tiến hành một cách nhanh chóng và hiệu quả, giúp khách hàng nhanh chóng thu hồi lại khoản tiền trước đó một cách hiệu quả.
Mọi thông tin chi tiết về dịch vụ khởi kiện đòi nợ khi cho vay tiền qua tài khoản ngân hàng hoặc các hình thức cho vay khác, các bạn hãy liên hệ đến công ty Luật Nhân Hậu để được tư vấn, hoặc tham khảo bảng giá chi phí dịch vụ khởi kiện đòi nợ cho cá nhân và doanh nghiệp để biết thông tin chi tiết.
2 comments
Đọc thêm: Cho vay mượn tiền không có giấy tờ có kiện được không?
Đọc thêm: Bên thua kiện có phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không? - Công ty luật Nhân Hậu