Home / Dân sự / Chi phí cho 1 vụ kiện tranh chấp dân sự hết bao nhiêu tiền?

Chi phí cho 1 vụ kiện tranh chấp dân sự hết bao nhiêu tiền?

Chi phí cho 1 vụ kiện trong vụ án dân sự trong gia đoạn sơ thẩm hết bao nhiêu tiền? Thông thường, trước khi quyết định khởi kiện một vụ án dân sự, các bạn nên tính toán thật kỹ để cân đối sao cho hiệu quả, cụ thể cân đối giữa giá trị tranh chấp và chi phí mà mình bỏ ra có tương xứng hoặc chênh lệch quá nhiều hay không, nếu như chi phí cho 1 vụ kiện đó cao hơn giá trị tranh chấp thì bạn cũng không nên kiện tụng làm gì.

Chi phí cho 1 vụ kiện dân sự hết bao nhiêu tiền?

Hiện nay, chi phí cho 1 vụ kiện dân sự bao gồm: Án phí dân sự sơ thẩm (nếu bạn thua kiện), chi phí thuê luật sư (nếu có), chi phí giám định (nếu có), chi phí di chuyển tàu xe, lưu trú (nếu Tòa án ở xa nơi bạn cư trú), chi phí áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (nếu có và áp dụng sai gây ra thiệt hại cho bị đơn), và các khoản chi phí khác,…

1. Án phí (vụ kiện có giá ngạch thấp nhất 3.000.000 đ)

Án phí dân sự là khoản tiền mà bắt buộc đương sự phải nộp cho Tòa án, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, giá trị tranh chấp của vụ kiện mà án phí sẽ khác nhau. Tuy nhiên, khi yêu cầu của bạn được Tòa án chấp nhận (hiểu một cách đơn giản nghĩa là bạn thắng kiện) thì bạn sẽ không phải đóng án phí, bên thua kiện sẽ phải đóng án phí cho Tòa án.

Theo quy định tại Danh mục án phí, lệ phí tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 thì mức thu án phí, lệ phí Toà án cụ thể như sau:

1 Án phí dân sự sơ thm
1.1 Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động không có giá ngạch 300 nghìn đồng
1.2 Đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại không có giá ngạch 3 triệu đồng
1.3 Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình có giá ngạch
a Từ 6 triệu đồng trở xuống 300 nghìn đồng
b Từ trên 6 triệu đồng đến 400 triệu đồng 5% giá trị tài sản có tranh chấp
c Từ trên 400 triệu đồng đến 800 triệu đồng 20 triệu đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400 triệu đồng
d Từ trên 800 triệu đồng đến 2 tỷ đồng 3 triệu đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800 triệu đồng
đ Từ trên 2 tỷ đồng đến 4 tỷ đồng 72 triệu đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2 tỷ đồng
e Từ trên 4 tỷ đồng 112 triệu đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4 tỷ đồng.
1.4 Đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch
a Từ 60 triệu đồng trở xuống 3 triệu đồng
b Từ trên 60 triệu đồng đến 400 triệu đồng 5% của giá trị tranh chấp
c Từ trên 400 triệu đồng đến 800 triệu đồng 20 triệu đồng + 4% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 400 triệu đồng
d Từ trên 800 triệu đồng đến 2 tỷ đồng 36 triệu đồng + 3% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 800 triệu đồng
đ Từ trên 2 tỷ đồng đến 4 tỷ đồng 72 triệu đồng + 2% của phần giá trị tranh chấp vượt 2 tỷ đồng
e Từ trên 4 tỷ đồng 11 triệu đồng + 0,1% của phần giá trị tranh chấp vượt 4 tỷ đồng
1.5 Đối với tranh chấp về lao động có giá ngạch
a Từ 6 triệu đồng trở xuống 300 ngàn đồng
b Từ trên 6 triệu đồng đến 400 triệu đồng 3% giá trị tranh chấp, nhưng không thấp hơn 300 ngàn đồng
c Từ trên 400 triệu đồng đến 2 tỷ đồng 12 triệu đồng + 2% của phần giá trị có tranh chấp vượt quá 400 triệu đồng
d Từ trên 2 tỷ đồng 44 triệu đồng + 0,1% của phần giá trị có tranh chấp vượt 2 tỷ đồng

Ai phải chịu án phí? Người thua kiện sẽ phải chịu án phí, tuy nhiên người đi kiện phải nộp tạm ứng án phí, sau khi xét xử thì bên nào thua kiện phần nào thì chịu án phí cho phần đó.

Đối với án phí dân sự, đây là một khoản chi phí cho 1 vụ kiện bắt buộc mà đương sự phải nộp cho Tòa án. Theo đó, người nào thua kiện thì phải chịu án phí tương ứng với phần thua kiện. Người nào thắng kiện hoàn toàn thì không phải đóng bất kỳ một đồng án phí nào, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

2. Chi phí thuê luật sư (nếu có, thấp nhất 2.000.000 đ)

Thông thường, đối với những vụ kiện dân sự có tính chất đơn giản, giá trị tranh chấp không lớn thì đương sự không thuê luật sư, tuy nhiên có những vụ kiện giá trị tranh chấp rất lớn thì đương sự thường thuê luật sư tham gia để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Tùy thuộc vào tính chất của vụ việc, giá trị tranh chấp, tùy thuộc vào cách tính thù lao của các văn phòng luật sư và công ty luật mà thù lao và chi phí sẽ khác nhau. Dưới đây là ước chừng chi phí thuê luật sư thấp nhất bạn có thể tham khảo:

Chi phí thuê luật sư cho 1 vụ kiện ly hôn đơn phương: Từ 3.000.000 đ/vụ kiện

Chi phí thuê luật sư cho 1 vụ kiện đòi nợ: Từ 5.000.000 đ/vụ kiện

Chi phí thuê luật sư cho 1 vụ kiện tranh chấp đất đai: Từ 10.000.000 đ/vụ kiện

– Chi phí thuê luật sư cho 1 vụ kiện tranh chấp hợp đồng dân sự: Từ 3.000.000 đ

– Chi phí thuê luật sư cho 1 vụ kiện kinh doanh thương mại: Từ 10.000.000 đ

– Chi phí thuê luật sư cho 1 vụ kiện tranh chấp về lao động: Từ 2.000.000 đ

– Chi phí thuê luật sư cho 1 vụ kiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: Từ 5.000.000 đ

Nếu các bạn quan tâm, vui lòng tham khảo bảng giá chi phí thuê luật sư khởi kiện vụ án dân sự để biết thêm thông tin chi tiết chi phí thuê luật sư cho 1 vụ kiện tranh chấp dân sự trong các lĩnh vực khác nhau.

Ai phải chịu chi phí thuê luật sư cho 1 vụ kiện?

Theo quy định tại Điều 168 BLTTDS thì ai thuê luật sư người đó chịu chi phí thuê luật sư. Tuy nhiên, nếu rơi vào một trong các trường hợp sau đây thì bên thua kiện phải chịu cả chi phí thuê luật sư cho người thắng kiện:

– Nguyên đơn thua kiện trong vụ án sở hữu trí tuệ thì nguyên đơn phải chịu chi phí thuê luật sư cho bị đơn.

Căn cứ tại khoản 4 Điều 198 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2022 quy định: “Bị đơn trong vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nếu được Tòa án kết luận là không thực hiện hành vi xâm phạm có quyền yêu cầu Tòa án buộc nguyên đơn thanh toán cho mình chi phí hợp lý để thuê luật sư hoặc các chi phí khác theo quy định của pháp luật”.

– Bên lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà gây thiệt hại phải bồi hoàn chi phí luật sư

Tại khoản 5 Điều 198 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2022 quy định: “Tổ chức, cá nhân lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì tổ chức, cá nhân bị thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên lạm dụng thủ tục đó phải bồi thường cho những thiệt hại do việc lạm dụng gây ra, trong đó bao gồm chi phí hợp lý để thuê luật sư”.

– Khởi kiện tại Trọng tài thương mại thì bên thắng kiện có thể được bồi hoàn chi phí luật sư

Hiện nay tại Việt Nam có rất nhiều Trung tâm trọng tài thương mại, trong số đó cũng có nhiều Trung tâm trọng tài có quy tắc xét xử xem chi phí thuê luật sư cũng là một khoản thiệt hại và được bồi thường.

Theo đó, Hội đồng trọng tài khi xét xử họ có thể xem xét chấp nhận yêu cầu này nếu các bên có thỏa thuận trong hợp đồng về điều khoản bồi thường chi phí luật sư, và bên yêu cầu phải chứng minh chi phí đó bằng các hóa đơn, chứng từ hợp lệ.

3. Chi phí đi lại, ăn ở khi khởi kiện (nếu Tòa án ở xa)

Thông thường, khi bạn đi kiện một người nào đó thì bạn phải nộp đơn đến Tòa án nơi bị đơn (người bị kiện) để được giải quyết. Trong trường hợp Tòa án nơi người bị kiện có khoảng cách địa lý xa so với nơi ở của bạn thì bạn sẽ phải tốn thêm chi phí di chuyển, chẳng hạn như gần thì bạn có thể di chuyển bằng xe máy, oto, nếu xa thì bạn có thể di chuyển bằng tàu hỏa hoặc máy bay. Chi phí lúc này tùy thuộc vào cách bạn lựa chọn phương tiện di chuyển.

Ngoài ra, có một số vụ kiện mà đương sự sẽ phải tới trước 1 ngày để ở lại, chẳng hạn khi nguyên đơn ở TPHCM, bị đơn ở Hà Nội mà Tòa án thông báo thời gian xét xử là vào lúc 8h30 sáng, lúc này để tránh không bị chậm trễ, đương sự có thể phải bay từ TPHCM ra Hà Nội từ hôm trước, thuê khách sạn ở lại để kịp giờ xét xử.

Tiền di chuyển, ăn ở cũng là một khoản chi phí cho 1 vụ kiện dân sự mà bạn cũng nên liệt kê vào kế hoạch của mình, mặc dù có thể số tiền này ít, nhưng nếu như vụ kiện của bạn có giá trị tranh chấp không lớn thì bạn có thể xem xét đến việc ủy quyền cho người khác tại nơi có Tòa án để hạn chế phát sinh chi phí.

Ai chịu chi phí di chuyển, ăn ở của đương sự?

Hiện nay, không có bất kỳ một quy định nào liên quan đến việc nghĩa vụ phải chịu chi phí di chuyển, lưu trú, ăn ở của đương sự, do đó khoản chi phí này sẽ do các đương sự phải tự chịu.

4. Chi phí giám định (nếu có)

Chi phí giám định cũng là không khoản chi phí cho 1 vụ kiện mà các bạn nên liệt kê vào để tính toán kỹ lưỡng nếu vụ việc của bạn phải giám định, đây là số tiền cần thiết và hợp lý phải chi trả cho việc giám định và do người giám định tính căn cứ vào quy định của pháp luật.

Ai phải chịu chi phí giám định?

Tại điều 161 BLTTDs 2015 quy định, trường hợp các bên đương sự không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì nghĩa vụ chịu chi phí giám định được xác định như sau:

– Người yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định phải chịu chi phí giám định, nếu kết quả giám định chứng minh yêu cầu của người đó là không có căn cứ.

Trường hợp kết quả giám định chứng minh yêu cầu của họ chỉ có căn cứ một phần thì họ phải nộp chi phí giám định đối với phần yêu cầu của họ đã được chứng minh là không có căn cứ.

– Người không chấp nhận yêu cầu trưng cầu giám định của đương sự khác trong vụ án phải nộp chi phí giám định, nếu kết quả giám định chứng minh yêu cầu của người yêu cầu trưng cầu giám định là có căn cứ.

Trường hợp kết quả giám định chứng minh yêu cầu trưng cầu giám định chỉ có căn cứ một phần thì người không chấp nhận yêu cầu trưng cầu giám định phải chịu chi phí giám định tương ứng với phần yêu cầu đã được chứng minh là có căn cứ.

– Trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217, điểm b khoản 1 Điều 299 của BLTTDS thì nguyên đơn phải chịu chi phí giám định.

Trường hợp đình chỉ giải quyết việc xét xử phúc thẩm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 289, khoản 3 Điều 296 của BLTTDS thì người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải chịu chi phí giám định;

– Trường hợp người tự mình yêu cầu giám định theo quy định tại khoản 3 Điều 160 của BLTTDS, nếu kết quả giám định chứng minh yêu cầu của người đó là có căn cứ thì người thua kiện phải chịu chi phí giám định.

Trường hợp kết quả giám định chứng minh yêu cầu giám định của họ chỉ có căn cứ một phần thì họ phải nộp chi phí giám định đối với phần yêu cầu của họ đã được chứng minh là không có căn cứ;

5. Chi phí định giá tài sản (nếu có)

Định giá tài sản là một biện pháp phổ biến trong các tranh chấp dân sự, do đó nếu vụ việc của bạn có tài sản chưa xác định được giá trị của nó là bao nhiêu thì trước khi khởi kiện, các bạn cần liệt kê nó vào danh sách các khoản chi phí cho 1 vụ kiện tranh chấp dân sự của mình để có tính toán phù hợp.

Chi phí định giá tài sản là số tiền cần thiết và hợp lý phải chi trả cho công việc định giá tài sản và do Hội đồng định giá tính căn cứ vào quy định của pháp luật.

Ai phải chịu chi phí định giá tài sản?

Tại Điều 165 BLTTDS quy định như sau:

– Đương sự phải chịu chi phí định giá tài sản nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.

– Trường hợp yêu cầu Tòa án chia tài sản chung thì mỗi người được chia tài sản phải chịu phần chi phí định giá tài sản tương ứng với tỷ lệ giá trị phần tài sản mà họ được chia.

– Trường hợp Tòa án ra quyết định định giá tài sản quy định tại điểm c khoản 3 Điều 104 của BLTTDS thì nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản được xác định như sau:

+ Đương sự phải chịu chi phí định giá tài sản nếu kết quả định giá chứng minh quyết định định giá tài sản của Tòa án là có căn cứ và Tòa án không chấp nhận yêu cầu của đương sự

+ Nếu kết quả định giá tài sản chứng minh quyết định định giá tài sản của Tòa án là không có căn cứ thì Tòa án chịu chi phí định giá tài sản.

– Trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217, điểm b khoản 1 Điều 299 của BLTTDS và Hội đồng định giá đã tiến hành định giá thì nguyên đơn phải chịu chi phí định giá tài sản.

6. Chi phí cho người làm chứng (nếu có)

Thông thường, trong các giao dịch dân sự mà không có hợp đồng hoặc giấy tờ liên quan (chẳng hạn như cho mượn tiền nhưng không làm giấy tờ) thì khi khởi kiện đòi nợ là tương đối khó, bởi vì không có bằng chứng liên quan, lúc này nếu như giao dịch đó của bạn có người làm chứng thì bạn có thể mời người đó là người làm chứng cho giao dịch của bạn.

Người đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng phải chịu tiền chi phí cho người làm chứng nếu lời làm chứng phù hợp với sự thật nhưng không đúng với yêu cầu của người đề nghị.

Trường hợp lời làm chứng phù hợp với sự thật và đúng với yêu cầu của người đề nghị triệu tập người làm chứng thì chi phí này do đương sự có yêu cầu độc lập với yêu cầu của người đề nghị chịu.

7. Chi phí cho người phiên dịch (nếu có)

Theo quy định, ai thuê người phiên dịch trong một vụ kiện thì người đó phải chịu chi phí cho người phiên dịch đó. Trường hợp Tòa án mời phiên dịch thì Tòa án phải chịu chi phí cho người phiên dịch.

Đối với một số vụ án dân sự có hợp đồng sử dụng ngôn ngữ khác mà không phải là tiếng Việt thì sẽ có người phiên dịch tham gia quá trình tố tụng. Khi đó, tiền thuê người phiên dịch lúc này cũng được liệt kê vào một trong những khoản chi phí cho 1 vụ kiện mà đương sự cân nhắc.

8. Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ (nếu có)

Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ là số tiền hợp lý phải chi trả cho việc xem xét, thẩm định tại chỗ căn cứ vào quy định của pháp luật.

Ai phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ?

Tại Điều 157 BLTTDS 2015 quy định, trường hợp các bên đương sự không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì nghĩa vụ chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ được xác định như sau:

– Đương sự phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.

– Trường hợp yêu cầu Tòa án chia tài sản chung thì mỗi người được chia tài sản phải chịu phần chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ theo tỷ lệ giá trị phần tài sản mà họ được chia.

– Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải nộp chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.

9. Chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài (nếu có)

Các trường hợp cần ủy thác tư pháp ra nước ngoài khi cần thu thập, cung cấp chứng cứ, tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu, triệu tập người làm chứng, người giám định,…

– Chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài “là số tiền cần thiết và hợp lý phải chi trả cho việc thực hiện ủy thác tư pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và của nước được yêu cầu ủy thác tư pháp” 1.

Ai phải chịu chi phí ủy thác tư pháp trong 1 vụ kiện dân sự?

Tại khoản 1 Điều 153 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: “Đương sự phải chịu chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài nếu yêu cầu giải quyết vụ việc của họ không được Tòa án chấp nhận”. Như vậy, nếu tranh chấp của đương sự mà làm phát sinh việc ủy thác tư pháp ra nước ngoài mà sau đó, Tòa án xét xử tuyên người đó thua kiện (không được tòa án chấp nhận yêu cầu tương ứng với phần ủy thác) thì phải chịu chi phí.

Trường hợp yêu cầu Tòa án chia tài sản chung thì mỗi người được chia tài sản phải chịu phần chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài tương ứng với tỷ lệ giá trị phần tài sản mà họ được chia.

Đối với vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải nộp chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

Trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài.

10. Chi phí áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (nếu có)

Trường hợp bạn nhận thấy bị đơn có tài sản và chuẩn bị tẩu tán nhằm trốn tránh nghĩa vụ thì bạn cũng có thể yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, khi đó bạn sẽ phải đặt cọc 1 khoản tiền tương đương với thiệt hại có thể xảy ra nếu như yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó của bạn gây ra hậu quả thiệt hại cho bị đơn. Lúc này, khoản tiền đó sẽ được sử dụng để bồi thường thiệt hại cho bị đơn.

Trên đây là 10 khoản chi phí cho 1 vụ kiện mà trước khi tiến hành nộp đơn, đương sự cần cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng để tránh phải chịu các nghĩa vụ chi phí liên quan, hạn chế việc yêu cầu nếu không có căn cứ.

Hiện nay, tình trạng vi phạm nghĩa vụ trong các mối quan hệ dân sự diễn ra tương đối phổ biến, khi quyền và lợi ích hợp pháp bị ảnh hưởng thì họ sẽ có nhiều cách xử lý khác nhau, trong đó thương lượng và đàm phán là biện pháp giải quyết hiệu quả nhất.  Trong trường hợp thương lượng và đàm phán không thành công thì chỉ còn con đường giải quyết tại Tòa án, tuy nhiên nếu như chi phí cho 1 vụ kiện đó mà cao hơn giá trị tranh chấp mà bạ có thể thu về thì bạn cũng nên suy xét xem có nên khởi kiện hay không,tránh tình trạng sau kiện mà còn tốn kém hơn so với trước khi kiện. Chúc bạn thành công!

Thực hiện: Luật sư Bình Dương

5/5 - (5 votes)
  1. khoản 1 Điều 151 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 .

Bài nổi bật

Bên thua kiện có phải chịu án phí dân sự sơ thẩm?

Bên thua kiện có phải chịu án phí dân sự sơ thẩm?

Bên thua kiện có phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không? Không nộp …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *