Home / Hoạt động nghề nghiệp / Cách tính thù lao luật sư trong vụ án dân sự, hình sự

Cách tính thù lao luật sư trong vụ án dân sự, hình sự

Thù lao luật sư trong vụ án dân sự và hình sự là bao nhiêu? Căn cứ tính thù lao luật sư trong vụ án dân sự và hình sự được quy định như thế nào? Trong trường hợp nào thì quy định mức trần thù lao luật sư? Dưới đây công ty luật Nhân Hậu sẽ hướng dẫn các bạn cách tính thù lao, chi phí cho luật sư trong vụ án dân sự và hình sự theo quy định mới nhất hiện nay.

I. Căn cứ tính thù lao luật sư trong vụ án dân sự

Tại khoản 1 Điều 55 Luật luật sư 2015 quy định, thù lao của luật sư được tính dựa vào 3 căn cứ như sau: Căn cứ vào nội dung và tính chất của dịch vụ pháp lý đơn giản hay phức tạp, căn cứ vào thời gian và công sức của luật sư để thực hiện dịch vụ pháp lý, và cuối cùng là căn cứ vào sự uy tín và kinh nghiệm của luật sư.

Căn cứ tính thù lao luật sư trong vụ án dân sự

1. Căn cứ vào nội dung, tính chất của dịch vụ pháp lý

Luật sư và khách hàng dựa vào nội dung và tính chất của dịch vụ pháp lý để thỏa thuận mức thù lao (chi phí) cho luật sư, nếu như vụ việc có tính chất phức tạp thì thù lao luật sư sẽ cao, ngược lại tính chất của vụ việc đơn giản thì thù lao của luật sư sẽ thấp.

Ví dụ: Trong vụ việc ly hôn mà không có yêu cầu chia tài sản và giành quyền nuôi con thì được xem là vụ việc có tính chất đơn giản, do đó thù lao cho luật sư trong vụ việc ly hôn này sẽ thấp. Ngược lại nếu như vụ việc ly hôn mà có tranh chấp về tài sản giá trị lớn và giành quyền nuôi con thì chi phí thuê luật sư ly hôn trong trường hợp này sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, cần phải đưa ra khái niệm hoặc tiêu chí để đánh giá một vụ việc như thế nào được xem là phức tạp, vụ việc nào được xem là đơn giản. Các tiêu chí này hoàn toàn do luật sư tự nhận định và đánh giá, và đây cũng là điều dễ hiểu, bởi lẽ luật sư dựa vào khả năng chuyên môn và hiểu biết pháp luật của mình để đánh giá nội dung vụ việc.

Có một đặc điểm khi đánh giá vụ việc đơn giản hay phức tạp là luật sư giỏi và có nhiều kinh nghiệm thường đánh giá vụ việc đơn giản và luật sư có trình độ chuyên môn thấp thường đánh giá vụ việc phức tạp. Bởi vì luật sư giỏi họ nhìn vào hồ sơ vụ án dân sự đó họ sẽ biết ngay cách để xử lý một cách nhanh chóng, còn luật sư có ít kinh nghiệm thì phải mất nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu kỹ càng hơn. Tuy nhiên luật sư giỏi và giàu kinh nghiệm thì thường mức phí và thù lao sẽ cao hơn.

Trên thực tế, việc tính thù lao cho luật sư là căn cứ vào sự thỏa thuận giữa luật sư và khách hàng (người sử dụng dịch vụ pháp lý), nếu thỏa thuận được thì khoản thù lao đó phải được ghi rõ trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.

2. Căn cứ vào thời gian và công sức của luật sư để thực hiện dịch vụ pháp lý;

Thời gian và công sức của luật sư để thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng là căn cứ tính thù lao được nhiều người lựa chọn, theo đó thời gian luật sư làm việc ít thì chi phí thấp và ngược lại thời gian luật sư làm nhiều thì thù lao cao.

Trong một số vụ việc, khách hàng có thể thỏa thuận thù lao luật sư bằng hình thức tính giờ làm việc, đây là hình thức giúp khách hàng tiết kiệm được chi phí thuê luật sư một cách hiệu quả. Tuy nhiên cần phải nhắc đến vấn đề luật sư có cố tình kéo dài thời gian để hưởng thêm thù lao của khách hàng hay là không.

Trên thực tế, có những công việc mà luật sư có thể thực hiện trong khoảng thời gian từ 1 – 5 tiếng đồng hồ là xong, tuy nhiên để được tăng thêm chi phí, luật sư cố tình kéo dài thời gian làm việc, từ đó không những khiến cho khách hàng bị thiệt hại về kinh tế mà công việc của khách hàng cũng không được bảo đảm đúng tiến độ như kỳ vọng, có thể ảnh hưởng đến công việc của khách hàng.

Ví dụ: Khách hàng ủy quyền cho luật sư thực hiện công việc đóng tạm ứng án phí cho Tòa án tại cơ quan thi hành án dân sự trong cùng tỉnh thành nơi luật sư đang cư trú. Công việc này này trên thực tế chỉ mất khoảng 2 – 5 tiếng đồng hồ (tùy thuộc khoảng cách địa lý nơi luật sư ở đến cơ quan thi hành án dân sự). Tuy nhiên, luật sư cố tình kéo dài thời gian, bằng cách di chuyển chậm hơn, khi đến cơ quan thi hành án không thực hiện thủ tục đóng tiền ngay mà dừng lại kiểm tra hồ sơ một cách lâu la, kiểm tra đi kiểm tra lại, không bốc số thứ tự hoặc khi đến số thứ tự thì giả vờ không nghe để qua lượt sau đó bốc lại số thứ tự khác,… Như vậy là luật sư có thể kéo dài thời gian để hưởng thêm thù lao.

3. Căn cứ vào kinh nghiệm và uy tín của luật sư.

Kinh nghiệm và uy tín cũng là căn cứ để tính thù lao của luật sư, luật sư có nhiều năm kinh nghiệm và có uy tín cao thì thường sẽ có mức thù lao cao và ngược lại. Tuy nhiên, không phải lúc nào luật sư có uy tín và nhiều năm kinh nghiệm thì họ đều thu phí chí cao, mà tùy thuộc vào từng tổ chức hành nghề luật sư đưa ra mức phí cụ thể.

Theo quy định pháp luật, khách hàng chỉ được ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với tổ chức hành nghề luật sư (công ty luật, văn phòng luật sư), còn đối với các luật sư hành nghề với tư cách cá nhân hoặc hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư theo hợp đồng lao động thì không được cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng.

Việc luật sư ký hợp đồng dịch vụ pháp lý phải thông qua tổ chức hành nghề luật sư với vai trò là người được ủy quyền. Do đó, luật sư được ủy quyền khi ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng mặc dù là người có kinh nghiệm lâu năm, có uy tín trong giới luật sư đi chăng nữa thì cũng không thể tự mình đưa ra mức chi phí được, mà phải thông qua tổ chức hành nghề luật sư.

Thông thường, khách hàng khí có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý thì sẽ liên hệ đến các văn phòng luật sư hoặc công ty luật để tư vấn và tham khảo bảng giá chi phí thuê luật sư của tổ chức. Và trong trường hợp này khách hàng sẽ được người đại diện, người tư vấn, người được ủy quyền báo giá chi phí, báo giá chi phí này là của tổ chức hành nghề luật sư chứ không phải là luật sư báo giá chi phí.

Cũng theo lẽ thông thường, những tổ chức hành nghề luật sư có đội ngũ luật sư giỏi, giàu kinh nghiệm và có uy tín cao thì họ cũng sẽ thu phí cao, do họ sẽ phải trả lương cho luật sư cao, đây là lẽ thông thường cũng dễ hiểu.

Tuy nhiên trên thực tế thì việc tổ chức hành nghề luật sư có đội ngũ luật sư giỏi và giàu kinh nghiệm đi chăng nữa nhưng nếu không đạt được thỏa thuận về thù lao và chi phí với khách hàng thì cũng đều vô nghĩa, do đó căn cứ vào tình hình thực tế thì chi phí và thù lao luật sư là do khách hàng và tổ chức hành nghề luật sư thỏa thuận và được ghi vào trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.

II. Cách tính phí luật sư trong vụ án dân sự, hình sự

Tại khoản 2 Điều Điều 55 Luật luật sư 2015 quy định có 4 cách tính phí luật sư bao gồm: Chi phí thuê luật sư tính theo giờ làm việc thực tế của luật sư, hoặc tính theo vụ việc trọn gói, hoặc tính theo tỷ lệ phần trăm kết quả đạt được trong vụ án, hoặc tính theo hợp đồng dịch vụ pháp lý dài hạn với mức thù lao và chi phí cố định.

Cách tính phí luật sư trong vụ án dân sự, hình sự

1. Chi phí thuê luật sư được tính theo giờ làm việc

Chi phí thuê luật sư được tính theo giờ làm việc là căn cứ vào thời gian làm việc trên thực tế mà luật sư đã bỏ ra để thực hiện công việc liên quan đến hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng, thời gian làm việc càng nhiều thì thù lao và chi phí sẽ càng cao và ngược lại.

Ví dụ: Khách hàng và tổ chức hành nghề luật sư ký hợp đồng dịch vụ pháp lý để thuê luật sư tham gia tranh tụng tại Tòa án giai đoạn sơ thẩm. Trong hợp đồng dịch vụ pháp lý ghi rõ: Thù lao và chi phí luật sư tính theo giờ làm việc trên thực tế của luật sư, cứ mỗi giờ làm việc của luật sư được tính bằng 500.000 đ/giờ làm việc thực tế. Như vậy, trong hợp đồng này chi phí và thu lao luật sư được tính dựa vào thời gian mà phiên tòa xét xử diễn ra. Trường hợp phiên tòa xét xử diễn ra trong thời gian 3 giờ thì chi phí và thu lao cho luật sư là 500.000 đ x 3 giờ = 1.500.000 đ.

Hình thức tính phí luật sư theo giờ làm việc thực tế có ưu điểm là giúp khách hàng tiết kiệm được chi phí một cách hiệu quả, tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp luật sư làm việc không nhiệt tình, làm việc hời hợt, làm việc không hết khả năng của mình, thậm trí còn có thể có trường hợp luật sư cố tính kéo dài thời gian làm việc (trong các công việc tư vấn, ủy quyền thực hiện thủ tục hành chính,…).

2. Chi phí thuê luật sư được tính theo vụ việc trọn gói

Chi phí thuê luật sự tính theo vụ việc trọn gói là một trong những hình thức được nhiều tổ chức hành nghề luật sư lựa chọn, với cách tính này thì tổ chức hành nghề luật sư phải lường trước được hết tất cả các vấn đề phát sinh (nếu có) để dự liệu chi phí và thù lao, trường hợp nhận chi phí thấp mà phát sinh thì có thể khiến cho tổ chức hành nghề luật sư bị thiệt thòi.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý, nếu có phát sinh các khoản chi phí khác thì tổ chức hành nghề luật sư có quyền thỏa thuận với khách hàng về khoản thù lao và chi phí, sau đó phải được bổ sung bằng phụ lục hoặc bằng văn bản đính kèm vào hợp đồng chính.

Tuy nhiên, trong trường hợp này khách hàng có quyền từ chối thỏa thuận lại chi phí và thu lao, nghĩ rằng tổ chức hành nghề luật sư đang “vòi vĩnh” thêm tiền cho nên không hấp nhận, yêu cầu giữ nguyên khoản chi phí và thu lao đã thỏa thuận trong hợp đồng trước đó. Do không được thỏa thuận lại chi phí có thể dẫn tới hậu quả tổ chức hành nghề luật sư làm việc không hiệu quả, dẫn tới công việc của khách hàng cũng không được bảo đảm.

Mặc dù trên thực tế là có phát sinh chi phí thật nhưng việc khách hàng nghi ngờ là có căn cứ và cũng là điều dễ hiểu, bởi tổ chức hành nghề luật sư phải dự liệu được tất cả trường hợp (kể cả vấn đề phát sinh) để báo giá chi phí cho khách hàng.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp để “giành giật” khách hàng, tổ chức hành nghề luật sư “chơi chiêu” cạnh tranh không lành mạnh, bằng cách báo giá thật thấp, thấp hơn tất cả tổ chức hành nghề luật sư khác để bằng mọi cách ký được hợp đồng với khách hàng. Sau khi ký được hợp đồng với khách hàng và thực hiện công việc được một thời gian thì tìm cách thỏa thuận tăng chi phí vì có phát sinh, đồng thời ngụ ý cho khách hàng hiểu rằng nếu không tăng chi phí thì vụ việc của khách hàng khó có được kết quả tốt đẹp, do sự việc đã rồi, gạo đã nấu thành cơm, lỡ rồi nên khách hàng ngậm ngùi phải thỏa thuận lại chi phí với tổ chức hành nghề luật sư.

3. Chi phí thuê luật sư được tính theo tỷ lệ phần trăm của giá ngạch vụ kiện hoặc giá trị hợp đồng, giá trị dự án

Đây là cách tính thù lao cho luật sư còn nhiều tranh cãi, có người thì cho rằng tỷ lệ phần trăm đó là dựa theo giá trị thắng kiện, có người thì cho rằng tính theo giá trị của vụ kiện mà không phụ thuộc vào giá trị đạt được. Vậy thì, cách nghĩ và cách tính nào là chính xác?

Luật đã quy định thù lao được tính theo “Vụ, việc với mức thù lao tính theo tỷ lệ phần trăm của giá ngạch vụ kiện hoặc giá trị hợp đồng, giá trị dự án”. Như vậy, cách hiểu thứ 2 mới là chính xác, việc luật sư tính thù lao dựa theo giá trị của vụ kiện hoặc giá trị hợp đồng, dự án là hoàn toàn chính xác, nếu tính theo cách nghĩ thứ nhất thì đó là hành vi vi phạm pháp luật và bộ quy tắc đạo đức của luật sư.

Theo quy định pháp luật, nghiêm cấm việc luật sư ký hợp đồng dịch vụ pháp lý và trong đó có điều khoản hứa thưởng hoặc cam kết kết quả. Đây là 2 hình thức hợp đồng hoàn toàn khác nhau nhưng có những điểm tương đồng mà nếu luật sư không cẩn thận thì rất dễ bị nhầm lẫn, dẫn đến hậu quả là hợp đồng bị vô hiệu, đồng thời luật sư còn có thể bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định.

Để làm rõ được 2 loại hợp đồng này, công ty luật Nhân Hậu xin đưa ra ví dụ như sau:

Ví dụ 1: Khách hàng ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với một văn phòng luật sư tại TPHCM để khởi kiện đòi khoản nợ trị giá 5 tỷ đồng. Trong hợp đồng có thỏa thuận là chi phí và thù lao được tính theo tỷ lệ phần trăm của giá ngạch vụ kiện, cụ thể tổ chức hành nghề luật sư sẽ được hưởng 10% giá trị của vụ kiện. Sau khi kết thúc vụ việc, văn phòng luật sư đó giúp khách hàng thu hồi về được 3 tỷ, vậy khách hàng phải thanh toán thù lao cho luật sư bao nhiêu tiền?

– Trường hợp 1: Khách hàng trả 10% trên tổng số tiền 3 tỷ đòi được (với số tiền 300 triệu đồng)?

Trường hợp này nghe có vẻ hợp lý, tuy nhiên lại trái quy định pháp luật, bởi lẽ nếu tính thù lao bằng cách thức này thì nó sẽ rơi vào trường hợp cam kết kết quả (thắng kiện, đòi được tiền mới thu phí).

– Trường hợp 2: khách hàng trả 10% trên tổng số tiền 5 tỷ của vụ kiện (với số tiền 500 triệu đồng)?

Như vậy, ranh giới giữa việc thỏa thuận thù lao luật sư theo vụ, việc với mức thù lao tính theo “tỷ lệ phần trăm của giá ngạch vụ kiện hoặc giá trị hợp đồng, giá trị dự án” và “thỏa thuận hứa thưởng, cam kết kết quả” là rất mong manh, nếu như luật sư không cẩn thận thì rất dễ vi phạm pháp luật.

Tìm hiểu nguyên nhân tại sao luật sư không được ký hợp đồng hợp đồng hứa thưởng để biết thêm thông tin chi tiết, hoặc tham khảo bài phân tích luật sư không được thỏa thuận mức thưởng nếu thắng kiện để hiểu rõ các quy định liên quan một cách đầy đủ hơn.

4. Chi phí thuê luật sư được tính theo hợp đồng dài hạn với mức thù lao cố định

Chi phí thuê luật sư theo hợp đồng dài hạn với mức thù lao cố định thường được sử dụng bởi các doanh nghiệp bằng việc ký hợp đồng dịch vụ tư vấn pháp lý thường xuyên với tổ chức hành nghề luật sư. Việc này giúp cho doanh nghiệp không sợ tốn kém chi phí mà kết quả cũng như các vấn đề pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình vẫn được bảo đảm.

Tuy nhiên, để ký hợp đồng tư vấn pháp luật thường xuyên được hiệu quả và tiết kiệm chi phí thì doanh nghiệp cần dự liệu được những vấn đề phát sinh có liên quan đến doanh nghiệp mình, dự liệu khối lượng, số lượng phát sinh để lựa chọn dịch vụ cho phù hợp, tránh trường hợp sử dụng dịch vụ không hết công suất làm lãng phí chi phí, hoặc sử dụng quá công suất của dịch vụ mà phát sinh chi phí cao hơn so với bình thường.

Đối với những doanh nghiệp lớn, có quy mô hoạt động lớn hoặc hoạt động có yếu tố nước ngoài thì không nên sử dụng hình thức tư vấn pháp luật thường xuyên, mà thay vào đó là nên lập thành một phòng pháp chế chuyên giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến doanh nghiệp của mình. Việc này mặc dù tốn kém chi phí hơn nhưng đổi lại giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận, giải quyết vấn đề phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình một cách nhanh chóng, hiệu quả và ổn định.

Ví dụ: Một doanh nghiệp chuyên xuất nhập khẩu và mua bán hàng hóa có quy mô lớn thì nên thành lập phòng pháp chế, sau đó hợp đồng lao động với 1 – 3 luật sư làm việc với tư cách cá nhân để làm việc cho doanh nghiệp mình và trả lương hằng tháng.

Trong trường hợp một doanh nghiệp hoạt động mua bán hàng hóa có quy mô nhỏ, hoặc các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ thì không nên thành lập phòng pháp chế, mà thay vào đó là có thể sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý thường xuyên để giúp tiết kiệm chi phí tốt hơn mà công việc và vấn đề pháp lý vẫn được bảo đảm giải quyết đúng quy định pháp luật.

III. Mức trần thù lao luật sư trong vụ án hình sự là bao nhiêu?

Tại Điều 18 và Điều 19 Nghị định 123/2013/NĐ-CP quy định mức trần thù lao luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự là 0,3 lần mức lương cơ sở/giờ làm việc, đối với trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tố tụng thì mức trần thù lao luật sư là 0,4 lần mức lương cơ sở/ ngày làm việc (8 tiếng).

Theo đó, thù lao luật sư trong vụ án hình sự được chia thành 2 hình thức, đó là khách hàng thuê luật sư tham gia tố tụng và luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể:

– Trường hợp 1: Khách hàng (bị can, bị cáo hoặc người thân, người đại diện của bị can, bị cáo) có thể nhờ luật sư để tham gia bào chữa nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo. Trường hợp này được hiểu là khách hàng thuê luật sư và phải trả thù lao và chi phí cho luật sư.

Mức thù lao mà khách hàng phải trả cho luật sư trong trường hợp này cao nhất cho 1 giờ làm việc = 0,3 lần mức lương cơ sở do chính phủ quy định.

Trường hợp 2: Luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng chỉ được áp dụng đối với những đối tượng được trợ giúp pháp lý, bao gồm: Người có công với cách mạng, Người thuộc hộ nghèo, Trẻ em, Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo, Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính.

Trong trường hợp này thì nhà nước sẽ chi trả chi phí và thù lao cho luật sư, và mức thù lao cao nhất mà luật sư nhận được trong quá trình tố tụng là không quá 0,4 lần mức lương cơ sở cho 1 ngày làm việc (8 tiếng).

Tìm hiểu các trường hợp được trợ giúp pháp lý miễn phí để biết thêm chi tiết.

Lưu ý: Mức trần thù lao luật sư trong cả 2 trường hợp nêu trên chỉ áp dụng đối với giai đoạn tố tụng hình sự. Ngoài ra, nếu khách hàng muốn thuê luật sư tư vấn hoặc thực hiện các dịch vụ pháp lý khác ngoài quá trình tố tụng thì không áp dụng mức trần thù lao và chi phí cho luật sư, do đó chi phí và thù lao luật sư do các bên thỏa thuận.

Trên đây là quy định về mức trần thù lao luật sư trong vụ án hình sự và chỉ áp dụng trong giai đoạn luật sư tham gia tố tụng. Đối với vụ án dân sự thì không áp dụng mức trần thù lao luật sư, do đó thù lao và chi phí thuê luật sư trong vụ án dân sự do các bên thỏa thuận.

5/5 - (2 votes)

Bài nổi bật

Những trường hợp ngoại lệ về nghĩa vụ giữ bí mật của luật sư

Những trường hợp ngoại lệ về nghĩa vụ giữ bí mật của luật sư

Theo quy định trong Luật luật sư, Điều lệ liên đoàn luật sư Việt Nam, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *