Trường hợp tranh chấp nào bắt buộc phải hòa giải và hòa giải ở đầu? Dưới đây chúng tôi sẽ phân tích chỉ ra các tranh chấp bắt buộc phải hòa giải trước khi nộp đơn khởi kiện ra Tòa án hoặc trung tâm trọng tài, thông qua đó giúp các bạn xác định chính xác vụ việc để giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Trường hợp tranh chấp nào bắt buộc phải hòa giải và hòa giải ở đâu?
Theo quy định pháp luật hiện nay, các trường hợp tranh chấp bắt buộc phải hòa giải bao gồm: Trường hợp các bên có thỏa thuận trong hợp đồng (hòa giải thương mại), Tranh chấp ly hôn (Bắt buộc hòa giải ở Tòa án), tranh chấp đất đai (hòa giải tại Ủy ban nhân dân), và tranh chấp lao động (bởi hòa giải viên lao động).
1. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc hòa giải khi có tranh chấp
Trường hợp các bên tham gia ký kết hợp đồng kinh tế mà có thỏa thuận về việc hòa giải mà nếu có xảy ra tranh chấp thì bắt buộc các bên phải tiến hành hòa giải theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP định nghĩa hòa giải thương mại “là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp” 1
Ví dụ, trong hợp đồng kinh tế có điều khoản ghi cụ thể: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hợp đồng này sẽ được giải quyết bởi Hòa giải viên thương mại, trường hợp hòa giải không thành thì các bên có quyền nộp đơn khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền” (hoặc Trung tâm trọng tài thương mại, nếu có thỏa thuận trọng tài). Như vậy, trong trường hợp này thì khi xảy ra tranh chấp các bên bắt buộc phải hòa giải trước, nếu như hòa giải không thành công thì mới có quyền ộp đơn khởi kiện ra Tòa án hoặc Trung tâm trọng tài.
Việc thỏa thuận hòa giải thương mại có thể được lập trước hoặc sau khi tranh chấp xảy ra. Tuy nhiên, nếu như đã có điều khoản về hòa giải thương mại trong hợp đồng thì bắt buộc phải được tiến hành hòa giải theo thỏa thuận.
Về kết quả hòa giải bởi Hòa giải viên thương mại: “Khi đạt được kết quả hòa giải thành các bên lập văn bản về kết quả hòa giải thành. Văn bản về kết quả hòa giải thành có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự” 2.
Theo đó, kết quả hòa giải thành sẽ có hiệu lực thi hành, nếu một bên không thi hành theo kết quả hòa giải thì một bên có quyền yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành, lúc này quyết định công nhận kết quả hòa giải thành của Tòa án sẽ được thi hành án theo thủ tục thi hành án dân sự.
2. Tranh chấp về ly hôn bắt buộc phải hòa giải ở tại Tòa án
Theo quy định Luật hôn nhân và gia đình 2014, đối với những vụ việc ly hôn thì bắt buộc phải hòa giải, theo đó “sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự” 3.
Hòa giải ly hôn là một thủ tục bắt buộc trong quá trình giải quyết mà Tòa án sẽ thực hiện. Sau khi hòa giải tại Tòa án mà không thành công thì Tòa án mới giải quyết công nhận việc ly hôn nếu có căn cứ về việc “vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được” 4.
Trong quá trình hòa giải ly hôn, Tòa án sẽ tiến hành hòa giải theo hướng hàn gắn để vợ chồng đoàn tụ, nghĩa là Thẩm phán được giao nhiệm vụ sẽ phân tích cho vợ chồng hiểu hơn về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, nghĩa vụ với con… để từ đó hàn gắn, gắn kết vợ chồng.
3. Tranh chấp đất đai thì bắt buộc phải hòa giải ở Ủy ban nhân dân xã
Theo quy định Luật đất đai 2024 (có hiệu lực từ 01/7/2024) thì trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai thì các bên tranh chấp phải thực hiện hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.
Theo đó, khi xảy ra tranh chấp về đất đai thì một hoặc 2 bên làm đơn yêu cầu hòa giải và gửi đến Ủy ban nhân dân xã nơi có đất tranh chấp. “Sau khi nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai” 5.
Về kết quả hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân: “Nếu kết quả hòa giải thành và có thay đổi hiện trạng về ranh giới, diện tích, người sử dụng đất thì trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản công nhận kết quả hòa giải thành, các bên tham gia hòa giải phải gửi văn bản công nhận kết quả hòa giải thành đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định” 6.
Theo đó, khi hòa giải thành thì các bên đem theo văn bản công nhận kết quả hòa giải thành này đến Phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện để được đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
4. Tranh chấp lao động cá nhân phải hòa giải bởi hòa giải viên lao động
Đối với lĩnh vực lao động thì có 3 hình thức tranh chấp bắt buộc phải được hòa giải, bao gồm: Tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền, tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
a) Tranh chấp lao động cá nhân.
Tại Điều 188 Bộ luật lao động 2019 quy định: “Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết” 7.
Lưu ý: Những tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải hòa giải:
– Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải
– Tranh chấp khi người lao động bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
– Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
– Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
– Tranh chấp về các loại bảo hiểm: Bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp
– Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
– Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
b) Tranh chấp lao động tập thể về quyền
Bộ luật lao động 2019 quy định, đối với những “Tranh chấp lao động tập thể về quyền phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết” 8.
Tại khoản 2 Điều 179 Bộ luật lao động 2019 uy định: “Tranh chấp lao động tập thể về quyền là tranh chấp giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động”. Theo đó, bao gồm các tranh chấp sau đây:
– Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thỏa thuận hợp pháp khác;
– Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của pháp luật về lao động;
– Khi người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động vì lý do thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động;
– Khi người sử dụng lao động can thiệp, thao túng tổ chức đại diện người lao động;
– Khi người sử dụng lao động vi phạm nghĩa vụ về thương lượng thiện chí.
c) Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích
Đối với những “tranh chấp lao động tập thể về lợi ích phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết hoặc tiến hành thủ tục đình công” 9.
Tại khoản 3 Điều 179 Bộ luật lao động 2019 quy định, tranh chấp lao động tập thể về lợi ích bao gồm:
– Tranh chấp lao động phát sinh trong quá trình thương lượng tập thể;
– Khi một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trên đây chúng tôi đã phân tích các tranh chấp bắt buộc phải hòa giải trước khi nộp đơn ra Tòa án hoặc Trọng tài, hy vọng sẽ giúp các bạn trả lời được câu hỏi những trường hợp tranh chấp nào bắt buộc phải hòa giải và hòa giải ở đầu một cách chính xác, từ đó giúp cho việc giải quyết tranh chấp được nhanh chóng và hiệu quả, chúc các bạn thành công!
- Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP
- Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP
- Điều 54 Luật hôn nhân và gia đình 2014
- Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014
- Điểm a khoản 2 Điều 235 Luật đất đai 2024.
- Khoản 4 Điều 235 Luật đất đai 2024.
- Khoản 1 Điều 188 Bộ luật lao động 2019
- Khoản 2 Điều 191 Bộ luật lao động 2019
- Khoản 2 Điều 195 Bộ luật lao động 2019