Home / Kinh doanh thương mại / Phân tích các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm

Phân tích các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm

Cạnh tranh không lành mạnh là gì? Theo quy định pháp luật, hiện nay có bao nhiêu hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm? Cùng Công ty Luật Nhân Hậu tìm hiểu quy định pháp luật về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm theo Luật cạnh tranh 2018 dưới đây, thông qua đó doanh nghiệp có thể phát hiện bị doanh nghiệp khác đang cạnh tranh không lành mạnh, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời.

Điều 45. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm

“1. Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức sau đây:

a) Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;

b) Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

2. Ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó.

3. Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

4. Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đó.

5. Lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây:

a) Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác;

b) So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.

6. Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó.

7. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác bị cấm theo quy định của luật khác”.

I. Khái niệm hành vi cạnh tranh không lành mạnh là gì?

Tại khoản 6 Điều 3 Luật cạnh tranh 2018 định nghĩa “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác”1

Tại khoản 4 Điều 3 LCT 2004 định nghĩa “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng” 2

Thông qua hai định nghĩa nêu trên có thể thấy LCT 2018 đã loại bỏ đi hai đối tượng đó là “Nhà nước và người tiêu dùng”. Theo quan điểm của Công ty Luật Nhân Hậu thì quy định mới này hợp lý và tiến bộ hơn, bởi chỉ có những doanh nghiệp đối thủ hoặc doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, dịch vụ cùng loại thì mới có thể xung đột về mục tiêu và lợi ích, từ đó mới phát sinh quan hệ cạnh tranh.

Đối với hành vi doanh nghiệp gây thiệt hại cho Nhà nước hoặc người tiêu dùng thì không thể được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bởi các lý do sau:

– Xét về mối quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp thì không có mối quan hệ cạnh tranh với nhau (trừ trường hợp doanh nghiệp có vốn Nhà nước) mà chỉ có mối quan hệ hành chính, và hình sự. Nhà nước thống nhất quản lý doanh nghiệp bằng những công cụ và chế tài cụ thể thông qua Luật và văn bản cụ thể. Khi một bên có quyền quản lý bên khác thì không thể có mối quan hệ cạnh tranh với nhau.

Khi doanh nghiệp thực hiện một hành vi gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước thì Nhà nước sẽ có biện pháp xử lý, tùy thuộc vào mức độ gây thiệt hại mà Nhà nước có thể áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Xét về mối quan hệ giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng thì cũng không có mối quan hệ cạnh tranh với nhau, mà chỉ tồn tại mối quan hệ dân sự thông qua việc người tiêu dùng mua hàng hóa hoặc dịch vụ của doanh nghiệp.

Người tiêu dùng có mục tiêu là sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu thực tế của họ, còn doanh nghiệp thì có mục tiêu là bán hàng và thu về lợi nhuận, do đó giữa hai chủ thể này không cùng mục tiêu và do vậy cũng không có mối quan hệ cạnh tranh với nhau.

II. Đặc điểm của cạnh tranh không lành mạnh

– Hành vi cạnh tranh không lành mạnh được thực hiện bởi chủ thể là doanh nghiệp.

Theo định nghĩa được nêu tại khoản 6 Điều 3 LCT 2018 thì “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp”. Điều này sẽ loại bỏ những cá nhân khi thực hiện những hành vi tương tự và sẽ không bị xử lý theo chế tài cạnh tranh.

Trên thực tế, người tiêu dùng khi mua sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ thì họ có quyền đánh giá, nhận xét về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đó, dù cho nhận xét, đánh giá đó có ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp đó thì đó cũng không bị xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bởi mục đích của người tiêu dùng khi đánh giá, nhận xét chỉ là do bức xúc hoặc vì lợi ích của những người tiêu dùng khác, chứ không phải mục đích của họ là nhằm cạnh tranh với doanh nghiệp.

Tại Điều 3 LCT 2018 cũng đã giới hạn đối tượng áp dụng bao gồm: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh (sau đây gọi chung là doanh nghiệp); Hiệp hội ngành, nghề hoạt động tại Việt Nam; Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan” 3

Chủ thể “Cá nhân có liên quan” ở đây phải được hiểu là cá nhân có hoạt động kinh doanh, người của doanh nghiệp (chủ sở hữu doanh nghiệp, người đại diện, người quản lý doanh nghiệp,…) khi thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

– Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi “trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh”.

Hầu hết các hành vi cạnh tranh không lành mạnh thường được xem xét đến lỗi cố ý của chủ thể vi phạm, mặc dù doanh nghiệp đó biết, hoặc buộc phải biết đến các nguyên tắc và chuẩn mực đó nhưng vẫn cố tình vi phạm thì đó là hành vi cạnh tranh không lành mạnh điển hình.

Quy định về “nguyên tắc và chuẩn mực trong kinh doanh” đã được LCT 2018 mở rộng hơn và chi tiết hơn so với quy định trong LCT 2004. Tại khoản 4 Điều 3 LCT 2004 chỉ đưa ra tiêu chí “trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh”.

Tuy nhiên, nguyên tắc “thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh” trong LCT 2018 vẫn là một khái niệm khá mơ hồ và chưa có tiêu chí đánh giá hay giải thích cụ thể. Việc xem xét, đánh giá nó hiện nay chủ yếu vẫn theo suy đoán chủ quan của cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh hoặc Tòa án.

– Hành vi cạnh tranh không lành mạnh xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.

Doanh nghiệp có quyền tự do lựa chọn hình thức kinh doanh để cạnh tranh với các doanh nghiệp khác, tuy nhiên nếu hình thức cạnh tranh đó mà xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác thì sẽ bị cấm. Nói cách khác, một hành vi chỉ bị xem là cạnh tranh không lành mạnh khi nó xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều hình thức cạnh tranh mặc dù có ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp khác nhưng vẫn không bị xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Ví dụ trường hợp doanh nghiệp A thực hiện hành vi “khuyến mại giảm giá” khiến cho khách hàng của doanh nghiệp B chuyển sang mua hàng của A nhiều hơn, mặc dù có ảnh hưởng đến lợi ích nhất định (doanh thu bán hàng) của B nhưng đó không bị xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Để một hành vi bị xem là cạnh tranh không lành mạnh thì cần xem xét nhiều yếu tố về hành vi, mục đích, hậu quả và quy định pháp luật có liên quan thì mới có thể kết luận chính xác. Để làm rõ hơn, dưới đây Công ty Luật Nhân Hậu phân tích chi tiết các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm theo LCT 2018.

III. Phân tích các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm

1. Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh

a) Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;

Theo quy định này, để một hành vi bị coi là cạnh tranh không lành mạnh thì phải đáp ứng được các yêu cầu sau:

– Thứ nhất, tài liệu đó phải là thông tin bí mật kinh doanh. Bí mật kinh doanh có thể được hiểu là những thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh. Như vậy, một tài liệu được xem là bí mật kinh doanh nó phải đáp ứng được các yếu tố như:

+ Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được

+ Có đầu tư tài chính, trí tuệ để tạo ra được bí mật kinh doanh

+ Tài liệu đó chưa từng được công bố ra bên ngoài

+ Khi sử dụng nó, người sử dụng có thể có lợi thế trong kinh doanh

– Thứ hai, có hành vi tiếp cận thông tin bí mật trong kinh doanh của doanh nghiệp khác. Chỉ cần doanh nghiệp khác có hành vi tiếp cận mà chưa cần sử dụng hoặc phát tán thông tin bí mật kinh doanh của doanh nghiệp khác đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

– Thứ ba, bí mật kinh doanh đó phải được bảo vệ bằng các biện pháp bảo mật. Trong trường hợp một tài liệu được xem là bí mật kinh doanh nhưng chủ sở hữu không bảo vệ nó, để ở một nơi mà ai cũng có thể tiếp cận được, ai cũng có thể xem được thì khi doanh nghiệp khác tiếp cận bằng hình thức này thì không vi phạm quy định, do đó không bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Ví dụ: Khi một tài liệu về công thức chế tạo của doanh nghiệp A được cất trong tủ có khóa, hoặc được lưu trữ trên đám mây có mật khẩu mà doanh nghiệp khác cố tình phá khóa hoặc thuê hacker xâm nhập, tiếp cận tài liệu đó thì hành vi chống lại các biện pháp bảo mật này là dấu hiệu của hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Tiếp cận thông tin bí mật kinh doanh là một trong những hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, cụ thể tại Khoản 1 Điều 16 Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi này như sau:

– Mức phạt xử lý vi phạm hành chính: Phạt tiền từ 200 – 300 triệu đồng.

– Hình thức xử phạt bổ sung:

+ Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm

+ Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc vi phạm

b) Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

Hành vi tiết lộ hoặc sử dụng thông tin bí mật kinh doanh khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, theo đó chỉ khi chủ sở hữu đồng ý thì mới được sử dụng hoặc tiết lộ ra bên ngoài.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều hình thức nhượng quyền thương mại, đây là một trong những hình thức có thể thấy rõ nhất trong việc chủ sở hữu bí mật kinh doanh cho phép người khác sử dụng bí mật kinh doanh của mình mà người sử dụng hoặc tiết lộ không vi phạm pháp luật.

Ví dụ: Các quán cafe nhượng quyền thương mại, trong hợp đồng nhượng quyền thì bên nhượng quyền đồng ý cho bên nhận nhượng quyền được phép sử dụng công thức pha chế của mình trong thời hạn hợp đồng. Khi sử dụng, người nhận nhượng quyền không vi phạm quy định pháp luật, bởi chủ sở hữu đã đồng ý cho phép sử dụng trong thời gian nhượng quyền.

Tuy nhiên, sau khi hết hạn hợp đồng nhượng quyền, nếu các bên không tiếp tục hợp đồng  nhượng quyền và các bên không có thỏa thuận gì thêm, nhưng sau đó bên nhận nhượng quyền mở một quán cafe khác và sử dụng công thức đó để pha chế bán cho khách hàng thì đó là một dấu hiệu của hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Lưu ý: Trong trường hợp người nhận nhượng quyền sử dụng công thức đó để tự pha đồ uống cho mình uống, không bán cho khách hàng các sản phẩm từ công thức đó thì không vi phạm pháp luật, bởi hành vi tự pha tự uống đó không có mục đích kinh doanh cho nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật cạnh tranh 2018.

Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật kinh doanh là một trong những hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính. Cụ thể tại Khoản 1 Điều 16 Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi này như sau:

– Mức phạt xử lý vi phạm hành chính: Phạt tiền từ 200 – 300 triệu đồng.

– Hình thức xử phạt bổ sung:

+ Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm

+ Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc vi phạm

2. Ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó.

Ép buộc khách hàng, đối tác của doanh nghiệp khác là một trong những hành vi thể hiện rõ nhất đặc điểm “trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh” mà pháp luật đã cấm.

Hành vi này không chỉ tác động trực tiếp đến đối thủ cạnh tranh, gây thiệt hại cho đối thủ mà còn tạo ra những hệ lụy xấu cho đối thủ cạnh tranh và có thể tạo ra những xáo trộn trên thị trường, thậm trí là gây mất an ninh trật tự xã hội.

Tại Điều 127 Bộ luật dân sự 2015 nêu định nghĩa “Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình” 4.

Đối chiếu Điều này với quy định tại khoản 2 Điều 45 Luật cạnh tranh 2018, ta có thể hiểu khái niệm đe dọa, ép buộc của hành vi cạnh tranh không lành mạnh “là hành vi cố ý của một bên hoặc bên thứ ba làm cho khách hàng, đối tác của doanh nghiệp khác lo sợ thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình sẽ xảy ra nếu tiếp tục giao dịch với doanh nghiệp này, từ đó buộc phải ngừng giao dịch hoặc không giao dịch với doanh nghiệp đó nhằm tránh hậu quả/thiệt hại có thể xảy ra”.

Ví dụ: Doanh nghiệp A sản xuất và kinh doanh chuột máy tính mà cấm nhân viên không được sử dụng chuột máy tính của doanh nghiệp đối thủ B, nếu nhân viên sử dụng chuột máy tính của B thì sẽ bị hạ điểm thi đua và không được xem xét tăng lương, thăng chức. Như vậy, đây là hành vi có dấu hiệu ép buộc trong kinh doanh bị cấm.

Trong trường hợp chủ thể vi phạm mà đe dọa sử dụng vũ lực để ép buộc khách hàng, đối tác của doanh nghiệp khác nếu có dấu hiệu của tội phạm thì cơ quan chức năng sẽ không áp dụng pháp luật cạnh tranh để giải quyết vụ việc, mà sẽ chuyển hồ sơ sang cho cơ quan chức năng có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật kinh doanh là một trong những hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm. Tại Điều 17 Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi này như sau:

– Mức xử phạt:

+ Phạt tiền từ 100 – 200 triệu đồng (trường hợp vi phạm trên 2 tỉnh thành trở lên thì bị phạt tiền gấp 2 lần)

+ Trường hợp ép buộc khách hàng hoặc đối tác lớn nhất của doanh nghiệp khác thì bị phạt tiền từ 200 – 3000 triệu đồng (trường hợp vi phạm trên 2 tỉnh thành trở lên thì bị phạt tiền gấp 2 lần)

– Hình thức xử phạt bổ sung:

+ Tịch thu tang vật, phương tiện  sử dụng để vi phạm

+ Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc vi phạm.

3. Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác là hành vi cạnh tranh không lành mạnh phổ biến hiện nay, khi mà mạng xã hội và công nghệ phát triển mạnh mẽ thì việc các doanh nghiệp đối thủ công kích nhau trên không gian mạng là rất dễ dàng và hầu như rất khó để có thể xác định được chủ thể thực hiện hành vi, bởi tất cả đều được thực hiện bằng tài khoản ảo và rất khó để chứng minh chủ thể vi phạm đã thực hiện hành vi là ai.

Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác được hiểu là truyền đưa, phát tán thông tin sai sự thật về doanh nghiệp đối thủ hoặc doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, dịch vụ cùng loại, những thông tin sai sự thật này gây hậu quả làm ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến doanh nghiệp khác.

Trong quy định này, pháp luật chỉ đưa ra hành vi “Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác” làm mệnh đề đánh giá hành vi cạnh tranh không lành mạnh, tuy nhiên trong trường hợp doanh nghiệp đối thủ cung cấp thông tin có thật để bêu xấu uy tín của đối thủ nhưng thông tin có thật đó bị thiếu, không đầy đủ khiến cho người tiêu dùng, khách hàng hiểu không chính xác về tình hình thực tế thì theo quy định hiện tại, liệu hành vi đó có vi phạm hay không? Theo quan điểm của công ty Luật tại TPHCM cần thêm quy định về hành vi “cung cấp thông tin không đầy đủ về doanh nghiệp khác” vào Điều luật để không bỏ sót hành vi vi phạm.

Tại khoản 4 Điều 39 Luật cạnh tranh 2004 quy định hành vi này là “Gièm pha doanh nghiệp khác”. Từ “gièm pha” có nghĩa rộng hơn để đánh giá nhưng cũng chưa rõ ràng, mơ hồ. Luật cạnh tranh 2018 đã cụ thể hóa hành vi bằng hậu quả “ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó”, tuy nhiên còn thiếu trường hợp cung cấp thông tin bị thiếu, không đầy đủ.

Về hình thức, chủ thể vi phạm có thể thực hiện hành vi trực tiếp thông qua việc tung tin sai sự thật về doanh nghiệp khác, hoặc gián tiếp bằng cách cung cấp thông tin, tài liệu cho bên thứ ba (truyền thông, báo chí…) để bôi xấu uy tín, danh dự của doanh nghiệp đối thủ.

Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác là một trong những hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm. Tại Điều 18 Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi này như sau:

– Mức xử phạt:

+ Phạt tiền từ 100 – 200 triệu đồng khi gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác (trường hợp vi phạm trên 2 tỉnh thành trở lên thì bị phạt tiền gấp 2 lần)

+ Phạt tiền từ 200  -300 triệu đồng khi trực tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác (trường hợp vi phạm trên 2 tỉnh thành trở lên thì bị phạt tiền gấp 2 lần)

– Hình thức xử phạt bổ sung:

+ Tịch thu tang vật, phương tiện  sử dụng để vi phạm

+ Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc vi phạm.

– Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính công khai.

4. Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đó.

Quy định này không nêu ra định nghĩa hoặc mô tả chi tiết thế nào là hành vi gây rối hoạt động kinh doanh, tuy nhiên có đưa ra các tiêu chí về hậu quả là “làm cản trở, gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp khác”. Đây là điểm mới được đưa ra với những tiêu chí cụ thể hơn so với quy định cũ trong Luật cạnh tranh 2004.

Như vậy, điều kiện của hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác là có hậu quả “làm cản trở, gián đoạn hoạt động kinh doanh”, hay nói cách khác là làm cho doanh nghiệp khác không thể hoạt động một cách bình thường.

Ví dụ: Doanh nghiệp A cung cấp dịch vụ taxi, ngày 20/12/2022, A có trương chình khuyến mãi “đi xe tặng quà” khiến cho khách hàng đặt xe của A nhiều hơn, đối thủ của A thấy vậy thì sử dụng phần mềm tạo cuộc gọi ảo để liên tục gọi vào tổng đài của A khiến cho tổng đài của A liên tục trong trang thái máy bận, dẫn tới tình trạng khách hàng không thể gọi điện được cho doanh nghiệp A để đặt xe. Trong khi đó, đặt xe taxi là trường hợp cần thiết ngay thời điểm khách hàng gọi điện, nếu không đáp ứng được khách hàng sẽ đặt taxi của hãng khác để di chuyển. Do đó hành vi này có dấu hiệu gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bị cấm.

5. Lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức so sánh, đưa thông tin gian dối gây nhầm lẫn

a) Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác;

Trên thị trường, cơ chế cạnh tranh chỉ được vận hành tốt nếu thông tin trên thị trường đó được minh bạch và công khai một cách đầy đủ, ngược lại thông tin không chính xác, sai lệch, hoặc thông tin bị thiếu sẽ dẫn tới hậu quả làm cản trở cạnh tranh. Do đó, pháp luật cạnh tranh quy định các hành vi “đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn” là hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm.

– Về hành vi đưa thông tin gian dối: Đó có thể là cung cấp thông tin không chính xác, đưa thông tin sai lệch so với thực tế để lừa dối khách hàng.

Ví dụ: Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản giới thiệu đến khách hàng dự án khu dân cư có các tiện ích như công viên cây xanh, bệnh viện, trường học, khu tích hợp thể thao đa năng, siêu thị,… Tuy nhiên, trên thực tế quy hoạch khu dân cư đó không có trường học. Như vậy đây là hành vi cung cấp thông tin gian dối về hàng hóa để thu hút khách hàng.

– Về hành vi đưa thông tin gây nhầm lẫn: Đó có thể đó là thông tin chính xác, nhưng nội dung bị thiếu khiến cho khách hàng hiểu lầm về sản phẩn, dịch vụ.

Ví dụ: Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản giới thiệu đến khách hàng về chương trình khuyến mãi “mua đất tặng xe máy Honda SH150i”. Tuy nhiên, khi khách hàng đến giao dịch thì doanh nghiệp yêu cầu khách hàng “phải mua 2 lô đất mới được tặng xe”. Như vậy, mặc dù thông tin là chính xác, nhưng nội dung cung cấp cho khách hàng bị thiếu khiến cho khách hàng nghĩ rằng cứ mua đất là sẽ được tặng xe, do đó hành vi nêu trên được coi là cung cấp thông tin gian dối về hàng hóa để thu hút khách hàng.

Ngoài ra, tại khoản 9 Điều 8 Luật quảng cáo 2012 cũng có quy định “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ…” 5cũng là hành vi bị cấm.

b) So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.

Đây là một quy định mới so với LCT 2004. Tại khoản 1 Điều 45 LCT 2004 quy định cấm quảng cáo “So sánh trực tiếp hàng hoá, dịch vụ của mình với hàng hoá, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác” 6. Như vậy, trong quy định cũ đã cấm tuyệt đối các hành vi quảng cáo so sánh trực tiếp, điều này cũng là một bất cập bởi đã vô tình ngăn cản quyền được nói lên sự thật của công dân, cụ thể ở đây là doanh nghiệp.

LCT 2018 đã phát triển và tiến bộ hơn khi mở cho doanh nghiệp được quyền so sánh, nhưng cũng áp đặt điều kiện là phải chứng minh được nội dung so sánh đó. Ngoài ra, LCT 2018 cũng loại bỏ từ “trực tiếp” nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh hơn so với quy định cũ.

Tuy nhiên, hiện tại trong Luật quảng cáo 2012 vẫn quy định “Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác” 7 là hành vi bị cấm.

Như vậy, cùng một hành vi mà không vi phạm Luật cạnh tranh nhưng lại vi phạm quy định trong Luật quảng cáo, điều này có thể dẫn tới tình trạng doanh nghiệp bị mất đi quyền của mình. Do đó Công ty Luật Nhân Hậu kiến nghị cần sửa đổi quy định trong Luật quảng cáo để thống nhất với quy định trong pháp luật cạnh tranh.

6. Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó.

Về nguyên tắc trong kinh doanh thì doanh nghiệp có quyền tự mình quyết định giá bán hàng hóa, dịch vụ do mình cung cấp (trừ một số trường hợp do Nhà nước định giá). Tuy nhiên nếu hạ giá bán hàng hóa, dịch vụ xuống mức dưới giá thành toàn bộ mà dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cùng loại thì bị cấm theo quy định pháp luật cạnh tranh.

Tại khoản 12 Điều 4 Luật giá 2012 quy định giá thành toàn bộ bao gồm: “Giá thành sản xuất hàng hóa, dịch vụ; giá mua hàng hoá, dịch vụ đối với tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại; Chi phí lưu thông để đưa hàng hoá, dịch vụ đến người tiêu dùng”8.

Theo quy định nêu trên thì khi một doanh nghiệp bán sản phẩm, dịch vụ thấp hơn so với thị trường, mặc dù có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác nhưng giá bán đó chưa dưới giá thành toàn bộ (hay nói cách khác là họ bán có lời) thì hành vi đó vẫn không vi phạm. Doanh nghiệp đó chỉ vi phạm khi bán với mức giá thấp hơn tổng chi phí mà doanh nghiệp đó tạo ra sản phẩm, dịch vụ đó, hay nói cách khác là doanh nghiệp đó đang bán lỗ.

Như vậy, tiêu chí “bán dưới giá thành toàn bộ” là tiêu chí quan trọng để đánh giá tác động có khả năng loại bỏ doanh nghiệp khác hay không. Tuy nhiên, việc đánh giá tác động này rất dễ bị nhầm lẫn với hành vi “lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền” được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 27 LCT 2018.

Tại điểm a khoản 1 Điều 27 LCT 2018 quy định “Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh” 9 là hành vi bị cấm.

Mặc dù hai hành vi này gần giống nhau nhưng vẫn có những điểm khác biệt để doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng dựa vào để đánh giá tác động, cụ thể:

– Đối với hành vi trong quy định “lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm” thì xem xét đến “đối thủ cạnh tranh”. Điều này có nghĩa là việc đánh giá tác động chỉ trong phạm vi nhóm doanh trên cùng thị trường liên quan và xem xét trên phạm vi địa lý liên quan.

– Còn đối với hành vi trong quy định “cạnh tranh không lành mạnh” thì xem xét đến “doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cùng loại”. Điều này cho phép cơ quan chức năng đánh giá tác động của hành vi trong phạm vi rộng hơn mà không bị khống chế trong phạm vi “thị trường địa lý liên quan”.

Trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm mà không thể xử lý đối với hành vi “lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền” thì cơ quan chức năng có thể mở rộng đánh giá tác động của hành vi “cạnh tranh không lành mạnh” nhằm không bỏ sót các hành vi vi phạm. Từ đó tạo lập và duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng.

7. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác bị cấm theo quy định của luật khác.

Quy định này mang tính dự phòng khi văn bản pháp luật khác có sửa đổi, bổ sung những quy định mới liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm. Cụ thể:

– Tại khoản 2 Điều 19 Luật viễn thông 2009 quy định các hành vi bị cấm như sau:

“a) Bù chéo dịch vụ viễn thông để cạnh tranh không lành mạnh;

b) Sử dụng ưu thế …gây khó khăn cho hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông khác;

c) Sử dụng thông tin thu được từ doanh nghiệp viễn thông khác vào mục đích cạnh tranh không lành mạnh;

d) Không cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp viễn thông khác thông tin kỹ thuật về phương tiện thiết yếu…” 10

– Tại khoản 1 Điều 130 Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh:

“a) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh…;

b) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về xuất xứ…;

c) Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ…;

d) Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm…”11

Như vậy, trên đây Công ty Luật Nhân Hậu chúng tôi đã phân tích các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm theo quy định Luật cạnh tranh 2018 hiện hành, hy vọng sẽ giúp doanh nghiệp có thể phát hiện ra hành vi cạnh tranh không lành mạnh hoặc phòng tránh vi phạm pháp luật, chúc các doanh nghiệp thành công!

5/5 - (2 votes)
  1. khoản 6 Điều 3 LCT 2018.
  2. khoản 4 Điều 3 Luật cạnh tranh 2004
  3. Điều 3 Luật cạnh tranh 2018.
  4. Điều 127 Bộ luật dân sự 2015.
  5. Khoản 9 Điều 8 Luật quảng cáo 2012.
  6. Khoản 1 Điều 45 Luật cạnh tranh 2004.
  7. Khoản 10 Điều 8 Luật quảng cáo 2012.
  8. Khoản 12 Điều 4 Luật giá 2012.
  9. Điểm a khoản 1 Điều 27 Luật cạnh tranh 2018.
  10. Khoản 2 Điều 19 Luật viễn thông 2009.
  11. Khoản 1 Điều 130 Luật sở hữu trí tuệ 2005

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *