Home / Dân sự / Các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự

Các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự

Biện pháp khẩn cấp tạm thời là gì? Chi phí áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là bao nhiêu tiền? Dưới đây công ty Luật Nhân Hậu sẽ phân tích các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự và điều kiện để áp dụng, từ đó đương sự có căn cứ để yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm phục vụ cho quá trình giải quyết vụ việc được hiệu quả.

Mục lục

I. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự

Tại Điều 114 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định có 17 biện pháp khẩn cấp tạm thời như sau:

1. Giao người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.

Biện pháp khẩn cấp tạm thời này chỉ được Tòa án áp dụng nếu những người này có liên quan đến vụ án dân sự nhưng họ chưa có người giám hộ.

Trong trường hợp các đương sự hoặc những người tham gia tố tụng khác không yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Tòa án vẫn có quyền tự mình áp dụng biện pháp này.

Biện pháp khẩn cấp tạm thời này thường được Toà án áp dụng khi giải quyết các vụ án về hôn nhân và gia đình như vụ án ly hôn, tước quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên của bố mẹ.

Ví dụ: Khi giải quyết vụ án ly hôn mà người chồng đang phải chấp hành hình phạt tù, còn người vợ thì đang trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (mắc bệnh hiểm nghèo, tàn tật,…) thì Tòa án sẽ ra quyết áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, giao người con chưa thành niên cho một người khác trông non, nuôi dưỡng, giáo dục.

Đối với người chưa thành niên từ đủ 17 tuổi trở lên, trước khi giao cho người khác  trông nom, nuôi dưỡng, giáo dục thì phải xem xét nguyện vọng của người đó.

2. Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng.

Biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ được Tòa án áp dụng nếu vụ án có liên quan đến yêu cầu cấp dưỡng và xét thấy yêu cầu đó là có căn cứ và nếu không thực hiện trước ngay một phần nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống của người đó.

Nghĩa vụ cấp dưỡng được hiểu là việc chu cấp tiền bạc giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng.

Ví dụ: Trong vụ án xác định cha cho con, nguyên đơn yêu cầu Tòa án xác định ông A là cha cháu C (12 tuổi), mẹ cháu C mất năng lực hành vi dân sự, cháu C không có ai nuôi dưỡng, chăm sóc, không có người thân thích. Bà D có đầy đủ điều kiện quy định tại Điều 49 Bộ luật Dân sự tự nguyện đảm nhận việc giám hộ thì Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời giao cháu C cho bà D nuôi dưỡng, chăm sóc trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án.

Đối với biện pháp khẩn cấp tạm thời này, trong trường hợp đương sự và những người tham gia tố tụng khác không yêu cầu thì Tòa án có quyền tự mình quyết định áp dụng và buộc bên có nghĩa vụ phải thực hiện cấp dưỡng trước một phần.

3. Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm.

Biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm chỉ được Tòa án quyết định áp dụng nếu vụ án đó có liên quan đến yêu cầu bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm.

Ví dụ: A gây thương tích cho B. Tòa án đang giải quyết vụ án yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm. B cần tiền ngay để điều trị thương tích tại bệnh viện nên B yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc A thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm.

Để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này, người yêu cầu cũng như Tòa án cần xác minh các vấn đề sau đây:

– Có thiệt hại xảy ra trên thực tế: Thiệt hại có thể là về vật chất và tinh thần của người bị xâm phạm

– Có hành vi vi phạm pháp luật: Hành vi vi phạm pháp luật có thể là hành động hoặc không hành động dẫn tới hậu quả gây ra thiệt hại

– Giữa hành vi và thiệt hại có mối quan hệ nhân quả: Thiệt hại đó phải do hành vi của người vi phạm gây ra, hay nói cách khác là hành vi đó là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại.

– Phải có lỗi cố ý hoặc vô ý của người gây ra thiệt hại: Tùy từng trường hợp cụ thể mà lỗi cố ý hoặc vô ý gây ra thiệt hại sẽ phải bồi thường theo quy định pháp luật.

Khi xét thấy cần thiết, đương sự hoặc những người tham gia tố tụng khác có thể yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm.

Trong trường hợp đương sự hoặc những người có liên quan khác không yêu cầu thì Tòa án có quyền tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp này và buộc bên có nghĩa vụ phải thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường.

4. Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, bảo hiểm, chi phí cứu chữa, bồi thường, trợ cấp cho người lao động

Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình về tiền lương, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí cứu chữa tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp thì người lao động có thể yêu cầu Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc người sử dụng lao động phải tạm ứng trước các khoản tiền theo quy định pháp luật.

Ví dụ: Khi giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp, Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc doanh nghiệp phải tạm ứng tiền lương, bảo hiểm cho người lao động.

Hoặc khi người lao động bị tai nạn lao động trong quá trình làm việc phải nhập viện cấp cứu ngay để chữa trị, hoàn cảnh của người lao động khó khăn nhưng người sử dụng lao động chờ kết quả xác minh nguyên nhân xảy ra tai nạn mới chi trả các khoản tiền đó thì lúc này, người đại diện hoặc người được ủy quyền có thể yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc người sử dụng lao động phải tạm ứng trước một khoản tiền chi phí cứu chữa tai nạn lao động.

Trong trường hợp người lao động không có yêu cầu thì Tòa án có thể tự mình ra quyết định yêu cầu người lao động phải tạm ứng trước các khoản tiền cần thiết cho người lao động và buộc người sử dụng lao động phải thực hiện.

5. Tạm đình chỉ thi hành quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, quyết định sa thải người lao động.

Biện pháp khẩn cấp tạm thời này chỉ được Tòa án áp dụng nếu vụ án có liên quan đến đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, sa thải người lao động thuộc trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc không được xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

– Các trường hợp người lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động:

+ Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền (trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 của Bộ luật lao động)

+ Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.

+ Người lao động là nữ đang mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

– Các trường hợp người lao động không được xử lý kỷ luật bằng hình thức sa thải

+ Bao gồm các trường hợp không được đơn phương chấm dứt hợp đồng

+ Đã hết thời hiệu kỷ luật sa thải

+ Đang chờ kết quả  điều tra về hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc

+ Đang chờ kết quả  điều tra về hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động,…

Trong trường hợp người lao động không có yêu cầu thì Tòa án có quyền tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc người sử dụng lao động tạm đình chỉ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, quyết định sa thải người lao động.

6. Kê biên tài sản đang tranh chấp.

Biện pháp khẩn cấp tạm thời “kê biên tài sản đang tranh chấp” chỉ được Tòa án quyết định áp dụng khi có đơn yêu cầu và có căn cứ cho thấy người đang giữ tài sản tranh chấp đó có hành vi tẩu  tán tài sản, hủy hoại tài sản.

Tài sản bị kê biên có thể được thu giữ, bảo quản tại cơ quan thi hành án dân sự hoặc lập biên bản giao cho một bên đương sự hoặc người thứ ba quản lý cho đến khi có quyết định của Tòa án.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người đang giữ tài sản có hành vi tẩu tán tài sản hoặc hủy hoại tài sản thì một trong các bên đương sự có thể làm đơn yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, kê biên tài sản đang tranh chấp. Nếu không làm đơn yêu cầu thì Tòa án sẽ không ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Tại điều 7 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP quy định, Tòa án chỉ được ra quyết định biên tài sản đang tranh chấp khi có đủ các căn cứ sau đây:

– Tài sản đang tranh chấp là đối tượng của quan hệ tranh chấp mà Tòa án đang thụ lý giải quyết.

– Có tài liệu, chứng cứ chứng minh người giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản đó.

Ví dụ: Đương sự phát hiện người đang giữ tài sản đập phá tài sản, sau đó mời Thừa phát lại đến lập vi bằng để xác định việc người giữ tài sản có hành vi đập phá tài sản đang tranh chấp.

Biện pháp bảo đảm: Khi yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản đang tranh chấp thì người yêu cầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm, bằng cách nộp một khoản tiền vào tài khoản ngân hàng phong tỏa nơi trụ sở Tòa án quyết định. Số tiền nộp vào do Tòa án ấn định và tương đương với phần kê biên tài sản.

Trong trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó là trái quy định và gây ra hậu quả cho người bị kê biên tài sản thì số tiền bảo đảm đó được sử dụng để khắc phục hậu quả.

7. Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.

Biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp” chỉ được Tòa án áp dụng nếu đương sự có đơn yêu cầu và phải có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác.

Đối với những tài sản sau đây thì không được Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp:

– Tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mà biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba theo quy định tại Điều 297 Bộ luật dân sự 2015, trừ trường hợp người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đồng thời là bên nhận bảo đảm;

– Tài sản đã được tổ chức bán đấu giá và người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác.

Biện pháp bảo đảm: Người yêu cầu “Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp” phải nộp một khoản tiền vào tài khoản ngân hàng phong tỏa, số tiền nộp do Tòa án ấn định tương đương với với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng.

Trong trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó là không đúng và gây ra hậu quả cho người bị phong tỏa tài khoản thì số tiền bảo đảm đó được sử dụng để khắc phục hậu quả.

8. Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp.

Biện pháp Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp chỉ được Tòa án áp dụng nếu có đơn yêu cầu và có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tháo gỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản đó.

Khi nhận được đơn yêu cầu, Tòa án căn cứ để thu thập, bảo vệ chứng cứ của vụ án đang do Tòa án thụ lý, giải quyết trong trường hợp đương sự cản trở việc thu thập chứng cứ hoặc chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được thì Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp”.

Ví dụ: A khởi kiện tranh chấp ranh giới bất động sản liền kề với B, A yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp, buộc B giữ nguyên hiện trạng mốc giới ngăn cách đất, không được di dời.

Biện pháp bảo đảm: Người yêu cầu “Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp” phải nộp một khoản tiền vào tài khoản ngân hàng phong tỏa, số tiền nộp do Tòa án ấn định tương đương với với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng.

Trong trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó là không đúng và gây ra hậu quả cho người bị phong tỏa tài khoản thì số tiền bảo đảm đó được sử dụng để khắc phục hậu quả.

9. Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác.

Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có tài sản đang tranh chấp hoặc liên quan đến tranh chấp mà có hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác ở thời kỳ thu hoạch hoặc không thể bảo quản được lâu dài.

Chỉ khi đương sự có yêu cầu thì Tòa án mới áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này

10. Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ.

– Biện pháp khẩn cấp tạm thời “Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước” chỉ được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

Ví dụ: A kiện B yêu cầu trả 500 triệu đồng tiền vay trước đó, để bảo đảm cho quá trình giải quyết trả nợ được thực hiện, A làm đơn yêu cầu Tòa án phong tỏa tài khoản ngân hàng của B đang có 800 triệu đồng, trong đó chỉ phong tỏa số tiền 500 triệu đồng, còn 300 triệu đồng thì không yêu cầu phong tỏa.

– Phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản đang gửi giữ và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

Ví dụ: A khởi kiện đòi nợ B số tiền 600 triệu đồng, B có một sổ tiết kiệm 500 triệu đồng đang gửi ở ngân hàng, để bảo đảm cho việc thu hồi nợ, A làm đơn yêu cầu Tòa án phong tỏa sổ tiết kiệm của B tại ngân hàng.

– Trường hợp không được phong tỏa tài khoản ngân hàng:

+ Tài khoản của doanh nghiệp sử dụng để thanh toán nghĩa vụ đối với tổ chức tín dụng theo thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng thì không được phong tỏa.

+ Doanh nghiệp chỉ có một tài khoản duy nhất mà khi phong tỏa toàn bộ sẽ dẫn đến phá sản doanh nghiệp đó thì không được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Biện pháp bảo đảm: Người yêu cầu “Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ” phải nộp một khoản tiền vào tài khoản ngân hàng phong tỏa, số tiền nộp do Tòa án ấn định tương đương với với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng.

Trong trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó là không đúng và gây ra hậu quả cho người bị phong tỏa tài khoản thì số tiền bảo đảm đó được sử dụng để khắc phục hậu quả.

11. Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ.

Biện pháp khẩn cấp tạm thời “Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ” chỉ được Tòa án áp dụng nếu có đơn yêu cầu và có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

Ví dụ: A khởi kiện B yêu cầu trả số tiền 1 tỷ đồng nợ trước đó, để bảo đảm cho việc thu hồi khoản nợ được thực hiện thì A có thể làm đơn yêu cầu Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, phong tỏa tài sản của B là một thửa đất trị giá 900 triệu đồng.

– Trường hợp không được phong tỏa tài sản:

+ Tài sản bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật; tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng

+ Tài sản của cá nhân gồm: Lương thực đáp ứng nhu cầu thiết yếu; thuốc cần dùng để phòng, chữa bệnh; vật dụng cần thiết của người tàn tật, vật dụng dùng để chăm sóc người ốm; đồ dùng thờ cúng thông thường theo tập quán ở địa phương; công cụ lao động cần thiết, có giá trị không lớn được dùng làm phương tiện sinh sống thiết yếu của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; đồ dùng sinh hoạt thiết yếu;

+ Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gồm: Thuốc phục vụ việc phòng, chữa bệnh cho người lao động; lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn cho người lao động; nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này, nếu không phải là tài sản để kinh doanh; trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường.

Biện pháp bảo đảm: Người yêu cầu “Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ” phải nộp một khoản tiền vào tài khoản ngân hàng phong tỏa, số tiền nộp do Tòa án ấn định tương đương với với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng.

Trong trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó là không đúng và gây ra hậu quả cho người bị phong tỏa tài sản thì số tiền bảo đảm đó được sử dụng để khắc phục hậu quả.

12. Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định.

Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoặc không thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có liên quan trong vụ án đang được Tòa án giải quyết.

Tại Điều 8 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP quy định: Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

– Ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án là trường hợp đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoặc không thực hiện một hoặc một số hành vi cản trở quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ hoặc có hành vi khác gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án.

Ví dụ: Khi xem xét, thẩm định tại chỗ, bị đơn là ông B khóa cửa không cho vào thẩm định. Theo yêu cầu của nguyên đơn thì Tòa án có thể áp dụng biện pháp buộc ông B mở cửa để xem xét, thẩm định tại chỗ.

– Ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có liên quan trong vụ án đang được Tòa án giải quyết là trường hợp người bị ảnh hưởng không phải là đương sự trong vụ án nhưng việc thực hiện hoặc không thực hiện một hoặc một số hành vi của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người đó.

13. Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ.

Biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ chỉ được Tòa án ra quyết định áp dụng nếu có căn cứ cho thấy người đó có nghĩa vụ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc để bảo đảm việc thi hành án.

Tại Điều 9 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP quy định việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất cảnh được áp dụng khi có đủ hai căn cứ sau đây:

– Người bị áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh là đương sự đang bị đương sự khác yêu cầu Tòa án buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ

– Việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc để bảo đảm việc thi hành án.

Ví dụ: Tòa án đang thụ lý giải quyết vụ án, ông A khởi kiện yêu cầu ông B bồi thường 10 tỷ đồng, ông B không có người đại diện, không có tài sản ở Việt Nam. Ông B làm thủ tục xuất cảnh nên ông A yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất cảnh đối với ông B.

Đối với người nước ngoài thì Tòa án không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ mà áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh theo quy định tại Điều 28, Điều 29 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

14. Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình.

Biện pháp “Cấm người có hành vi bạo lực gia đình tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình” được áp dụng nếu biện pháp đó là cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự của nạn nhân bạo lực gia đình theo quy định của Luật phòng chống bạo lực gia đình.

Ví dụ: Trong vụ việc yêu cầu thay đổi người nuôi con sau ly hôn, người chồng được xác định là có hành vi bạo lực gia đình, cụ thể là bạo lực đối với người con thì người vợ có thể làm đơn yêu cầu Tòa án quyết định áp dụng biện pháp cấm người chồng không được tiếp xúc với người con.

15. Tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu.

Biện pháp “Tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động liên quan đến việc đấu thầu” bao gồm: Tạm dừng việc đóng thầu, phê duyệt danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, ký kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng.

Biện pháp này chỉ được Tòa án ra quyết định áp dụng nếu có đơn yêu cầu và có căn cứ cho thấy việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

Biện pháp bảo đảm: Người yêu cầu “Tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động liên quan đến việc đấu thầu” phải nộp một khoản tiền vào tài khoản ngân hàng phong tỏa, số tiền nộp do Tòa án ấn định tương đương với với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng.

Trong trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó là không đúng và gây ra hậu quả cho người bị phong tỏa tài sản thì số tiền bảo đảm đó được sử dụng để khắc phục hậu quả.

16. Bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án.

Tòa án chỉ ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bắt giữ tàu bay khi có đơn yêu cầu và việc áp dụng biện pháp này để bảo đảm giải quyết vụ án dân sự mà vụ án đó do chủ sở hữu tàu bay, chủ nợ trong trường hợp tàu bay là tài sản bảo đảm, người bị thiệt hại do tàu bay đang bay gây ra hoặc người có quyền, lợi ích liên quan đối với tàu bay khởi kiện theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng Việt Nam.

– Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bắt giữ tàu biển trong các trường hợp sau đây:

+ Tàu biển bị yêu cầu bắt giữ để bảo đảm việc giải quyết khiếu nại hàng hải mà người yêu cầu bắt giữ tàu biển đã khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án;

+ Chủ tàu là người có nghĩa vụ về tài sản trong vụ án đang giải quyết và vẫn là chủ tàu tại thời điểm áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bắt giữ tàu biển;

+ Người thuê tàu trần, người thuê tàu định hạn, người thuê tàu chuyến hoặc người khai thác tàu là người có nghĩa vụ về tài sản trong vụ án dân sự phát sinh từ khiếu nại hàng hải theo quy định của Bộ luật hàng hải Việt Nam và vẫn là người thuê tàu trần, người thuê tàu định hạn, người thuê tàu chuyến, người khai thác tàu hoặc là chủ tàu tại thời điểm áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bắt giữ tàu biển;

+ Tranh chấp đang được giải quyết trong vụ án phát sinh trên cơ sở của việc thế chấp tàu biển đó;

+ Tranh chấp đang được giải quyết trong vụ án liên quan đến quyền sở hữu hoặc quyền chiếm hữu tàu biển đó.

Biện pháp bảo đảm: Người yêu cầu “Bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án” phải nộp một khoản tiền vào tài khoản ngân hàng phong tỏa, số tiền nộp do Tòa án ấn định tương đương với với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng.

Trong trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó là không đúng và gây ra hậu quả cho người bị phong tỏa tài sản thì số tiền bảo đảm đó được sử dụng để khắc phục hậu quả.

17. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà luật có quy định

Ngoài các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản từ khoản 1 đến khoản 16 Điều 114 của Bộ luật này, Tòa án có trách nhiệm giải quyết yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác do luật khác quy định.

Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà luật có quy định có thể là thu giữ, niêm phong (được áp dụng đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ),…

II. Chi phí áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự

Chi phí áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự là khoản tiền, tài sản dự kiến và tạm tính có tính chất tương đối thiệt hại thực tế có thể xảy ra nhưng không thấp hơn 20% giá trị tạm tính của tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, trừ trường hợp có chứng cứ rõ ràng tổn thất hoặc thiệt hại thấp hơn 20%.

Như vậy, chi phí áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự là khoản tiền, tài sản tương đương với với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng. Số tiền này được dùng để khắc phục hậu quả khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng và gây ra thiệt hại.

Ví dụ: Anh A đang chiếm giữ một chiếc xe ôtô tải, anh B cho rằng chiếc xe đó thuộc sở hữu của hai người (A và B). Anh B cho rằng anh A có ý định bán chiếc xe ôtô đó nên đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản đang tranh chấp là chiếc xe ôtô tải. Sau khi anh A dự kiến, tạm tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng (nếu sau này Tòa án quyết định chiếc xe ôtô đó thuộc quyền sở hữu của anh A), việc ấn định một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá phải tùy từng trường hợp cụ thể như sau:

Trường hợp anh B có căn cứ cho rằng anh A bán chiếc xe ôtô đó (có bản sao hợp đồng mua bán) thì căn cứ vào hợp đồng mua bán, các quy định của pháp luật về hợp đồng mua bán để ấn định. Giả sử trong hợp đồng có tiền đặt cọc mà quá hạn không giao ôtô thì bên mua không mua, bên bán phải trả cho bên mua tiền đặt cọc và một khoản tiền bằng tiền đặt cọc; nếu ôtô bị kê biên vẫn giao cho anh A quản lý, sử dụng thì thiệt hại thực tế có thể xảy ra chỉ là khoản tiền bằng tiền đặt cọc; nếu ôtô bị kê biên được giao cho người thứ ba bảo quản thì thiệt hại thực tế có thể xảy ra còn bao gồm tiền trả thù lao, thanh toán chi phí bảo quản cho người bảo quản và thiệt hại do không khai thác công dụng ôtô.

Trường hợp anh B chỉ có các thông tin là anh A đang muốn bán ôtô và ôtô bị kê biên được giao cho người thứ ba quản lý thì thiệt hại thực tế có thể xảy ra bao gồm tiền trả thù lao, thanh toán chi phí bảo quản cho người bảo quản và thiệt hại do không khai thác công dụng ôtô; nếu ôtô bị kê biên vẫn giao cho anh A quản lý, sử dụng thì có thể không có thiệt hại thực tế xảy ra.

Tại Điều 12 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP quy định, người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải chứng minh về giá trị tài khoản, tài sản bị phong tỏa. Tòa án căn cứ vào tài liệu và quy định pháp luật để xác định giá trị tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

– Tòa án chỉ được phong tỏa tài khoản, tài sản có giá trị bằng hoặc thấp hơn nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện.

Ví dụ: A kiện đòi nợ B số tiền 500 triệu mà B có tài khoản ngân hàng 800 triệu thì chỉ được áp dụng biện pháp phong tỏa số tiền dưới 500 triệu trong ngân hàng của B.

– Trường hợp tài sản là vật không thể chia (không thể phong tỏa một phần tài sản) mà có giá trị cao hơn nghĩa vụ phải thực hiện thì Tòa án giải thích cho người yêu cầu biết để họ làm đơn yêu cầu áp dụng phong tỏa tài sản khác hoặc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác. Nếu họ vẫn giữ nguyên đơn yêu cầu, Tòa án căn cứ vào khoản 4 Điều 133 của Bộ luật Tố tụng dân sự không chấp nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của họ.

5/5 - (1 vote)

Bài nổi bật

Kinh nghiệm giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Kinh nghiệm tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *